Khảo biện về kinh Dược Sư

(Viết để kính dâng Ân sư, Hòa thượng Thích Quang Đạo)


NSGN - Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Dược Sư là một bản kinh thường được trì tụng nhằm mục đích giải trừ tật bệnh, cầu nguyện bình an cho cá nhân, gia đình, dân tộc và xứ sở. Đặc biệt, trong những ngày đầu năm, đàn tràng Dược Sư được các chùa tổ chức với nhiều thể thức, quy mô khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung nhất giữa các đàn tràng đều lấy việc trì tụng bản kinh Dược Sư làm nền tảng.

Kinh Dược Sư có nhiều truyền bản và có 1ịch sử truyền dịch lâu đời. Đồng thời, nội dung bản kinh chứa đựng những yếu tố kỳ đặc, so với những quan điểm cơ bản của Phật giáo. Do vậy, việc khảo cứu về lịch sử bản kinh này cũng như biện giải những nội dung đặc thù được chuyên chở trong bản kinh, là điều quan tâm chính của khảo luận.

VG_DS (6).JPG
Hướng về Đức Phật Dược Sư - tại đàn Dược Sư tổ chức ở Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Vũ Giang

Truyền bản và niên đại

1. Vấn đề truyền bản

Theo Đại tạng kinh Đại chính tân tu, (ĐTK ĐCTT), kinh Dược Sư hiện có bốn truyền bản:

Kinh Phật thuyết quán đảnhBạt trừ quá tội sanh tử đắc độ (佛說灌頂拔除過罪生死得度經), là quyển thứ 12 thuộc bộ kinh Quán đảnh1 do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch vào thời Đông Tấn (317-420)2.

Kinh Phật thuyết Dược Sư Như Lai bổn nguyện (佛說藥師如來本願經)3, do ngài Đạt-ma-cấp-đa dịch vào niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ 11 (615) đời nhà Tùy.

Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai bổn nguyện công đức (藥師琉璃光如來本願功德經)4 do ngài Huyền Tráng dịch vào niên hiệu Vĩnh Huy nguyên niên (650)5.

Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang thất Phật bổn nguyện công đức (藥師琉璃光七佛本願功德經)6, do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào năm thứ ba niên hiệu Thần Long (707)7.

Một số biên khảo cho rằng, có 5 bản dịch kinh Dược Sư8. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì chỉ có bốn bản dịch, vì căn cứ theo ngài Tăng Hựu trong Xuất Tam tạng ký tập, quyển năm, thì bản của Tỳ-kheo Tuệ Giản (慧簡)dịch vào niên hiệu Đại Minh nguyên niên (457), chính là sự sao chép và biên soạn từ bản của ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la9.Ngài Trí Thăng trong Khai Nguyên thích giáo lục, quyển 17 cũng khẳng định điều tương tự, và còn chỉ ra rằng, đây là sai lầm trong ghi chép của học giả phiên kinh Phí Trường Phòng10. Trong ĐTK ĐCTT hiện chỉ còn bốn bản dịch nêu trên, cũng là cơ sở biện minh cho quan điểm đó.

Trong bốn bản dịch này, nội dung cơ bản đều giống nhau. Chỉ riêng bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh, thì ngoài nội dung tương tự như ba bản dịch nêu trên, còn thêm vào danh tự và thệ nguyện của sáu vị Phật. Sáu vị Phật này đều ở phương Đông, cách thế giới Ta-bà từ bốn đến chín hằng-già-hà-sa cõi Phật, sáu vị Phật này đều phát những lời nguyện cứu độ chúng sanh tương tự như Đức Phật Dược Sư.

Ngoài ra, theo Phật Quang đại từ điển11, thì Phật giáo Tây Tạng cũng lưu hành hai bản dịch kinh Dược Sư. Bản thứ nhất mang tên: Bcom-ldam das sman-gyi blavaidūryai hod-kyi son-gyi smon-lam-gyi khyad-par rgyas-pa, tương đồng với bản dịch của ngài Huyền Tráng. Bản thứ hai mang tên: De-bshin-gśegs-pa bdun-gyi son-gyi smon-lam-gyi khya -par rgyas-pa, tương đương bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh.

Trong kinh tạng tiếng Việt, hiện có nhiều bản dịch kinh Dược Sư được dịch từ bản Hán tạng của ngài Huyền Tráng, do các dịch giả uy tín như  HT.Trí Quang, HT.Tuệ Nhuận, HT.Huyền Dung… phiên dịch.

2. Vấn đề niên đại và cơ sở Phạn bản

a) Về niên đại

Nghiên cứu về vấn đề truyền bản, đã cho thấy rằng, kinh Dược Sư có niên đại xuất hiện rất sớm vào thời Đông Tấn, do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch. Việc làm rõ niên đại của dịch giả cũng là một phương cách xác định niên đại xuất hiện bản kinh Dươc Sư.

Khảo sát các bộ Tăng sử ở Hán tạng cho thấy, ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la đến Trung Hoa vào khoảng niên hiệu Vĩnh Gia (307-313)12. Theo Phật Tổ thống kỷ, quyển 36, vào niên hiệu Vĩnh Xương nguyên niên (322), thời Tấn Nguyên Đế, ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la đến Kiến Khang (建康). Lúc này, thừa tướng Vương Đạo (丞相王導,276-339) cầu ngài làm thầy và thường theo ngài học pháp. Ngài viên tịch vào niên hiệu Hàm Khang (咸康:335-342), hưởng thọ hơn 80 tuổi.

