GNO - Trước nhiều câu hỏi của bạn đọc về nguồn gốc của tín niệm cúng sao giải hạn, quan điểm của Phật giáo về vấn đề đó như thế nào? GNO xin giới thiệu lại bài khảo cứu công phu dưới đây, từng được đăng trên nguyệt san Giác Ngộ - phụ trương nghiên cứu Phật học của Báo Giác Ngộ phát hành hàng tháng. Bài nghiên cứu của tác giả có tựa đề đầy đủ: "Khảo sát về tín niệm cúng sao giải hạn trong Đại tạng kinh Đại chính Tân tu".
Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hỏng điều lành,
Ðiều lành chiếu điều lành,
Sao trời làm được gì?(1)
Nghiệp có thể thay đổi. Con người hoàn toàn có thể làm chủ vận mạng của mình, thông qua những nỗ lực chuyển hóa bản thân mà không phải cầu xin một vị thần thánh, hay phụng cúng một vì tinh tú nào
Đức Phật đã chỉ rõ: Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu(2). Nghiệp có thể thay đổi. Con người hoàn toàn có thể làm chủ vận mạng của mình, thông qua những nỗ lực chuyển hóa bản thân mà không phải cầu xin một vị thần thánh, hay phụng cúng một vì tinh tú nào. Đó là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa Phật giáo và các triết phái tư tưởng tôn giáo khác tại Ấn Độ nói chung và Bà-la-môn giáo nói riêng.
Theo kinh Phật thuyết Phạm võng lục thập nhị kiến do cư sĩ Chi Khiêm dịch, đã cho thấy sự vận hành của trời, đất trăng sao được các nhà hiền triết thời ấy quan tâm sâu sắc: Có người chủ trương mặt trời mọc từ Đông sang Tây, kẻ khác thì chủ trương từ Tây sang Đông. Có người chủ trương mặt trăng và các vì sao chuyển động từ Đông sang Tây, kẻ khác thì chủ trương từ Tây sang Đông(3). Không những thế, trong kinh điển Phật giáo thường ghi lại, có những vị Phạm chí nắm vững ba kinh, thông đạt ngũ điển, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý(4). Với Bà-la-môn giáo nói chung thì kiến thức về thiên văn và những lễ nghi tế tự trăng sao, là một trong những yêu cầu quan trọng, để hình thành nên phẩm chất căn bản của một vị Bà-la-môn(5).
Tín niệm thờ cúng trăng sao trong truyền thống Ấn Độ
Bà-la-môn giáo là một tôn giáo đa thần. Trăng sao đối với người Bà-la-môn là những vị thần có năng lực đặc biệt(6). Trong vô vàn những vì tinh tú, trăng sao, thì niềm tin vào chín vị sao, Phạn ngữ gọi là Navagraha, Trung Hoa dịch là Cửu diệu(7), là một tín niệm có lịch sử hình thành rất sớm, có cơ sở lý luận rõ ràng và hiện còn được tiếp tục duy trì tại một số khu vực ở Ấn Độ.
Theo cách hiểu xưa nay, khi bàn về thờ tự trăng sao, cụ thể là tín niệm cúng sao giải hạn, phần lớn đều cho rằng đó là một tín niệm có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên, căn cứ theo William Monier(8); William Edward Soothill(9), thì tập tục phụng cúng các vì sao cũng như quan điểm về chín vị sao (Cửu diệu) vốn có mặt từ lâu trong triết học về thiên văn và ngành chiêm tinh của Ấn giáo.
Theo Ấn giáo, ngoài niềm tin về 27 vị sao(10) (theo Atharvaveda thì cho rằng 28), thì còn có khái niệm Navagraha(11) trong thiên văn nhằm mô tả về chín vị thần cai quản, là những vị thần chính có ảnh hưởng đến các sinh vật trên trái đất. Tất cả các Navagraha đều tương ứng với chuyển động của các ngôi sao nhất định trong vòng hoàng đạo. Tên tuổi của các vị sao theo chiêm tinh Ấn giáo là Āditya (Surya, Nhật diệu); Soma (Chandra, Nguyệt diệu); Amgāraka (Mangala, Hỏa diệu); Budha (Thủy diệu); Vṛhaspati (Bṛhaspati, Mộc diệu); ‘Sukra (Shukra, Kim diệu); Sanaiscara (Shani, Thổ diệu); Rāhu (La hầu); Ketu (Kế đô)(12). Bằng chứng khảo cổ hiện còn là hai bức tượng đá mô tả về chín vị sao này, được bảo lưu tại hai thư viện lớn là Anh và Pháp (ảnh đính kèm).
