HT. Thích Thiện Hào - biểu tượng của tư tưởng Phật giáo dấn thân

Giáo lý đạo Phật được Đức Phật giảng dạy không phải là những tín lý giáo điều mà "như ngón tay chỉ mặt trăng", hướng dẫn con người sống theo hướng xả bỏ tham sân si, xả bỏ sự chấp ái, để có được hạnh phúc ngay trong đời này và lâu dài, không bị lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Hinh.jpg

Lễ tưởng niệm HT Thích Thiện Hào lần thứ 12 tại Chùa Phổ Quang (Tân Bình)

Ảnh tư liệu

Phật giáo du nhập nước ta trong một bối cảnh đặc biệt, đó là lúc đất nước đang bị ngoại thuộc, và chính giáo lý này đã khơi mở một tầm nhìn rộng hơn, đánh thức niềm tin độc lập dân tộc, từng bước củng cố niềm tin ấy ngày càng vững chãi, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết để đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn.

Nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử hơn hai ngàn năm gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc đã chứng minh điều đó. Lúc thịnh, lúc suy, nhưng bao giờ Phật giáo cũng gắn với lợi ích chung của đất nước, chưa hề ích kỷ vun vén cho lợi ích riêng tư. Bởi vậy, trong lịch sử, ở những giai đoạn khó khăn, tối tăm của xứ sở, chúng ta thấy có những gương mặt Tăng sĩ Phật giáo không chỉ ủng hộ mà còn trực tiếp tham gia vào trong các đoàn quân khởi nghĩa, thậm chí là lãnh đạo các phong trào đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập tự do cho đất nước.

Ở thế kỷ XX, chúng ta có nhiều vị xuất gia có tinh thần như thế, trong đó phải kể đến cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, xuất gia từ nhỏ nhưng được vị bổn sư của mình hun đúc, giáo dục tinh thần yêu nước như lời tự thuật của Hòa thượng lúc sinh tiền:

"Tôi quy y từ năm mười hai tuổi. Đến năm tôi mười tám tuổi, Phong trào chấn hưng Phật giáo trong Nam do sư cụ Lê Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu khởi xướng phát triển mạnh với mong muốn Phật tử phải "thôi rút mình vào kinh kệ mà dang tay làm việc xã hội cho hợp với tôn chỉ cứu khổ cứu nạn của Phật". Mục tiêu đó thôi thúc, lại được sư huynh Pháp Dõng hướng dẫn, tôi đến xin thọ giáo với Hòa thượng Thích Huệ Đăng đang trụ trì ngôi chùa Thiên Thai ở Long Điền (Bà Rịa)...

Tổ Huệ Đăng tuy xuất gia, lòng vẫn ôm hoài bão làm sao cho dân thoát cảnh cá chậu chim lồng. Khi giảng đạo pháp của Phật, Người luôn gắn với dân tộc, kể cho chúng tôi nghe về lịch sử đấu tranh bất khuất của dân tộc và những tấm gương anh hùng của các bậc sĩ phu, truyền cho chúng tôi lòng yêu nước nồng nàn. Hòa thượng vẫn thường nói: "Nước mất nhà tan, nước không độc lập thì dân không hạnh phúc. Làm cho nước độc lập, hạnh phúc chính là hợp với thuyết cứu khổ cứu nạn của Phật…".

Mỗi giai đoạn lịch sử, Phật giáo có những chủ trương đáp ứng yêu cầu chung của thời đại. Thời đại của cuộc đấu tranh giải phóng ngoại xâm, thống nhất đất nước đã hoàn thành, với tinh thần trên, qua những tấm gương hành động không biết mệt mỏi như Tổ Huệ Đăng, như cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào… cũng như chư tôn đức, cư sĩ khác, Giáo hội ngày nay cần có những chủ trương thiết thực trong đời sống, phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội hôm nay. Có như thế, chúng ta mới xứng đáng kế thừa sự nghiệp của tiền nhân, xứng đáng với lịch sử, với truyền thống gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc mà Giáo hội chúng ta tự hào.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.