Khởi đầu vào cửa Thánh: không lệ thuộc xã hội và thiên nhiên

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1144 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1144 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Các tôn giáo phát sinh trong thời kỳ sơ khai, lúc đó loài người chưa văn minh nên nghĩ mọi việc do thần linh tạo ra. Từ đó xuất hiện những nhà tu cúng bái cầu nguyện thần linh phò hộ. 

Nhưng khi khoa học phát triển, đời sống kinh tế của con người đi lên, người ta nghĩ rằng tôn giáo sẽ đi xuống.

Chúng ta có thể khẳng định rằng tôn giáo mê tín mang tính thần quyền thì phải đi xuống, vì không được người văn minh chấp nhận. Thí dụ ngày xưa, tầm nhìn của loài người còn thấp nên nói rằng đất vuông trời tròn. Nhưng ngày nay, những người tin như vậy chắc chắn không thuyết phục được ai.

Ngày nay, người ta nói quả đất này tròn, không phải vuông. Và mặt trăng là vệ tinh của trái đất, không phải là thần linh. Đối với khoa học hiện đại, tất nhiên những lý thuyết sai lầm nói trên không tồn tại được.

Nhưng nhà tôn giáo tâm linh có cái nhìn cao hơn, xa hơn. Thật vậy, Phật biết tất cả mọi việc xảy ra trong đời và với sự hiểu biết viên mãn, Phật tùy theo hoàn cảnh, tùy theo khả năng và tùy theo ước vọng của từng người mà Ngài chỉ họ thực tập pháp tương ưng cho đạt kết quả tốt đẹp. Vì vậy, đối với người cầu Thanh văn, Phật nói Tứ Thánh đế. Vì người cầu Bồ-tát, Phật nói sáu pháp, hay mười pháp Ba-la-mật. Và rộng hơn nữa, Phật nói Thập nhẫn, Thập thông, Thập định cho các Bồ-tát ở quả vị cao hơn.

Pháp Phật dạy tương ưng cho từng hạng người tu cao thấp khác nhau, nên Phật không nói pháp hành của Bồ-tát cho hàng Thanh văn, vì họ không thể hiểu được. Cũng vậy, pháp Phật dạy Thanh văn, Ngài không nói cho hàng thế tục nghe, vì họ không hề muốn thoát ly sanh tử.

Ý này được kinh Duy Ma dạy rằng khi Phú Lâu Na nói pháp cho các thanh niên ở thành Tỳ Da Ly, họ không muốn nghe, bỏ đi. Bấy giờ, Bồ-tát Duy Ma Cật xuất hiện nhắc rằng nên nói những gì họ muốn nghe, hiểu được và làm được. Nói những điều người ta không muốn nghe, không làm được là giảng dạy vô ích.

Với người nhàm chán cuộc sống sanh già bệnh chết muốn đạt giải thoát Niết-bàn thì pháp Tứ Thánh đế là chính yếu mà Phật dạy cho những người này. Khi Phật còn là thái tử, Ngài cũng có tâm trạng chán đời, vì sanh làm người lo hưởng thụ cho thật nhiều nên tạo tội không dừng rồi đến khi cái chết ập tới là hết đời. Cuộc sống như vậy không đáng sống, chẳng có ý nghĩa gì với thái tử.

Dù vua cha Tịnh Phạn cố gắng tạo điều kiện cho thái tử yêu đời để Ngài làm vua, không đi tu. Nhưng thái tử nghĩ rằng sống như vậy thì cũng chết, nên Ngài cầu cuộc sống bất tử.

Vì vậy, khi Ngài thành Phật, Ngài dạy pháp Tứ Thánh đế cho người muốn thoát ly để được an trú trong thế giới vĩnh hằng bất tử.

Người muốn thoát ly, hạng thứ nhất là người có đầy đủ phước báu như thông minh, khỏe mạnh, giàu có vượt trên mọi người. Nhưng họ nghĩ rằng những thứ phước này chắc chắn không giữ được lâu dài, vì giàu hết phước cũng nghèo, già bệnh cũng chết. Đó là hạng người có phước báu vẫn chán, muốn bỏ cuộc sống xa hoa để tìm được cái cao hơn.

