Theo đó, Thành phố hiện có 273 phường, xã, thị trấn thuộc TP.Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện ngoại thành. Khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, điều chỉnh lại, Thành phố còn 78 phường và 24 xã, tương ứng giảm 62,64%. Con số này nằm trong mức giảm 60-70% Trung ương đưa ra.
Theo đánh giá của Thành ủy TP.HCM, phương án này đảm bảo phường, xã mới không phải là cấp huyện thu nhỏ, có quy mô dân số và diện tích tự nhiên quá lớn để xa dân. Chính quyền cấp xã sẽ quán xuyến được địa bàn, nắm bắt tình hình sát sao và phục vụ người dân tốt nhất. Phương án cũng giúp ổn định ranh địa giới hành chính, giảm thiểu tác động việc xác định bản đồ hiện trạng, bản đồ đất đai, hoạt động quản lý Nhà nước về xây dựng trong quá trình chuyển tiếp.
![]() |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu - Ảnh: Hữu Hạnh |
Tuy nhiên, khi thực hiện phương án sắp xếp 102 đơn vị hành chính cấp xã mới, dự kiến sẽ kết hợp điều chỉnh ranh địa giới tại đơn vị đang có ranh chồng lấn, như: TP.Thủ Đức cần xem xét điều chỉnh ranh chồng lấn với Bình Dương (khu Đại học Quốc gia TP.HCM); Q.6 muốn mở ranh một phần P.16 của Q.8; 3 phường của Q.8 đề xuất mở ranh với 3 xã Bình Hưng, Phong Phú và An Phú Tây của H.Bình Chánh; Q.Gò Vấp có ấp Voi chồng lấn ranh với Q.12; Q.Tân Phú điều chỉnh ranh công viên với Q.Bình Tân và H.Hóc Môn xem xét điều chỉnh ranh chồng lấn với Củ Chi.
Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh việc đặt tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đồng nhất, đồng bộ, phù hợp truyền thống, văn hóa lịch sử. Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nêu định hướng, phương án cần lựa chọn những tên gọi tiêu biểu, đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
![]() |
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Hữu Hạnh |
Tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo, vừa qua, Q.1 đã đưa ra phương án sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ có phường Sài Gòn, Q.5 có phường Chợ Lớn và Q.Bình Thạnh có phường Gia Định. Các quận, huyện khác cũng có phương án thay đổi tên gọi đơn vị để phù hợp với định hướng trên.
Về tên gọi theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính quyền địa phương cấp tỉnh là TP.HCM, gồm có HĐND và UBND. HĐND TP.HCM tổ chức 4 ban chuyên môn giúp việc. UBND TP tổ chức 15 sở và tương đương.
Chính quyền địa phương cấp xã có HĐND và UBND phường/xã/đặc khu.
Sau sắp xếp, số lượng biên chế dự kiến cần bố trí là 6.120 người, tổng số người dôi dư do sắp xếp là 11.015 người (gồm 5.453 biên chế dôi dư và 5.562 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư).