Hoằng pháp bằng thư viện lưu động

GN - Theo “Pháp lệnh Thư viện”, là một tổ chức xã hội, Giáo hội Phật giáo VN có thể thành lập thư viện của mình.

Đến tham quan đường sách trên đường hoa Nguyễn Huệ xuân Nhâm Thìn 2012, chúng ta sẽ thấy một chiếc xe tải bít bùng sơn trắng, giống như một xe truyền hình lưu động bên hông có đặt một màn hình mỏng cỡ lớn, thân xe kẽ dòng chữ “Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM - Mobile Library”.

IMG_2336.jpg

Đó là thư viện lưu động, hay vắn tắt hơn, thư viện xe.

Thư viện lưu động là một thư viện nhỏ đặt trên xe, nhằm phục vụ cho một nhóm bạn đọc định hướng, tại một địa điểm nhất định, thường là nơi tụ tập đông người, nhất là đông trẻ em, để phục vụ cho những mục tiêu truyền thông xác định, trong đó có thể gồm cả tuyên truyền, quảng bá, quảng cáo…

Thư viện lưu động được sử dụng không phải chỉ như một sự bổ sung sự khiếm khuyết thư viện ở một địa phương, mà chính ra nó có chức năng thúc đẩy việc đọc sách đối với một nhóm đối tượng trong một hoàn cảnh nhất định. Thí dụ thư viện lưu động có thể phục vụ bạn đọc thiếu nhi tại vườn Tao Đàn sáng Chủ nhật, để mời gọi các em thiếu niên, nhi đồng đến vui chơi tại công viên đến đọc sách, đưa việc đọc sách thành một trong những hoạt động vui chơi, thư giãn tại công viên, dù là phòng đọc thiếu nhi của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM cách công viên chưa tới 1km.

Thư viện lưu động không chỉ dùng để phục vụ việc đọc sách, mà nó có thể là phòng truy cập internet, phòng multimedia, phòng chiếu phim nhỏ, lớp học lưu động, quầy phát hành sách lưu động, điểm tổ chức tô màu vẽ tranh, nặn tượng… Nội dung hoạt động của thư viện lưu động hết sức đa dạng, phong phú. Lợi ích của thư viện lưu động hiện nay vẫn được đánh giá rất cao, vì vậy, thư viện lưu động vẫn là hoạt động ưa chuộng tại các nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, gồm cả việc phục vụ cho mục tiêu tôn giáo.

Thư viện lưu động là một phần hoạt động gắn liền với hoạt động của một thư viện và việc triển khai nó là chuyện đương nhiên của một thư viện. Để thành lập một thư viện, chúng ta căn cứ vào “Pháp lệnh Thư viện”, mà chúng tôi nhớ không lầm là các đoàn thể tổ chức xã hội (Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội) có thể thành lập thư viện của mình, và ở các cấp của tổ chức, thí dụ như ở cấp chi hội. Việc thành lập được Nhà nước khuyến khích, với yêu cầu hoạt động đúng theo Pháp lệnh Thư viện và các văn bản quy định liên hệ. Thư viện sau khi có quyết định thành lập từ tổ chức chủ quản, được đăng ký tại Sở Văn hóa địa phương. Đây cũng chỉ là việc đăng ký, nên rất dễ dàng.

Hoằng pháp bằng hoạt động thư viện lưu động là hoạt động bố thí pháp, ứng dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để truyền bá giáo lý. Hoạt động này không tốn nhiều nhân sự, kinh phí, có thể dễ dàng triển khai, và có thể tự trang trải chi phí với hoạt động phát hành kinh sách, băng dĩa thuyết pháp đi kèm. Trước tiên một vài chùa có thể triển khai thử nghiệm. Nếu hoạt động có hiệu quả thì mở rộng. Xe thư viện lưu động của Phật giáo có thể đến đậu ở các công viên, khu du lịch… Người đến vui chơi, thư giãn có thể mượn sách Phật, sách thiền ngồi đọc trong vườn, còn các cháu bé có thể tô màu tranh ảnh Phật, Bồ-tát… Đó là một buổi thuyết pháp trong im lặng, nhưng có thể mở đồng thời ở nhiều địa điểm công cộng, với đông đảo công chúng tham dự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.