Hạng người thứ hai sống trong xã hội văn minh, nhưng bị chà đạp, ghét bỏ cũng muốn thoát ly gọi là hạng Sa-môn. Thời Phật tại thế, đã có những người thấy cuộc sống không có ý nghĩa, vì họ sanh trong giai cấp cùng đinh phải làm cực khổ suốt ngày mà cơm không đủ ăn, chỗ ở không có. Sống như vậy quá chán, họ cũng muốn bỏ cuộc đời, nhưng thay vì tự tử thì họ lang thang tìm cái cao hơn bằng cách bỏ nhà đi xin ăn, làm Sa-môn.

Thiết nghĩ tu hành, chúng ta nên dè chừng hạng người bị xã hội ruồng bỏ. Thật vậy, người nhiều tham vọng không đạt được, họ trở thành thầy tu bày đặt đủ kiểu để lừa dối lường gạt. Thực tế cho thấy những người tu kiểu này xuất hiện một thời gian thì bị phát hiện thủ đoạn gian dối, trò lừa bịp tự mất. Người lợi dụng hình thức tu để gạt người, chắc chắn không tồn tại lâu. Giới Sa-môn này đã có trước khi Phật ra đời.

Chúng ta còn nhớ khi Thái tử đi tu, vượt dòng sông Anoma, tới bìa rừng, Ngài thấy một Sa-môn mặc áo tu có giấu cung tên bên trong. Anh này dạy Thái tử một câu khó nghe rằng mặc áo tu để dã thú không sợ, nó tới gần mới giết nó được.

Cũng vậy, chúng ta đi tu coi chừng sập bẫy nguy hiểm trở thành thân tàn ma dại. Lỡ vô rồi, ta muốn ra khỏi tổ chức, nó cũng tìm cách giết để bịt đầu mối. Ở Việt Nam, trong thời chiến tranh, có nhiều người bị giết dìm xuống sông. Trên bước đường tu, chúng ta phải dè dặt, đừng vướng vô chỗ này, vô rồi ra không được. Tội ác này đã có trước khi Phật ra đời.

Với căn lành sẵn có, Phật đi tu, Ngài cố gắng quan sát xã hội, thấy người tu nhiều cách khác nhau. Ngài mới tầm sư học đạo, nhưng nghe rồi thì suy nghĩ coi điều họ nói đúng không và mình có cần hay không. Những gì đúng thì nạp vào, không đúng thì loại bỏ, đó là Ngài tu có chọn lọc.

Bấy giờ, đạo sĩ Kamala dạy thái tử muốn biết cao hơn phải thoát ly cuộc sống loài người. Hễ còn lệ thuộc xã hội và lệ thuộc thiên nhiên thì không thể biết gì xa hơn. Lệ thuộc xã hội là còn quanh quẩn trong xã hội, nghĩa là còn bị sắc, thọ, tưởng, hành và thức chi phối.

Thật vậy, trước tiên ta nhìn thấy sự vật thì liền có sự tác động qua lại giữa tâm và vật sẽ cho chúng ta cảm thọ thích thú hay nhàm chán, hoặc không dính líu gì đến mình. Và từ đó, chúng ta sẽ nghĩ ra đủ thứ linh tinh trên đời này. Nghĩa là sắc uẩn đã sanh ra thọ uẩn và tưởng uẩn. Tiếp theo những cái nghĩ lăng xăng lộn xộn đó, chúng ta sẽ tìm cách đối phó những vấn đề do mình tưởng ra, gọi là hành uẩn. Như vậy, trong tâm chúng ta, từ sắc cho đến thọ, tưởng, và hành, tất cả những thứ này đều nằm trong vòng luẩn quẩn của sanh tử, cuối cùng cho chúng ta cái biết là trí khôn mà ta học được ở trường, ở xã hội gọi là thức uẩn. Và chúng ta kẹt trong thức uẩn là hiểu biết trong loài người, không thoát ra khỏi cái biết đó tất nhiên còn trong sanh tử.

Kamala dạy thái tử điều này và Ngài chấp nhận rằng bằng mọi cách phải thoát ly sanh tử để biết những gì ngoài sanh tử, đó là khi chưa sanh, ta là ai và chết rồi, ta về đâu.

