Hoằng pháp toàn diện cho thanh thiếu niên: Tiếp sức mùa thi

Giác Ngộ - Hoằng pháp toàn diện là một quan điểm mà TT.Thích Phước Nghiêm, Phó ban Hoằng pháp Trung ương, nêu ra trong Hội thảo Hoằng pháp 2011.

Quan điểm hoằng pháp toàn diện yêu cầu tận dụng mọi tình huống, mọi khả năng, mọi hoàn cảnh, mọi cơ hội, mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi để gieo duyên Phật đà, thuyết pháp, giáo hóa đối với nhân sinh rộng rãi.

TNV (6).JPG
Ban Tổ chức Chương trình Tiếp sức mùa thi của Báo Giác Ngộ
thăm tình nguyện viên trực và đón tiếp thí sinh
tại Bến xe miền Đông

Hoằng pháp toàn diện là một trong những biểu hiện của quan điểm đạo Phật toàn dân, một quan điểm được TT.Thích Bảo Nghiêm hết sức lưu ý, nhấn mạnh đối với Tăng Ni, Phật tử trong thời gian gần đây.

Đạo Phật toàn dân là đạo Phật hướng đến số đông, đến với tất cả mọi người, là việc mở rộng khái niệm tín đồ Phật giáo, từ những người đã quy y thọ giới, ra toàn thể những người yêu đạo Phật, xem đó là một dạng Phật tử đối tượng, Phật tử tiềm năng.

Trước mắt, đang có một cơ duyên thuận lợi để Phật giáo Việt Nam triển khai trong thực tế quan điểm đạo Phật toàn dân, hoằng pháp toàn diện. Đó là công tác tiếp sức mùa thi, đối với thí sinh từ các tỉnh quy tụ về các thành phố lớn để dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Công việc này đã được các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên tiến hành từ 10 năm nay, với sự chung tay góp sức của nhiều người dân thành phố hảo tâm.

Đoàn viên, thanh niên tình nguyện đón thí sinh đến từ các tỉnh ngay tại bến xe, cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, chỉ dẫn theo yêu cầu, đưa thí sinh đến các nơi tiếp nhận tạm trú ngắn hạn để ôn thi, dự thi.

Nhà chùa là một nơi tạm trú lý tưởng cho thí sinh trong mùa thi, để gieo duyên Phật pháp đối với số thanh niên có học vấn khá này, mà một số không nhỏ trong các em sẽ trở thành những kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, trí thức… sau này.

Cụ thể, nhà chùa ở các thành phố lớn có thể:

Đón các em thí sinh từ các tỉnh về chùa tạm trú trong thời gian tập trung thi, cung cấp những bữa ăn chay.

Tận dụng thời gian các em lưu trú tại chùa để gieo duyên với đạo Phật, qua các thời pháp ngắn, tặng kinh sách để giới thiệu giáo lý cơ bản của đạo Phật, kết giao đạo tình với quý thầy cô, và tổ chức cho các em thọ Tam quy và Ngũ giới nếu các em có nguyện vọng.

Thời gian các em thí sinh lưu trú dự thi thường không dài, có thể chỉ trước sau một tuần lễ. Vì vậy, việc dành chỗ lưu trú cho các em và cung cấp cơm chay không đến nỗi là gánh nặng cho các chùa.

Tuy nhiên, lợi lạc đem lại là vô cùng lớn. Các em thí sinh đến từ các tỉnh phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, có thể chỉ mới đến các thành phố lớn lần đầu, còn nhiều bỡ ngỡ rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ.

Đây là dịp Tăng Ni, Phật tử ở các chùa trong thành phố tu hạnh bố thí. Không cần vất vả để lặn lội đến các vùng sâu, vùng xa làm công tác từ thiện xã hội, mà đối tượng cần được giúp đỡ đã đến ngay cửa chùa. Chỉ cần đón vào, giúp ăn, giúp nghỉ và gieo duyên đạo pháp.

Hoằng pháp đối với đối tượng thí sinh dự thi đại học vừa là hoằng pháp toàn diện, nhưng cũng đồng thời là hoằng pháp có trọng điểm, nhằm vào thành phần đang trước ngưỡng cửa để được đào tạo trở thành trí thức, thành phần ưu tú của xã hội.

Hoằng pháp với đối tượng này, nếu thành công, thì sẽ lợi lạc cho Phật giáo vô cùng.

Một thầy giáo, một công chức, một doanh nhân, một nhà quản trị… theo đạo Phật thì ảnh hưởng tích cực của họ đối với đạo Phật, đối với xã hội sẽ gia tăng lên nhiều lần.

Tham gia công tác tiếp sức mùa thi, thực chất Phật giáo Việt Nam đang tổ chức công tác tuyển chọn và đào tạo hoằng pháp viên ở thành phần có nhiều khả năng nhất.

Không thể nói hoằng pháp cho giới trẻ mà bỏ qua, quên đi đối tượng thanh niên có học vấn mới vào đời, là những trang giấy trắng, mà ở đó, Phật giáo chúng ta có viết những câu kinh Phật tuyệt diệu nhất.

Công việc tiếp sức mùa thi đã được một vài tôn giáo khác tiến hành mạnh mẽ trong nhiều năm trước với quy mô lớn.

Nhiều cơ sở tôn giáo ở thành phố còn làm cả việc đưa xe về các miền quê để đón thí sinh là tín đồ của họ lên thành phố. Thi xong, lại có xe đưa về tận cơ sở tôn giáo địa phương, bàn giao lại cho chức sắc tôn giáo địa phương bảo lãnh.

Không những tôn giáo du nhập từ phương Tây giàu khả năng tài chính mới làm công việc tiếp sức mùa thi này, mà gần đây có cả tôn giáo nội sinh ở miền Tây Nam Bộ góp tay vào công tác từ thiện rất có ích này.

Mong rằng mùa thi năm nay Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào công tác từ thiện xã hội này.

Và mái chùa, nơi người thí sinh tạm trú trong thời gian dự thi, sẽ là nơi các em sinh viên trúng tuyển đến lễ bái, học Phật, sinh hoạt thường xuyên trong suốt nhiều năm sau đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.