“Tâm Ngộ” là tên một nhân vật trong sách Hoa ngọc lan, một trong những tác phẩm tự truyện của Hòa thượng Thích Chơn Thiện, đồng thời cũng là pháp danh được Hòa thượng bổn sư - Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ban đặt.
Tác phẩm này viết về nếp sống thiền môn ở cố đô Huế mà tác giả chịu ảnh hưởng sâu sắc.
Nhân tưởng niệm 50 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch, Giác Ngộ Online lược trích một số phần, từ sách Hoa ngọc lan, giới thiệu cùng bạn đọc. “Tâm Ngộ” chính là tác giả, Hòa thượng Thích Chơn Thiện; “Hòa thượng” là Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
Hành thị giả
Sau sáu tháng hành điệu, chú Tâm Ngộ được chọn làm thị giả cho Hòa thượng. Chú học cách thức nấu nướng ngót ba tuần lễ. Chú không thạo việc, nhưng hạnh tế. Chú có nét tịnh khi hầu quạt hay hầu trà, thường được Hòa thượng hoan hỷ dạy chuyện.
Một lần Hòa thượng hỏi trắc nghiệm, "Nếu nói để hạt cải vào trái núi thì được; còn nếu nói để trái núi vào hạt cải cũng được, thì con nghĩ sao?"
Chú bạch, "Con không biết cắt nghĩa sao. Nhưng hẳn con tin rằng nếu không làm được thì đã không có nghĩa tự tại giải thoát".
- "Nghe giọng nói con có lòng thâm tín chư Phật, nhưng rõ thì chưa".
Chú Tâm Ngộ đã phải suy nghĩ hai ngày mà vẫn chưa sáng lên một lời đáp nào. Qua ngày thứ ba, thầy pháp huynh gợi ý rằng Phật giáo chỉ nói một chuyện thôi, đó là vô ngã hay duyên khởi. Ðó là giáo lý thậm thâm.
Sau đó, chú bạch, "Kính bạch, núi và hạt cải đều vô ngã. Ðã vô ngã thì không ngăn ngại nhau. Không ngăn nhau thì nhiếp nhau. Hạt cải là pháp giới, nên để bao nhiêu trái núi vào cũng được".
- "Nghe được đó. Mà đó chỉ là chuyện của sách vở", Hòa thượng bật cười.
Chú Tâm Ngộ từ đó cứ rơi vào trầm tư về vấn đề ấy. Một tuần lễ sau, Hòa thượng dạy chú hành thiền chỉ và thiền quán, và bảo, "cứ tư duy mãi về vô ngã!". Lâu lâu Hòa thượng lại hỏi dò chú về công phu ấy.
Về sau, có lần chú Tâm Ngộ nói, "Có lúc tôi cảm thấy vô ngã hiện rõ hơn là cuộc đời".
Một sáng sớm chú vô ý đánh vỡ chiếc bình trà quý đời Thanh. Chú ngỡ là sẽ bị Hòa thượng quở nặng, nhưng không ngờ lại nghe Hòa thượng dạy, "Vỡ thì thôi. Lấy chiếc bình đất thay vào". Chú thấy lòng mừng khấp khởi. Nỗi mừng kéo dài chưa lâu thì chú lại rơi vào tư lự: "Chiếc bình quý vỡ chỉ làm dấy lên trong mình niềm lo sợ, mà chẳng làm dấy lên một niệm giác tỉnh nào. Sao lại không nghe được một tí vô thường nhỉ?!".
Sinh hoạt thường nhật của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân |
Nụ cười trái tim
Hòa thượng rất oai nghiêm. Khi cười thì đầy hoan hỷ. Là thị giả hầu cận, chú Tâm Ngộ nhiều lần chứng kiến nụ cười của Hòa thượng ở trong phòng tắm mà chú gọi là nụ-cười-trái-tim.