Như vậy, theo niên biểu nêu trên, thì bản kinh Dược Sư đầu tiên do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ thứ tư.

b) Về cơ sở Phạn bản

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp dịch thuật kinh điển tại Trung Hoa, do thiếu cơ sở tham chiếu nên đã có sự lầm lẫn trong khi phân loại kinh văn. Bản kinh Dược Sư nằm trong trường hợp như vậy. Theo Xuất Tam tạng ký tập, quyển bốn, ngài Tăng Hựu đã nêu ra nghi vấn về bản kinh này trong một ghi chú nhỏ13.

Nghi vấn này sau đó được học giả phiên kinh Phí Trường Phòng sau khi tham cứu Phạn bản, đã cho rằng, quan điểm của ngài Tăng Hựu đã không đúng14. Cùng quan điểm này, ngài Trí Thăng trong Khai Nguyên thích giáo lục, quyển năm, cho rằng, ghi chú của ngài Tăng Hựu đã sai15.

Trong công trình khảo cứu và sưu tập các cổ thư trên thế giới, nhà sưu tập Martin Schøyen, Na Uy đã phát hiện kinh Dược Sư bằng ngôn ngữ Sanskrit có niên đại vào thế kỷ thứ sáu. Nguồn gốc bản kinh này được lưu xuất từ một tu viện của học phái Mahāsāṃghika,nơi mà ngài Huyền Tráng đã từng ghé thăm vào thế kỷ thứ bảy ở Bamyan, Afghanistan16.

Như vậy, kinh Dược Sư có cơ sở Phạn bản, ngay từ khi xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ tư, và hiện còn bằng chứng lịch sử từ bộ sưu khảo Martin Schøyen.

Khảo biện về nội dung

Trong kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Người tối thắng (A.i,23)17, Đức Phật đã lần lượt nêu dẫn và giới thiệu nhiều vị đệ tử đặc thù với khả năng chuyên biệt, có thể kể đến như: tối thắng về hạnh đầu-đà là ngài Mahā Kassapa, tối thắng về hạnh nhận sự cúng dường là ngài Sīvali, tối thắng về thi kệ biện tài là ngài Vaṅgīsa, tối thắng về đa văn là Tôn giả Ānanda, tối thắng trong việc nhớ đến đời sống quá khứ là ngài Sobhita, tối thắng về việc săn sóc người bệnh là nữ cư sĩ Suppiyā…

Có thể nói, Đức Phật không ngăn cản chí nguyện đặc thù của từng vị đệ tử, miễn làm sao những chí nguyện đó hợp với đạo, chuyên chở tự lợi và hàm nghĩa lợi tha, thì được Đức Phật cho phép, trợ duyên và tán thán.

Từ cơ sở này có thể hiểu được sở nguyện đặc thù của nhiều vị Phật, Bồ-tát, nhằm đáp ứng những sở cầu chuyên biệt của mọi loài, mà ở đây là thệ nguyện cứu chữa bệnh tật cho chúng sanh của Đức Phật Dược Sư, từ lúc còn ở giai vị Bồ-tát và mãi đến khi thành Phật.

Nội dung kinh Dược Sư đề cập đến nhiều chi tiết, trong khuôn khổ khảo cứu này, chúng tôi xin biện giải những nội dung cơ bản sau.

1- Thệ nguyện và sở cầu

Thệ nguyện ở đây là thệ nguyện cứu khổ, ban vui của Đức Phật Dược Sư được thể hiện trên nhiều phương diện như, cứu giúp chúng sanh bị đói rách, tật bệnh, thân hình xấu xa, bất tiện của nữ thân…và sở cầu của chúng sanh nhằm thoát khỏi tình cảnh đó. Đơn cử một trong những đại thệ nguyện đặc thù của Đức Phật Dược Sư:

Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ-đề, nếu có chúng hữu tình nào bị những chứng bịnh hiểm nghèo không ai cứu chữa, không ai để nương nhờ, không gặp thầy, không gặp thuốc, không bà con, không nhà cửa, chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khó, mà hễ danh hiệu ta đã nghe lọt vào tai một lần thì tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo quả Vô thượng Bồ-đề18.

Ở đây, cụm từ danh hiệu ta đã nghe lọt vào tai một lần,(我之名號,一經其耳)cần được hiểu đó chính là việc trì niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư, trong tai khi nào cũng nghe tên Đức Phật Dược Sư (經者,道之常)19.

Để hiểu tại sao việc niệm danh hiệu Đức Phật Sư có năng lực như thế, nên chăng đọc lại kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Một pháp (A.i,30) có thể làm sáng tỏ thêm về điều này:

Có một pháp, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật20.

Một pháp rất đơn giản nhưng mở ra vô số diệu dụng, do vì lẽ đó nên pháp hành này có những yêu cầu rất cao. Một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng của pháp này là việc niệm Phật thường được tu tập (bhāvito), được làm cho sung mãn (bahulīkato). Sự an tịnh (upasamāya) của thân tâm sở dĩ có được là do hành trì pháp này đến mức chuyên nhất.

 Như vậy, việc niệm Phật chuyên nhất mở ra vô số diệu dụng, từ chữa lành bệnh tật, đầy đủ thức ăn…cho đến giác ngộ, Niết-bàn. Sở dĩ hành giả trì niệm danh hiệu của Đức Phật Dược Sư, nhưng chưa thực sự tu tập (bhāvito), chưa được sung mãn (bahulīkato), thế nên vẫn chưa nhận được kết quả như mong muốn.

