GN - Trong cơn bão đang kéo về phố, mưa như trút cơn giận dữ khắp mọi nơi, gần như không ai ra khỏi nhà, thì tôi nghe điện thoại của Trung. Tôi chưa hề biết mặt Trung bao giờ, dẫu theo vai vế thì Trung là con ông chú ruột, là em họ của tôi.
Gần 40 năm theo mẹ lưu lạc tận đất Sài Gòn, sau khi ông chú tôi chết, Trung đã học hành thành đạt, trở thành một kỹ sư hàng hải, có vợ con và cuộc sống tạm ổn. Đó là chuyện sau này khi gặp Trung tôi mới biết, còn chuyện cuộc điện thoại là chuyện khác.
Ảnh minh họa
Đó là Trung đã khăn gói từ TP.HCM ra Nha Trang, thuê một chiếc xe máy vào tận nghĩa trang Phước Đồng để đi tìm mộ người thân. Trong cơn mưa, Trung tìm không ra, gọi điện cho tôi.
Tôi không hề biết mặt Trung cho đến khi anh em gặp mặt, dẫu Trung đã 38 tuổi. Trong khoảng thời gian gần 40 năm lăn lộn trong cuộc sống, đến nay mẹ Trung bỗng sực nhớ là con mình còn có một gia tộc, và đến khi con thành đạt bà mới khuyến khích con tìm về.
Gia tộc của tôi là một gia tộc rắc rối, chồng chéo quan hệ với nhau vì những chuyến phiêu lưu ái tình của người lớn. Còn chúng tôi hiện hữu trong cuộc sống này, thậm chí đếm nhẩm thử mình có bao nhiêu cháu, bao nhiêu anh em, đứa mất đứa còn cũng không thể nào tính được. Rồi sự e ngại trong dòng đời xuôi ngược ấy, những đứa trai đứa gái ấy không hề biết rằng mình cùng chung một huyết thống, gặp nhau và yêu nhau, nó sẽ trở thành một bi kịch.
Sự tìm về gia tộc của Trung hôm đó không hoàn hảo. Có người khép cánh cửa khi em tìm tới, dẫu Nha Trang đang có cơn mưa xối đất xối trời. Điều đó như em hiểu được, em nói rằng khi em lớn lên cũng đã từng bị đối xử như thế khi hai mẹ con lăn lóc trong lòng thành phố Sài Gòn chen chúc, ngày xưa đó chỉ ở nhà thuê và mẹ em làm đủ nghề để nuôi em khôn lớn. Em bảo em quen rồi cách đối xử của thế gian, nhưng nhu cầu tìm về của em mãnh liệt hơn mọi điều, em chỉ cần tìm và xin được gặp.
Số phận của tôi còn bi thảm hơn Trung. Vừa mới hai tuổi tôi bị ba mẹ ném ra đường cũng trong một cơn mưa xối xả trắng đất trắng trời. Bà nội nuôi tôi bằng những ngày làm công làm cỏ, cắt lúa, mò ốc, mót khoai. Tôi lớn lên mà không có gia đình để trở về. Tôi tự đi học, để tới ngày Tết, ngày hè nhìn thấy bạn bè tíu tít thu dọn hành lý về nhà, tôi buồn bã không biết về đâu.
Tôi không có quê ngoại, còn Trung thì có quê ngoại vì mẹ tôi mồ côi. Cho nên khi lấy vợ, quê ngoại của tôi đã nghiêng về phía đó, vì phía đó có những con người yêu thương tôi hết mực. Những đứa em vợ gọi tôi là anh Hai, những buổi họp gia đình tôi như anh trưởng giải quyết mọi việc. Ngược lại, tôi vẫn còn những người thân bên nội. Nhưng lạ cho những ngôi nhà cách nhà tôi không xa mà khi đi ngang qua, chỉ lướt đi như thể đó là ngôi nhà xa lạ. Thậm chí cái khoảng cách cứ lớn dần lớn dần khó thể xóa nhòa.
Trên tivi vẫn thường phát chương trình “Không bao giờ có cuộc chia ly”, những con người lạc mất nhau, mỗi một cuộc đời có một hoàn cảnh khác, tự dưng cảm thấy mình bơ vơ trong cuộc sống này, mải mê đi tìm lại nguồn cội. Những hình ảnh đoàn viên ấy luôn có tiếng khóc, nhưng không phải là tiếng khóc đau khổ mà là tiếng khóc mừng vui. Con người ta cần tìm nhau đến thế.
Rồi đến câu chuyện một cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh trước năm 1975, đã để lại một giọt máu rơi ở Việt Nam, lại lặn lội đi tìm đứa con của mình để đứa con có cội nguồn. Người tìm nhau vì máu thịt ấy không có khoảng cách, chẳng có không gian và chẳng ngại thời gian. Cuộc sống này đẹp đẽ hơn vì ta có nguồn cội để tìm về. Cho nên Trung đã lặn lội trong cơn mưa xối xả để tìm về.
Cuộc sống của chúng ta sẽ tiếp tục trôi qua. Ta mệt nhoài hay ta hớn hở, ta thành đạt hay ta thất bại. Tất cả rồi sẽ trôi qua. Giống như mỗi ngày cứ mở ra và khép lại hồn nhiên. Ở trong đó, có những dòng người vẫn miệt mài đi và về trên những con phố với những lo toan khác nhau. Ta có thể chỉ có một mình trong cuộc sống này, nhưng đó là nỗi bơ vơ và bất hạnh. Nhưng đôi khi, ta nhìn quanh chỉ là những nỗi muộn phiền che giấu sau những tiếng cười khan trong nắng. Tại sao không hớn hở tìm nhau khi còn có thể?