Một hoàng hậu đời Thanh bảo, "Con người thật chỉ xuất hiện khi tắm". Lời nói đó như có thiếu cái gì cần được thêm vào. Con người thật thì ở đâu cũng thật. Hệt như ca dao Việt Nam: "Trúc xinh trúc mọc bờ ao, em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh". Chú đã nhận ra nụ cười của Hòa thượng khi tắm, thanh thoát như nụ cười trên bồ đoàn. Nụ cười và tiếng nói phản ảnh tâm hồn còn trung thực hơn cả đôi mắt. Người ta có thể dấu lòng mình sau đôi mắt, nhưng không thể dấu lòng mình sau ngôn ngữ (âm thanh).
Ðấy là ý nghĩa của nụ-cười-trái-tim.
Câu chuyện thị giả của chú Tâm Ngộ là câu chuyện dài, nhưng có thể cô kết lại bằng lời phát biểu chân tình của chú, "Ở đời có đối tượng để tôn kính và phục vụ là điều đại hạnh".
Sự im lặng sáng tạo
Mỗi sự im lặng có một nội dung riêng. Có sự im lặng đầy lo âu, căng thẳng, hay trống rỗng v.v.., vùng im lặng quanh bồ đoàn của Hòa thượng có một nội dung khác. Chú gọi là sự im lặng không tên, hay sự im lặng của chánh pháp. Giáp mặt với sự im lặng đó, thoạt đầu chú thấy lúng túng ở hai bàn tay; dần dần thích ứng và hân hoan. Tại đó, tâm chú được nhiếp tịnh.
Có khi chú gọi sự im lặng ấy là sự im-lặng-hòa-thượng. Nay thì chú gọi là sự im-lặng-sáng-tạo, bởi vì nó rất sống động và mới mẻ qua từng chốc. Chú có thể nhàm chán nhiều thứ, nhưng không khi nào nhàm chán sự im lặng đó. Chính nó lại có tác dụng xua tan các chán nản, mệt mỏi, cô đơn.
Học luật Sa-di
Hòa thượng thân hành dạy Luật, Tỳ-ni, Oai nghi và Cảnh sách cho chú Tâm Ngộ mỗi chiều.
Hòa thượng đi qua các ngôn ngữ và ý nghĩa rất nhanh. Chú Tâm Ngộ phải dành tất cả thì giờ còn lại trong ngày để sửa soạn trước mới theo kịp. Nhưng đi vào phần hành sự, thì Hòa thượng dạy rất kỹ. Sau bốn tháng học xong bộ luật Sa-di (bao gồm Tỳ-ni, Oai nghi và Cảnh sách), chú Tâm Ngộ đã có một bước tiến khá dài. Các dục vọng, ưu sầu chìm lắng thật sâu (có thể nói là tan đi) trong thời gian đó. Chú đã tâm sự, "Sau nầy, nếu tôi rành rẽ về sự, và thông thạo giáo lý, tôi cũng không thể biểu hiện được cách dạy đặc kỳ của Hòa thượng. Lối dạy vừa trao truyền kiến thức vừa làm tiêu lòng dục của người đệ tử. - Kiến thức uyên bác kết hợp với kỹ thuật giáo dục tiên tiến chưa thể đem lại kết quả đó, trừ phi trong ngôn ngữ và thái độ giảng dạy có chuyên chở giải thoát của tự thân".
Lễ thọ Sa-di giới
Ngày lễ vía Đức Phật A Di Ðà năm 1963 là ngày thọ Sa-di giới của các chú Tâm Thành, Tâm Tín và Tâm Ngộ. Hòa thượng Tường Vân làm Ðàn đầu, và Hòa thượng Châu Lâm làm Yết-ma. Buổi lễ đã để lại nhiều xúc động cho các giới tử.
Nghi thức vọng lễ ân quốc gia, xã hội và gia đình nói với các giới tử rằng hãy gác lại các ân nghĩa ấy trong suốt thời gian hành pháp xuất thế. Nói đúng hơn, chính đời sống xuất thế là hình thức đáp lại các ân nghĩa ấy một cách cao thượng hơn. Các giới tử đã đi qua phần nghi lễ một cách ngậm ngùi, nhưng cương quyết.
