Tham dự có Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; PGS, TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam; đồng chí Trịnh Công Lộc, Trưởng Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh, cùng nhiều nhà nghiên cứu.

Quang cảnh buổi hội thảo
Hội thảo chủ yếu đề cập về mối quan hệ giữa vùng đất Đông Triều với lịch sử nhà Trần, những giá trị lịch sử, văn hoá của các di tích thời Trần trên đất Đông Triều. Qua 12 tham luận của các nhà khoa học tại Hội thảo, cho thấy vùng đất Đông Triều với nhà Trần có sự gắn kết lâu dài trong lịch sử và đã để lại cho hậu thế những di sản vật thể và phi vật thể vô giá, tạo nên những giá trị văn hoá hết sức lớn và đậm nét. Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, và vùng đất này được các đời vua Trần rất mực coi trọng. Bởi vậy An Sinh Vương Trần Liễu mới trở về An Sinh lập thái ấp, nhà Trần mới di chuyển các phần mộ tổ tiên về đây, xây dựng những lăng tẩm đồ sộ, điển hình là đền An Sinh để thờ phụng. Tại Hội thảo một số nhà khoa học còn cho rằng chính bởi nguyên nhân này mà vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông hướng về Yên Tử, dãy núi nối liền kéo dài từ Đông Triều đến Uông Bí ngày nay để tu luyện theo đạo Phật, Trần Nhân Tông chọn đỉnh am Ngoạ Vân ở Đông Triều để trút hơi thở cuối cùng, hoá Phật. Với việc khẳng định vua Trần Nhân Tông đã trút hơi thở cuối cùng tại am Ngoạ Vân, thuộc địa phận xã Bình Khê, Đông Triều ngày nay đã chấm dứt những tranh cãi cho rằng vua Trần Nhân Tông có thể đã viên tịch tại Ngoạ Vân am ở Yên Tử. Đồng thời cũng cho thấy các di tích đời Trần trên đất Đông Triều nối liền với quần thể Di tích lịch sử Yên Tử ở Uông Bí, biểu hiện hành trình tu hành và hoá Phật của vua Trần Nhân Tông.
Thời Trần, đất An Sinh đã được đầu tư rất lớn, trước hết là hệ thống chùa, lăng, am, tháp trên Yên Tử, rồi chùa Long Động, chùa Hồ Thiên, am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm... Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng với quy mô lớn, đã từng là Quỳnh Lâm viện, nơi đào tạo các phật gia. Tại đây còn có thị xã Bích Động, nơi tập trung giới văn sĩ cả nước xướng văn, vịnh thơ. Đông Triều còn gắn liền với nhà Trần trong nghệ thuật quân sự, biểu hiện ở các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ngày nay trên mảnh đất Đông Triều còn lại rất nhiều di tích nhà Trần quý giá. Tiêu biểu nhất, linh thiêng nhất trong hành trình tu hành và hoá Phật của vua Trần Nhân Tông chính là am Ngọa Vân. Đặc biệt những gì còn lại của quần thể di tích am Ngọa Vân và chùa Hồ Thiên đều là nguyên gốc đời Trần.
Các phát biểu đều khẳng định khả năng xuất lộ của các di tích nhà Trần trên đất Đông Triều còn rất lớn, trong đó có những nét riêng chỉ có tại đây. Đây là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu, các nhà khảo cổ học khai quật, phân tích nhằm đưa ra những nhận định xác thực nhất, toàn diện nhất về văn hoá đời Trần nói chung và văn hoá đời Trần trên đất Đông Triều nói riêng. Đồng thời là tiềm năng để huyện Đông Triều đưa vào khai thác, phát triển dịch vụ du lịch phục vụ đời sống dân sinh. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ để tránh thất thoát các hiện vật có giá trị lịch sử rất lớn này. Ngoài ra trong Hội thảo các thành viên của Viện Khảo cổ học đã đưa ra một số khám phá mới về khảo cổ, qua đó đặt ra nhiều câu hỏi cần những lời giải thích đáng.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trịnh Công Lộc đã khẳng định những ý kiến của các nhà khoa học là tiền đề cho việc xây dựng một kế hoạch tổng thể, khoa học và toàn diện hơn trong công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá nhà Trần trên vùng đất Đông Triều.