Hồn quê - chợ làng

GN - Năm nào cũng vậy, sau ngày 20 tháng Chạp nhiều phiên chợ Tết ở quê luôn tấp nập người. Ở đó người ta mua bán, trao đổi những sản vật phục vụ Tết như lá dong, gạo nếp, thịt thà các loại cùng với hoa quả và đồ lễ. Do chợ cũng nghỉ Tết nên nhu cầu mua sắm, tích trữ  để có cái ăn trong ba ngày xuân là rất cao. Mồng bốn chợ ma, mồng ba chợ người là vậy.

cho que.JPG
Chợ quê ngày Tết - Ảnh minh họa

“Muốn biết một đất nước, bạn hãy ghé vào chợ”. Đó là câu ngạn ngữ của phương Tây nhưng luôn đúng với mọi dân tộc trong đó không thể thiếu nước Việt mình. Đó là nơi còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa rất xưa của ông cha, nơi tìm lại bao nhiêu điều cần nhớ, một tấm bánh đồng quà của bà, của mẹ cũng làm ta xao xuyến thương hoài.

Cũng ở đó, người ta có thể đoán biết được đời sống của cư dân nơi ấy ra sao. Từ những vật dụng nhỏ như lưỡi câu, cái đụt, cái lờ cho tới các mặt hàng tươi sống như rau quả, thịt thà; từ cách bài trí đơn sơ cho tới cách sắp đặt ngăn nắp dễ thao tác trong buôn bán, không cần là nhà kinh tế học tài ba người ta cũng khẳng định được là làng quê ấy đã thoát nghèo hay chưa, đã văn minh hiện đại hay chưa.

Đó cũng là nơi người ta tìm về với tâm linh qua những phẩm vật phục vụ lễ bái như hoa quả, nhang đèn. Đặc biệt là dưa hấu và các loại quả có tên na ná sự may mắn như dừa, đu đủ, xoài mà theo giọng đọc của người phương Nam là dừa, đủ, xài…

Chợ họp suốt đêm. Đi chợ đêm cũng là một cái thú đặc biệt của tao nhân mặc khách, của người quê luôn phải bận bịu với công việc đồng áng ban ngày. Ở đó người ta còn tổ chức những trò chơi vừa để buôn bán vừa để giải trí như mua một mặt hàng nào đó thì được bốc một tờ vé số. Sau khi bán được đủ lượng hàng theo quy định thì người ta mở số. Người trúng sẽ nhận được một món quà giá trị tương đương mặt hàng mà họ đã mua. Bên cạnh đó còn nhiều trò chơi khác như thảy vòng vào cổ gà vịt, ném lon, bịt mắt câu đồ hàng… Kết hợp với nhiều gian như thế lại sẽ thành hội chợ.

Tuổi thơ tôi không phải vì có quần áo mới, bao lì xì đo đỏ hay nhiều món quà giá trị khác do người lớn hào phóng cho, tặng khiến mình phải nao nức đợi mong khi Tết đến xuân về. Điều mong mỏi trong tôi là sự sum vầy, sự vui vẻ ấm cúng của một gia đình khi mà người thân phải học hành hay lao động phương xa. 

Tuy giờ đã lớn, đã ít nhiều thành công trên đường đời nhưng mỗi khi về quê thăm cha mẹ,  anh em, họ hàng trong dịp Tết bao giờ tôi cũng dành cho mình một thời gian để dạo chợ quê. Ở đó tôi luôn được gặp lại thời thơ ấu của mình. Gặp lại mẹ bên rổ rau vườn đã bắt đầu héo rũ và tôi là đứa trẻ quần áo nhàu nhĩ, chân tay cáu bẩn ngồi giữ chân đôi gà trong buổi chợ chiều cuối năm. Gặp lại “cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ” hay “thằng cu áo đỏ chạy lon xon” và người mua bán thì vẫn tấp nập như bao đời.

Xuân đang về, cảnh vật đang dần thay đổi, con người cũng phải mạnh dạn cắt đứt với tham sân si, với thói hư tật xấu và những quan niệm cũ kỹ lạc hậu để đón nhận những gì tốt đẹp nhất mà cuộc sống mới yêu ái trao tặng cho ta.

Nâng ly lên vui với nàng xuân để thấy mình đang thăng hoa cùng đất nước, để yêu và hết lòng vì quê hương, biển đảo mà chung tay góp sức vì nước non này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.