Khoảnh khắc mùa xuân

Không như câu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, đối với tôi, mùa xuân ngắn ngủn. Mùa xuân ấy chỉ thu gọn trong một ngày rưỡi, bắt đầu từ chiều ba mươi đến hết ngày mồng một Tết. Thoáng thấy, chưa kịp nhìn rõ đã bay vèo mất. Đôi khi, tôi tưởng như mình chẳng có mùa xuân.  
Chợ sớm - Ảnh: Bảo Uyên
Chợ sớm - Ảnh: Bảo Uyên

Tất cả chỉ tại nghèo!

Cả nhà, sống nhờ vào gánh bì bún của mẹ nên dù không nói ra, ai cũng ngầm hiểu đây là công việc chánh yếu nhất. Sau khi ăn trưa, tôi phải lựa rau, bầm ớt, xắt củ sắn và bao nhiêu việc khác nữa. Đến lúc ngồi vào bàn học, hai mắt tôi chỉ muốn nhíp lại. Cũng may, cô giáo tôi có thước kẻ. Nhờ vậy, chưa thuộc bài tôi chưa dám đi ngủ. Tựa như một cuộn phim cứ quay đi quay lại cảnh cũ, ngày ngày, cuộc sống gia đình tôi cứ diễn đi diễn lại có bấy nhiêu.

Mãi đến khi gió hây hẩy, nắng vàng ươm như mật, xuân về, một ngày rưỡi bất thường xuất hiện, lạ lẫm, đáng yêu và ngắn ngủi. Đó là một ngày rưỡi mẹ tôi nghỉ bán ăn Tết, một ngày rưỡi mẹ sống tại nhà với chúng tôi chứ không phải  ở nhà lồng chợ.

Mùa xuân khởi đầu từ đó. Chiều ba mươi Tết mẹ tôi dọn hàng về sớm  hơn thường lệ. Mẹ giúp bà dọn dẹp, quét tước nhà cửa, cắm hoa vào những cái lọ, đánh bóng bộ lư đồng trên bàn thờ Phật. Mẹ trở thành một bà nội trợ. Mẹ nấu cơm, giặt đồ, chải tóc cho tôi, vá quần áo rách, kể chuyện cổ tích…

Xong việc, mẹ gội đầu bằng bồ kết. Hương tóc thơm thoang thoảng cứ quấn quít lấy tôi. Những nếp nhăn trên trán mẹ như biến mất. Mấy dấu chân chim sau đuôi mắt dường như mờ nhạt hẳn. Mẹ trẻ ra và hiền như một bà tiên.

Đêm trừ tịch, gian nhà tràn ngập hạnh phúc. Tôi nằm gối đầu trên cánh tay mẹ. Úp mặt vào ngực mẹ, tôi hít đầy mũi mùi thơm quen thuộc, thân thương. Tôi lắng nghe mẹ thì thầm kể chuyện và chờ đợi giao thừa. Nhưng tôi thường thiếp đi. Đó luôn là một giấc ngủ trọn vẹn đầy mộng đẹp của tuổi thơ tôi, và nó luôn được kết thúc bằng câu đánh thức ngọt ngào, âu yếm của mẹ: “Tím, dậy đi con! Thay đồ mới rồi đi chùa với mẹ.”

Hai chị tôi đã lớn, họ có niềm vui riêng tư. Chỉ có tôi là thích bám theo mẹ. Mẹ mặc áo dài, chiếc áo quen thuộc, màu khói nhang, thơm nồng mùi long não. Trên hai tà có những đường xếp lâu ngày, ủi không sao thẳng được. Thế nhưng, nó cũng làm cho dáng mẹ trở nên thanh thoát, dịu dàng. Tôi cũng mặc áo dài, chiếc áo mới màu tím lục bình bóng loáng, khiến cho cái dáng mập mạp của tôi thêm tròn trịa, mũm mĩm. Gặp người quen, ai cũng phải xuýt xoa: “Chao ơi! Bé Tím lớn dữ hén! Mặc áo dài thấy…ú  ì chứ bộ!”

Tôi theo mẹ đi hết chùa nầy đến chùa khác. Dù hơi mỏi chân nhưng tôi vẫn thích. Tôi hân hoan cùng mẹ vào chánh điện quỳ lạy. Trước vị Phật nào tôi cũng cầu xin có một điều: “Xin cho gia đình được ấm no, hạnh phúc”.

Sau đó, mẹ dắt tôi ghé thăm những người trong họ hàng, thân thuộc như ông Bảy, bà Tư, bà Út. Cứ vào một nhà rồi trở ra, cái áo dài của tôi chật thêm một ít ở eo vì cái bụng chứa óc ách thức ăn và cái bóp nhỏ lại có thêm một gói lì xì.

Bao giờ cũng vậy, cứ đến nhà cô Tám là tôi đi hết nổi, mẹ phải gọi xích lô đưa hai người về. Tôi đánh một giấc ngon lành.

Lấy lại sức, tôi tiếp tục …đi chơi. Lần nầy cùng đi với các bạn học. Tôi được mẹ diện cho quần soọc, áo thun để tiện việc chạy nhảy, đùa nghịch. Chúng tôi đảo hết đầu trên đến xóm dưới rồi ra chợ, mãi đến tối mịt mới quay về nhà.

Và cánh cửa mùa xuân từ từ khép lại khi tôi bắt gặp mẹ ngồi bên góc bếp. Tóc mẹ búi gọn, tay áo xắn cao. Mẹ đang chuẩn bị cho buổi bán ngày mai...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.