Hãy nuôi dạy con theo cách của Phật giáo

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1228 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1228 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hãy tưởng tượng việc nuôi dạy con cái mà không kỳ vọng sẽ như thế nào, có thể đáp ứng một cách tự nhiên nhu cầu của con bạn, thực sự tận hưởng những chuyến phiêu lưu cùng gia đình và mang lại sự thức tỉnh mỗi ngày như mọi thứ đang diễn ra. Nghe có vẻ như một chuyện mơ mộng? Nhưng đúng thực sự là như vậy.

Những hình ảnh bình dị về những đứa trẻ khỏe mạnh sống hài hòa, tự nhiên, nhà cửa gọn gàng hay những bữa ăn lành mạnh lan truyền trên mạng xã hội đã đặt ra một tiêu chuẩn cao vô hình về cách nuôi dạy con và khiến chúng ta lầm tưởng rằng những khía cạnh lộn xộn, bất ngờ, hỗn loạn của việc nuôi dạy con cái là một sai lầm.

Tuy nhiên, từ quan điểm của Phật giáo, có một loại niềm vui được tìm thấy ngay cả trong những khía cạnh khó khăn và khó lường nhất của việc làm cha mẹ. Sự hoan hỷ thực sự này chỉ tồn tại khi chúng ta nới lỏng những kỳ vọng của mình về bản thân và con cái, cũng như sẵn sàng đón nhận mọi thứ diễn ra hơn là kỳ vọng và mơ tưởng về cách mà chúng sẽ xảy đến trong tương lai. Thực ra, đây là điều khó khăn nhất, chúng ta phải buông bỏ và không áp đặt “cái tôi” của mình lên con cái. Những mong muốn và kỳ vọng xuất phát từ bản ngã của cha mẹ là một gánh nặng và thậm chí là cực hình đối với những người con.

Trong Phật giáo, mọi kỳ vọng và lý tưởng đều phải được buông bỏ dần dần.

Vì vậy, hãy làm việc với thực tế của sự việc khi nó diễn ra trong từng khoảnh khắc. Các khía cạnh trong cuộc sống có thể không phải là điều chúng ta thích hoặc mong muốn, và việc làm cha mẹ đôi khi có thể rất khó khăn. Nó có thể là một thách thức và một bước ngoặt để chúng ta nhìn nhận lại bản thân mình khi xuất hiện những trạng thái thể chất và cảm xúc phức tạp, nhưng trải nghiệm làm cha mẹ cũng có thể rất vui vẻ và tuyệt vời.

Tuy nhiên, chính trong những khoảnh khắc oái oăm, khó khăn và nỗ lực nhất, chúng ta mới có được cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân, các mối quan hệ, sự phức tạp và tính mầu nhiệm của chính cuộc sống này. Nuôi dạy con cái là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển trí tuệ thông qua sự quan tâm, kết nối và hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất bí ẩn và quý giá của cuộc đời của kiếp nhân sinh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, những nhu cầu về tâm lý, thể chất và xã hội của việc làm cha mẹ trong xã hội hiện đại không ngừng ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của chúng ta. Khi chăm sóc con cái, chúng ta thường buộc phải bỏ bê những nhu cầu cơ bản của bản thân và chuyển hướng để quan tâm hơn đến các nhu cầu tài chính và công việc cũng như các sự hỗ trợ bên ngoài xã hội để tìm kiếm những điều kiện và trang trải tốt nhất cho đứa con của mình.

Cuộc sống này có thể xuất hiện những bước ngoặt bất ngờ đòi hỏi chúng ta nhiều hơn mức bình thường: những chuyến đi đến khoa cấp cứu vào lúc nửa đêm, những chẩn đoán sức khỏe không mong muốn, một cái chết ập đến bất ngờ, một cú sốc tâm lý và nhiều hơn thế nữa.

Tất nhiên, bạn cũng có thể cảm thấy thích thú khi được ôm đứa con đang ngủ trên ngực, tham dự trận đấu thể thao đầu tiên của trẻ hay tận hưởng thời gian dành cho bản thân sau một thời gian dài nuôi dạy con cái căng thẳng. Phật giáo khuyên chúng ta hãy có mặt trong tất cả những khoảnh khắc tốt và xấu một cách không phân biệt.

Là cha mẹ, chúng ta liên tục trải qua những điều thử thách mình. Quan trọng là chúng ta có thể tạm dừng hay tiếp tục cố gắng cởi mở với thực tế và đáp lại bằng sự hiện diện, quan tâm thay vì phủ nhận hoặc gây hấn hay không?

