Hội thảo nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II

Giác Ngộ - Nhân Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Nha Trang - Khánh Hòa do Ban Nghi lễ Trung ương, Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức. Đây là dịp để ngành Nghi lễ Phật giáo thảo luận các vấn đề về nghi lễ vẫn còn nhiều ngổn ngang và tồn đọng. HT. Thích Trí Tâm (ảnh) Trưởng ban Nghi lễ Trung ưong, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết:
TIN_trien lam ve Hanoi (6).JPG

Theo chương trình hoạt động Phật sự năm 2010 của Ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, từ đầu năm 2010, Ban Nghi lễ đã có văn bản trình lên Ban Thường trực HĐTS về việc tổ chức khóa Hội thảo Nghi lễ lần thứ II năm 2010. Cho đến nay, các thủ tục về việc tổ chức Hội thảo Nghi lễ đã thực hiện đầy đủ. Theo đó, Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II năm 2010 được chính thức tổ chức từ ngày 16-17/10 tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lễ khai mạc diễn ra vào lúc 8g30 tại Ball room, Vinpearl Land - Nha Trang. Trước đó, 18g30 ngày 15-10 sẽ khai mạc triển lãm pháp khí, hình ảnh về hoạt động nghi lễ Phật giáo tại số 7 Trần Phú. Hội thảo tại hội trường số 9 Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Dự kiến, số đại biểu tham dự Hội thảo lần này khoảng 400 đại biểu chính thức đến từ các tỉnh, thành hội Phật giáo trên cả nước. Hiện nay, các công tác tổ chức đang được triển khai.

Nội dung của lần Hội thảo Nghi lễ Phật giáo này gồm những gì, thưa Hòa thượng? Nhiều năm nay, việc thống nhất nghi lễ Phật giáo trên cả nước vẫn chưa thực hiện được, HT suy nghĩ sao về vấn đề này?

- HT.Thích Trí Tâm: Chủ đề Hội thảo lần này là "Nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh", với mục đích nêu cao giá trị của nghi lễ Phật giáo, cũng như xác định vai trò và vị trí của nghi lễ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề cho công tác thực thi việc thống nhất nghi lễ toàn quốc.

Nội dung Hội thảo lần này xoay quanh vấn đề "Tính truyền thừa của nghi lễ Phật giáo giữa các thời kỳ". Chúng tôi muốn nghi lễ cần được đưa vào chương trình giáo dục Phật giáo, là một môn học cho Tăng Ni sinh tại các trường Phật học của Giáo hội. Bên cạnh đó, những vấn đề khác như: Tính đặc thù về nghi lễ của từng vùng, miền, các hệ phái trong Giáo hội; Sự tương đồng giữa nghi lễ Phật giáo với nhạc lễ, nghi lễ xưa và nay của dân tộc Việt Nam; Vấn đề pháp phục của những vị thực hành nghi lễ; Tính trang nghiêm và đơn giản trong nhạc lễ và âm thanh khi thực hiện nghi lễ; Nghi lễ dành cho các dịp đại lễ quan trọng như: Phật đản, Thành đạo, Niết bàn, Vu lan Báo hiếu, Đại giới đàn, lễ tang của chư vị tôn túc… Ngoài ra, tại Hội thảo các đại biểu sẽ cùng nhau đưa ra các vấn đề về cung cách xưng hô, sinh hoạt, giao tiếp trong nếp sống đời thường của Tăng Ni, Phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Về vấn đề thống nhất nghi lễ Phật giáo hiện nay, quả thật là vấn đề không phải một sớm một chiều. Tuy nhiên, Hội thảo là dịp để chúng ta ngồi lại cùng thảo luận tìm ra giải pháp tối ưu trong việc Việt hóa nghi lễ Phật giáo. Công việc này phải mang tính thống nhất, vừa bảo đảm tính đặc thù của từng vùng, miền và tính biệt truyền của sơn môn tông phái theo nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

- Trân trọng cám ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.