Theo Vô tỷ pháp, thì thuật ngữ Bahulīkata còn mang nghĩa là định21. Định, Phạn ngữ gọi là Sammādhi, Trung Hoa phiên âm là Tam-muội. Do vậy, khi niệm Phật đến mức sung mãn (Bahulīkata) cũng chính là đạt tới niệm Phật Tam-muội. Theo luận Đại trí độ, quyển thứ bảy: Niệm Phật Tam-muội có thể diệt trừ vô lượng phiền não và các tội lỗi quá khứ… Niệm Phật Tam-muội có thể độ chúng sanh do phước đức lớn22.

Trên một phương diện khác, cần phải thấy rằng, với lòng thương lớn, chư Phật bao giờ cũng quan tâm đến chúng sanh, và sự quan tâm càng gia tăng khi có những Đức Phật với lời nguyện đặc thù, chuyên gia hạnh vào những sở cầu cụ thể của chúng sanh như Đức Phật Dược Sư.

Có thể nói, mỗi vị Phật, Bồ-tát đều có những bản nguyện đặc thù. Khi thắng duyên hội đủ, sẽ tạo nên sự cơ cảm giữa bản nguyện của chư Phật và sở cầu chúng sanh. Trong thực tế, sự cơ cảm giữa bản nguyện của Đức Phật và sở cầu của chúng sanh hiện còn nhiều bằng chứng trong lịch sử kinh điển23.

2- Minh giải về hoạnh tử

Theo kinh Tương ưng (S.ii,2), chết là sự tàn lụi và chấm dứt của ngũ uẩn. Kinh ghi:

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Ðây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Ðây gọi là chết. Như vậy, đây là già, đây là chết. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là già, chết24.

Theo luận giải của ngài Anuruddhācariyatrong tác phẩm Abhidhammattha Sagaha: Cái chết sở dĩ diễn ra do bốn nguyên nhân: thọ diệt, nghiệp diệt, cả hai diệt và sát nghiệp (Āyukkhayena kammakkhayena ubhayakkhayena upacchedakakammunā ceti catudhā maraṇuppatti nāma)25. Sát nghiệp (upacchedakakamma) là trọng nghiệp cắt đứt mạng sống thình lình, là một cái chết phi thời (akālamaraa), và cũng có thể gọi là hoạnh tử.

Hoạnh tử là một cái chết không đúng thời. Trong kinh Tương ưng, hoàng thân Mahānāma nêu dẫn về những trường hợp chết không đúng thời do con gặp con voi cuồng chạy; con gặp con ngựa cuồng chạy; con gặp người cuồng chạy; con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy; con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy26.

Trong luận Tứ đế cũng nêu định nghĩa:Tự mình hoặc do người khác, dùng các phương tiện như thuốc độc, lửa thiêu, đao trượng…làm cho chấm dứt mạng căn, nên gọi là hoạnh tử27.

Trong kinh Pháp cú thí dụ, Đức Phật dạy rằng: Trong đời sống nhân sanh, có ba loại chết oan uổng. 1, Có bệnh nhưng không được chữa trị nên bị chết oan uổng. 2, Tuy được chữa trị, nhưng không thận trọng nên bị chết oan uổng. 3, Do kiêu mạn, buông lung, tự tiện, không biết lẽ đúng sai nên bị chết oan uổng28.

Kinh điển Hán tạng và Nikāya ghi nhận rất nhiều trường hợp hoạnh tử, như: Phật thuyết cửu hoạnh kinh, Ma-ha tăng-lỳ-luật, quyển 28, Du-già sư địa luận, quyển 31…Theo kinh Giới phân biệt29, trong khi cùng trú tạm qua đêm ở lò gốm, thanh niên Pukusāti hạnh kiến Đức Phật, sau đó quy ngưỡng xin xuất gia và cầu thọ giới pháp. Trong khi đi tìm y bát để được truyền trao giới pháp, Pukusāti bị tử nạn do gặp phải một con bò cuồng chạy. Tuy nhiên, do vừa đoạn năm hạ phần kiết sử, thanh niên Pukusāti đã chứng quả Bất lai, không phải tái sinh lại cõi đời này nữa.

Như vậy, chín thứ hoạnh tử mà kinh Dược Sư miêu tả không những có cơ sở từ kinh điển, mà còn làm rõ thêm các phương cách đặc thù trong việc chấm dứt sự tồn tại của chúng sanh.

Trong thời đại ngày nay, khi đời sống luôn bị đoanh vây bởi dục vọng và phiền não, thì càng có nhiều cái chết hoạnh tử xảy ra.

Xem ra, khát vọng được sống, sống đúng với thọ mạng mà không bị hoạnh tử, vẫn là một mong mỏi cháy bỏng từ ngàn xưa cho đến hôm nay, và cũng từ đây đã mở ra vấn đề kéo dài sự sống, hay còn gọi là diên mạng.

3- Diên mạng và nhân quả

Trong thực tế đời sống, thọ mạng của mỗi người không đồng nhau và cái chết của mỗi người cũng diễn ra khác biệt do nghiệp lực sai khác nhau.

Diên mạng là phương cách kéo dài mạng sống nếu thọ mạng chưa hết. Diên mạng có thể được hiểu như là được cung cấp đúng mực và đầy đủ thức ăn, nước uống để tồn tại, được điều trị thuốc thang khi gặp phải bệnh tật, được sống trong môi trường an ninh và an toàn, được hội đủ điều kiện để chuyển hóa các trọng nghiệp của bản thân. Diên mạng vì vậy không trái với nhân quả mà tuân theo quy luật nhân quả. Vì lẽ, sự sống là sự kết hợp của nhiều yếu tố mà trong đó, diên mạng chỉ là một điều kiện trợ duyên, và là phương cách bổ sung, tăng cường những điều kiện cần thiết giúp bảo toàn sinh mạng.

