Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM xét duyệt đề cương luận án tiến sĩ Phật học khóa IV (2023-2026)

Hội đồng xét duyệt đề cương luận án với đề tài: "Quan hệ gia đình theo quan điểm của Đức Phật so sánh với quan điểm của Luật hôn nhân và gia đình hiện đại" của nghiên cứu sinh Ngô Hồ Anh Khôi
Hội đồng xét duyệt đề cương luận án với đề tài: "Quan hệ gia đình theo quan điểm của Đức Phật so sánh với quan điểm của Luật hôn nhân và gia đình hiện đại" của nghiên cứu sinh Ngô Hồ Anh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 10 và 11-4 vừa qua, tại thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã tổ chức Hội đồng xét duyệt đề cương luận án tiến sĩ Phật học khoá IV (2023-2026) cho các nghiên cứu sinh. 

Tham gia các Hội đồng xét duyệt đề cương luận án tiến sĩ Phật học đợt này có chư tôn đức Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; chư Tăng Ni công tác tại Học viện, Viện Nghiên cứu Phật học VN; các phó giáo sư, giảng viên tại các đại học, các nhà nghiên cứu chuyên ngành.

Theo đó, có 19 nghiên cứu sinh được xét duyệt đề cương luận án tiến sĩ Phật học khóa IV (2023-2026). Chuyên ngành Triết học có 6 nghiên cứu sinh với các đề tài như: Phê bình bản thể luận dưới góc độ trung quán; Nghiên cứu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo trong Tạng Pali; Triết lý nghiệp Phật giáo trong tác phẩm "Anh em nhà Karamazov" của Fyodor; Nghiên cứu phép ẩn dụ và dụ ngôn trong kinh Lăng-già; Quan hệ gia đình theo quan điểm của Đức Phật so sánh với quan điểm của Luật hôn nhân và gia đình hiện đại; Giáo dục đạo đức sinh viên trong Trường Đại học tại TP.HCM qua giáo lý Bát chánh đạo.

Hòa thượng Thích Tâm Đức làm Trưởng ban xét duyệt đề cương của nghiên cứu sinh Ngọc Tâm

Hòa thượng Thích Tâm Đức làm Trưởng ban xét duyệt đề cương của nghiên cứu sinh Ngọc Tâm

Chuyên ngành Sử học có 11 nghiên cứu sinh, gồm các đề tài: Báo chí Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1927-1957); Những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam thời Lê Trung Hưng (1533-1788); Tìm hiểu về tiến trình truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc thời hậu Hán; Quá trình chấn hưng, phát triển của pháp môn Tịnh độ trong tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam (1931-1981); Chính sách đối với Phật giáo của chính quyền Lê - Trịnh (XVI-XVIII);

Hoạt động hoằng pháp và giáo dục của Thiền phái Trúc Lâm đương đại từ 1970 đến nay; Nghiên cứu tư tưởng Phật học trong sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du; So sánh chính sách đối với Phật giáo của chính quyền chúa Nguyễn và chính quyền Lê - Trịnh; Nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Việt Nam triều Nguyễn (1802-1945); Nghiên cứu những phương diện cốt lõi của văn hoá Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIII-XIV; Tổng hội Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Các nghiên cứu sinh trong buổi trình đề cương luận án tiến sĩ Phật học

Các nghiên cứu sinh trong buổi trình đề cương luận án tiến sĩ Phật học

Và chuyên ngành Luật học có 2 nghiên cứu sinh với 2 đề tài: Xác lập quyền sở hữu tài sản của các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo pháp luật Việt Nam hiện hành; So sánh giới bổn Tỳ-kheo-ni giữa Luật tạng Pali, Ma-ha-tăng-kỳ luật và ngũ phần luật.

Tại các buổi xét duyệt, sau khi các nghiên cứu sinh trình bày đề cương luận án của mình, chư tôn đức và các thành viên của Hội đồng xét duyệt đều có những đánh giá, nhận xét, góp ý cụ thể cho từng đề tài. Các nghiên cứu sinh đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để trên cơ sở đó hoàn thiện nội dung, chuẩn bị viết tiểu luận nếu như đề tài được thông qua.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.