Còn cái biết trong sanh tử là việc bình thường, không cần suy nghĩ cũng biết và suốt cả đời vẫn kẹt vào cái biết hạn hẹp này. Chính vì vậy, người tu học nhiều, biết nhiều cũng khổ nhiều. Người biết như vậy thường nghi đủ thứ, vì thức uẩn của họ đầy ắp dữ kiện của cuộc đời, nên người ta khó gần họ.

Không phải vô chùa ở là tu. Có người ở chùa nhưng chưa tu. Người chưa vô chùa tu nhưng họ đã lìa xa ngũ dục là năm thứ mà người đời ham muốn, tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ đều không cần. Cư sĩ tại gia làm được như vậy thì vãng sanh dễ dàng.

Học thiền có câu chuyện rất hay. Một người đến thiền sư học đạo, ngài chế ấm trà và rót nước mời uống. Uống xong, ông lại tiếp tục hỏi thiền, ngài lại rót nước mời uống và đến tách trà thứ ba thì tiễn khách. Ông này không thể hiểu thiền không thể dạy thiền cho ông. Vì trong tiềm thức của ông đầy ắp dữ kiện về tôn giáo, khoa học, văn học, kinh tế…, làm sao đem thiền vô.

Vì vậy, muốn tu phải sám hối để rửa sạch những thứ này, tiềm thức phải trống sạch. Đầu tiên phải chuyển hóa tiềm thức thành Bạch tịnh thức là thức hoàn toàn trong sạch, tâm không còn gì ô uế mà kinh thường ví rằng muốn chứa đựng của báu, phải súc bình cho sạch.

Chúng ta có thân ô uế là do tâm, tức vô số sự kiện xã hội đem nhồi vô tâm suốt cả đời, nên tâm ô uế.

Tôi đi tu từ thuở nhỏ gặp các thầy lớn tuổi mới tu, không biết họ tu gì, nhưng họ gặp nhau là kể đủ thứ chuyện đời. Tu như vậy dù tu suốt đời cũng ở trong đời, làm người đời, không ra khỏi sanh tử. Trí Giả ví tâm như cái áo dơ phải tẩy cho sạch.

Người đồng chơn nhập đạo, tâm thức của họ sạch, không bị phiền não nhiễm ô, nên họ nghe pháp, hiểu pháp, ngộ pháp và chứng đắc pháp một cách liên tục, dễ dàng.

Điển hình như Sĩ Đạt Ta nghe Kamala dạy phải xa rời sự chi phối của xã hội và thiên nhiên. Chỉ nghe một câu thôi, Ngài đến gốc cây ngồi yên và quán chiếu để thoát ly sự chi phối của xã hội, của hoàng cung, vợ con, quyền uy, danh lợi… đều dứt bỏ. Và đối với thiên nhiên, Ngài cũng không cần chỗ ở, thức ăn, quần áo. Sáu năm tu khổ hạnh ở chốn rừng già, Ngài chỉ mặc một cái y mà anh thợ săn đã đổi lấy hoàng bào của Ngài cho đến khi thành đạo. Đó là Sa-môn tu không quan hệ với cuộc đời, không phải trái hơn thua.

Không phải vô chùa ở là tu. Có người ở chùa nhưng chưa tu. Người chưa vô chùa tu nhưng họ đã lìa xa ngũ dục là năm thứ mà người đời ham muốn, tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ đều không cần. Cư sĩ tại gia làm được như vậy thì vãng sanh dễ dàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hòa thượng Trí Tịnh lúc sanh tiền kể tôi nghe về đạo hữu cư sĩ mà tôi thân từ thuở nhỏ là anh Minh Đức Tiếng Chuông vì anh viết báo Tiếng Chuông. Anh này theo Hòa thượng Thiện Hòa, tuy ngài ít giảng, ít nói, nhưng anh có căn lành chỉ nghe một lời dạy của ngài cũng đã thấm và thực tập có kết quả.

Thuở nhỏ, tôi cũng được Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng cái gì dễ làm nhất thì làm trước, rồi đến làm cái vừa cho đến làm cái khó, làm như vậy là tu được. Dễ làm nhất với tôi là lúc nhỏ tánh nóng, không vừa ý là đánh. Hòa thượng bảo nóng được, nhưng đừng đánh. Nghe lời nói oan ức, tôi nắm tay lại để kiềm chế. Tập được điều này rồi, Hòa thượng dạy thêm là bị oan ức không cần biện minh, Làm thầy tu thì bị đánh không đánh lại, bị nói xấu không nói xấu lại, bị mắng nhiếc không đáp trả. Ráng làm được như vậy mới cho thọ giới. Vì vậy, sau này hễ giận thì tôi không nói, không bằng lòng thì tôi tránh, tự nhủ là không có duyên.