Hiện nay, tín niệm thờ tự chín vị sao đặc biệt này còn được trân trọng phụng thờ tại bang Tamil Nadu ở Ấn Độ. Thậm chí, trong năm 2014, Tổng Công ty Phát triển du lịch Tamil Nadu (Tamilnadu Tourism Development Corp.) còn thiết kế một tour du lịch bốn đêm ba ngày dành cho du khách có nhu cầu chiêm bái chín ngôi đền thờ nổi tiếng này(13).
Như vậy, tín niệm thờ tự trăng sao thực sự có nguồn gốc từ Ấn giáo. Trong quá trình thăng trầm và phát triển của Phật giáo, tín niệm thờ tự chín vị sao của Ấn giáo đã từng bước du nhập, định hình khá cụ thể và chi tiết trong kinh văn Hán tạng, cụ thể là trong ĐTKĐCTT.
Tín niệm thờ cúng trăng sao trong Mật giáo, thuộc ĐTKĐCTT
Trong ĐTKĐCTT, nơi ghi lại nhiều thông tin về tín niệm thờ tự trăng sao cũng như các pháp thức cúng sao giải hạn, tập trung vào tập Mật tông thứ 21.
Trước hết, tên gọi cũng như hình ảnh mô phỏng về chín vị sao của Ấn giáo và những bài chú tương ứng được ghi lại đầy đủ trong Phạm Thiên hỏa la cửu diệu(14), số 1.311; Tú diệu nghi quỹ(15), số 1.304; Thất diệu nhương tai quyết(16), quyển thượng, số 1.308 và Bắc đẩu thất tinh hộ ma pháp(17), số 1.310.
Trong những tác phẩm vừa nêu thì Phạm Thiên hỏa la cửu diệu (Brahma-horanavagraha) là một tác phẩm đặc biệt quan trọng liên quan đến đề tài. Vì đây chính là tác phẩm mang tính tư liệu của Thiền sư Nhất Hạnh (683-727), được các đệ tử tập thành sau khi Thiền sư viên tịch. Theo Tống Cao tăng truyện(18), Thiền sư Nhất Hạnh là người rất giỏi lịch Pháp, đã từng học Mật giáo với Tam tạng Kim Cang Trí, cùng với ngài Vô Úy dịch kinh Tỳ-lô-giá-na. Ở đây, trong tác phẩm Phạm Thiên hỏa la cửu diệu, nội dung cơ bản mô tả chín vị sao tương tự như Ấn giáo cùng những nội dung mang tính đặc dị, không mang màu sắc Phật giáo, được thể hiện cụ thể ở những điểm sau.
- Thứ nhất, chín vị sao được mô tả lần lượt là: La hầu (còn gọi là La sư, Hoàng phan); Thổ tú; Bắc thần (còn gọi là Sàm tinh, Trích tinh); Thái bạch; Thái dương; Huỳnh hoặc (còn gọi là Tứ lợi, Hư hán); Kế đô (còn gọi là Báo vỹ hay Đại ẩn); Thái âm và Tuế tinh (còn gọi là Mộc tinh, Thái tuế, Nhiếp đề). Chín vị sao này không liên quan đến kinh văn chính thống của Phật giáo.
- Thứ hai, trong tác phẩm này, dấu ấn của Bà-la-môn giáo thể hiện rất rõ trong hình vẽ về chín vị thần biểu hiện cho nhật nguyệt tinh tú. Thậm chí, nhân dạng của sao Thổ tú được mô tả như một vị Bà-la-môn (其 形 如 波 羅 門). Không những thế, những đồ tùy tế, vật dụng của những vị tinh tú trong tác phẩm Phạm Thiên hỏa la cửu diệu có nhiều chi tiết rất giống với hai bức điêu khắc đã dẫn ở trên, mô tả về chín vị sao trong truyền thống của Bà-la-môn giáo.
