GN - Hạnh phúc - thứ mà người ta luôn dành quá nhiều ngôn từ để miêu tả và định nghĩa. Nhưng từ sâu thẳm bên trong trái tim mình, mấy ai đã thật sự có thể chạm đến hai chữ hạnh phúc? Giữa cái guồng máy thoăn thoắt của xã hội này, đôi khi chúng ta cũng cần dừng lại, một chút khoảng lặng để định nghĩa về hạnh phúc cho chính mình…
Hạnh phúc là hiện tại, xin đừng truy tìm nó ở chốn xa xôi nào - Ảnh minh họa
Với bạn trẻ Nguyễn Ngọc T.M - học sinh Trường Trung học cơ sở Collette thì: “Dạ, được vào trường đại học mà mình mong muốn là niềm hạnh phúc lớn nhất…”.
Còn với bạn Võ V.Q - sinh viên năm ba, ngành Quản trị văn phòng, Trường Đại học Sài Gòn: “Hạnh phúc với mình là ra trường có công ăn việc làm và thu nhập ổn định để đưa ba mẹ vào Sài Gòn ở với mình”.
Hứa Thị K.T - cô bạn học đi cùng Q - tràn đầy hy vọng: “Hạnh phúc lớn nhất của con người là có một công việc, đồng lương và một gia đình đầm ấm, đầy đủ cha mẹ, vợ chồng, con cái. Mình cũng muốn có một cuộc sống như vậy”.
Nghe loáng thoáng câu chuyện của chúng tôi trong một quán cà-phê vỉa hè ở Sài Gòn, từ bàn đằng trước, anh Bùi Dương V.T (40 tuổi, hiện là nhân viên văn phòng) khẳng định: “Như vậy có nghĩa làm được những gì mình muốn là hạnh phúc. Nhưng muốn vậy phải có tiền chứ. Tóm lại, anh thấy có nhiều tiền trong tay mới là hạnh phúc nhất”.
Mọi người có vẻ trầm ngâm trước ý kiến của anh. Đôi người gật gù đồng ý với thực tế, đôi người có vẻ còn hồ nghi. Họ hồ nghi với chính bản thân mình chăng?
Có rất nhiều lập luận được đưa ra chỉ trong cái cộng đồng bé xíu này. Tùy vào từng độ tuổi, nhu cầu… mà mỗi người đều có một mong muốn và cái đích cho hạnh phúc của cá nhân. Anh nhân viên làm cho tiệm cà-phê ấy thì mong mỗi ngày khách đều đông và nhận được tiền thưởng. Hay anh chị chủ chỉ lại cảm nhận hạnh phúc qua doanh số của quán hàng ngày. Trông có vẻ mỗi người mỗi kiểu, nhưng hầu như ít ai nhận ra tất cả chỉ quy về cái đích cuối cùng là “tiền” nhiều hơn cái niềm vui ẩn náu trong tâm hồn. Và cái đích ấy, dù là vật chất hay tinh thần đều chẳng bao giờ dừng lại. Cuối cùng nó trói buộc và lôi ta chạy mãi giữa cuộc đời.
Bước ra khỏi không gian đó, tôi bắt gặp một bà lão ăn xin ngồi bên đường, một hình ảnh trái ngược với những gì tôi thấy trước đó chỉ vài phút. Tôi chợt thắc mắc, liệu hạnh phúc của bà lão ấy có cũng là tiền không? Đến gần và hỏi, chẳng nhớ được cái tên của mình, bà khiến tôi giật mình: “Như bây giờ là hạnh phúc nè con”. Bà trả lời rồi giải thích: “Bà đâu cần con cái, vẫn có người cho bà tiền, bà vẫn được thương, được cho cái ăn, vậy là được rồi! Không có người thân, bà cũng chẳng phải nghĩ cho ai ngoài cái tấm thân tự do này. Chỉ vừa đủ lo cơm, làm gì có của cải để bà phải giữ rồi sinh nghi. Tụi con bây giờ bà thấy sống khổ quá mà tội”.
Tôi bất giác với chính mình, và nhớ lại cái thời còn cắp sách đến trường, dưới con mắt của trẻ thơ, ước mơ của tôi cũng nhỏ bé và giản dị lắm. Nhưng càng trưởng thành, những điều mà ta mong muốn đạt được cũng lớn dần lên và không bao giờ có giới hạn. Nó ràng buộc chúng ta giữa hai chữ “được” và “mất”. Chia sẻ của bà lão cũng đánh thức tôi với những gì mình lỡ bỏ quên.
Ngẫm lại những nhân duyên trong cuộc đời mình, tôi lại nghĩ về một người đàn ông - đó là ba tôi. Trải qua ngót nửa đời người và có được gần như đầy đủ những gì mà một con người tìm kiếm cho cuộc đời: danh vọng, tiền tài và gia đình đầm ấm. Nhưng cái tôi bắt gặp được từ ông lại là hình ảnh hoàn toàn trái ngược: mộc mạc và giản dị.
Nếu nói danh vọng như một ngọn núi thì người đàn ông ấy đã từng có thể chạm đến đỉnh của nó, nhưng ông đã dừng lại khi chỉ mới lưng chừng. Nếu nói tiền tài là phương tiện để tồn tại trong thế giới này, thì ông chỉ xem giá trị của nó ngang bằng với những bữa ăn đủ nuôi sống gia đình ông. Một gia đình đầm ấm, nơi ông chỉ dành cho riêng mình chiếc giường nhỏ, vườn hoa xinh tươi và những cái kệ sách cũ kỹ.
Cuộc sống cứ trôi đi nhẹ nhàng trong mắt ông, mặc cho ngoài kia có đang phong ba bão táp như thế nào. Nhiều lần tôi tự hỏi, không phải sẽ tốt hơn nếu ông nắm bắt danh vọng của mình sao? Bởi nếu có nó, tiền bạc sẽ đem đến cho gia đình ông một cuộc sống thoải mái hơn, không đúng ư? Và khi đó, những người thân mà ông yêu thương sẽ được hạnh phúc với những gì họ muốn, đó hẳn phải là điều tốt đẹp biết dường nào! Tất cả không mang đến niềm hạnh phúc cho ông sao?
Tôi đã từng được thức tỉnh với những câu hỏi như vậy khi đứng trước ba mình. Cái quan trọng nhất của cuộc đời đôi khi không phải ở danh vọng, tiền tài… mà là thái độ sống, sự vui vẻ đón nhận mọi thứ, tự tại giữa những ràng buộc và ít lệ thuộc vào các điều kiện khác. Khi có được sự tự do trong tâm hồn, niềm vui sẽ chưa bao giờ tắt.
Cuộc sống bây giờ quá tấp nập, người trẻ bận bịu lo toan để sinh tồn. Chúng ta không thể chối bỏ giá trị của đồng tiền, và bản thân nó cũng chẳng hề là nguyên nhân khiến chúng ta hạnh phúc hay không. Chẳng một tỷ phú nào đang cận kề cái chết lại nói tiền là hạnh phúc của họ, cũng không hẳn có nó họ đã làm được những gì mình mong muốn.
Cố gắng để cuộc sống tốt hơn không có nghĩa là đánh đổi cái vốn dĩ sẵn có trong tâm mình. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa cả, nó nằm ngay trong tâm ta. Hạnh phúc là hiện tại, xin đừng truy tìm nó ở chốn xa xôi nào.