Lại bàn về danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm

NSGN - Sở dĩ phải viết Lại bàn về, là vì vấn đề ấy chúng tôi đã bàn rồi, mà bàn cũng khá đầy đủ. Tức nơi bài viết “Góp phần đề nghị một đề cương biên dịch cho Đại tạng kinh Việt Nam” đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ số 107, 108, tháng 2, 3-2005, chúng tôi có giới thiệu tóm lược về nội dung của 9 bộ thuộc tạng kinh theo sự phân loại của Đại tạng kinh Đại chánh tân tu (ĐTK/ĐCTT), trong ấy có bộ Pháp hoa, là bộ thứ 4, với một số chi tiết tiêu biểu được ghi nhận từ 3 bản Hán dịch kinh Pháp hoa hiện có(1). Một số chi tiết tiêu biểu đó xin được nhắc lại ở đây, có bổ sung cùng kết hợp để vấn đề càng thêm sáng rõ.
Quan the am 1.jpg
Tôn dung Bồ-tát Quán Thế Âm thường được tôn thờ tại các chùa

Theo Phật Quang Đại từ điển (tr.2.848A-B) thì kinh Pháp hoa Hán dịch có tất cả 6 bản, hiện chỉ còn 3 bản. Đó là bản Hán dịch vào đời Tây Tấn (265-317) của Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304), thời điểm dịch xuất là năm 286 TL. Bản Hán dịch vào đời Diêu Tần (384-417) của Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413), thời điểm dịch xuất là năm 406 TL, và bản Hán dịch vào đời Tùy (580-618) của hai Đại sư Xà Na Quật Đa (523-600) và Đạt Ma Cấp Đa (?-619), thời điểm dịch xuất là năm 601 TL. Cả 3 bản đều được bảo lưu nơi tập 9 ĐTK/ĐCTT, mang số hiệu 262 (bản của Cưu Ma La Thập), 263 (bản của Trúc Pháp Hộ) và 264 (bản của Xà Na Quật Đa và Đạt Ma Cấp Đa). Một số chi tiết tiêu biểu được ghi nhận từ 3 bản Hán dịch kia gồm:

A- Thứ nhất

Về thứ lớp nêu dẫn: Vì sao kinh Diệu pháp liên hoa do Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) Hán dịch vào đời Diêu Tần (384-417) là dịch sau nhưng ĐTK/ĐCTT lại sắp trước (No262), còn kinh Chánh Pháp hoa, do Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) Hán dịch vào đời Tây Tấn (265-317) là dịch trước nhưng lại sắp sau (No263)? Trong khi hầu hết các kinh thuộc loại dịch trùng hiện có trong tạng kinh của ĐTK/ĐCTT đều được sắp theo thứ tự thời gian Hán dịch? Chẳng hạn:

1- Kinh Duy Ma:

a) No474 (tập 14): Là bản Hán dịch của cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ III TL) dịch vào đời Đông Ngô (229-280).

b) No475: Là bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413), dịch vào đời Diêu Tần (384-417).

c) No476: Là bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Tráng (602-664) dịch vào đầu đời Đường (618-906).

2- Kinh Kim quang minh:

a) No663 (tập 16): Là bản Hán dịch của Đại sư Đàm Vô Sấm (385-433) dịch vào đời Bắc Lương (397 - 439).

b) No664: Là bản do Đại sư Bảo Quý san định vào cuối thế kỷ VI TL đời Tùy (580-618).

c) No665: Là bản Hán dịch của Đại sư Nghĩa Tịnh (635-713) dịch vào đời Đường (618-906).

3- Kinh Lăng-già:

a) No670 (tập 16): Là bản Hán dịch của Đại sư Cầu Na Bạt Đà La (394-468) dịch vào đời Lưu Tống (420-478).

b)No671: Là bản Hán dịch của Đại sư Bồ Đề Lưu Chi (thế kỷ V-VI TL) dịch vào đời Nguyên Ngụy (339-556).

c) No672: Là bản Hán dịch của Đại sư Thật Xoa Nan Đà (652-710) dịch vào đời Đường (618-906)…