- Thứ ba, ngay như tên gọi của chín vị sao, cũng được phiên âm từ ngôn ngữ Ấn Độ. Đơn cử như sao Kế đô (計都), theo Phạn ngữ tạp danh(19), thì sao Kế đô được phiên âm từ chữ Kātu của Phạn ngữ. Nhất thiết kinh âm nghĩa(20) cũng xác nhận rằng Kế đô nguyên là Phạn ngữ, ngôn ngữ nhà Đường gọi là Tràng vực hoặc Tiết thủ chấp(21).
- Thứ tư, các khái niệm cơ bản của tín niệm phụng thờ Thượng đế, trăng sao như: mạng người phụ thuộc cõi trời cao xanh (人 命 屬 高 倉 天); đến tuổi gặp phải sao này (行 年 至 此 宿 者); nếu gặp sao xấu thì nên cúng tế, thì sẽ tránh được những điều không thuận lợi, tức biến xấu thành tốt, nếu không tin thì sẽ biến tốt thành xấu (若 遇 惡 星 須 攘 之. 諸 不 逆 其 所 犯. 即 變 凶 成 吉. 不 信 即 變 吉 成 凶.)… đã khẳng định rằng, đây là những khái niệm của các tôn giáo phụng thờ thượng đế, đa thần.
Từ bốn điểm phân tích nêu trên, cho thấy rằng khởi nguồn của tín niệm thờ tự trăng sao, cúng sao giải hạn sở dĩ xuất hiện trong những lễ nghi của Phật giáo, có cơ sở từ bản kinh này. Bản kinh này cũng được xem là một trong những điểm khởi đầu thể hiện cho sự giao thoa, tiếp biến những tín niệm của Ấn giáo vào trong Phật giáo.
Trong liên hệ vương quyền, cụ thể là vào thời nhà Đường, đã có những quan tâm của những bậc vua chúa đối với xu hướng thần bí, quyền năng. Theo Tống Cao tăng truyện, vua Đường Huyền Tông (712-756) khâm phục sự thần diệu của ngài Kim Cang Trí (671?-741)(22), Thiền sư Nhất Hạnh (683-727)(23), ngài Thiện Vô Úy (637-735)(24) nên đã cung kính đảnh lễ, phụng tôn. Đường Đại Tông (762-779) quan tâm và ban hiệu Đại Quảng Trí Tam tạng cho ngài Bất Không (705-774)(25). Đặc biệt, Đường Duệ Tông (710-712) và cả Đường Huyền Tông vô cùng nể trọng Thiền sư Nhất Hạnh, cả hai cầu thỉnh ngài vào Tập hiền viện trước tác và phiên dịch kinh thư. Khi Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch, Đường Huyền Tông còn ban thụy là Đại Tuệ thiền sư(26). Xem ra, khởi đầu của Mật giáo Trung Hoa đã được các vua nhà Đường quan tâm và hỗ trợ.
Có thể nói, sự ủng hộ nhiệt thành của các bậc vương quyền cũng là một trong những tiền đề để những trước tác của Mật giáo được chính thức quảng bố, nhập tạng và lưu hành. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi, để tín niệm thờ phụng trăng sao thể hiện trong tác phẩm Phạm Thiên hỏa la cửu diệu của Thiền sư Nhất Hạnh, được bắt rễ trong những hình thức lễ nghi của Phật giáo.
Như vậy, trong quá trình phát triển của Phật giáo, đã có những tín niệm của Bà-la-môn và tín niệm dân gian trộn lẫn vào hình thức, lễ nghi, thậm chí ảnh hưởng cả về mặt tư tưởng của Phật giáo. Ngài Ấn Thuận (1906-2005) đã chứng minh nguồn gốc cụ thể về những trường hợp này(27). Ở đây, việc chỉ ra những tín niệm không phải bản chất của Phật giáo cũng là một khát vọng chính đáng của đệ tử Phật, nhằm góp phần giữ gìn sự thuần nhất của Phật giáo. Do vậy, việc điểm qua những bản kinh mang hơi thở thờ phụng Thượng đế, trăng sao, như hình thức cúng sao giải hạn có mặt trong ĐTKĐCTT, cũng là một trong những phương cách góp phần vào xu thế đó.
