GN - Sau khi Giác Ngộ online ngày 3-7 đăng tin “Giả sư chèo kéo, xin tiền Phật tử trên địa bàn Q.1”, nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc vì vấn nạn này, như dưới đây:
Giả sư là không phải tu sĩ, nhưng hóa trang thành tu sĩ vì mục đích cá nhân như: lừa đảo, bán nhang giá cao để “gây quỹ xây chùa” hoặc khất thực (nhận tiền của nhiều người)... và có thu lợi bất chính.
Đối tượng giả sư vẫn thường xuất hiện trên nhiều cung đường của TP.HCM, như trên đường đi làm từ Q.Thủ Đức lên Q.3, ngay đèn xanh đèn đỏ ở dưới chân cầu Rạch Chiếc (ngã ba Cát Lái) tôi vẫn thường thấy xuất hiện một vài người giả sư đầu trần đứng cầm bình bát và nhận tiền người đi đường.
Tại các chùa vẫn có người giả sư xin tiền người viếng và nhất là dịp lễ hội hay chùa có đón nhiều du khách như chùa Phước Hải (còn gọi là chùa Ngọc Hoàng) ở Q.1 (TP.HCM).
Đối với người đi chùa bình thường hay Phật tử thiếu tìm hiểu thông tin thì dễ bị đối tượng giả sư lừa, sẵn sàng móc tiền bỏ vào bình bát của họ và nghĩ mình đang làm phước. Chính hành động thiếu hiểu biết ấy đã nuôi dưỡng đối tượng tiếp tục hành nghề. Nói việc bỏ tiền vào bát của nhà sư (giả hay thật) cũng đều là thiếu hiểu biết bởi vì theo giới luật Phật chế, vị khất sĩ không được phép nhận tiền như vậy. Khất thực đúng nghĩa chỉ là nhận thức ăn do người dân, Phật tử chuẩn bị cúng (bỏ vào) bình bát, không nhận tiền bạc...
Đồng thời, nếu có truyền thống khất thực thì người khất thực (nhà sư) không phải đứng một chỗ ngay ngã tư đường, không vào nhà gõ cửa để xin và không đi một mình (nếu đúng thì thường đi từ 2 đến một nhóm tu sĩ), đặc biệt không đi khất thực sau 12g trưa (tức chỉ đi trong buổi sáng). Thực tế, ở Việt Nam truyền thống này chỉ còn duy trì ở một số miền quê có Phật giáo Nam tông Khmer, hay ở Huế có Huyền Không Sơn Thượng...
Còn ở TP.HCM, được biết, BTS GHPGVN TP đã không còn cho phép việc khất thực được tự do (vì điều kiện không cho phép, trong đó có việc người giả sư dựa vào đó mà hành nghề, gây khó kiểm soát - dễ làm xấu hình ảnh những người tu chân chính). Theo đó, TP.HCM chỉ cho một số nơi tái hiện truyền thống khất thực trong những dịp lễ nào đó thôi.
Từ đó, có thể thấy rằng, nhiều người giả sư (ăn mặc lôi thôi - không trang nghiêm như nhà sư thật, đi khất thực một mình, nhận tiền hoặc gợi ý cúng tiền, đi khất thực sau 12g...) khá dễ để nhận ra. Nhất là ở TP.HCM, với chủ trương như đã nói trên, những người nào mang hình tướng tu sĩ đi khất thực trên đường, đứng ở ngã tư đèn đỏ có khả năng lớn là người giả sư đi lừa đảo lòng tin của người dân, Phật tử.
Chúng tôi thích chia sẻ của HT.Thích Phước Sơn trên GN 903, Phật tử nên tìm hiểu về giới luật tu sĩ để tránh những điều như cúng dường sai pháp, nuôi dưỡng cho nạn giả sư tồn tại hoài như lâu nay báo chí vẫn phản ánh!
Nguyễn Nguyên