Linh cữu của Ông an trí cũng tại chùa Diệu Pháp - ngôi chùa mà Ông đã đến để tịnh tu trong những năm cuối đời. Lễ truy điệu lúc 9g sáng 13-11. Lễ động quan lúc 9g30 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hoá thân Bình Hưng Hòa.
Học giả Phan Lạc Tuyên năm 2010 - Ảnh TL của TFS
Người miền Nam biết đến danh tánh Phan Lạc Tuyên từ những năm 1950 qua những ca từ tình quê đằm thắm và sâu lắng do Đan Thọ phổ nhạc. Tên tuổi của Ông nổi như cồn qua cuộc binh biến đảo chính Ngô Đình Diệm 11-11-1960, lúc Ông vừa tròn 32 tuổi, bấy giờ là đại uý thuộc Liên đoàn Biệt động Quân khu Thủ đô. Đảo chính bất thành, Ông tị nạn tại Campuchia và sau đó quay về nước tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN.
Giã từ con đường binh nghiệp, Ông sang Ba Lan du học và đã hoàn thành luận án tiến sĩ ngành dân tộc học; từ đó, Ông chuyên tâm vào nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo. Ông đã để lại nhiều công trình khoa học giá trị, trong đó có thể kể, như Người Chàm ở Việt Nam, Từ Tây nguyên đến Đồng Nai, Lịch sử bang giao Việt Nam - Đông Nam Á, Nghiên cứu và điền dã… cùng nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí, báo trong và ngoài nước.
Học giả Phan Lạc Tuyên với bà Dominique de Miscault,
Tổng Biên tập Tạp chí Triển Vọng Pháp - Việt, tại chùa Diệu Pháp
Học giả Phan Lạc Tuyên được Hội đồng Điều hành Trường Cao cấp Phật học TP.HCM (sau này là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM) mời tham gia giảng dạy cho Tăng Ni hệ cử nhân trong nhiều năm. Với Phật tính sẵn có và ký ức về ngôi chùa trong tâm thức của người Việt, trong đời sống văn hoá dân tộc qua những lần theo mẹ, theo bà lên chùa, cùng những trãi nghiệm về cuộc đời, Ông đã nỗ lực học Phật, đã phát nguyện quy y Tam bảo và thọ nhận năm giới của người cư sĩ.
Ông là một trong những cộng tác viên nhiệt thành, thường xuyên có bài nghiên cứu về vấn đề dân tộc học và Phật giáo đăng trên nguyệt san Giác Ngộ - phụ trương nghiên cứu Phật học thuộc Báo Giác Ngộ.
Các Tăng sinh viên Học viện PGVN tại TP.HCM
tặng Thầy Phan Lạc Tuyên nhân ngày Hiến chương
Nhà giáo VN 20-11 (với nội dung 4 chữ: Giáo nhân bất quyện)
Nhiều thế hệ Tăng Ni đã học ở Học viện PGVN tại TP.HCM, Huế đã ấn tượng sâu sắc về người thầy Phan Lạc Tuyên nghiêm nghị nhưng nhiệt thành chia sẻ, kiến thức phong phú, đặc biệt là trong những đợt Ông hướng dẫn điền dã các di tích văn hoá Chăm tại các tỉnh miền Trung.
Thấm lẽ vô thường của cuộc đời và giá trị chân thật của sự sống, Ông đã cát ái từ thân, vào chùa, xuống tóc gieo duyên với đời sống của người xuất gia đệ tử Phật trong những năm cuối đời, cho đến ngày từ trần trong lời kinh lời tiếng kệ hộ niệm của chư Tăng Ni, Phật tử và những người quý kính Ông. Với sự lựa chọn này, chắc chắn Ông sẽ trở lại với cuộc đời trong một hiện hữu khác, để đi tiếp hành trình mà Ông đã phát nguyện khởi hành từ những năm sau cùng của kiếp sống quá nhiều thăng trầm này.
Thay mặt quý Thầy đã phụ trách nguyệt san Giác Ngộ trước đây, và thay mặt Ban Biên tập Báo Giác Ngộ, xin nhất tâm cầu nguyện hương linh Học giả - Phật tử Nguyên Tuệ Phan Lạc Tuyên an nhiên trên các lộ trình mà Ông đi qua, lợi lạc trong tinh thần Phật pháp cho những nơi Ông sẽ đến. Xin gởi đến gia quyến của Ông lời phân ưu sâu sắc.
Nam-mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.