Khổ vui tùy theo quan niệm

(Khóa tu Một ngày an lạc lần thứ  417, tại chùa Phổ Quang, ngày 1-10-2017)

GN - Chủ đề khổ vui tùy theo hoàn cảnh, tùy theo quan niệm của mỗi người. Nói rõ hơn, con người có nghiệp thì khổ vui tùy theo quan niệm là một lẽ, nhưng đúng là tùy nghiệp của con người mà thôi.

Thật vậy, vì nghiệp của ta, nên hoàn cảnh sống hoàn toàn khổ mà bảo thấy vui thì không được. Thí dụ sanh trong hoàn cảnh chiến tranh, nghèo đói, bệnh hoạn, phải gánh chịu những bất hạnh như vậy thì quý vị muốn vui được không.

Vì vậy, khổ vui không phải tùy quan niệm, nhưng tùy nghiệp. Cho nên chúng ta sanh vào cảnh giới an lạc, hay đau khổ là theo nghiệp của chúng ta mà thọ báo. Đức Phật dạy rằng người có ác nghiệp sanh vào hoàn cảnh ác, muốn vui cũng không được, phải chịu khổ thôi.

niem an vui 2.jpg


Niềm an vui vẫn luôn có thật - Ảnh minh họa

Phật xác định rằng tất cả mọi người trong thế giới này đều khổ, khổ vì sanh, già, bệnh, chết, khổ vì mong cầu không được, khổ vì oán ghét nhau mà phải gặp gỡ, sống chung… Nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy, nói vui không được.

Tất cả chúng ta thọ sanh trong các loài là loài đẻ trứng, loài đẻ con, loài ở trong hư không, loài ở dưới nước và chúng ta nghĩ thêm xem mình từ đâu sanh vào thế giới này. Nếu nhìn sự thật theo Phật dạy, chúng ta sanh trong bất cứ loài nào cũng phải sanh từ bào thai, phải ở trong bào thai trước. Ba giai đoạn là trước khi vào bào thai, trong khi ở bào thai và khi sanh ra, đều phải khổ. Phật đã khẳng định như vậy.

Vì khi chưa có thân ngũ ấm mà chúng ta đang mang, chúng ta chỉ có linh giác gọi là linh hồn, hay thần thức. Và chưa mang thân vật chất này thì chúng ta không lệ thuộc vật chất, tức không bị bốn tướng hàn, nhiệt, cơ, khát chi phối. Thật vậy, có thân vật chất, chúng ta mới biết nóng lạnh, đói khát.

Chưa có thân vật chất, chỉ có thần thức, hay hồn ma, thì có thể nói khổ vui tùy theo quan niệm được. Vì chúng ta nghĩ nóng lạnh, đói khát thì sẽ thấy nóng lạnh, đói khát, đó là do chúng ta tưởng ra mà có như vậy, chứ hiện tượng này không có thật.

Thí dụ loài ngạ quỷ thấy đói khát thì thiệt ra nó không đói khát, chỉ do cái tưởng mà nó cảm nhận như vậy. Trong kinh ghi loài quỷ đói đến bạch với Đức Thế Tôn rằng con đói. Phật mới nói Ta cho ngươi thức ăn đây, hãy ăn đi, nước cam lồ đây, hãy uống đi. Phật chỉ nói đơn giản như vậy thì ngạ quỷ có đủ thức ăn, nước uống, tùy tâm mãn nguyện.

Vì vậy, tháng 7, người ta cúng thí cô hồn, nhưng Phật dạy rằng các loài quỷ này không có sắc thân, nên nó không ăn thức ăn vật chất; cho nên mình cúng bao nhiêu thức ăn vẫn còn đủ y nguyên. Chỉ cần mình có tâm thành nghĩ đến thức ăn cho nó thì tâm nó cũng thông qua tâm mình mà nó tiếp nhận thức ăn, ăn được.

Thực tế chúng ta thấy người bị quỷ nhập hay bị ma giấu, họ chui vô bụi rậm, hay xó kẹt nào đó và bốc đất ăn. Vì bị ma ám, nên mình không thể thấy họ và cũng không thể thấy ma. Đến khi hồn ma xuất ra, mình hỏi họ ăn cái gì. Họ nói ăn bánh, ăn cơm, chứ không phải ăn đất, đó là do thần thức bị ma dắt dẫn mà họ tưởng đất là bánh, là cơm.