Những bản kinh thư thuộc Mật giáo liên quan đến tín niệm sao hạn
Trong ĐTKĐCTT, các tác phẩm liên quan đến Mật giáo là nơi có sự ảnh hưởng nhiều nhất của tín niệm phụng thờ tinh tú, thần linh. Trong khả năng có thể, chúng tôi xin chỉ ra một vài bộ kinh thư với những dấu hiệu rõ ràng, mang tính tiêu biểu.
Phật thuyết đại oai đức kim luân Phật đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai tiêu trừ nhất thiết tai nạn Đà-la-ni kinh(28), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 19, số 0964, không rõ người dịch. Nội dung: Đề cập bài chú như bản kinh, ai trì tụng thì có thể thoát tai nạn, dù gặp sao xấu như La hầu, Kế đô chiếu thân.
Phật mẫu Đại Khổng Tước minh vương(29), 3 quyển, ĐTKĐCTT, tập 19, số 0982, do Sa-môn Bất Không dịch. Nội dung: Ở quyển hạ, nói rằng, nếu ai trì tụng chú này, thì sẽ được Nhị thập bát tú, Cửu diệu phù trì, ủng hộ.
Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát cập chư tiên sở thuyết cát hung thời nhật thiện ác tú diệu kinh(30), 2 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1.299, do Sa-môn Bất Không dịch. Nội dung: Mô tả Nhị thập bát tú, các vì sao trong mỗi tháng, cách thức chọn ngày, chọn giờ, lịch tốt xấu của Nhị thập thất tú…
Ma Đăng Già kinh(31), 2 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1.300, đời Ngô, do Trúc Luật Viêm và Chi Khiêm cùng dịch. Nội dung: quyển 1, mô tả câu chuyện mẹ nàng Chiên Đà La dùng thần chú khống chế A Nan. Quyển 2, mô tả Nhị thập bát tú cùng những ảnh hưởng tốt xấu, lượng độ, hình mạo…
Xá Đầu Gián thái tử Nhị thập bát tú kinh(32), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1301, do Tam tạng Trúc Pháp Hộ dịch. Nội dung: Mô tả chi tiết về 28 vị sao, sao nào xuất hiện thì thuận lợi việc nào. Bản kinh giao thoa giữa chuyện tiền thân Đức Phật và tín niệm thờ phụng tinh tú.
Phật thuyết Thánh Diệu Mẫu đà-la-ni kinh(33), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1303, do Pháp Thiên dịch. Nội dung: Mô tả bài chú như tựa đề bản kinh, tán thán nếu ai trì chú này sẽ được lợi ích. Các sao xấu ác, nghe chú này đều hoan hỷ, không não hại chúng sanh.
Tú diệu nghi quỹ(34), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1.304, do Thiền sư Nhất Hạnh soạn. Nội dung: Hướng dẫn các thủ ấn và các bài thần chú liên quan đến các vì sao (như Nhị thập bát tú, Cửu diệu, Bắc đẩu thất tinh…).
Bắc đẩu thất tinh niệm tụng nghi quỹ(35), 1 quyển ĐTKĐCTT, tập 21, số 1305, do Tam tạng Kim Cang Trí dịch. Nội dung: Đề cập Bát tinh chú và tán thán những ai thường xuyên trì tụng chú này.
Bắc đẩu Thất tinh hộ ma bí yếu nghi quỹ(36), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1.306, do Đại Hưng Thiện Tự, Phiên Kinh Viện, Quán Đảnh A Xà Lê ghi lại. Nội dung: Hướng dẫn làm đàn tràng, hình thức ấn chú, Đỉnh luân vương chơn ngôn và Triệu Bắc đẩu chơn ngôn.
Phật thuyết Bắc đẩu Thất tinh diên mệnh kinh(37), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1307, do một tu sĩ Bà-la-môn đem kinh này đến cho nhà Đường thọ trì. Nội dung: Mô tả bảy vị sao và các tinh phù mang tính bản địa (Trung Hoa) và tán thán những lợi ích khi thọ trì, cúng dường bản kinh này.
Thất diệu nhương tai quyết(38), 2 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1.308, do tu sĩ Bà-la-môn Kim Câu Trá soạn tập. Nội dung: Mô tả tinh phù và các cách thức tế tự những vì sao, lượng độ an nguy khi gặp những vị sao và cách thức hóa giải.
Thất diệu tinh thần biệt hành pháp(39), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1309 do Thiền sư Nhất Hạnh soạn. Nội dung: Đề cập 12 vị sao tương ứng với 12 tháng, mô tả thần dạng của ba mươi vị sao, các hình thức tế tự và những lợi ích tương ứng.
