HT.Thích Thanh Tứ nối tiếp truyền thống hộ quốc an dân

GN - LTS. Nhân lễ húy kỵ lần thứ 5 cố HT.Thích Thanh Tứ - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Giác Ngộ xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS.Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo về những cống hiến lớn lao của Hòa thượng cho Đạo pháp và Dân tộc.

----------------

Trong lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam đã hình thành, phát triển dưới nhiều hình thức và tồn tại lâu dài một truyền thống quý báu, trở thành di sản của văn hóa dân tộc là truyền thống “hộ quốc an dân”: nhà sư ngoài bổn phận của một tu sĩ phật giáo, còn là người đem trí tuệ giác ngộ, lòng từ bi vô bờ thực hiện bổn phận một người con của đất nước, góp tay bảo vệ và xây dựng đất nước, tạo nền tảng tinh thần cho sự an vui của người dân, giương cao truyền thống hộ quốc an dân. Hòa thượng Thích Thanh Tứ là một trong những nhà sư như thế.

HT.Thich Thanh Tu 2.jpg


HT.Thích Thanh Tứ và Đại lão HT.Thích Trí Tịnh

Điểm lại quá trình xuất gia tu hành và phụng sự đất nước của Hòa thượng Thích Thanh Tứ, có thể thấy rõ truyền thống hộ quốc an dân được biểu hiện một cách sống động: Năm 1947, ngài được thụ Đại giới Tỷ-khiêu tại chùa Đống Long. Sống trong cảnh thực dân đô hộ, người dân lầm than, ngài đã nhận thức được sự thật: Nước mất thì đạo cũng bị hủy hoại, người Phật tử không có cuộc sống an lạc, Phật pháp không thể xiển dương. Thấm nhuần truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam trước đó, ngài đã sớm tham gia hoạt động ủng hộ các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Ngài đã hóa thân lúc làm tu sĩ, lúc làm dân thường, lúc là người chiến sĩ cách mạng với bầu nhiệt huyết ưu đời mẫn thế.

Tháng 3 năm 1945, được sự hướng dẫn của tổ chức cách mạng cơ sở, ngài đã cùng với nhân dân địa phương tổ chức phá kho thóc của Nhật đặt tại chùa Đống Long nơi ngài đang tu hành, nhằm cứu giúp đồng bào đang lâm vào cảnh đói khổ, rồi sau đó tập hợp nhân dân, Phật tử trong vùng đấu tranh và giành chính quyền năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước bước vào kháng chiến chống Pháp, ngài lại tiếp tục tham gia các phong trào yêu nước của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1947 đến năm 1949, ngài được suy cử là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Hưng Yên, tổ chức thành viên của Hội Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Từ tháng 1 năm 1950 đến tháng 9 năm 1951, ngài đã trực tiếp tham gia lực lượng vũ trang bí mật tỉnh Hưng Yên, làm công tác dân vận, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào lao động sản xuất ủng hộ kháng chiến, bảo vệ thành quả cách mạng. Các hoạt động của ngài đã bị thực dân Pháp đưa tên ngài vào danh sách những người bị “đặc biệt quan tâm”.

Từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 4 năm 1953, ngài đã bị thực dân Pháp bắt giam qua các nhà tù La Tiến, Lực Điền ở thị xã Hưng Yên; nhà thờ Kẻ Sặt, nhà tù tỉnh Hải Dương; nhà tù Hỏa Lò, Thanh Liệt ở tỉnh Hà Đông, nay là thành phố Hà Nội. Ra khỏi nhà lao, ngài lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến năm 1954. Từ năm 1955 đến 1975, ngài tham gia nhiều hoạt động và giữ nhiều cương vị trong Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, các hệ phái Phật giáo trong cả nước có nhiều hoạt động tiến tới sự thống nhất Phật giáo nước nhà. Ngài là một trong những nhà sư miền Bắc tham gia tích cực các hoạt động đó.

Cuối năm 1979 đầu năm 1980, đoàn Phật giáo miền Bắc do Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký và ngài lúc đó là Chánh Văn phòng đã vào TP.Hồ Chí Minh, thành phố Huế, gặp gỡ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo các hệ phái Phật giáo ở miền Trung và miền Nam, làm công tác vận động tổ chức hội nghị hiệp thương xúc tiến thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập và ngài được cử làm Phó Thư ký Ban Vận động. Với trọng trách của mình, ngài đã đi thăm nhiều cơ sở tự viện, gặp gỡ nhiều hệ phái Phật giáo, trên cơ sở đó, ngài đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, giúp các hệ phái Phật giáo đồng thuận để sớm đi đến sự hợp nhất tổ chức.

Tháng 11 năm 1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, ngài được suy cử làm Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến tháng 11 năm 1997. Tháng 11 năm 1997, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (1997-2002), ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Năm 2001, ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2002-2007) và lần thứ VI (2007-2012), ngài được suy tôn là Thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Trải qua các chức vụ từ Chánh Văn phòng, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với đạo pháp, đặc biệt là sự phục hồi các hoạt động Phật sự của Phật giáo miền Bắc sau ngày đất nước được thống nhất.

Trong quá trình kiện toàn tổ chức của Giáo hội ở một số tỉnh gặp nhiều khó khăn, Ngài đã trực tiếp đảm trách ngôi Chứng minh đạo sư hoặc làm Trưởng ban Trị sự như Tỉnh hội Phật giáo Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng Ni có đủ tài đức là một trong những Phật sự được ngài quan tâm đặc biệt. 30 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội luôn gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của ngài. Ngài đã đảm trách các Phật sự từ Chánh Văn phòng đến Phó Viện trưởng và nay là Viện trưởng, ngài đã dành nhiều tâm lực và trí tuệ với một mong muốn, Phật giáo miền Bắc phải có một cơ sở đào tạo Tăng tài xứng tầm. Và sau hơn 20 năm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã được xây dựng, tọa lạc tại núi Sóc Sơn lịch sử vào năm 2006.

30 năm xây dựng và trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài đã có nhiều đóng góp to lớn cho những thành tựu Phật sự chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài trở thành cầu nối giữa đạo với đời, giữa Phật giáo miền Bắc với Phật giáo miền Trung và Phật giáo miền Nam. Là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngài được tín nhiệm cử tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đối với công tác Phật sự quốc tế, ngài đã đi thăm, làm việc và tham dự nhiều hội nghị tôn giáo quốc tế được tổ chức ở các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Á, và Liên Xô (trước đây). Ngài chủ trì nhiều buổi làm việc, tiếp nhiều vị chính khách quốc tế đến thăm và làm việc với Giáo hội. Ngài còn được mời tham gia Ban Chấp hành Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Với những đóng góp to lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc, ngài luôn được Tăng Ni, Phật tử, nhân dân quý mến và tin tưởng. Ngài được Trung ương Giáo hội công cử làm đại diện giới Tăng Ni, Phật tử tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội và là đại biểu hai khóa XI, XII, là thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

HT.Thich Thanh Tu 1.jpg


HT.Thích Thanh Tứ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, năm 2011

Với những đóng góp của ngài với đất nước và Phật giáo, ngày 12 tháng 10 năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng ngài Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hôm nay dù không còn nữa, nhưng Hòa thượng Thích Thanh Tứ là một trong những nhà sư Việt Nam tiếp nối truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam, của các nhà sư Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.