Loài quỷ đói được Phật cứu, Ngài nói với nó rằng đây là bánh, là cơm, là cháo… các ngươi muốn gì thì Ta cho cái đó. Như vậy, phải kèm theo Phật ngữ, pháp ngữ thì nhờ tâm thanh tịnh của người tu mà thần chú chuyển hóa tâm loài quỷ để nó hưởng được thức ăn theo ý muốn.

Như vậy, sự sống của loài quỷ tùy theo tâm tưởng của nó mà thọ nhận, nó tưởng đói thì thì thấy đói, nó tưởng khát thì thấy khát, nó tưởng khổ thì thấy khổ. Tại sao nó không tưởng ra những gì sung sướng mà lại tưởng ra đói khát, khổ đau; đó là vì cái nghiệp của chính nó tác động, khiến nó chỉ nghĩ tưởng đến đói khát, khổ đau. Nó không có nghiệp thiện lành nên không thể tưởng ra những gì sung sướng, ấm no.

Trong khi chúng ta mang thân vật chất, nên phải lệ thuộc vật chất. Có thân, chúng ta phải ăn, nhưng phần chủ động bên trong là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Có thể nói thân vật chất này là công cụ của thiện nghiệp hay ác nghiệp. Nếu là thiện nghiệp bên trong, thì Phật gia bị, chúng ta sẽ thấy khác với người có ác nghiệp bên trong thường bị quỷ nhiếp trì. Nói cách khác, thân này là công cụ của ma quỷ, hay của Bồ-tát, Thánh hiền.

Thân vật chất giống nhau, nhưng biến thành con người hung dữ, bị khinh chê, hay là con người hiền đức, được kính trọng, vì thân bên ngoài đều chịu sự tác động bên trong là nghiệp mà hiện ra thân tướng tương ưng. Chúng ta nhận ra con người bên trong, hay cái nghiệp để chúng ta tu là chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp bằng cách nào.

Trên bước đường tu, chúng ta phải nhận ra ba trường hợp là đói con mắt, đói cái thân và đói cái tâm. Nếu thân đói là đói thật. Còn thân đói, nhưng tâm không đói, đó là trường hợp Phật tu, cả tháng không ăn đến độ chỉ còn da bọc xương, nhưng Ngài vẫn minh mẫn, không thấy đói, vì Ngài có thức ăn là Thiền thực và pháp thực.

Phật dạy Tỳ-kheo phải sống với Thiền thực và pháp thực, gọi là ăn cơm Thiền, uống nước pháp thì không đói khát, tức tâm chúng ta không đói khát, nhưng thân này bị khô kiệt vì nhịn ăn quá lâu. Phật chứng đạo đã thể nghiệm lý này.

Thực tập pháp này, tôi không uống nước suốt ngày, nhưng không khát. Bác sĩ bảo phải uống một lít nước đến hai lít nước mỗi ngày. Tôi hỏi uống làm chi. Họ bảo uống nước để lọc máu, nếu không, máu đặc lại thì chết.

Như vậy, thông thường người ta cho rằng phải uống nước để máu có thể vận chuyển trong cơ thể. Nhưng tu theo Phật thấy khác. Phật không ăn uống cả tháng cũng không sao. Chỗ này cho thấy đói thân khác với đói tâm. Thân quá đói, nhưng tâm Ngài không biết đói. Vì vậy, khi Phật xả định, thân Ngài gục xuống. Cô chăn bò đã đổ sữa vô miệng Phật khiến Ngài tỉnh dậy.

Tu hành, thực tập pháp này, ta nhận ra có lúc bận làm việc, quên ăn cũng quên đói. Lúc tôi đi học, lo học, nên quên ăn, bỏ bữa ăn, nhưng tâm không nghĩ đến ăn, nên không thấy đói. Khi công việc xong, hết giờ ăn, mới thấy đói.

