H. thân mến!
Sáng nay mình ngồi thiền trở lại sau rất nhiều ngày hối hả chạy đua với thời gian. Thật ra mình vẫn chưa có thời gian, mình phải xin hai ngày nghỉ để chăm sóc thân tâm một chút. Chứ không thì mình cứ có cảm giác mình đánh mất chính mình lâu lắm rồi. Mình dành một ngày để sắp xếp mọi thứ tồn đọng. Trong lúc dọn dẹp, mình thấy vui ghê lắm H. à, cứ như cả thế kỷ rồi mình đã để bụi mù phủ lối. Một ngày còn lại là hôm nay mình dành riêng không làm gì cả, chỉ để ngồi thiền, thỉnh những hồi chuông, ngắm những bông hoa mới cắm, rồi viết lách vài dòng cho H. đây.
Khi nhìn những tia nắng đầu ngày ấm áp dù trời rất lạnh ở đây, mình tự hỏi, Sài Gòn mùa này đang ra sao? Hẳn vẫn là những ngày nắng ấm nhưng không quá gay gắt. Mình nhớ những buổi sáng sớm chúng ta hay uống cà-phê vỉa hè gần chùa Vĩnh Nghiêm, thỉnh thoảng vô chùa ăn chay, nói vài ba chuyện về các vị Thầy như Thầy Tuệ Sỹ, Sư ông Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Thích Thanh Từ, và về sư phụ của H. nữa, một vị sư sống lặng lẽ tại một ngôi chùa nhỏ xíu ít ai biết, nhưng rất uyên thâm. Chúng ta cũng hay nói về thân phận và tình yêu, mình biết H. cũng đấu tranh giữa yêu đương lập gia đình và từ bỏ mọi thứ để sống một mình tự do tự tại không khác gì một vị tu sĩ.
Vậy mình là gì? Tôi là gì? Có cái nào là mình thật sự không? Có cái nào là tôi thật sự không? Đâu là cái “là chính mình” một cách vững chãi, và đâu là cái tôi ngông cuồng? Đi tìm giới hạn này quá là mong manh, nếu như chúng ta không có một nền tảng căn bản văn hóa cá nhân
H. biết không, ở bên xứ này, người ta hay ủng hộ chuyện “hãy là chính mình - be yourself”. Cũng câu này mà làm cho người này trở nên hay ho, người kia trở thành lập dị trong mắt người khác. Xứ này, ra ngõ là thấy khác biệt. Người da trắng, người da đen, người đến từ Ấn Độ, từ châu Á, từ Trung Đông, từ Nam Mỹ… Ai cũng có những điểm đặc biệt tạo nên sự đa dạng cho nước Mỹ. Tiếng Anh-Mỹ cũng vô vàn kiểu phát âm, nói búa xua chẳng cần đúng văn phạm đúng chuẩn gì hết, miễn là hiểu nhau, giao dịch thành công là ổn. Cho nên, việc hãy là chính mình luôn được ủng hộ tối đa, cái tôi được lên ngôi. Nhưng điều này cũng khiến cho mình hay thắc mắc: Đâu là điều khác biệt giữa “Be yourself - Hãy là chính mình” hay “Me first - Tôi là ưu tiên một”, “Ego first - Cái tôi đi trước”.
Vậy mình là gì? Tôi là gì? Có cái nào là mình thật sự không? Có cái nào là tôi thật sự không? Đâu là cái “là chính mình” một cách vững chãi, và đâu là cái tôi ngông cuồng? Đi tìm giới hạn này quá là mong manh, nếu như chúng ta không có một nền tảng căn bản văn hóa cá nhân. Đó là tổng hợp giữa điều kiện tự nhiên sinh ra mình (các mô hình gia đình), điều kiện xã hội quanh mình đang sống và làm việc (hàng xóm, bạn bè, nơi làm việc), nền tảng giáo dục tri thức (trường học), giáo lý đạo đức (một tôn giáo nào đó)… Như vậy, làm gì có một cái tôi độc lập? Như vậy, hãy là chính mình là làm gì, hành động ra sao? Mình mù mờ quá H. ạ! Cái tôi nhỏ bé và ngu ngơ nếu cứ làm theo những gì mình muốn thì có ổn không? Nhưng nếu cứ sống theo sự áp đặt của người khác thì mình sẽ trở thành như thế nào?
H. có nhớ chị N. hồi xưa ở cư xá Thanh Đa mà thỉnh thoảng tụi mình hẹn hò cà-phê đó không? Gia đình chị ấy cũng định cư bên này hơn chục năm rồi. Con gái chị ấy đang ở độ tuổi thiếu nữ, học lớp 11, ngang lứa con gái mình đó. Không có độ tuổi nào mà cái khẩu hiệu hãy là chính mình đó được kích hoạt mạnh mẽ và hoang dã như ở tuổi thiếu niên. Cô bé đó, hồi năm ngoái, tuyên bố với gia đình rằng cô bé là đồng tính nữ. Cô chơi với các nhóm đồng tính, thường tham gia các hoạt động biểu tình đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBT.