Một cách khác để nuôi dạy con cái thú vị, ý nghĩa và thách thức những kỳ vọng của chúng ta là loại bỏ suy nghĩ rằng chúng ta có toàn quyền kiểm soát cuộc sống của con cái. Sự thật này có vẻ rất rõ ràng khi bạn về nhà với một đứa trẻ sơ sinh muốn bú sữa, ru ngủ và được ẵm bồng theo ý muốn của chúng. Và trong những giai đoạn phát triển của trẻ, những việc làm tương tự không hề giảm bớt, mà chúng chỉ xuất hiện dưới những hình thức khác nhau.

Đứa con bướng bỉnh thân yêu của tôi đã từ chối ăn rau, không đi ngủ trong khung giờ hợp lý và từ chối bất kỳ lời khuyên nào mà không kèm theo lý do thuyết phục. Nghĩ lại điều đó khiến tôi mỉm cười, nhưng những năm đầu đó đã thực sự nghiêm túc thử thách sự kiên nhẫn của tôi.

Từ quan điểm Phật giáo, sự xói mòn nhận thức về khả năng kiểm soát của chúng ta là một điều tốt, bởi vì việc này sẽ khơi dậy tinh thần chấp nhận và tin tưởng vào dòng chảy của những gì hiện có. Và chúng ta học được bài học này càng nhanh thì mọi việc càng trở nên dễ dàng hơn.

Tôi nhớ rất rõ sự vất vả khi cố gắng đặt đứa con mới sinh của mình vào nôi khi cậu tỉnh dậy vào lúc nửa đêm. Hàng giờ đồng hồ, tôi ước gì con có thể ngủ lại, nhưng chỉ nhận lại được sự thất vọng, oán giận và phản tác dụng: cuối cùng tất cả mẹ và con đều tức giận đến mức không thể ngủ lại được. Cuối cùng, khi tôi thừa nhận với bản thân mình những gì đang diễn ra, rằng đơn giản là con mình không mệt mỏi và không muốn ngủ, lúc đó, tôi mới có thể nới lỏng sự kỳ vọng của mình và tử tế với cả hai chúng tôi.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không thể từ bỏ những kỳ vọng và mong muốn của mình hoặc nếu thực tế quá khó khăn để chịu đựng? Đây là lúc chúng ta nên hướng lòng từ bi về lại bản thân mình. Buông bỏ kỳ vọng là một hành trình lâu dài và nó không xảy ra chỉ vì chúng ta muốn. Chắc chắn, một số kỳ vọng, chẳng hạn như kỳ vọng về giấc ngủ của con bạn như tôi đã kể ở trên thì có thể dễ dàng được giải tỏa, nhưng những kỳ vọng sâu xa, chẳng hạn như hy vọng con bạn sẽ hoàn thành chương trình trung học hoặc có sức khỏe tốt, dành thời gian và không bao giờ bỏ rơi chúng ta thì thật khó để kiểm soát.

Tuy nhiên, đây là những hy vọng và mong muốn tự nhiên. Trong những tình huống này, chúng ta có thể hướng sự chú ý trở lại bản thân, thừa nhận cảm xúc của mình và thực tập những phương pháp nuôi dưỡng lòng từ đối với chính bản thân mình. Ngay lúc những kỳ vọng này khởi lên, đừng để chúng kéo tâm trí của chúng ta đi quá xa và làm khổ mình và khổ cả con mình, mà hãy ngay lập tức chặn đứng chúng lại và quay về xoa dịu tự thân.

Cuối cùng, từ quan điểm Phật giáo, trau dồi thái độ lòng từ bi, tinh thần chấp nhận, buông xả là những cách khéo léo để thư giãn và tự tại với bất cứ điều gì đang xảy ra. Quan trọng là hãy thử xem liệu những cách nói trên có mang lại cảm giác tự do nội tâm vào lúc này hay không. Thực hành thiền định thường xuyên cũng có thể giúp chúng ta chấp nhận những gì gây ra đau khổ thay vì cố gắng chạy trốn, sợ hãi hay kháng cự.

Nuôi dạy con cái là một hành trình gian nan. Chúng ta đều sẽ có những ngày và khoảnh khắc thật vui vẻ và tuyệt vời, nhưng cũng có những ngày khác lại giống như một cuộc đấu tranh thực sự. Tuy nhiên, như người ta vẫn nói, chúng ta không thể điều khiển được sóng nhưng chúng ta có thể học cách lướt sóng.

Tiến sĩ Nadine Levy

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.