GN - Trước khi ra đồng, Tâm ngồi xếp lại đống tiền lẻ giúp cụ Giảo. Cụ Giảo cũng qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, là người xóm Quán, không chồng con, có người anh trai thì mất sớm. Những người họ hàng thời cụ cũng ra đi gần hết, đến đời con cháu thì cũng là xa xôi. Cụ bị mù đôi mắt nên sống một mình bao nhiêu năm nay bằng nghề bán nước ở một ngôi nhà nhỏ, nơi ngã ba đầu làng. Buổi sáng thì cụ đồ xôi bán chủ yếu cho bọn trẻ ăn sáng đi học, cũng gọi là để sống qua ngày. Ở cái tuổi gần đất xa trời, không người thân kẻ thích, không làm cũng chẳng biết trông cậy vào ai.
Còn Tâm cũng là người xóm Quán, cách nhà cụ Giảo không xa. Nhà Tâm thì ở sâu trong ngõ, lớn lên Tâm đã thấy cụ bán hàng ở đó tự bao giờ, từ hồi mà cả cha và mẹ Tâm còn sống. Thuở nhỏ Tâm vẫn chạy ra đó chơi với chúng bạn, nơi cụ Giảo bán hàng có gốc cây xà cừ to mát lắm. Mà mỗi lần ngày rằm lễ Tết, được bố mẹ sai đi mua vài hươu rượu hay cái gì đó Tâm thích lắm, vì thường bà cụ Giảo lại cho thêm Tâm cái kẹo. Mà chẳng biết có phải lý do vì thế mà Tâm hay giúp đỡ và quý mến cụ như thế cho tới tận bây giờ, và hai kẻ cô đơn đến với nhau, coi nhau như người thân lúc nào chẳng biết.
Buổi sáng Tâm dậy sớm lắm, bà cụ Giảo cứ dậy lúc nào là Tâm dậy lúc ấy, như một thói quen, dù hai người ở hai nhà khác nhau. Tâm dậy sớm ra giúp bà cụ nhóm bếp đồ xôi, rồi thì bày biện bàn ghế ra bên ngoài, kể cả việc ấm nước, gói kẹo, bao thuốc để ở vị trí nào quen thuộc của bà Tâm cũng biết mà để y nguyên vị trí ấy. Còn xôi thì Tâm đóng ra hộp trước, rồi để vào trong cái thùng xốp giữ ấm cho cụ bán, xong xuôi đâu vào đấy Tâm mới đi làm, bao nhiêu năm nay hóa thành một thói quen bất di bất dịch.
Buổi tối Tâm ngồi kiểm lại tiền cho cụ Giảo, cứ một hai hôm Tâm lại kiểm tra tiền cho cụ, bấy lâu nay hàng hóa mua những gì đều do Tâm nhập vào giúp cụ, rồi sắp xếp lại tiền đồng nào ra đồng nấy cho cụ khỏi nhầm. Mấy lần kiểm tra gần đây Tâm đều thấy thiếu, riêng hôm qua với hôm nay thiếu mất hẳn hơn tám mươi ngàn đồng. Vì là hàng hóa do Tâm nhập nên bán những gì, còn những gì Tâm đều biết hết, có nhầm thì cũng chỉ nhầm dăm mười ngàn là cùng, Tâm hỏi bà cụ Giảo:
- Hôm qua đến hôm nay bà có cho ai nợ tiền không?
Bà cụ Giảo đáp:
- Không!
Tâm nói:
- Mấy lần gần đây cháu kiểm tra đều thiếu, lần này thiếu những hơn tám mươi ngàn đồng.
Bà cụ Giảo:
- Chết thật, lãi lời chả được bao nhiêu lại còn lỗ thêm, chắc tại tao không nhìn thấy gì, mà dạo này nhớ nhớ quên quên nên để đâu cũng quên phéng đi.
Còn Tâm thì nghi ngờ có kẻ lợi dụng mắt bà cụ không nhìn thấy gì nên nổi lòng tham, chứ từ trước tới nay bà rất cẩn thận trong chuyện tiền nong, có bao giờ bị làm mất thế này đâu.
Một chiều đi làm về Tâm đã thấy chị Biên đứng chờ mình trước cổng (Biên là người họ hàng xa nhưng lại gần nhà với nhà cụ Giảo). Tâm mời chị Biên vào nhà nhưng chị không vào, chị mặt nặng mày nhẹ chỉ vào mặt Tâm mà nói:
- Tao nghe bà cụ kể với người trong làng là bà cụ mất tiền, từ bấy lâu nay tao đã nghi nghi. Người ta đồn cũng đúng, vì chẳng bao giờ lại có chuyện người dưng nước lã lại đi làm chuyện không công như thế bao giờ, hóa ra mày tiếp cận bà cụ để làm cái chuyện đó, mà xa hơn là cái mảnh đất nơi ngã ba đầu làng...
Tâm nghe chị Biên nói thế liền ngắt lời nửa chừng, vừa nói vừa rơm rớm nước mắt:
- Chị... sao chị có thể nói như thế được!
Chị Biên:
- Không chỉ tao nói, mà cả làng này đều nói thế đấy, mày làm gì được! Bà cụ ở cái tuổi “gần đất xa trời” rồi, nhỡ bà có đi thì cũng đừng hòng mày có được cái suất đất đó. Cho nên mày đừng mất công tiếp cận bà cụ cho “tốn công vô ích”, tuy bà không con không cái, nhưng vẫn còn cháu chắt họ hàng lo, không đến lượt cái ngữ “miệng nam-mô bụng một bồ dao găm” như mày. Nói rồi chị quay phắt đi, chẳng kịp cho Tâm nói thêm điều gì ngoài hai hàng nước mắt, vừa khóc Tâm vừa dắt xe vào nhà.