Hòa thượng khuyên ông Minh Đức nên nghĩ đến Phật, đừng nghĩ đến báo Tiếng Chuông, đừng nghĩ đến nhà cửa, vợ con thì về Phật được.

Một hôm, ông lên Hòa thượng Trí Tịnh thưa rằng ngày mai con về Phật. Hòa thượng thấy ông còn khỏe mạnh mà lại nói mai chết. Ngài tin ngày mai ông này chết vì mặc dù ông còn là cư sĩ tại gia nhưng thực tập rất tốt pháp không lệ thuộc xã hội, không có vui buồn vinh nhục và không cần ăn uống ngủ nghỉ là ông đã có điều kiện về Phật.

Quả đúng như vậy, trưa hôm sau, người con của ông lên thưa Hòa thượng rằng ba con không bệnh hoạn gì, ngồi lạy Phật rồi chết ngay bàn Phật. Người này thực tập trọn vẹn pháp không lệ thuộc xã hội và thiên nhiên, được giải thoát là kết quả đầu tiên đạt được.


Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thuyết giảng "Chân lý của cuộc sống" tại chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức)

Xưa kia, Sĩ Đạt Ta thay vì đi khất thực, Ngài ngồi dưới gốc cây quán chiếu pháp này để thoát ly sự lệ thuộc xã hội và thiên nhiên. Các thầy đi khất thực về thấy Ngài ngồi không có gì ăn, mới cho Ngài cái bánh. Nhưng Ngài chẳng hề quan tâm vì đang miên mật trong thiền định để cắt bỏ đời sống vật chất và tình cảm.

Khi thành tựu quả vị Phật, Ngài đến Lộc Uyển thuyết bài kinh Chuyển Pháp luân cho năm anh em Kiều Trần Như. Lúc ấy Kiều Trần Như đã chứng Tứ thiền Bát định, đã thành tựu pháp căn bản không lệ thuộc xã hội và thiên nhiên, nên ông không cần thực tập pháp này nữa. Và tâm ông đã ở cõi Trời Ngũ tịnh cư thiên dù còn mang xác thân tứ đại, nên vừa thấy Phật là chứng Thánh quả A-la-hán. Phật nói Kiều Trần Như đã hiểu bài pháp Ta nói và chứng La-hán rồi. Vì vậy, Kiều Trần Như là tối sơ A-la-hán, tức trong số đệ tử Phật, Ngài là người đầu tiên chứng La-hán. Tuy chưa học đạo, nhưng Ngài đã đến đỉnh điểm này nên chỉ cần thấy Phật là chứng Thánh quả. Ngài Nhật Liên nhận ra lý này, nói rằng con chim trong lồng thấy con chim bên ngoài, nó liền vỗ cánh tung bay.

Tu hơn nhau ở ngộ. Tu suốt đời mà không ngộ cũng chẳng được gì. Vì vậy, Phật thuyết pháp chỉ chúng ta thực tập để từng bước vào đạo. Nếu chỉ học lý thuyết cả đời, có hai, ba bằng tiến sĩ cũng để nói suông, phải trái hơn thua, không phải đạo.

Và Kiều Trần Như đắc La-hán thì La-hán khác người thường ở điểm nào. Người thường chứa đầy ô uế trong tâm gọi là thùng phân biết đi, nên bị người ghét bỏ, khinh chê là đồ vô dụng. Thân ô uế do tâm ô uế mà gốc từ tham, sân, si. Trong lòng chúng ta sanh đủ thứ chuyện và si là nguồn gốc, nên làm gì cũng sái quấy, còn không làm thì bị chê là vô dụng, mà làm lại sai.