Là vì kinh Pháp hoa, qua bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập mới đạt được tính chất tiêu biểu cho bộ Pháp hoa nên sắp trước (ngay nơi nhan đề kinh cũng đạt được sự chuẩn xác). Nói một cách dễ hiểu thì bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập là hay hơn, trong sáng, dễ đọc hơn. Đây cũng là điều mà HT.Trí Quang, trong bản Việt dịch kinh Pháp hoa đã viết: “Nhưng giả sử có ai dịch thẳng Phạn văn ra Việt văn thì Pháp hoa ấy chắc chắn không trong sáng gì. Vậy nói Pháp hoa, ít nhất là cho đến ngày nay vẫn là Pháp hoa của ngài La Thập”(2). Trường hợp này cũng giống với luận A-tỳ-đạt-ma-câu-xá nơi tập 29 thuộc bộ A-tỳ-đàm của tạng luận. Bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Tráng (602-664) được thực hiện vào đầu đời Đường (618-906) là dịch sau nhưng ĐTK/ĐCTT đã sắp trước (No1.558), còn bản Hán dịch của Đại sư Chân Đế (499-569) thực hiện vào đời Trần (557-588) là dịch trước, lại sắp sau (No1.559), trong khi các luận nơi bộ A-tỳ-đàm thuộc loại dịch trùng còn lại đều được sắp theo thứ tự thời gian Hán dịch. Như:

a) No1.541 (tập 26): Là luận Chúng sự phần A-tỳ-đàm, do Đại sư Cầu Na Bạt Đà La (394-468) và Đại sư Bồ Đề Da Xá (thế kỷ V TL) Hán dịch vào đời Lưu Tống (420-478).

b) No1.542: Là luận A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc, do Pháp sư Huyền Tráng (602-664) Hán dịch vào đầu đời Đường, là một dị dịch (dịch sau) của luận No1.541 kia.

c) No1.543: Là luận A-tỳ-đàm Bát kiền độ, do Đại sư Tăng Già Đề Bà (thế kỷ IV TL) và Đại sư Trúc Phật Niệm (thế kỷ IV-V TL) Hán dịch vào đời Phù Tần (351-384).

d) No1.544: Là luận A-tỳ-đạt-ma phát trí, do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch vào đầu đời Đường, là một dị dịch (dịch sau) của luận No1.543 kia.

Về lý do luận A-tỳ-đạt-ma-câu-xá do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch được sắp trước (No1.558) thì cũng như vừa nói về hai bản Hán dịch kinh Pháp hoa.

B- Thứ hai

Về số lượng các phẩm của kinh:

Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (No262) gồm có 28 phẩm, tức có thêm phẩm Đề Bà Đạt Đa (phẩm thứ 12), 2 bản Hán dịch kia (No263, 264) chỉ có 27 phẩm, không có phẩm Đề Bà Đạt Đa. Việc có thêm phẩm Đề Bà Đạt Đa là rất có ý nghĩa. Kinh Pháp hoa chỉ có mỗi một kinh biệt hành là kinh Tát-đàm-phân-đà-lợi (ĐTK/ĐCTT, tập 9, No265, 1 quyển, tr.197-198A. Mất tên người Hán dịch). Đây là một bản kinh rất ngắn, chỉ hơn một trang Hán tạng, nhưng rất quan trọng vì nội dung có liên hệ (tương đương) với một phần nơi 2 phẩm: Phẩm 11 (Phẩm Hiện bảo tháp) và phẩm 12 (Phẩm Đề Bà Đạt Đa) của kinh Pháp hoa do Pháp sư Cưu Ma La Thập Hán dịch (No262).

Nói rõ hơn: Do có bản kinh biệt hành này, nên sự việc tách ra từ phẩm 11 (Phẩm Hiện bảo tháp) để lập thêm phẩm 12 (Phẩm Đề Bà Đạt Đa) nơi bản Hán dịch kinh Pháp hoa của Pháp sư Cưu Ma La Thập là có căn cứ. Và với việc Đề Bà Đạt Đa đã được Đức Thế Tôn thọ ký sẽ thành Phật, tức đã cho chúng ta thấy cái vĩ đại của Phật giáo Đại thừa, hay nói như học giả Nikkyò-Niwano: “Là sự lớn lao và toàn hảo của giáo lý Đức Phật”(3).