Có thể thấy, đời sống của một chúng sanh có thể chấm dứt một cách đột ngột nếu như gặp phải một trọng nghiệp đến thời phải trổ quả. Nếu nhận ra sự thật này và dùng các biện pháp cần thiết và phù hợp thì đôi khi có thể kéo dài sinh mạng.

Trong kinh Phật thuyết cửu hoạnh, cho rằng nếu như gặp phải voi say, ngựa chứng, bò điên, xe cộ, rắn độc, hầm hố, nước, lửa, chiến loạn, người say, kẻ xấu cũng như bao điều tệ ác khác (弊象,弊馬,牛犇,車,蛇虺,坑井,水火,拔刀,醉人,惡人, 亦餘若干惡)30…nếu bậc có trí tuệ thì sẽ biết và tránh các nhân duyên đó (慧人當識當避是因緣)31để bảo toàn tính mạng. Và đây cũng là một trong những phương cách cụ thể để diên mạng.

Mặt khác, tùy theo tính chất của nhân dẫn đến thời gian trổ quả nhanh hay chậm. Có những nhân gây ra kết quả tức thời và cũng có những nhân tạo ra kết quả ở thời gian lâu xa.

Câu chuyện Tỳ-kheo Kokālika trong kinh Tăng chi (A.v,170) là một bằng chứng nhân quả gần như tức thời, vì lẽ sau khi vừa mắng chửi Tôn giả Sāriputta và Moggallāna xong thì toàn thân mọc lên những mụt nhọt lớn bằng hột cải. Từ hột cải, chúng lớn lên bằng hột đậu xanh (mugga). Từ hột đậu xanh, chúng lớn lên bằng hột đậu lớn (kalāya). Từ hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng rolatthi (hột cây jujube, cây táo). Từ hột rolatthi, chúng lớn lên bằng hột kolama. Từ hột kolama, chúng lớn lên bằng hột amala (a-ma-la quả). Từ quả amala, chúng lớn lên bằng quả beluva chưa chín. Từ quả beluva chưa chín, chúng lớn lên bằng quả billa. Từ hình lớn bằng quả billa, chúng nứt vỡ ra, chảy máu và mủ32.

Ở đây, dù nhanh hay chậm, thì yêu cầu cơ bản để khi đi từ nhân đến quả là phải có yếu tố thời gian. Tính chất khác thời mà chín (異時而熟)33 luôn có mặt trong tiến trình nhân quả.

Chính vì vậy, khi đã lỡ gây nhân, nhưng nếu kịp thời ăn năn và vận dụng các biện pháp phù hợp tùy theo nhân đã gây tạo, thì có thể góp phần thay đổi phần nào tính chất của kết quả. Tính chất tích cực trong lý thuyết nhân quả của Phật giáo thể hiện ở điểm này. Vì lẽ, nhờ tính chất bất định và có khả năng thay đổi đó, mà hàng phàm phu có cơ may tiến lên Thánh vị và kẻ hung ác có cơ hội quay đầu.

Có thể nói, diên mạng là những giải pháp nhằm kéo dài sự sống mang tính trợ duyên. Khi duyên thay đổi theo chiều hướng tích cực, thì quả có thể thay đổi. Do vậy, diên mạng nằm trong khuôn khổ và tuân theo quy luật nhân quả.

4- Những phương cách diên mạng

a) Theo kinh Dược Sư

Theo kinh Dược Sư, những phương cách diên mạng chính là:

- Giữ tám phần trai giới.

- Niệm danh hiệu và lễ bái Đức Phật Dược Sư.

- Thắp 49 ngọn đèn.

- Làm một lá phướn ngũ sắc.

- Cúng dường chư Tăng tứ sự.

- Phóng sanh 49 loại.

- Khởi tâm từ bi.

- Ân xá kẻ tù tội.

- Rải các thứ hoa.

- Đốt các thứ hương thơm cúng dường.

Có hai chi tiết đáng lưu ý về những giải pháp diên mạng được nêu dẫn trong kinh Dược Sư cần được minh giải. Thứ nhất là danh từ “Thần phan tục mạng”. Thứ hai là con số 49.

Về thần phan tục mạng, cần phải hiểu rằng, việc cúng dường phan có khả năng tăng trưởng thọ mạng, nên thường gọi tắt là thần phan tục mạng.

Theo nghĩa ban đầu từ kinh điển, tràng phan là một lá cờ biểu trưng cho Đức Phật hay trí tuệ của Đức Phật, tùy theo hình dạng mà được phân ra là tràng, hay phan.

Theo kinh Tương ưng, kinh Đầu lá cờ (Dhajaggam, S.i,218)34 khi có sự hiện hữu lá cờ của Đức Phật, bản kinh Hán tạng tương đương gọi là lá cờ cao rộng (高廣之幢)35. Là ngọn cờ biểu trưng cho trí tuệ (智慧高幢)36,  hay lá cờ của những vị Thiên tướng, thì sẽ không còn sợ hãi, đem lại an ổn cho chúng sanh.

Như vậy, trong nghĩa thứ nhất, an ổn và an toàn là một trong những nghĩa cụ thể của diên mạng, và sở dĩ có được là do sự hiện diện của lá cờ mang tính biểu trưng cho Đức Phật. Có thể tìm thấy nghĩa biến thể tương đương về lá cờ này trong thư tịch Hán tạng, gọi là Trục ma thần phan (逐魔神幡)37. Trong nghĩa thứ hai, thần phan ở đây chính là ngọn cờ trí tuệ, ngọn cờ Chánh pháp, khi nêu cao ngọn cờ Chánh pháp, tức quảng diễn nghĩa lý kinh điển, cũng là một phương cách để diên mạng có cơ sở kinh điển.