Trên bước đường tu, thể nghiệm pháp này, mới nói tùy tâm là vậy. Mình nghĩ đói khát, nóng lạnh, khổ vui thì sẽ cảm thấy đói khát, nóng lạnh, khổ vui.

Đức Phật dấn thân trên con đường cát bụi, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, làm Sa-môn rày đây mai đó, bữa đói bữa no. Mọi người thấy Ngài sống cơ cực như vậy là quá khổ. Trong khi Ngài làm Sa-môn thấy quá vui. Tại sao Ngài lại cảm thấy vui. Vì tâm Thái tử Sĩ Đạt Ta muốn xuất gia, muốn thoát ly, không lệ thuộc vật chất, không lệ thuộc xã hội. Nhưng vua Tịnh Phạn lại xây ba cung điện để Ngài ở thoải mái với thời tiết ba mùa khắc nghiệt của Ấn Độ. Nhà vua cũng phân bổ cung phi mỹ nữ đờn ca múa hát cho Ngài vui, cho vệ sĩ hầu hạ, canh gác, bảo vệ  Ngài. Người đời ước mơ hưởng thụ cuộc sống đế vương như Ngài, nhưng Sĩ Đạt Ta thấy đó là khổ. Lúc nào cũng có người hầu hạ, canh chừng là hoàn toàn mất tự do. Ngài muốn đi tham quan tìm hiểu cũng không được. Cung vàng điện ngọc mình thấy sang, nhưng Ngài thấy là ngục vàng.

Tu hành thấy bằng tâm theo Phật, thì mình sợ. Bắt đầu, tôi nhìn theo thái tử, theo Phật, thấy con người vì vô minh mà tạo nhiều tội lỗi. Quý vị nghĩ xem một ngày chúng ta làm được bao nhiêu tiền, chúng ta nên sử dụng bao nhiêu để còn thặng dư. Phật khuyên chúng ta không nên sử dụng quá 50% những gì mình kiếm được. Phật nghĩ rằng Ngài làm thái tử phải chi cho bao nhiêu binh sĩ bảo vệ, bao nhiêu người hầu hạ. Chi phí này quá lớn, vì phước tu đời trước còn, nếu hưởng một thời gian, chắc chắn phải hết.

Thật vậy, thực tế cho thấy bao nhiêu vương tôn công tử sống trên nhung lụa, có biết bao nhiêu người phải cực khổ để nuôi đám vương tôn công tử này. Họ chỉ sống hưởng thụ giàu sang, không làm thêm được gì, thì không thể tồn tại lâu dài, chỉ một khoảng thời gian sau, phước hết, chắc chắn cuộc sống đế vương phải sụp đổ.

Một ngày mình làm được 10 đồng, tiêu hết thì được gì. Nhưng làm 10 đồng mà tiêu 100 đồng, nợ chồng chất, ăn trước trả sau, tái sanh phải trả nợ cũ. Phật nhận thấy rõ điều này, Ngài dạy rằng vui trong tham dục, vui rồi khổ. Khổ để tu hành, khổ hóa vui. Nhờ sống khắc khổ tu hành, sau làm Phật, làm Thánh, làm Tiên, vui chứ. Quan niệm khổ vui tùy tâm là muốn nói lý này. Biết như vậy để chúng ta xây dựng cuộc sống thực sự an vui miên viễn.

Hoàn cảnh chúng ta khổ hôm nay là tại nghiệp chúng ta tạo đời trước, vì hôm qua chúng ta mắc nợ, nên hôm nay gặp lại toàn chủ nợ, oan gia đến đòi nợ. Theo Phật, tin sâu nhân quả, chấp nhận những việc ác xấu đến với mình như bị giết hại, bị nói xấu, bị lừa gạt… là do tiền khiên nghiệp chướng mình đã tạo. Trái lại, chúng ta sanh trên cuộc đời này, gặp được bạn tốt, người hiền hỗ trợ, Phật dạy đó là do mình đã tạo công đức, đã cưu mang giúp đỡ người, nên họ gặp lại liền có thiện cảm với mình, giúp mình. Quan sát như vậy để nỗ lực tu, xây dựng cuộc sống mình cho tốt đẹp. Thấy khổ hôm nay là biết mình đã hưởng thụ quá đà ngày hôm qua. Và cực khổ hôm nay mình chịu được, làm được việc tốt thì ngày mai, cảnh vui tươi sẽ tới với mình. Như vậy, chúng ta nhận ra được khổ thật, hay khổ ảo giác.