Gần đây, Đại đức Chúc Phú nơi bài viết đăng trên Tuần báo Giác Ngộ số 692: “Từ sự sám hối của Đề Bà Đạt Đa…” đã căn cứ theo các kinh thuộc hệ Nikàya (Kinh Tiểu bộ: chuyện Thương nhân trên biển cả, số 466) và thuộc hệ A-hàm (Kinh Tăng nhất A-hàm: phẩm Phóng ngưu thứ 49, kinh số 9) để nói đến một sự hồi đầu, một sự sám hối của Đề Bà Đạt Đa trước khi mạng chung đối với Đức Phật. Bản kinh thuộc kinh Tăng nhất A-hàm kia còn nói về quá trình tu thiện của Đề Bà Đạt Đa nơi đời vị lai sau khi mãn kiếp bị đọa. Như thế thì sự kiện Đức Thế Tôn đã thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa như kinh Pháp hoa đã nêu dẫn là có cơ sở(4).

C- Thứ ba

Về vị trí của phẩm Chúc lụy:

Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập đã đặt phẩm Chúc lụy ở phẩm thứ 22, sau đấy còn 6 phẩm nữa mới hết kinh và phẩm ở cuối kinh (phẩm thứ 28) là phẩm Bồ-tát Phổ Hiền khuyến phát. Trong khi 2 bản Hán dịch kia thì phẩm Chúc lụy được đưa xuống cuối kinh (phẩm thứ 27). Một số nhà nghiên cứu đã cho vị trí của phẩm Chúc lụy như cách sắp đặt của Pháp sư Cưu Ma La Thập là không hợp lý. Nhưng học giả Nikkyò-Niwano đã đưa ra những biện giải để xác nhận tính chất hợp lý nơi việc sắp đặt các phẩm như đã nêu của Pháp sư Cưu Ma La Thập(5). Lại xét 2 kinh No276 và No277 là những kinh cùng hệ với kinh Pháp hoa:

a) Kinh No276: là kinh Vô lượng nghĩa, do Đại sư Đàm Ma Già Đà Da Xá (thế kỷ V TL) Hán dịch vào đời Tiêu Tề (479-501).

b) Kinh No277: là kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát hành pháp, do Đại sư Đàm Ma Mật Đa (356-442) Hán dịch vào đời Lưu  Tống (420-478) cùng với kinh Pháp hoa (No262) hợp xưng là Pháp hoa tam bộ kinh. Kinh Vô lượng nghĩa (No276) được xem là kinh mở ra, còn kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát hành pháp (No277) được xem là kinh kết thúc. Do vậy, kinh này (No277) tuy Hán dịch trước kinh No276 nhưng được sắp sau cùng của bộ Pháp hoa (bộ Pháp hoa gồm các kinh từ No262 đến kinh No277). Đối chiếu với phẩm Bồ-tát Phổ Hiền khuyến phát (phẩm thứ 28 - phẩm cuối của kinh Pháp hoa theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập) để thấy sự việc đặt phẩm ấy ở cuối kinh của Pháp sư Cưu Ma La Thập là có lý do.

D- Thứ tư

Về danh xưng (Hán dịch) của vị Bồ-tát Avalokitesvara: Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) trong bản Hán dịch kinh Pháp hoa của mình (No263) đã dịch là Bồ-tát Quang Thế Âm (Quang Thế Âm Bồ-tát) với hàm nghĩa là vị Bồ-tát luôn hiện bày ánh sáng (quang) ứng hợp với mọi âm thanh nơi thế gian. Đến Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) thì Hán dịch là Bồ-tát Quan Thế Âm (Quan Thế Âm Bồ-tát), là chuẩn xác. Sau này, Pháp sư Huyền Tráng (602-664) đã Hán dịch là Bồ-tát Quán Tự Tại (Quán Tự Tại Bồ-tát). Cũng nên kể thêm: Đại sư Trí Tuệ Luân (đời Đường) nơi bản Hán dịch Bát-nhã tâm kinh của mình (ĐTK/ĐCTT, tập 8, No254, tr.850) đã dịch là Bồ-tát Quan Thế Âm Tự Tại (Quan Thế Âm Tự Tại Bồ-tát). Về hàm nghĩa của Bồ-tát Quán Tự Tại, Phật Quang Đại từ điển (tr.6.954A) đã giải thích: “Nhân nơi cảnh của lý sự vô ngại, quán đạt tự tại nên gọi là Bồ-tát Quán Tự Tại”.