Về con số 49. Trong không gian văn hóa Ấn Độ, số 7 là con số thành, là con số thiêng trong văn hóa Hindu, biểu trưng cho sự mỹ mãn(Saptaसप्त)38. Bảy lần bảy là 49, là tích số biểu trưng cho mọi sự tròn đầy, mỹ mãn.

Khi dùng con số này để minh họa về mức độ, số lượng…hàm nghĩa rằng, mức độ tối ưu và số lượng hợp lý trong khả năng có thể. Cụ thể là, theo kinh Dược Sư, khi làm phan dài 49 gang tay, mang ý nghĩa là dài trong khuôn khổ hợp lý nhất của đàn tràng. Phóng sanh 49 loài vật khác nhau, tức là phóng sanh với khả năng có thể, với các giống loài có thể. Cần phải phân biệt ý nghĩa biểu trưng thông qua ẩn dụ, trong văn hóa cũng như trong kinh điển.

Những phương cách diên mạng, đem lại sự thịnh vượng cho cá nhân, dân tộc và xứ sở được đề cập trong kinh Dược Sư, có thể tìm thấy cơ sở liên hệ trong kinh điển Hán tạng và Nikàya.

b) Theo kinh tạng Nikàya

Trong kinh tạng Nam truyền, cụ thể là kinh Tăng chi, Đức Phật dạy rằng, nếu bố thí thức ăn thì sẽ thành tựu 4 điều và một trong số chúng là được tăng tuổi thọ. Kinh ghi:

Những ai khéo chế ngự,

Sống bố thí người khác,

Ai tùy thời nhiệt thành,

Bố thí đồ ăn uống,

Ðem lại cho các vị,

Bốn sự kiện như sau,

Cho thọ mạng, dung sắc,

Cho an lạc, sức mạnh39.

Đặc biệt, trong tác phẩm Tích truyện Pháp cú, tức là bản Sớ giải kinh Pháp cú tương truyền là của ngài Budhaghosa, đã ghi lại một câu chuyện hết sức kỳ đặc về việc gia tăng tuổi thọ:

Có hai Bà-la-môn sống ở thành Dīghalambika, tu theo ngoại đạo và khổ hạnh suốt bốn mươi tám năm. Một người sợ dòng giống bị diệt vong nên hoàn tục. Ông bán công đức của mình cho người khác, và với một trăm trâu bò, một trăm đồng, cưới vợ sống đời gia chủ. Chẳng bao lâu ông được một mụn con trai. Tu sĩ kia, bạn cũ của ông, đi nơi khác, một hôm trở về thăm. Họ chào mừng lẫn nhau. Tu sĩ chúc cả hai vợ chồng sống lâu, nhưng khi đứa bé được trình diện thì tu sĩ lặng thinh. Ông cha thắc mắc và được tu sĩ giải thích có một tai họa đang chờ đứa bé, và nó sẽ chết trong bảy ngày. Cả hai ông bà hoảng hốt không biết tính sao. Tu sĩ khuyên nên đến cầu cứu với Sa-môn Cồ Đàm. Họ ngần ngừ vì sợ mang tiếng bỏ những ẩn sĩ của mình, nhưng lòng thương con mãnh liệt khiến họ rồi cũng đến Thế Tôn. Họ đến chào Thế Tôn, được Phật chúc sống lâu, nhưng đến phiên đứa bé Phật cũng lặng thinh, cùng lý do như tu sĩ đã nói. Ông cha thỉnh cầu Phật ngăn đừng cho tai họa cướp mất đứa bé. Phật dạy:

- Nếu ông dựng trước cửa nhà một cái lều, đặt một ghế ở giữa, sắp tám hay mười sáu chỗ ngồi vòng quanh cho đệ tử của Ta; và nếu ông cho tụng những bài kinh cầu an và ngăn ngừa tai họa suốt bảy ngày liên tục, thì con ông sẽ tránh được hiểm họa.

Bà-la-môn làm đúng theo lời Phật, và các Tỳ-kheo đã đọc tụng đúng bảy ngày đêm liên tiếp. Ðến ngày thứ bảy Thế Tôn đến, chư thiên các cõi cũng tụ hội. Có một quỷ Dạ-xoa phụng sự cho Vessavana tên là Avarudhaka suốt mười hai năm, được ân huệ là bảy ngày nữa sẽ nhận được đứa bé, đi đến đứng đợi. Nhưng có mặt Thế Tôn và thiên thần đầy quyền lực, các vị khác yếu hơn đều phải thối lui mười hai dặm nhường chỗ, cả Avarudhaka cũng thế.

Phật đọc kinh cầu an suốt đêm, kết quả sau bảy ngày Dạ-xoa không bắt được đứa bé. Bình minh ngày thứ tám, đứa bé được đặt trước Thế Tôn và được chúc sống lâu, đến một trăm hai mươi tuổi theo lời Phật, do đó có tên là “Chàng trai tăng tuổi thọ” Ayuvaddhana. Lớn lên chú có năm trăm đệ tử cư sĩ đi theo.

Một hôm các Tỳ-kheo thảo luận trong Pháp đường về Ayuvaddhana, và không hiểu tại sao mạng sống của chúng sanh được gia tăng ở thế gian này. Phật nghe được liền bảo:

- Các Tỳ-kheo! Không phải chỉ có tuổi thọ mà thôi. Ở thế gian này chúng sanh biết tôn kính và lễ trọng những vị đạo đức, sẽ được tăng trưởng bốn pháp, thoát khỏi nguy hiểm và sống an toàn suốt đời.