Đói tâm thì tu khắc phục được. Đói thân thì mình phải bổ sung. Phải phân ra như vậy để biết đúng mà điều chỉnh thân tâm. Người có tâm ngạ quỷ, cơ thể họ còn thừa chất bổ, nhưng tâm đói là vì quỷ đói trong con người ép họ ăn, tạo thành cái tật cứ kiếm đồ ăn. Tôi quen người mập 100kg, nhưng lúc nào cũng thấy họ ăn, ngồi trên xe ăn hoài là nghiệp, hay con ma bên trong anh này đòi ăn. Như vậy, tâm anh đói, thân không đói. Tôi bảo anh tu, tập nhịn đói sẽ hết nghiệp ăn, nhịn ăn một tháng cũng không chết, vì dư mỡ nhiều quá mà. Anh nói không ăn thì không chịu được, dù biết ăn nhiều sanh bệnh.

Nghe nói ở Ai Cập có anh nhà giàu mập đến 500kg, không đi nổi. Anh gặp thầy Ấn Độ bảo anh qua Ấn Độ, ông sẽ chữa hết bệnh ăn và bệnh mập. Anh này thuê người khiêng lên máy bay chở sang Ấn Độ. Ông thầy cứ cho anh nhịn đói, nhưng quan trọng là ông làm cho anh không có cảm giác đói.

Phật dạy rằng nhập định là dùng Thiền thực sẽ quên đói, hoặc đọc sách, nghe kinh, nghe giảng pháp cũng quên đói. Nhưng ông thầy Ấn Độ biết anh này không thể Thiền, không thể đọc sách, nghe kinh được. Ông thầy mới dùng thuật thôi miên làm tinh thần anh mập này bị nhốt trong tinh thần của ông thầy, nên anh không biết gì và tất nhiên cũng không nghĩ đến ăn, đó là nhịn đói bằng thuật thôi miên khiến anh này giảm xuống 100kg.

Chúng ta đừng để nghiệp sanh ra, vì nghiệp sanh rồi thì nghiệp tạo nghiệp, cứ như vậy mà nghiệp tăng lên, không thể khác. Riêng tôi, không để việc ăn uống tác động là tôi tu từ năm 20 tuổi đến nay 80 tuổi, tôi vẫn giữ trọng lượng cơ thể ở mức 55kg. Tuần trước, tôi vô bệnh viện khám sức khỏe định kỳ, cân nặng vẫn 55kg, như vậy trải qua 60 năm, tôi không cho cơ thể tăng ký. Phật nói trọng lượng tăng quá sẽ thành bệnh, mà giảm quá, tế bào bị đói cũng thành bệnh.

Thầy Lệ Quang nói Hòa thượng 80 tuổi mà khỏe hơn các thầy khác, vì tôi theo lời Phật dạy không ăn quá thừa, không để đói quá. Tập ăn như vậy là không lệ thuộc vật chất trước thì mới đi trên  đường đạo được.

Thấy thức ăn mới thèm ăn là đói con mắt, ngửi mùi thức ăn, muốn ăn. Sự thật cơ thể chưa cần ăn, nhưng chiều theo sự thèm muốn ăn như vậy lần lần mình tạo thành cái nghiệp ăn, thành con ma tham ăn. Trên bước đường tu, chúng ta phải nhận thức rõ ý này để tự điều chỉnh thân tâm mình cho dứt sạch nghiệp tham ăn.

Đức Phật dạy con đường Trung đạo, theo đó, không ăn quá nhiều, không ăn quá ít để chúng ta không lệ thuộc vật chất nhiều. Vì người ta thường tưởng rằng phải cần nhiều nhu cầu, trong khi thực tế cuộc sống không đòi hỏi phải có nhiều. Sự thiếu hiểu biết, hay vì lòng tham nên người ta đã tạo vô số tội lỗi thì hoàn cảnh xấu chắc chắn sẽ tới, lúc đó muốn thoát cảnh khổ cũng không được.