Bắc đẩu thất tinh hộ ma pháp(40), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1.310, do Thiền sư Nhất Hạnh soạn. Nội dung: Hướng dẫn các thủ ấn, nội dung các thần chú liên quan đến Nhị thập bát tú, Cửu diệu, Diên mệnh chơn ngôn…
Phạm thiên hỏa la cửu diệu(41), 1 quyển, ĐTKĐCTT, tập 21, số 1311, do Thiền sư Nhất Hạnh soạn. Nội dung: Mô tả hình ảnh chín vị sao và những thần chú tương ứng, cách khắc phục sao xấu và tuổi gì thì do sao nào chiếu mạng.
Nan Nhĩ Kế Thấp Phọc La thiên thuyết chi luân kinh(42), 1 quyển ĐTKĐCTT, tập 21, số 1312, do Pháp Hiền phụng chiếu dịch. Nội dung: Vị trời Nan Nhĩ Kế Thấp Phọc La chỉ bày cho con người tránh khỏi các sao xấu bằng cách trì tụng kinh Chi luân.
Có thể nói, tín niệm thờ phụng tinh tú, cúng sao giải hạn không chỉ có mặt đậm nét trong những bản kinh thư thuộc Mật bộ, mà còn được phát hiện rải rác ở những đoạn ngắn, trong những bản kinh lớn như kinh Hoa nghiêm, kinh Đại phương đẳng đại tập, kinh Kim quang minh… thuộc ĐTKĐCTT. Vấn đề này sẽ được trình bày trong một chuyên đề khác.
Nhận định và đề nghị
Cùng với quá trình phát triển của Phật giáo, Bà-la-môn giáo đã có những bước vận động chuyển mình. Trong dòng chảy biến thiên của lịch sử, của bối cảnh xã hội, tại Ấn Độ cũng như tại Trung Hoa, Phật giáo và Bà-la-môn giáo đã có những giao thoa tiếp biến với nhau. Quá trình này có thể có chủ ý hoặc diễn ra bằng con đường tự nhiên.
Ở đây, sự có mặt của tín niệm Bà-la-môn giáo như việc thờ phụng tinh tú, trời thần, qua hình thức cúng sao, giải hạn sở dĩ được tập thành trong kinh điển Hán tạng, có mặt trong nghi lễ Phật giáo, là dấu hiệu minh chứng cho quá trình giao thoa và tiếp biến nêu trên.
Triết lý về sự chi phối của Thượng đế, của trăng sao,
không phù hợp với tôn chỉ căn bản của Phật giáo - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Là một tôn giáo chủ trương phủ định một cái ngã thường hằng, xác tín mọi cá nhân đều bình đẳng trước hành nghiệp của mình như Phật giáo, thì triết lý về sự chi phối của Thượng đế, của trăng sao, không phù hợp với tôn chỉ căn bản.
Với khảo sát bước đầu, đã chỉ ra 15 bộ kinh thư thuộc Mật giáo, không những mang nội dung không đúng với tôn chỉ của Phật giáo, mà còn cổ xúy cho tín niệm của tôn giáo khác, thì cần phải có một phương thức ứng xử phù hợp.
Trong ĐTKĐCTT có một mục lưu giữ các bản kinh chứa những yếu tố nghi ngờ là Ngoại giáo bộ, nên chăng, 15 bản kinh thư nêu trên cần được xem xét đưa vào bộ loại này. Theo thiển ý của người viết, nhằm góp phần ngăn ngừa những tập tục không phù hợp với pháp Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cụ thể là Viện Nghiên cứu Phật học Việt nam, nên có những khuyến nghị cần thiết đối với các cơ quan in ấn và xuất bản, về những trường hợp mà chúng tôi đã nêu ra. Trong liên hệ gần hơn, việc cấp thiết và có ý nghĩa trước mắt là không nên chuyển dịch những bản kinh đó ra tiếng Việt để quảng bố, lưu hành(43).
Chúc Phú
__________________
(1) Kinh Tiểu bộ, tập 4, chương 1, Chuyện các vì sao, số 49.
(2) Kinh Trung bộ, tập 3, Tiểu kinh nghiệp phân biệt, số 135.