Ðến phần xuống tóc, Hòa thượng dạy:
"Lành thay bậc đại trượng phu
Thấu rõ đời là vô-thường
Bỏ thế tục mà hướng Niết Bàn
Thật hiếm có siêu việt.
Xả thân hình giữ khí tiết
Cắt ân ái, từ giã thân thuộc
Xuất gia hoằng dương Phật pháp
Thề độ hết thảy mọi người".
Lời dạy đó đã xác định hai việc làm chính của người xuất gia:
- Học, hiểu và hành giải thoát;
- Giới thiệu con đường giải thoát đến mọi người.
Lễ thọ Cụ túc giới
Cụ túc giới là giới Tỷ-kheo.
Chỉ bốn tháng sau ngày thọ Sa-di giới, chú Tâm Ngộ được Hòa thượng cho phép thọ Cụ túc giới tại giới đàn thống nhất tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn, vào năm 1964. Chú bối rối trước quyết định ấy của Hòa thượng, bởi sợ khó kham giữ giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (250 giới). Thấy rõ nỗi lo lắng đó, Hòa thượng dạy lời trấn an, "Giới Cụ túc tuy có 250 giới, nhưng với căn tánh của con, con chỉ cần giữ gìn một điều là đủ, đó là ý giới. Cứ giữ tâm ý an tịnh như con đang giữ". Chú cúi đầu phụng hành. Bấy giờ chú vừa tròn 22 tuổi đời.
Niềm xúc động lúc thọ Cụ túc và Bồ-tát giới còn lớn lao hơn nhiều so với niềm xúc động lúc thọ Sa-di giới. Bấy giờ là lúc Chú cần khẳng định rõ ràng với tự thân rằng giải thoát là lẽ sống duy nhất, và hoằng đạo là sứ mệnh phục vụ đời. Trước lý tưởng xuất gia, chú cảm thấy mình bé nhỏ hơn bao giờ hết. Con đường trước mặt là để buông, mà không phải để nắm; để phục vụ, mà không phải để thụ hưởng. Chú phải xử lý thế nào với đôi bàn tay bé nhỏ của chú? với hiểu biết và định lực mỏng manh của chú? Hành trang hiện tại, chú chỉ có một niềm tin được khơi dậy và được nuôi dưỡng nhờ Hòa thượng, chú phải làm gì với niềm tin nầy? Các câu hỏi ấy liên tiếp dấy khởi lên trong lòng chú, kết thành một tràng ưu tư triền miên.
Tay mân mê chiếc y vàng 21 điều (đại y) mà Hòa thượng đã trao cho chú trước ngày thọ đại giới, chiếc y mà Hòa thượng đã sử dụng qua một thời gian dài, chú Tâm Ngộ cảm động đến ứa nước mắt. Những hạt nước mắt hạnh phúc của ngày thọ giới trào ra từ cõi lòng đầy lo âu của chú. Các ngày tháng tiếp theo là những ngày tháng của trách nhiệm và ưu tư khiến lòng chú trĩu nặng...
Một hôm, Hòa thượng gọi chú đến và bảo, "Tu là giữ chánh niệm. Ðừng để lòng dao động vì bất cứ suy nghĩ nào, dù là suy nghĩ về tương lai giải thoát. Theo dõi và giữ gìn tâm an tịnh trong hiện tại là đủ. Cái gì phải đến sẽ đến. Ðừng bận tâm về nó". Chú khắc ghi lời dạy vào lòng, nhưng tâm vẫn cứ dao động, dao động qua nhiều tháng ngày sau nữa.
Ngày thọ Cụ túc giới, về sau chú Tâm Ngộ hiểu, đánh dấu ngày đầu chú thực thụ đi vào Hội chúng giải thoát, ngày của sự sửa soạn những bước đi. Luôn luôn là những bước đi; luôn luôn ở trên con đường, mà không phải là nơi đến. Từ đó, chú cảm thấy an lạc hơn trong từng bước đi, tan đi nhiều dao động của tâm lý cũ. Cái tâm lý trách nhiệm nghĩ về nơi đến.
(Trích Hoa ngọc lan)