Và Ngài đọc Pháp cú:

(109) Thường tôn trọng, kính lễ,

Bậc kỳ lão trưởng thượng,

Bốn pháp được tăng trưởng,

Thọ, sắc, lạc, sức mạnh40.

Theo đối khảo, câu Pháp cú Nam truyền này tương đương câu 274 trong Pháp cú Bắc truyền:

Ai sống đời lễ nghĩa

Kính trọng bậc cao minh

Bốn phước đến với mình:

Sống thọ, khỏe, đẹp, an41.

Như vậy, giải pháp diên mạng trong trường hợp này là tôn trọng và kính lễ bậc trưởng thượng, thông qua hình thức tụng kinh, cầu nguyện, nghi lễ, là cơ sở để tăng tuổi thọ theo sớ giải kinh Pháp cú.

c) Theo kinh văn Hán tạng

Trong kinh điển Hán tạng, những giải pháp nhằm gia tăng tuổi thọ được đề cập rất phong phú, chúng tôi xin lược trích các nguồn tư liệu sau.

Trước hết, theo kinh Pháp cú thí dụ: Muốn mạng sống được trường thọ, cần phải thực hành lòng thương yêu rộng khắp (欲得長命當行大慈)42. Câu chuyện Sa-di cứu kiến nên vượt qua nạn hoạnh tử và được tăng tuổi trong kinh Tạp bảo tạng là minh chứng về trường hợp này43.

Thứ hai, theokinh Phân biệt thiện ác báo ứng, Phật dạy rằng, có mười việc làm đem đến trường thọ:

- Xa lìa việc tự mình giết.

- Xa lìa việc khuyên bảo người giết.

- Xa lìa sự vui mừng khi thấy giết.

- Xa lìa việc tùy hỷ giết.

- Cứu kẻ bị giết bởi ngục hình.

- Phóng sanh mạng.

- Ban lòng vô úy với tha nhân.

- Thương yêu, chăm sóc người bệnh.

- Bố thí thức ăn, nước uống.

- Cúng dường đèn đuốc, tràng phan44.

Thứ ba, theo kinh Tạp bảo tạng, quyển bốn, ghi rằng:

Xưa, có vị Tỳ-kheo sắp chết, vô tình gặp Bà-la-môn ngoại đạo và được cho biết rằng, sau bảy ngày ông sẽ mạng chung. Lúc ấy vị Tỳ-kheo kia đang đi vào Tăng viện, thấy vách tường bị hư hỏng nên vo bùn thành viên sửa chữa lại. Do duyên phước đó nên tăng thọ mạng, vượt qua bảy ngày. Khi gặp lại, Bà-la-môn tỏ ra kinh quái nên cật vấn: “Ông đã tu phước gì?” Vị Tỳ-kheo đáp: “Tôi không tu gì cả, duy chỉ một lần vào chốn Tăng viện, thấy vách hư hỏng nên đã sửa sang”. Vị Bà-la-môn ca thán: Quả phước điền Tăng, cực kỳ tối hảo, có thể khiến một Tỳ kheo sắp chết được kéo dài mạng sống và được trường thọ45. Ở đây, nghĩa chính của câu chuyện này là tu bổ, cúng dường chỗ ở cho chư Tăng đem lại phước quả trường thọ.

Như vậy, những giải pháp diên mạng được nêu dẫn từ kinh Dược Sư như khởi tâm đại bi, phóng sanh, cúng dường, thắp đèn, làm phan, chí thành niệm danh hiệu Phật Dược Sư…là những giải pháp có cơ sở từ Hán tạng và cả trong kinh tạng Nikāya.

VG_DS (27).JPG


Phật tử trì tụng kinh Dược Sư trong mỗi tháng Giêng về - Ảnh: Vũ Giang

5. Thực nghĩa của thần chú Dược Sư

Trong những bản dịch âm bài chú kinh Dược Sư hiện có, chúng tôi chọn bản của ngài Nghĩa Tịnh. Nguyên văn bài thần chú như sau:

Nam-mô bạc già phạt đế, bỉ sát xã, lũ lỗ bệ lưu ly, bát lạt bà, hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà dã, đát điệt tha. Án, bỉ sát thệ, bỉ sát thệ, bỉ sát xã, tam một yết đế,sa ha.

(南謨薄伽伐帝, 鞞殺社,寠嚕薜琉璃, 鉢喇婆, 曷囉闍也, 呾他揭多也, 阿囉喝帝, 三藐三勃陀也, 呾姪他,唵鞞殺逝,鞞殺逝,鞞殺社,三沒揭帝, 莎訶)

Trong kho tàng kinh điển Hán tạng, có những bài thần chú hoàn toàn có nghĩa nếu như được chuyển dịch ra. Bài thần chú Dược Sư là một trường hợp như vậy.

Theo tác phẩm Dược Sư kinh trực giải của Tỳ-kheo Tuệ Kiên Giới Sơn chủ biên46, soạn vào năm thứ ba (1684), niên hiệu Trinh Hưởng của Thiên hoàng Higashiyama (1687-1709), Nhật Bản, và các tác phẩm chú giải liên quan, cũng như tham chiếu từ điển Phạn ngữ, thì thực nghĩa của bài thần chú này vốn là một câu xưng tán Đức Phật Dược Sư theo giải tự như sau.

Nam-mô (Namo:नमो)46: kính lạy, tôn kính.

Bạt-già-phạt-đế (Bhagavate:भगवते)47: Thế Tôn.

