Hạnh phúc từ sự sẻ chia

Tác giả chụp ảnh cùng bà con tại điểm phát quà
Tác giả chụp ảnh cùng bà con tại điểm phát quà
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ngày cuối năm, vượt hơn 100 cây số đèo dốc quanh co, với hơn 7 tiếng ngồi xe từ Hà Nội, chúng tôi mang yêu thương đến chia sẻ với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc, xã Dế Su Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Ấm áp tình người

Mù Cang Chải là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, là huyện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông. Suốt dọc đường đi, trời ngày càng lạnh, đường mỗi lúc một khó, đèo dốc, sương mù, nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết không thể che lấp nụ cười trên môi đồng bào vùng cao; cũng chính nụ cười đó đã xóa tan đi mọi sự mệt nhọc của chúng tôi sau đoạn đường dài.

Mọi người đã tập trung đông đủ tại điểm phát quà. Thấy đoàn đến, ai cũng vui mừng và vỗ tay chào đón như thể đã quen từ lâu. Chúng tôi được mời những ly trà nóng thơm phức. Hỏi ra mới biết, “đó là những đọt trà tươi non do người dân hái từ sáng sớm để tiếp đoàn, với tất cả sự biết ơn”. Đối với chúng tôi, đây là những món quà vô cùng quý giá.

Bà con nơi đây rất nề nếp, xếp hàng ngay ngắn và đợi đến lượt tên mình được gọi mới bước lên, không hề có sự chen lấn, ồn ào. Anh Dàng A Sầu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dế Su Phình kể: “Nơi đây bà con có đời sống rất khó khăn, chủ yếu sống vào nghề làm ruộng bậc thang, mỗi năm chỉ có một vụ. Đồng bào làm nông bằng những dụng cụ canh tác thủ công, săn bắt cá dưới suối và săn thú rừng để sống, cuộc sống khá bấp bênh. Vì thế được đoàn từ thiện đến thăm hỏi tặng quà, ai cũng rất trân trọng và hạnh phúc”.

Tiếp sức ước mơ

Ở Mù Cang Chải, bà con chủ yếu nhận các nhu yếu phẩm cho sinh hoạt, việc sử dụng tiền mặt là một điều gì đó vẫn còn khá xa lạ. Khi chúng tôi chia sẻ đến bà con những phần lương thực, thực phẩm, từ người trẻ đến người già, ai cũng đều phấn khởi đón nhận. “Có Tết rồi, có thức ăn để đón năm mới rồi. Đó là mơ ước” - những phụ nữ nghèo nơi đây đã thốt lên như thế cùng chúng tôi.

Các em học sinh thuộc diện vượt khó, hiếu học khi nhận được những chiếc xe đạp, mừng vui và hạnh phúc thấy rõ trên từng nét mặt. “Đi học là niềm ước mơ lớn nhất, vì tụi con không có đủ điều kiện để được cắp sách đến trường và cũng không có phương tiện để đi. Nhà và trường cách xa nhau, tụi con phải lội qua suối, có bạn phải băng qua đồi, nên nhiều khi phải ở lại trường vì quá xa”, một em học sinh thật thà tâm sự. Nhìn những nụ cười rạng rỡ của các em khi có xe đạp mới, chúng tôi nhận ra hạnh phúc, với nhiều người, đôi lúc lại giản đơn vô cùng.

Khi đoàn chúng tôi ra về, mọi người vẫy tay chào mãi, đến khi xe đi khuất mới thôi. Quả thật, mỗi vùng miền chúng tôi đi qua đều mang lại những dấu ấn, vẻ đẹp khác nhau, nhưng quan trọng hơn hết, điều khiến chúng tôi nhớ nhiều về những vùng đất ấy chính là vẻ đẹp của tình người.

Tự hứa với lòng rằng khi có điều kiện, chúng tôi sẽ trở lại nơi đây, đến để sống thật chậm, lắng nghe nhiều hơn, sẻ chia và yêu thương nhiều hơn, đặc biệt với các em học sinh đang cần nhiều sự tiếp sức, để nuôi con chữ, vun vén cho tương lai phía trước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.