(3) 大正新脩大藏經第 01 冊 No.0021 梵網六十二見經. Nguyên văn: 一人言日從東西行. 一人言從西東行. 一人言月星宿. 從東西行. 一人言從西東行.
(4) 大正新脩大藏經第 03 冊 No.0154 生經卷第一. Nguyên văn: 綜練三經. 通達五典. 上知天文. 下Ô地理.
(5) Etienne Lamotte, History of Indian Buddhism, Paris: Institut Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988, tr.2.
(6) Maurice Winternitz, A History of Indian Literature, Vol 3. Delhy: Motilal Banarsidass, 1998, tr.694.
(7) Đinh Phúc Bảo, Phật học Đại từ điển, quyển thượng, Phật Đà giáo dục Cơ Kim Hội ấn hành, 2012, tr.176.
(8) William Monier, Sanskrit-English Dictionary, tr.531.
(9) William Edward Soothill, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms. London: Kegan Paul, Trench, Trubner & Co., Ltd. 2005, tr.18.
(10) Maurice Winternitz, A History of Indian Literature, Vol 1. Delhy: Motilal Banarsidass, 1990, p. 269; Cf: http://en.wikipedia.org/wiki/Nakshatra; Maurice Winternitz, A History of Indian Literature, Vol 3. Delhy: Motilal Banarsidass, 1998, tr.680.
(11) http://en.wikipedia.org/wiki/Navagraha.
(12) Constance A. Jones and James D. Ryan, Encyclopedia of Hinduism. New York: Facts on File, 2007. p. 94; 103-104; 275-276; 428.
(13) https://www.trsiyengar.com/id21.shtml.
(14)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1311 梵天火羅九曜.
(15)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1304 宿曜儀軌.
(16) 大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1308 七曜攘災決.
(17)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1310 北斗七星護摩法.
(18)大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳卷第五.
(19)大正新脩大藏經第 54 冊 No. 2135 梵語雜名.
(20)大正新脩大藏經第 54 冊 No. 2128 一切經音義.
(21)大正新脩大藏經第 54 冊 No. 2128 一切經音義, 卷第三十六.
(22) 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳傳卷第一.
(23)大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳卷第五.
(24)大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳卷第二.
(25)大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳傳卷第一.
(26)大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳卷第五.
(27) 印順法師, 妙雲集, 下編之三, 以佛法研究佛法.
(28)大正新脩大藏經第 19 冊 No. 0964 佛說大威德金輪佛頂熾盛光如來消除一切災難陀羅尼經.
(29)大正新脩大藏經第 19 冊 No. 0982 佛母大孔雀明王經.
(30)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1299 文殊師利菩薩及諸仙所說吉凶時日善惡宿曜經.
(31)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1300 摩登伽經.
(32)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1301 舍頭諫太子二十八宿經. Theo, Đinh Phúc Bảo, Phật học đại từ điển, quyển thượng, Phật Đà giáo dục Cơ Kim Hội ấn hành, 2012, tr. 584, thì đây cũng là một bản dịch khác của 太子明星二十八宿經. Điều này cũng được ghi nhận trong Lịch đại Tam bảo ký, quyển bốn.
(33)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1303 佛說聖曜母陀羅尼經.
(34)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1304 宿曜儀軌.
(35)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1305 北斗七星念誦儀軌.
(36)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1306 北斗七星護摩祕要儀軌.
(37)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1307 佛說北斗七星延命經.
(38)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1308 七曜攘災決.
(39)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1309 七曜星辰別行法.
(40)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1310 北斗七星護摩法.
(41)大正新脩大藏經第 21 冊 No. 1311 梵天火羅九曜.
(42)大正新脩大藏經第 21 冊 No.1312 難儞計濕嚩囉天說支輪經.
(43) Được biết, bản kinh Phật thuyết kinh Bắc đẩu thất tinh diên mệnh được HT.Thích Viên Đức soạn dịch trong bộ Mật tông, NXB.Phương Đông ấn hành năm 2009, tr.620. Bản kinh này cũng được được NXB.Tôn Giáo ấn hành vào năm 2009, qua bản dịch của Phúc Thiện. Đây cũng là bản kinh nằm trong danh mục 15 bản kinh chứa những yếu tố nghi ngờ, đã được chúng tôi phân tích ở trên.