Bỉ-sát-xã(Bhaiṣajya:भैषज्य)48: thuốc thang, cũng gọi là dược

Lũ-lỗ (Guru:गुरु)49: vị thầy, đạo sư.

Bệ-lưu-ly-bát-lạt-bà-hát-ra-xà-dã (Vailūrya-Prabha-Rājāya: वैडूर्यप्रभराजाय)50: Lưu Ly Quang Vương.

Đát-tha-yết-đa-dã (Tathāgatāya: तथागताय)51: Như Lai

A-ra-hát-đế (Arhate:अर्हते)52: Ứng cúng

Tam-miệu-tam-bột-đà-da(Samyaksambuddhāya:सम्यक्सम्बुद्धाय)53: giác ngộ hoàn toàn; chánh biến tri.

Đát-điệt-tha (Tadyathā:तद्यथा)54: theo phương cách sau; liền nói chú rằng.

Án (Oṁ:ओं)55: Đây là âm thanh trước khi bắt đầu lời cầu nguyện.

Bỉ-sát-thệ, bỉ-sát-thệ (Bhaiṣajye Bhaiṣajye:भैषज्येभैषज्ये)56: bệnh tật sẽ được chữa lành.

Bỉ-sát-xã (Bhaiṣajya:भैषज्य)57: thuốc thang, liên quan đến thuốc58.

Tam-một-yết-đế (Samudgate:समुद्गते)59: Xuất hiện.

Sa-ha (Svāhā:स्वाहा)60: Lời cảm thán cát tường.

Như vậy, câu thần chú Dược Sư được tạm dịch như sau:

Kính lạy Thế Tôn, là Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, với lời thật ngữ: Mọi bệnh tật sẽ được chữa lành nếu thực hành phương thuốc của ta.

Nhận định

Xét về lịch sử, kinh Dược Sư có niên đại truyền dịch khá sớm trong kho tàng kinh điển Hán tạng. Người truyền dịch đầu tiên là ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la, một bậc thầy có thẩm quyền về Mật giáo61, chính vì vậy bản kinh lưu lộ những dấu vết cơ bản của tông phái này.

Với những cơ sở từ thư tịch Hán tạng, cộng với khảo chứng của nhà sưu tập Martin Schøyen, Na Uy, đã chứng minh rằng, bản kinh Dược Sư có nguồn gốc Phạn bản.

Trong những phương cách nhằm đem đến bình an, sức khỏe, sống thọ theo kinh Dược Sư là phải biết trang nghiêm bản thân bằng giới luật, thực hành lòng từ thông qua việc phóng sanh, bố thí cho người nghèo khổ, cúng dường tứ sự đến chư Tăng, tu tạo các phước thiện cần thiết... là những tiền đề có cơ sở từ kinh điển. Từ những kết quả phước thiện (Puyaphala)62 đang có, sẽ mở ra nhiều diệu dụng, mà diên mạng và bình an chỉ là những hoa trái khích lệ ban đầu. Ba cơ sở để tạo nên phước thiện công đức trong kinh Phúng tụng (Sangīti)63 như nghiêm trì giới luật, bố thí và tu tập hoàn toàn trùng khớp với những nội dung mà kinh Dược Sư đã nêu ra.

Tụng kinh để trú tâm trong thắng pháp, để hiểu lời Phật dạy và sau đó thực hành. Diệu dụng của pháp Phật chính là ở đây. Siêng năng trì tụng kinh điển nhưng không thực hành, thì tuy có phước đức, nhưng rất nhỏ nhoi và khó có thể đem đến những kết quả ưu thắng.

 Chúc Phú

_______________________

(1) 大正藏第 21 冊 No. 1331 佛說灌頂經.

(2) 大正藏第 21 冊 No. 1331 佛說灌頂經,佛說灌頂拔除過罪生死得度經卷第十二.

(3) 大正藏第 14 冊 No. 0449 佛說藥師如來本願經.

(4) 大正藏第 14 冊 No. 0450 藥師琉璃光如來本願功德經.

(5) 大正藏第 55 冊 No. 2157 貞元新定釋教目錄,卷第十一.

(6) 大正藏第 14 冊 No. 0451 藥師琉璃光七佛本願功德經.

(7) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第九.

(8) Theo Phật Quang đại từ điển, và theo Lời dẫn của Tỳ-kheo Thích Nguyên Chơn, trong bản Việt dịch: Kinh Dược Sư thất Phật bản nguyện công đức.

(9) 大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第五.Nguyên văn:灌頂經一卷(一名藥師琉璃光經或名灌頂拔除過罪生死得度經) 右一部. 宋孝武帝. 大明元年. 袜陵鹿野寺比丘慧簡. 依經抄撰(此經後有續命法所以偏行於世).

(10) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第十七.

(11) Phật Quang đại từ điển, tập 1, Sa-môn Thích Quảng Độ dịch, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn xuất bản, 200, tr.1380-1381.

(12) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第一, 帛尸梨密多羅.

(13) 大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第四. Nguyên văn: (本名普廣菩薩經或名灌頂隨願往生十方淨土經凡十一經從七萬二千神王呪至召五方龍王呪凡九經是舊集灌頂總名大灌頂經從梵天神策及普廣經拔除過罪經凡三卷是後人所集足大灌頂為十二卷其拔除過罪經一卷摘入疑經錄中故不兩載).

(14) 大正藏第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀, 卷第十.Nguyên văn:藥師瑠璃光經一卷(大明元年出. 一名拔除過罪生死得度經. 一名灌頂經. 出大灌頂經.祐錄注為疑房勘婆羅門本今有梵本神言小異耳).