Vì vậy, cần có Đạo sư chỉ dạy. Ta làm thì bị chê, nhưng làm theo ý thầy thì được chấp nhận; vì mình tự ý làm là làm sai, nhưng thầy dạy làm thì người ta nghĩ là đúng. Thí dụ tôi làm việc cho Giáo hội từ lúc còn trẻ, tôi không thể nói tôi làm, nhưng nói rằng các Hòa thượng lớn dạy và tôi truyền đạt lời của các ngài thì mọi người chấp nhận. Tôi nói họ không nghe vì tôi còn quá trẻ, vì còn phiền não trần lao nghiệp chướng.

Thành tựu quả vị La-hán, Phật nói nhờ đã hoàn thành tám việc là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Và mình sống với tám việc này, thân tứ đại ngũ uẩn là thùng phân biết đi vụt biến thành ngôi đền tâm linh, thành hoa sen tỏa hương thơm ngát. Chúng ta tu làm sao tỏa hương, đừng để là bùn trong ao tù.

Tỳ-kheo có Chánh định tập trung tư tưởng quán chiếu được sự vật, thấy các pháp đều do nhân duyên sanh và cũng do nhân duyên diệt. Các pháp sanh tử chúng ta thấy rõ có sanh cái tốt và cũng sanh cái xấu.

Các La-hán thấy pháp sanh và làm cho sanh cái tốt. Thí dụ thấy người quý trọng mình là thấy nhân duyên nhiều đời của họ với mình, họ từng là người bạn trung thành với mình nhiều kiếp, nên Tỳ-kheo đến để khai ngộ họ. Nhưng mình tới bằng con người của Bát Chánh đạo là người tốt hoàn toàn nên họ thấy sanh vui mừng.

Đầu tiên có Chánh kiến là thấy không sai lầm, nên lời nói không sai lầm. Đức A Nan từng khẳng định rằng dù mặt trời có nóng lên, mặt trăng có lạnh lại, Ngài hoàn toàn tin lời nói Như Lai không bao giờ sai.

Lời nói rất quan trọng trên bước đường tu. Thực tế cho thấy dù nói chín lần đúng, chỉ nói sai một lần mà người ta cứ nhớ mình nói sai. Vì vậy, điều gì chưa biết, mình nên nói chưa biết.

Kiều Trần Như nói đúng, làm đúng, suy nghĩ đúng nên tâm ông trụ định là Thánh La-hán luôn sống trong định. Dù hoàn cảnh bên ngoài thay đổi, nhưng không được đổi sắc mặt. Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng mình bị oan ức, tuy nhịn không nói, nhưng môi mấp máy, lỗ tai đỏ bừng. Nếu kiểm tra thấy mình không có những biểu hiện này là biết mình đang trụ Chánh định. Đây là pháp tu thực mà thầy dạy mình phải thực hành cho được. Tôi nhờ thực tập pháp này mà có được tâm bình tĩnh, sáng suốt và nhìn đời chính xác.

Phật bảo Kiều Trần Như đã đắc La-hán thì vào làng khất thực với Ngài. Bốn ông còn lại ở am cốc để thực tập, quán tưởng pháp này.

Kiều Trần Như đã lên cõi trời Hữu đảnh và từ Hữu đảnh bước qua quả vị A-la-hán nhanh lắm. Bốn ông kia còn ở xa là phải thực tập lại. Thứ nhất, tâm cấu uế phải rửa sạch. Ngồi quán tưởng cho tâm sạch là trong đầu không còn nghĩ thương ghét, đẹp xấu, ngon dở, vui buồn… Quán sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tác động sẽ làm tâm khởi lên hình dáng đẹp xấu, lời nói êm tai hay khó chịu, mùi thơm hay hôi, cái này ngon hay dở, cái này mềm hay cứng...

Để cho sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì dù tu bao nhiêu lâu, tội vẫn sanh ra vô số. Vì vậy, Phật dạy mình ly trần là căn trần cách ly, vì căn trần tiếp xúc sanh vọng thức.

Muốn vọng thức không sanh, cắt sáu trần, có người dùng cách bịt mắt để không thấy, bịt tai để không nghe. Thuở nhỏ tôi thực tập cách này, không thấy, không nghe âm thanh, nhưng nghe mùi thức ăn sanh tâm thèm rồi ngồi chờ ăn, nuốt nước miếng thì dịch vị và mật tiết ra làm loét bao tử. Lúc còn trẻ có thời gian tôi bị đau bao tử là vậy.