Thực tế chúng ta biết ăn bao nhiêu là đủ, chỗ ở bao nhiêu là vừa và mặc bao nhiêu áo là đủ. Vì vậy, đối với người tu, Phật đã quy định vấn đề ăn mặc ở vừa đủ, thậm chí còn thiếu một chút để tích lũy phước gọi là tam thường bất túc, không cho hơn; vì sợ lòng tham chúng ta tăng lên. Người tu có hai bộ đồ, nếu người ta cho một bộ nữa, thì nên bỏ bớt bộ đồ cũ, không tích trữ để hạn chế lòng tham, không cho lòng tham tăng trưởng. Chiếc áo tôi đang mặc đã mấy chục năm không hư hao gì.

Trong đời sống tu hành, lúc nào tôi cũng thấy dư, vì Phật dạy mình tự hạ tâm mong cầu xuống bằng không, thì mình sẽ không thiếu thứ gì. Nếu mình tăng cái muốn lên một chút là sẽ thấy thiếu liền.

Mình tăng mức cầu là tham vọng, nhưng sống vượt quá cái phước thì sẽ khổ. Nhận thức lý này, ta ngừng ngay tham vọng, mới nhận thấy con người thật của mình, một ngày kiếm được bao nhiêu tiền và chỉ tiêu trong phạm vi này thì đủ. Nhưng nếu biết hạn chế tiêu dùng sẽ có thặng dư để tạo thêm phước trải qua nhiều đời mới thành tựu quả vị Phật.

Thật vậy, muốn thành Phật, Bồ-tát phải tạo phước đức. Chúng ta có thể mua phước, mua đức, mua trí tuệ. Thí dụ, chúng ta theo thầy tu hành, chịu cực để chúng ta mua trí tuệ của thầy. Ý này được Phật nói trong kinh Pháp hoa rằng từ nhiều kiếp xa xưa, Phật đã từng làm vua, nhưng Ngài biết rõ nếu kém trí tuệ mà hưởng hết phước sẽ bị đọa. Vì vậy, vua thông báo rằng ai có khả năng dạy vua điều gì mà ông chưa biết thì vua sẵn sàng làm tôi tớ hầu hạ. Tinh thần  cầu học của tiền kiếp Phật mạnh mẽ như vậy.

Sau đó, vua bỏ ngôi theo vị Tiên nhân, hầu hạ vị này đủ thứ việc để học được trí tuệ. Ngài nói nhờ cầu học trí tuệ trải qua nhiều kiếp mà hiện tại Ngài mới làm Phật.

Có bao nhiêu tiền của đem mua trí tuệ, nhưng mua trí tuệ khác với mua bằng cấp. Mua bằng cấp chắc chắn không có trí tuệ. Mua trí tuệ là ta chịu cực học để có hiểu biết càng sâu rộng càng tốt.

Thứ hai là dùng tiền của, công sức để mua phước đức. Do cứu người, giúp người mà chúng ta có được phước đức. Vì vậy, thái tử tự nghĩ nếu cứ ở cung vàng hưởng thụ sự hầu hạ của nhiều người, phước đức phải dần dần cạn kiệt.

Khi Phật làm Sa-môn, những gì giúp người Ngài đều sẵn lòng, thậm chí trên bước đường hoằng pháp, Ngài cũng dừng lại để xỏ kim cho bà lão ăn xin bên vệ đường, hay bế con nai con bị què cho nó theo kịp nai mẹ. Ngài không từ nan việc cứu giúp, từ việc nhỏ đến việc lớn chẳng những trong một đời mà Ngài đã xả thân trong vô số kiếp hành Bồ-tát đạo để mang đến lợi lạc cho mọi người, mọi loài, nên Ngài được tôn kính là đấng Cha lành của muôn loài.

Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, quý vị hãy  nghiệm xem mình đã làm gì giúp bạn để được họ thương. Phật dạy Bồ-tát tạo phước thì phước mới sanh, cứu giúp người mới được người thương.