(15) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄,卷第五.Nguyên văn:藥師琉璃光經(亦云灌頂拔除過罪生死得度經出大灌頂經祐錄注為疑經者非).

(16) http://www.schoyencollection.com/22-buddhism-collection/22-3-mahayana-sutras/bhaisaiyagur-vajracchedika-ms-2385.

(17) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr.58-63.

(18) Kinh Dược Sư bổn nguyện công đức, HT. Thích Huyền Dung dịch, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.66-67.

(19)“書.酒誥”經德秉哲.(傳)能常德持智.(左傳.昭二十五年)夫禮,天之經也.(註)經者,道之常.

(20) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr.67.

(21) Từ điển các thuật ngữ Vô tỷ pháp của ngài Tịnh Sự, được chép từ phần ghi chú thuật ngữ trong các bản dịch của ngài.

(22) 大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第七. Nguyên văn:念佛三昧能除種種煩惱及先世罪…念佛三昧有大福德,能度眾生.

(23) Với Đức Phật, khi Ngài hướng tâm đến một đối tượng nào đó, thì ngay tức khắc, như người lực sĩ duỗi cánh tay, Ngài sẽ nhận ra tâm tư, bối cảnh cụ thể và tùy theo đó mà có những lời dạy phù hợp. Theo Tích truyện pháp cú, phẩm Hạnh phúc, thứ 15, mỗi sáng sớm, Đức Phật quán sát thế gian xem ai đủ duyên để hóa độ. Trường hợp Phạm thiên Baka và các vị Phạm thiên khác vừa khởi lên tà kiến, thì Đức Phật đã nhận biết và ngay tức khắc, từ tinh xá Jetavana, Đức Phật hiện ra ở Phạm thiên giới để giáo hóa (S.i,142; S.i,144). Tương tự, khi Đức Phật về quê nhà lần đầu tiên, đọc được tâm không thanh tịnh của các vị thân bằng Thích tử, Đức Phật đã thị hiện biến hóa thần thông để giáo hóa.

(24) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.372

(25) Abhidhammattha Sagaha. Nguồn:  http://www.dhammadipa.net/2014/12/08/abhidhammattha-sa%E1%B9%85gaha/.

(26) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.742.

(27) 大正藏第 32 冊 No. 1647 四諦論, 卷第二. Nguyên văn:毒火刀杖等自作或他作.因此命根斷.是名橫死.

(28) 大正藏第 04 冊 No. 0211 法句譬喻經, 卷第一,多聞品第三. Nguyên văn: 人生世間,橫死有三:有病不治為一橫死,治而不慎為二橫死,憍恣自用不達逆順為三橫死.

(29) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 579-588.

(30) 大正藏第 02 冊 No. 0150B 九橫經.

(31) 大正藏第 02 冊 No. 0150B 九橫經.

(32) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr.650-651.

(33) 大正藏第 43 冊 No. 1830 成唯識論述記, 卷第一.

(34) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.336-339.

(35) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第十四, 高幢品

(36) 大正藏第 10 冊 No. 0279 大方廣佛華嚴經,卷第四十七,佛不思議法品

(37) 大正藏第 21 冊 No. 1331 佛說灌頂經, 卷第五, 佛說灌頂呪宮宅神王守鎮左右經.

(38) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.1149-1150.

(39) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương 4 pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Các đồ ăn, VNCPHVN, 1996, tr.674.

(40) Tích truyện Pháp cú, tập 2, Viên Chiếu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.101-103.

(41) 大正藏第 04 冊 No. 0210 法句經, 卷上, 述千品. Nguyên văn:能善行禮節,常敬長老者,四福自然增,色力壽而安.

(42) 大正藏第 04 冊 No. 0211 法句譬喻經, 卷第一.

(43) 大正藏第 04 冊 No. 0203 雜寶藏經, 卷第四, 沙彌救蟻子水災得長命報緣.

(44) 大正藏第 01 冊 No. 0081 分別善惡報應經. Nguyên văn: 一離自手殺,二離勸他殺,三離慶快殺,四離隨喜殺,五救刑獄殺,六放生命,七施他無畏,八慈恤病人,九惠施飲食,十幡燈供養.

(45) 大正藏第 04 冊 No. 0203 雜寶藏經, 卷第四. Nguyên văn: 昔有比丘,死時將至,會有外道婆羅門見,相是比丘,知七日後必當命終. 時此比丘,因入僧坊, 見壁有孔, 即便團泥, 而補塞之. 緣此福故, 增其壽命,得過七日.婆羅門見, 怪其所以, 而問之言: “汝修何福”. 比丘答言: “我無所修, 唯於昨日, 入僧房中,見壁有孔, 補治而已”.  婆羅門歎言: “是僧福田, 最為深重, 能使應死比丘續命延壽”.

(46) 卍新續藏第 21 冊 No. 0381 藥師經直解.

(47) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.528.

(48) Ibid., p.743.

(49) Ibid., p.767.

(50) Ibid., p.359.

(51) Ibid., p.767.

(52) Ibid., p.433.

(53) Ibid., p.93.

(54) Ibid., p.1181.

(55) Ibid., p.434.

(56) Ibid., p.235.

(57) Ibid., p.767.

(58) Ibid.

(59) 大正藏第 54 冊 No. 2125 南海寄歸內法傳, 卷第三,鞞殺社譯之為藥.

(60) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.1167.

(61) Ibid., p. 1284.

(62) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第一, 帛尸梨密多羅: Nguyên văn: 密善持呪術所向皆驗.

(63) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.632.

(64) Kinh Trường bộ, kinh Phúng tụng, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.651.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.