E- Thứ năm

Về phẩm Phổ môn (phẩm thứ 25 theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập: No262).

Phẩm Phổ môn nơi bản Hán dịch của Pháp sư Trúc Pháp Hộ (No263) không có kệ. Còn nơi bản Hán dịch vào đời Tùy (No264) thì cả phần văn xuôi và kệ đều y như bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (No262). Nên biết thêm là tên của 27 phẩm nơi bản Hán dịch của hai Đại sư Xà Na Quật Đa và Đạt Ma Cấp Đa được thực hiện vào đời Tùy (580-618) ấy, cũng dùng lại y như bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập. 

Quan the am 2.jpg

Cũng nên nói thêm: Phần kệ nơi phẩm Phổ môn (phẩm thứ 25) theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập gồm 26 kệ (104 câu 5 chữ), nhìn ở góc độ văn học là một thành tựu tuyệt vời trong sự kết hợp hài hòa giữa thi ca, âm nhạc, hội họa và triết lý. Học giả Lương Khải Siêu (1873-1929) đã gọi Pháp sư Cưu Ma La Thập là “Ông vua trong giới phiên dịch” là rất chính xác. Cũng nên xem HT.Trí Quang trong bản Việt dịch kinh Pháp hoa của mình, đã dùng đến 8 câu 4 chữ để Việt dịch 4 câu kệ nơi phẩm Phổ môn vốn rất quen thuộc đối với người Phật tử Việt Nam:

Tiếng cực tinh tế

Tiếng nhìn vào đời

Tiếng giống Phạn thiên

Tiếng như hải triều

Tiếng hơn tất cả

Cung bậc trong đời

Nên hãy thường xuyên

Chuyên tâm trì niệm.

(Kinh Pháp hoa, Trí Quang dịch, bản in 1994, tập 2, tr.919).

“Diệu âm Quan Thế Âm

Phạm âm hải triều âm

Thắng bỉ thế gian âm

Thị cố tu thường niệm”.

(ĐTK/ĐCTT, tập 9, No262, phẩm thứ 25: phẩm Phổ môn).

Hai phần thứ tư và thứ năm nêu trên cần được làm rõ thêm: nơi kinh Chánh pháp hoa do Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) Hán dịch vào đời Tây Tấn (265-317) (ĐTK/ĐCTT, tập 9, No263, 10 quyển) thì phẩm Phổ môn là phẩm thứ 23 với tên gọi đầy đủ là phẩm Quang Thế Âm phổ môn (光 世 音 普 門 品) và đã mở đầu như sau: “Ư thị Vô Tân Ý Bồ-tát tức tùng tòa khởi thiên lộ hữu kiên, trường quỵ xoa thủ tiền bạch Phật ngôn: Duy nhiên Thế Tôn! Sở dĩ danh chi Quang Thế Âm (光 世 音) hồ? Nghĩa hà sở thú da? (ĐTK/ĐCTT, tập 9, tr.128C). (Lúc này, Bồ-tát Vô Tận Ý liền từ tòa ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật: Vì sao vị Bồ-tát ấy có tên là Quang Thế Âm (光 世 音)? Nghĩa đó là thế nào?).

Như thế, tức như nơi phần thứ tư chúng tôi đã nêu ở trên, Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304), trong bản Hán dịch kinh Pháp hoa của mình (No263) đã Hán dịch tên của vị Bồ-tát Avalokitesvara nơi bản tiếng Phạn là Bồ-tát Quang Thế Âm (光 世 音 菩 薩). Tiếp theo, Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) nơi bản Hán dịch kinh Pháp hoa rất được phổ biến của mình (No262) đã Hán dịch là Bồ-tát Quan Thế Âm (觀 世 音 菩 薩) là chuẩn. Sau này, Pháp sư Huyền Tráng (602-664) trong bản Hán dịch Tâm kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa (ĐTK/ĐCTT, tập 8, No251) do mình thực hiện, đã Hán dịch danh xưng của vị Bồ-tát kia là Bồ-tát Quán Tự Tại (觀 自 在 菩 薩).