***
Mấy hôm giời không thấy Tâm ra, bà Giảo đâm ra lo lắng, buổi trưa bán hết đống xôi bà dọn dẹp đồ sớm, coi như chiều nay nghỉ bán, bà vào xem Tâm đau ốm hay làm sao.
Vừa nhìn thấy bà cụ Giảo khua gậy loạng quạng vào tới cổng, Tâm đã chạy ra dắt cụ vào nhà, Tâm vừa rót nước mời cụ, bà cụ Giảo đã hỏi:
- Mày ốm đau gì sao, sao mấy hôm nay không thấy mày ra?
Tâm thút thít vừa khóc vừa kể cho bà cụ nghe về chuyện bữa nọ, nghe xong bà cụ lớn tiếng nói:
- Con cháu gì, bao nhiêu năm nay tao ốm đau nào đã được cân đường hộp sữa của nhà nó. Nay tao đến tuổi “gần đất xa trời” rồi, người thân kẻ thích chẳng còn ai, nó nói thế chắc nó cũng muốn nhảy vào để chiếm mảnh đất đó chứ gì, mai mày cứ ra xem, xem nó định làm gì mày, đất của tao có để không cũng chẳng bao giờ tao cho cái ngữ nó.
Thấy Tâm vẫn khóc, một lát sau bà cụ lại dịu giọng:
- Thôi nín đi, tính mày như thế nào tao còn lạ gì, nó nói thế nào thì kệ nó, nghĩ ngợi làm gì cho khổ!
Tâm định nói gì đó với bà cụ, nhưng chả hiểu thế nào lại thôi.
Sáng hôm sau Tâm đi làm, vừa đạp xe qua chỗ cụ Giảo thì bắt gặp một thằng bé đang hí hoáy chui dưới gầm bàn làm gì đó..., kể cả lúc Tâm xuống xe nó cũng chẳng hề hay biết. Nhân lúc cụ Giảo đang loay hoay phía sau mở cái thùng xốp lấy xôi, nó thò tay vào ngăn bàn rút lõi vài tờ mười ngàn, lúc chui ra thì bị Tâm bắt được:
- Chung! Sao cháu lại ăn trộm hả?
Thằng Chung bị bắt, mặt tái mét vì sợ, nói:
- Cháu... cháu... xin cô, cô tha cho cháu!
Tra hỏi một hồi thì nó khai nó trộm tiền để đi chơi điện tử. Trớ trêu thay, nó lại là con chị Biên. Tâm định lôi nó về nhà nói cho chị Biên biết hai năm rõ mười, cho chị Biên bẽ mặt trước xóm làng về những gì chị đã nói với Tâm, về cả những uất ức mà Tâm bị chị xúc phạm. Nhưng nghĩ thế nào Tâm lại thôi, chuyện này một vài người cũng đã biết, trước sau gì chả đến tai chị Biên, Tâm làm vậy lại sợ quá đáng quá!
Buổi chiều, khi Tâm đang dọn hàng cho bà cụ Giảo thì chị Biên dắt tay thằng Chung đi đến. Nhìn thấy Tâm, chị có vẻ ái ngại định quay về thì Tâm nói:
- Chị Biên, mời chị vào uống nước!
Chị Biên cúi chào bà cụ Giảo rồi nói:
- Con nghe mọi người nói nó ăn trộm tiền của bà, con về đánh cho nó một trận nó mới khai ra là nó trộm đi chơi điện tử. Nó ăn trộm của bà bốn lần, tổng là gần ba trăm ngàn, giờ con dắt nó sang đây để xin lỗi bà và gửi lại bà tiền ạ.
Nói rồi chị bắt thằng Chung khoanh tay vào xin lỗi bà cụ. Nghe thấy thằng Chung mếu máo, bà cụ Giảo nói:
- Thôi, trẻ con đánh nó làm gì cho tội, mà nó hư phần nhiều cũng là do chị, chính chị cũng là người có lỗi, lẽ ra chị phải xin lỗi trước để trẻ con làm gương, chứ chị bắt trẻ xin lỗi còn mình thì thôi, thì dạy trẻ làm sao nó phục cho được.
Chị Biên cũng hối hận và lúng túng, quay sang Tâm nhưng không dám nhìn đối diện, môi ấp úng định nói gì thì Tâm đã đỡ lời giúp chị...
***
Vài tháng sau, có người mai mối, Tâm đi lấy chồng. Nghe đâu anh chồng hơn Tâm mười ba tuổi, người trên thị xã, được cái cũng là người tốt bụng và rất yêu Tâm. Còn bà cụ Giảo thời gian đầu khi Tâm đi lấy chồng cũng buồn lắm, vài tháng sau thì được vợ chồng Tâm đón về ở cùng. Kể từ đó trở đi, nơi quán nước ngã ba cũng vắng người hơn, lá xà cừ rụng đầy đường chẳng ai quét. Có lần bắt gặp chị Biên đi làm về qua đây và dừng lại một lúc, chẳng biết chị đang nghĩ ngợi điều gì mà đôi mắt cứ nhìn mãi vào khoảng hoàng hôn đang sắp rụng phía cuối làng.