Chị N. khiếp vía không dám la gì con, vì mỗi lần nhắc nhở là cô bé lại đưa ra khẩu hiệu “Mẹ hãy để cho con được là chính mình”. Mỗi lần thấy con tụ tập là chị N. lại gọi cho mình và khóc. Được một năm, cô bé đó bỗng tuyên bố có người yêu là bạn trai, không còn đồng tính nữ nữa. Chị N. từ việc mừng vì con gái của mình trở lại là… con gái thật, chị lại chuyển qua lo lắng vì sợ cô bé đi chơi với bạn trai nhiều quá, lỡ có chuyện gì xảy ra khi còn quá trẻ, chưa thể tự là chính mình, tự chịu trách nhiệm với mọi việc. Chị cố gắng hướng dẫn thì bé lại hô khẩu hiệu “Sao cái gì mẹ cũng muốn hết vậy, con là con gái mẹ cũng lo, là đồng tính mẹ cũng không chịu, mẹ có để cho con được là chính mình bao giờ đâu?”.
H. biết không, mình cũng có những vấn đề nhỏ với con gái mình. Cô bé thay đổi liên tục sở thích, cách ăn mặc, ước mơ. Mới ngày nào muốn làm lập trình viên, biên tập viên, người vẽ tranh manga, rồi giờ nhất định theo đuổi bộ môn kịch và nhạc kịch. Mình hạn chế can thiệp vào những sở thích và ước mơ của con, nhưng cũng không thể làm ngơ. Một phần vì tụi nhỏ bây giờ rất giỏi, kiến thức mới nhiều, mình không theo kịp và không muốn nói những điều áp đặt ngu ngốc. Một phần vì mình nhớ lại thế hệ của tụi mình, luôn bị cha mẹ và gia đình áp đặt về trách nhiệm và hoài bão lên vai, hiếm ai thật sự được theo đuổi giấc mơ cuộc đời, vì thế mà mình để con gái được là chính mình. Nhưng thảng hoặc mình vẫn đưa ra những góp ý và những chủ đề để hai mẹ con tranh luận cùng nhau. Với mình, thương yêu con cái là ủng hộ chúng được tự do sống theo cách của chúng muốn một cách phù hợp với hoàn cảnh thực tại, và phải gián tiếp tinh tế hướng dẫn những mặt còn non nớt của bọn trẻ.
Mình dùng từ tinh tế ở đây vì tự nhiên mình nhớ lại hồi nhỏ H. hay bị ba đánh. Đa số mỗi lần bị đòn roi đều xuất thân từ nguyên nhân là H. không chịu nghe lời. Từ nhỏ H. đã luôn là một thiếu niên có nhiều ý tưởng khác bạn bè bình thường, không thích sống trong chiếc hộp gò bó. Không phải ba H. không thương H., mà vì ông thường can thiệp thô bạo với tư cách đó là quyền tối thượng của phụ huynh. Ba H. không ngoại lệ đâu. Nhiều ông bố trên cõi đời này là như vậy. Hồi nhỏ tụi mình đứa nào mà không bị đánh, ít hay nhiều thôi nhỉ? Nhưng mà, sau này khi lớn lên, có con cái và trưởng thành, thì chúng ta đều hiểu và thương các đấng sanh thành. Nuôi con và để con cái sống được như ước mơ của chúng chưa bao giờ là điều dễ dàng, cha mẹ đã phải hy sinh cái gọi là “chính mình” để cho con cái được là chính mình.
Những biến động và dịch chuyển luôn diễn ra trong đời sống để đẩy chúng ta đến với lựa chọn đúng đắn hơn trước khi hô khẩu hiệu “hãy là chính mình”, khi mà chúng ta cũng không thể là duy nhất chính mình trong tổng hòa các mối quan hệ xung quanh.
H. ơi! Mình nhớ những buổi trò chuyện êm đềm và sâu sắc của hai đứa mình trong những buổi chiều biến động rất nhiều năm về trước. Biến động của Sài Gòn, của đất nước và biến động trong tâm hồn của mỗi đứa. Đó là những lúc cái tôi bị lung lay, các giá trị sống bị chao đảo, những mơ ước trở nên mơ hồ không hình dạng. Nhưng tụi mình cũng đã cùng nhau vượt qua những giai đoạn bất như ý đó. Bởi vì hai chúng ta đều biết rõ, làm gì có một trạng thái gọi là an miên viễn. Những biến động và dịch chuyển luôn diễn ra trong đời sống để đẩy chúng ta đến với lựa chọn đúng đắn hơn trước khi hô khẩu hiệu “hãy là chính mình”, khi mà chúng ta cũng không thể là duy nhất chính mình trong tổng hòa các mối quan hệ xung quanh.
Với riêng mình, sống ở nơi đây, mình cứ hay có cảm giác mình giống như một cái cây bị bứng ra khỏi khu rừng của nó. Rồi cái cây ấy phải tự thích nghi với khí hậu, nguồn nước, đất đai thổ nhưỡng nơi đây, tự biến đổi khác đi một chút để cho giống với người ta, có được là chính mình trăm phần trăm đâu. Đó, làm gì có cái tôi thật là tôi bao giờ.
Khi nhìn ngọn nến đang cháy cạn dần, mình thấy xúc động. Cũng giống như một con người, nến cần phải được cháy lên thì mới thấy vẻ đẹp của nó. Và mình nhớ những ngày chúng ta đã cùng cháy lên ở Sài Gòn như vậy, lung linh và ấm áp.
H. nhớ uống giùm mình một ly cà-phê sữa đá Sài Gòn nghe, ở ngay cái góc mà tụi mình hay ngồi để nói về những ước mơ đời người.
Thi Bùi (Texas, USA)