Nói chung, những nêu dẫn của chúng tôi như trên (nhắc lại có bổ sung, kết hợp) là quá đủ để xin đính chính cái sai lầm khi cho “Ngài Cưu Ma La Thập lại dịch là Quang Thế Âm, trong khi đó, ngài Pháp Hộ (nên viết là Trúc Pháp Hộ để khỏi lẫn lộn với Đại sư Pháp Hộ:963-1058, cũng là một nhà dịch kinh Phật đời Triệu Tống: 960-1276) dịch là Quan Thế Âm”.

Nói rõ hơn: Thượng tọa Nhật Từ, trong tác phẩm Tinh hoa trí tuệ, chương II: Vượt qua khổ ách (giảng tại chùa Xá Lợi, ngày 20-12-2009. Phiên tả: Võ Thị Thu Thảo) phần II: Những dị biệt trong các bản dịch (Tâm kinh Bát-nhã) đã viết: “Quan và Quán chỉ khác nhau ở cách phiên âm từ một chữ Hán chung thôi, trong khi đó ngài Cưu Ma La Thập lại dịch là Quang Thế Âm… Đây là kiểu tu từ (chơi chữ)… Trong khi đó, ngài Pháp Hộ dịch là Quan Thế Âm. Các dịch giả về sau này cũng dùng từ của ngài Pháp Hộ” (Sđd, NXB.Hồng Đức, 2012, tr.40).

Ghi nhận như vậy là không đúng, là hoàn toàn không đúng(6). Có thể là do người phiên tả đã thực hiện sai, chứ không lẽ một người đọc rộng nghe nhiều như Thượng tọa Nhật Từ, lại không tham khảo 3 bản Hán dịch kinh Pháp hoa hiện có nơi tập 9 ĐTK/ĐCTT để có được những ghi nhận chính xác.

 Đào Nguyên

__________________

(1) Xem: Nguyệt san Giác Ngộ số 108, tháng 3-2005, tr.69-71.

(2) Xem: Kinh Pháp hoa. HT.Trí Quang Việt dịch, bản in năm 1994, tập 1, tr.5.

(3) Xem: Đạo Phật NgàyNay, Trần Tuấn Mẫn dịch, bản in 1997, tr.320.

(4) Xem: Tuần báo Giác Ngộ số 692. 11-5-2013, Số đặc biệt Phật đản PL2557, tr.25-27.

(5) Xem: Đạo Phật NgàyNay, Trần Tuấn Mẫn dịch, bản in 1997, tr.320.

(6) Cho “Đây là kiểu tu từ (chơi chữ)…” là cũng không đúng. Trong quá trình Hán dịch các từ ngữ - thuật ngữ Phật học - kể cả mảng từ ngữ thuộc về nhân danh, địa danh, có rất nhiều từ ngữ - thuật ngữ phải trải qua những giai đoạn dò dẫm, thử nghiệm rồi mới tiến tới sự định hình, chuẩn xác. Từ danh xưng Quang Thế Âm theo cách dịch của Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) đến danh xưng Quan Thế Âm - theo cách dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413), cũng tức là sự diễn tiến từ buổi đầu đến sự chuẩn xác. Xin nêu một ví dụ nữa: Nơi phẩm Thập định của kinh Hoa nghiêm (phẩm thứ 27 của kinh Hoa nghiêm bản 80 quyển, bản 60 quyển không có phẩm này), vị Bồ-tát là nhân vật chính của phẩm đã thưa hỏi Đức Phật về Bồ-tát Phổ Hiền, Đại sư Thật Xoa Nan Đà (652-710) đã Hán dịch là Bồ-tát Phổ Nhãn, là chuẩn xác. Còn Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) nơi kinh Đẳng Mục Bồ-tát sở vấn tam muội (ĐTK/ĐCTT, tập 10, No288, 3 quyển) là một biệt hành của kinh Hoa nghiêm (tương đương với phẩm Thập định), đã Hán dịch là Bồ-tát Đẳng Mục. Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Bước đầu giới thiệu mảng từ ngữ - thuật ngữ Phật học trong Hán tạng theo Tân dịch, Nguyệt san Giác Ngộ số 205, tháng 4-2013.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.