Tham dự lễ có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học; Hòa thượng Thích Đức Thanh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế; chư tôn đức Hội đồng Chỉ đạo Học viện, Hội đồng Điều hành Học viện; chư tôn đức Tăng Ni các tự viện, niệm Phật đường; các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu...
Chư tôn đức, khách mời và các nhà nghiên cứu tham dự |
Về phía lãnh đạo chính quyền có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương; ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng quý vị đại diện lãnh đạo ban ngành các cấp.
Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Hải Ấn đã nêu rõ, để thực hiện tốt sứ mệnh giáo dục - đào tạo của Phật giáo, đặc biệt là giáo dục ở cấp đại học thì không thể tách rời lĩnh vực nghiên cứu và trao đổi học thuật. Trong mối tương hỗ ấy, nghiên cứu và giáo dục chính là đôi cánh giúp cho đường hướng giáo dục của học viện ngày càng vươn xa. Quan trọng hơn, đó còn là nền tảng thiết yếu giúp Tăng Ni sinh có đủ điều kiện để hoàn thiện “học phong” và “đạo phong” của mình trong quá trình theo học tại học viện. Với ý nghĩa đó, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại Huế đã quyết định thành lập Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu nhằm tiếp nối chí nguyện và phát huy hơn nữa định hướng giáo dục mà nhị vị cố Hòa thượng Viện trưởng tiền bối đã vạch ra.
Thượng tọa Thích Không Nhiên giới thiệu trung tâm đến chư tôn đức và các nhà nghiên cứu cùng quý vị khách mời |
Được biết, Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu có chức năng quy tập, lưu trữ và phát huy giá trị di sản - tư liệu văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của Tăng Ni và toàn xã hội, do Hòa thượng Thích Hải Ấn làm Giám đốc Trung tâm.
Trung tâm bao gồm: Phòng lưu trữ Mộc bản Phật giáo, Phòng lưu trữ Thư viện Gia đình, Phòng họp và Văn phòng trung tâm.
Giới thiệu di sản Mộc bản Phật giáo Huế |
Trong đó, Phòng lưu trữ Mộc bản Phật giáo bước đầu quy tập toàn bộ kho mộc bản vốn được lưu giữ tại chùa Từ Đàm trước đây với số lượng 828 tấm (1.319 mặt khắc) từ các tổ đình và cổ tự danh tiếng Phật giáo xứ Huế như: chùa Kỳ Viên, Đức Sơn, Thiền Lâm, Viên Thông, Thuyền Tôn, Báo Quốc, Bảo Lâm, Ba La Mật... Là kho mộc bản đa chủng loại, gồm: kinh, luật, luận, trước tác, phái điệp quy y – thế độ, tranh đồ họa cổ...; tích hợp đa niên đại ván khắc, với tuổi đời của mộc bản trải dài từ cuối thế kỷ XVII đến nữa đầu thế kỷ XX. Trong đó, ván khắc Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh có niên đại năm Chính Hòa thứ 19 [1698] dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu có niên đại xưa nhất của Phật giáo xứ Huế và miền Trung được tìm thấy tính đến thời điểm hiện tại.
Chư tôn đức thưởng lãm mộc bản tại không gian lưu trữ |
Bên cạnh đó, Phòng lưu trữ Thư viện Gia đình có hàng nghìn đầu sách chuyên khảo Phật học, Triết học, Văn học, và các ngành xã hội nhân văn trước năm 1975 do các gia đình phát tâm hiến tặng.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đón nhận tư liệu ghi âm Phật giáo Huế gồm bốn phương diện: Sự kiện Phật giáo, Thuyết giảng, Tụng kinh bái sám và Âm nhạc Phật giáo (gồm tân nhạc và lễ nhạc truyền thống Phật giáo Huế) trên hệ thống đĩa akai trước năm 1975 của nhà thu băng Hoa Đàm - Huế.
Đại diện gia đình đạo hữu Trần Phụ Trác nhận Bằng Tuyên dương công đức |
Thượng tọa Thích Không Nhiên, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Phó Giám đốc Điều hành Trung tâm cho biết: “Trong kế hoạch sắp đến, trung tâm sẽ tiếp tục thành lập các phòng: Lưu trữ Pháp tượng - Pháp khí; Phòng lưu trữ Điển tịch cổ Phật giáo; Phòng lưu trữ Tư liệu số hóa, chuyển toàn bộ tư liệu số hóa suốt 10 năm qua của tập san Liễu Quán sưu khảo về lưu trữ”.
“Trung tâm còn là nơi nối kết các thành phần học giới, các trường Phật học, các trung tâm giáo dục, văn hóa, lưu trữ và thư viện ở trong nước cũng như khu vực, thông qua các hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật, tọa đàm, hội thảo, triển lãm,... nhằm giới thiệu những giá trị di sản - tư liệu văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa Phật giáo Huế”, Hòa thượng Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Trưng bày mộc bản Quy Sơn Cảnh Sách có niên đại Thành Thái 14 |
Phòng lưu trữ 828 tấm mộc bản |
Phòng lưu trữ sách Thư viện Gia đình |