Ông Vũ Huy Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ I Ban Tôn giáo TP.HCM chia sẻ |
Trước khi triển khai những quy định mới ở Nghị định 95/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30-3-2024, ông Vũ Huy Long đã triển khai một số điểm tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mà khi triển khai tại TP.HCM nhiều nơi còn lúng túng.
Đặc biệt ông nhấn mạnh lại các khái niệm tại Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều nơi chưa hiểu rõ nên khi áp dụng còn bị vướng mắc.
Cụ thể: Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức. Chức việc là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức. Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo. Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo Hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo... Qua đó, ông Vũ Huy Long nhấn mạnh: “Phải hiểu rõ các khái niệm thì chúng ta mới áp dụng được quy định cho nó đúng”.
Chư tôn đức tham dự |
Ông Trưởng phòng Nghiệp vụ I Ban Tôn giáo TP.HCM chia sẻ về đăng ký hoạt động tôn giáo hàng năm, thì mỗi năm chỉ đăng ký 1 lần và những năm sau không cần đăng ký nữa, nếu năm sau có hoạt động nằm ngoài chương trình thì phải thông báo cho chính quyền địa phương được biết.
Về đăng ký thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, theo quy định tại Điều 27, 28, 29 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về thành lập, điều kiện thành lập, trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc… và theo quy định Hiến chương GHPGVN thì Ban Trị sự tỉnh, thành phố có quyền đăng ký tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó ban kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM phát biểu tri ân những chia sẻ của ông Vũ Huy Long trong Tuần huân tu và Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2024 |
Ông Vũ Huy Long cũng cho biết hiện nay có nhiều quận huyện TP chưa làm đúng theo quy định về đăng ký điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Theo Điều 16, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và quy định của Hiến chương GHPGVN hiện nay Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố mới có thẩm quyền đứng ra đăng ký Điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Về điều kiện đăng ký điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định cụ thể ở Điều 16 và 17 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Về Nghị định 95/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30-3-2024, ông Long cho biết có 1 số điểm mới so với Nghị định 162/2017/NĐ-CP, có thay đổi về tên gọi mới, thay đổi người đại diện. Được quy định cụ thể ở Điều 9, Điều 10 về trình tự, thủ tục thay đổi tên của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Sau chia sẻ của ông Trưởng phòng Nghiệp vụ I - Ban Tôn giáo TP.HCM, Tăng Ni đại diện các quận: 12, Gò Vấp, Tân Phú, H.Hóc Môn… có nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh các vướng mắc về thủ tục giấy tờ liên quan đến điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo...
Một số hình ảnh sáng 9-12:
Có gần 800 Tăng Ni trong Tuần huân tu tập trung và Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2024, tại Việt Nam Quốc Tự |