GNO - Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ni trưởng Như Thanh viên tịch, Đặc san Hoa Đàm đại diện Phân ban Ni giới T.Ư đã phối hợp cùng Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa - Phát triển Ni giới Việt Nam”, vào sáng nay, 23-2, tại hội trường của trường.
TS.Lê Hữu Phước phát biểu khai mạc
Tham dự hội thảo, đại diện GHPGVN có HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Tấn Đạt, UV Thư ký HĐTS, Phó VP 2 T.Ư; TT.Thích Nhật Phát, Tông phong Tổ đình Huê Lâm; NT.TN.Tịnh Nguyện, Trưởng Phân Ban Ni giới T.Ư; NS.TN.Như Nguyệt, Đại diện Đặc san Hoa Đàm.
Về phía Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM có TS.Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng; TS.Lê Thị Ngọc Điệp, Trưởng Khoa Văn hóa học, Chi hội Phó Chi hội Nữ trí thức của trường; TS.Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó ban Tôn giáo UBTƯ MTTQVN; TS.Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo TP.HCM.
Phát biểu chào mừng, HT.Thích Giác Toàn nhấn mạnh những đóng góp to lớn của Ni trưởng Như Thanh trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung và con đường hoằng dương Phật pháp cho Ni giới nói riêng.
HT.Thích Giác Toàn nhấn mạnh về công hạnh và những đóng góp của Ni trưởng Như Thanh
“Có thể nói, Ni trưởng Như Thanh là vị Ni trưởng không bao giờ ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời học Phật của mình. Ni trưởng là tấm gương sáng ngời về công hạnh, phẩm hạnh cho toàn bộ Ni giới sau này noi theo và là một nhân cách lớn, hội tụ phẩm hạnh ‘Bi-Trí-Dũng’ trong Phật giáo. Buổi hội thảo ngày hôm nay không chỉ đơn thuần là bàn về khoa học, đây còn là sự tri ân, tưởng nhớ đến vị Ni trưởng đáng quý của Ni giới nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung”, Hòa thượng chia sẻ.
Theo đó, với tổng cộng 28 tham luận được gửi về hội thảo, từ các nhà nghiên cứu, học giả trên khắp đất nước, từ Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng đến Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, TP.HCM... hội thảo lần này là dịp để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Ni trưởng Như Thanh, cũng như để chư Ni ôn lại truyền thống của Ni giới Việt Nam.
Các tham luận xoay quanh 3 nội dung chính: Những đóng góp của Sư trưởng Như Thanh với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam gồm 14 tham luận; Di sản Sư trưởng Như Thanh với 7 tham luận; và Những ký ức của hậu bối về Sư trưởng Như Thanh với 7 tham luận.
Phát biểu đề dẫn của NS.Như Nguyệt.
Theo NS.TN.Như Nguyệt, Đại diện Đặc san Hoa Đàm trong phần đề dẫn, phát biểu: “Trên cơ sở sự tiếp xúc trực tiếp và thông qua tư liệu về Sư trưởng, các nhà khoa học đều có chung một quan điểm về phẩm chất và năng lực vượt trội của người. Nhớ đến người là nhớ đến tinh thần cầu học, cầu đạo, tâm từ bi, ý chí vượt khó, bản lĩnh… Người đã đóng góp to lớn đối với sự hình thành và phát triển của Ni bộ Bắc tông, với sự nghiệp giáo dục Phật giáo, với việc xây dựng chùa - tự viện, với công tác từ thiện xã hội. Người cũng đã để lại những di sản thơ văn, trước tác dịch thuật phong phú. Vì lẽ đó, việc kế thừa và phát triển di sản của người chính là bổn phận của những thế hệ hậu bối hôm nay và mai sau”.
Quang cảnh buổi khai mạc
Tại buổi khai mạc, hướng đến việc tưởng nhớ và tri ân công đức của Ni trưởng Như Thanh, 20 suất học bổng mang pháp danh Ni trưởng, cũng đã được trao tặng đến 20 bạn sinh viên có thành tích học tập tốt, hoàn cảnh khó khăn, nhằm khuyến khích tinh thần học tập cho các bạn.
20 suất học bổng Như Thanh được trao đến các bạn sinh viên hiếu học
Được biết, hội thảo được tiến hành với 3 phiên, theo 3 chủ đề chính của tham luận được đề cập ở trên. Mỗi phiên sẽ trình bày những tham luận đặc sắc nhất được ban tổ chức chọn lọc, giới thiệu và thảo luận. Hội thảo dự kiến kéo dài đến 17 giờ chiều nay, 23-2.
GH