Khánh thành thư viện và văn khố nhân sinh nhật lần thứ 87 Đức Dalai Lama

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1160 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1160 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vào ngày 6-7 vừa qua, nhân sinh nhật lần thứ 87 của Đức Dalai Lama, buổi lễ khánh thành thư viện và văn khố Đức Dalai Lama đã được tổ chức trong khuôn viên tòa nhà mới xây dựng tại nơi cư trú của ngài.

Tại buổi lễ, Samdhong Rinpoche đã giới thiệu sơ lược về quy mô, mục tiêu và tầm quan trọng của cơ sở mới này. “Trước đây, người ta học và tụng đọc thuộc lòng các kinh sách. Tuy nhiên, trong thời đại mà công nghệ đã phát triển như ngày nay, chúng ta có thể lưu giữ những lời dạy của Đức Dalai Lama dưới dạng kỹ thuật số để mọi người có thể tiếp cận với chúng một cách dễ dàng… Các bài giảng của các vị Dalai Lama trong quá khứ cũng sẽ được lưu trữ tại đây. Đồng thời, những giải thưởng được trao cho Đức Dalai Lama hiện tại sẽ được thư viện thu thập và trưng bày”, ngài cho biết.

Việc tạo lập thư viện và văn khố Dalai Lama nhằm mục đích thu thập các hiện vật và tài liệu cho những ai muốn nghiên cứu và tìm hiểu về cuộc đời cũng như đạo nghiệp của Đức Dalai Lama. Điều đáng chú ý ở đây đó là việc áp dụng những phương pháp khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc bảo quản các nguồn tài liệu quý giá này.

Bên cạnh việc thu thập các nguồn tài liệu khác nhau, dự án này còn hướng đến việc tổ chức các cuộc hội thảo và gặp gỡ đối với những người có mối quan hệ đặc biệt với vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng. Cuối cùng, Samdhong Rinpoche cầu nguyện rằng bất kỳ công đức nào được tạo ra từ việc xây dựng thư viện đều xin hồi hướng cho sự trường thọ của Đức Dalai Lama nhân sinh nhật lần thứ 87 của ngài.

Đức Dalai Lama tại buổi lễ khánh thành thư viện và văn khố của mình

Đức Dalai Lama tại buổi lễ khánh thành thư viện và văn khố của mình

Đức Dalai Lama rất hoan hỷ và bày tỏ lòng biết ơn của mình khi nhận được nhiều lời chúc tụng như vậy trong buổi lễ: “Tôi vô cùng biết ơn các bạn vì hôm nay đã đến cổ vũ trong khoảnh khắc quan trọng này của đất nước chúng tôi. Khi mang danh hiệu ‘Dalai Lama’, tôi đã cố gắng hết sức để thực hiện những gì có thể nhằm góp phần bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng. Các tu viện và trường học được chúng tôi xây dựng tại đây để phát triển văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ Tây Tạng”.

Chia sẻ về văn hóa Tây Tạng, ngài cho biết ngày nay rất nhiều người, bao gồm cả các nhà khoa học quan tâm đến văn hóa Tây Tạng bởi vì họ nhận ra rằng nền văn hóa này chú trọng đến việc nuôi dưỡng và tạo ra sự bình an trong tâm hồn. Khi bắt đầu học tập trong các tu viện Tây Tạng, các học trò được dạy về tâm vương cũng như các loại tâm sở. Từ đó, những cảm xúc tiêu cực như sự bực tức, ganh tỵ được nhận diện và loại bỏ; đồng thời, tâm sẽ trở lại trạng thái cân bằng.

Đức Dalai Lama cũng bày tỏ sự biết ơn của mình đến tất cả những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ của người dân Tây Tạng. Họ đã thực hiện theo những lời khuyên của ngài, vì vậy, ngài mong muốn sống thêm một hoặc hai thập kỷ nữa để đóng góp một chút gì đó cho nhân loại. “Một khi đại dịch lắng xuống, tôi muốn đến Delhi để tổ chức những cuộc thảo luận với các nhà giáo dục về phương pháp mà chúng ta có thể áp dụng để hoàn thiện nền giáo dục bằng cách kết hợp giữa phương pháp tiếp cận hiện đại và trí tuệ cổ xưa của người Ấn Độ”, ngài chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.