Ngoài việc tạo phước và trí tuệ, còn phải tạo đức. Đức có được do thể hiện hạnh kính trọng người khác. Trong kinh Pháp hoa, khi Phật muốn điều Diệu Âm Bồ-tát qua Ta-bà, Phật phóng hai luồng hào quang từ bạch hào tướng và vô kiến đảnh tướng chiếu thẳng vô Diệu Âm. Diệu Âm mới nghĩ nhất định phải tới Ta-bà.

Nói rằng Phật phóng hai hào quang nghe có tính huyền thoại, nhưng hai hào quang này tiêu biểu cho trí tuệ và tâm kính trọng người khác. Nếu trở về thực tế để hiểu ý này là mình không thể phóng hào quang, nhưng mình có trí tuệ thì có thể mời người hợp tác, vì họ cũng công nhận mình là người trí thức.

Hào quang trên trán tiêu biểu cho trí tuệ. Phật có trí tuệ nên Phật mời ai thì họ cũng hoan hỷ tới. Không có trí tuệ mà mời người giỏi hợp tác e rằng dễ bị người hại.

Phật có trí tuệ mời Diệu Âm tới liền, nhưng chỉ có trí tuệ cũng chưa đủ, Phật phải phóng thêm hào quang từ vô kiến đảnh tướng là đức tướng.

Tôi thấy người giỏi thường ngạo mạn, nên không được nhiều người có thiện cảm thì khó làm được việc. Phải kính trọng người khác, dù họ dở hơn, nhưng mình thương kính họ, họ cũng kính trọng mình. Chúng ta thấy người giàu hay xem thường người khác, nên nhiều khi họ cho mà người ta cũng không nhận.

Thiết nghĩ có giúp người hay không cũng không quan trọng, nhưng pháp chính là kính trọng người khác.

Vì vậy, pháp kính tín cúng dường rất quan trọng. Phải tu cho được tâm kính người, tôn trọng người khác mới làm được việc lớn.

Diệu Âm nói Phật Thích Ca mời thì dù có tan thân mất mạng cũng tới Ta-bà, vì Diệu Âm kính trọng Đức Thích Ca có trí tuệ tuyệt vời và chịu cực khổ ở Ta-bà để giáo hóa chúng sanh. Diệu Âm biết rõ Đức Phật Thích Ca ưu việt như vậy và Ngài cần Bồ-tát này, nên Bồ tát tức tốc qua Ta-bà hỗ trợ Đức Thích Ca. Thể hiện ý này, Phật nói một Phật xuất thế thì có hàng ngàn Phật khác ủng hộ, mới thành tựu việc khó làm.

Tóm lại, trên bước đường tu, khổ vui tùy tâm con người. Chúng ta thấy rõ ý này. Người thấy chúng ta tu khổ cực quá, vì sống độc thân, ăn chay, dậy sớm, vừa công quả, vừa bái sám, vừa miệt mài đèn sách, vừa lo cho người hữu sự…, nhưng mình thấy vui mới tu được.

Nhiều bạn của tôi đã bỏ tu, vì cảm thấy quá khổ. Đối với tôi, khổ để tu thì khổ hóa vui. 60 năm tôi gặp lại những người mà trước kia họ nói tu chi cho cực, nhưng nay họ than khổ và nói tôi sướng quá.

Một hôm, có người đến thăm tôi, nói rằng bây giờ họ khổ ơi là khổ, vì tiền mất hết, không biết sống làm sao. Trước kia, anh này bỏ áo Phật, chạy theo tham dục, tưởng đó là vui, nhưng chính cái vui này đã dẫn anh đến hiện tại phải khổ thấu xương.

Hiểu ý Phật dạy, việc nào chúng ta làm dù cực khổ trước mắt, nhưng tương lai về sau mình sẽ có được nguồn vui hoàn toàn với quả vị Thánh hiền, Tiên, Phật, thì không từ nan. Ngược lại, vui trước là vui trong tham dục để dẫn đến quả khổ về sau, phải sống trong cảnh địa ngục, thì phải dứt khoát tránh xa. Nhận thức đúng pháp như vậy, chúng ta dấn thân làm việc nên làm theo Phật, chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp đúng như ý muốn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.