Phật khuyên cắt đứt sáu trần, không được nghĩ, thấy, nghe, tiếp xúc… Thực tế chúng ta thấy người mới tu nghe nhiều, biết nhiều trở thành người nhiều chuyện thì tu gì vẫn hoàn cốt phàm phu, không vào cửa Thánh được.

Bốn thầy tu chung với Kiều Trần Như được Phật cho phép ở lại am cốc tu, không vào làng khất thực. Họ không thấy người, không thấy thức ăn, không nghe chuyện thiên hạ, nên dễ vào định và tâm lắng yên thì nghiệp trần mòn lần, mỗi ngày tâm sáng thêm. Nhờ vậy, trải qua ba tháng an cư tu thanh tịnh, bốn người này cũng chứng quả vị La-hán như Kiều Trần Như.

Năm Tỳ-kheo này chứng quả Thánh mau quá, vì họ không phải mới tu đời này. Họ từng tu, từng trồng căn lành từ quá khứ, nên kiếp này họ sanh trong dòng tộc quyền quý, thông minh, sức khỏe tốt nhưng không muốn hưởng thụ mà muốn tìm giải thoát mà không gặp được Đạo sư khai ngộ. Đến khi đủ phước duyên gặp Phật, họ tu đắc Thánh quả một cách nhẹ nhàng, bởi lòng họ không giống người thường.

Trí Giả ví những người này như chiếc áo trắng nhuộm màu đạo là thấm liền. Còn người trôi lăn trong sanh tử nhiều đời ví như áo dơ thành màu đen. Và từ màu đen này muốn nhuộm màu đạo là màu vàng sao được, nhuộm mãi vẫn đen.

Ta tu suốt đời, phàm phu vẫn là tục tử, không thể trở thành Thánh La-hán. Trí Giả dạy phải sám hối, không được nhuộm màu đạo liền. Nhiều người muốn thọ giới liền để làm Tỳ-kheo được người kính trọng, nhưng làm như vậy thì dù mặc áo tu cũng không phải là thầy tu. Phải giặt sạch cái tâm dơ bẩn, tức sám hối cho tiêu tội.

Phật khuyên cắt đứt sáu trần, không được nghĩ, thấy, nghe, tiếp xúc… Thực tế chúng ta thấy người mới tu nghe nhiều, biết nhiều trở thành người nhiều chuyện thì tu gì vẫn hoàn cốt phàm phu, không vào cửa Thánh được.

Khi còn nhỏ, tôi nhờ Hòa thượng Thiện Hòa dạy, ngoài thời khóa công phu bình thường của chư Tăng, tôi dành riêng thì giờ lạy sám hối cho tiêu tội. Tội sạch thì người ta thấy ông đạo dễ thương, không phải ông đạo nhà quê cục mịch dễ gây gổ, dễ nổi nóng, dễ kiếm chuyện. Sám hối sạch tội thành ông đạo hiền lành, siêng năng, được thọ giới mới thành Sa-môn. Nhận ra lỗi phải sám hối cho tiêu tội, tướng Sa-môn mới hiện.

Và thọ giới được, phải tu cho thành tánh Tỳ-kheo là tâm trong sạch trên Bát Chánh đạo. Chưa được như vậy, phải hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với cuộc đời. Đây là pháp tu của người sơ tâm. Nhưng người sơ tâm như Xá Lợi Phất đã chứng Tứ thiền Bát định thì thấy Phật là ông đắc La-hán, tất nhiên ông khác với người sơ tâm bình thường. Vì vậy, với những người sơ tâm chưa đắc La-hán, Phật dạy khác.

Thật vậy, các ông trưởng giả Da Xá thấy Phật cho các con của họ đi tu dễ quá, họ liền xin tu nhưng Phật từ chối. Họ nói năm anh em Kiều Trần Như không xin tu mà Phật đến độ các người này, tại sao họ xin đi tu mà Phật không cho. Phật nói các ông chưa đủ duyên, phải tạo duyên để đi tu. Duyên chưa đủ thì tu không có kết quả, ví như trái chưa chín, hái cũng không ăn được. Trước chùa mình có cây hồng nhung, phải chờ trái chín rụng xuống mới ăn được.

Không phải ai cũng đi tu được. Bây giờ làm cư sĩ lo nỗ lực tu tạo duyên lành, đến khi đủ duyên thì xuất gia cũng không muộn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.