Hạnh nguyện Quán Thế Âm -Phần 2

Thuở nhỏ, tôi mới đi tu, vô  chùa sống cơ cực quá, khiến tôi nhớ nhà, nhớ bà  ngoại lúc nào cũng thương chìu mình. Hễ đi học về, không có thức ăn ngon thì khóc, bà ngoại lật đật tìm mua cho tôi ăn. Nhưng vô chùa, thức ăn dở cũng không có, khóc cũng không ai thương, không ai dỗ, không ai năn nỉ mình ăn, tủi thân lắm, muốn trở về với cái được nhỏ xíu của đứa trẻ thơ. May nhờ thầy khai ngộ. Đức Phật xưa kia cao sang quyền quý mà còn vứt bỏ, đi khất thực bữa đói bữa no. Nghĩ cuộc sống Phật cao thượng như thế, thì mình là đệ tử Ngài phải phát tâm buông bỏ tất cả. Khi buông bỏ được phần nào, tự động tâm thức ta được lắng yên phần đó. Nhờ vậy, Phật hiện vào tâm ta một phần, giúp chúng ta thấy lờ mờ trước chân lý và theo đó, chúng ta tăng trưởng niềm tin nơi Phật và tiến tu được.

hinhquanam_03.gif

Khi tôi sang Nhật tu học, tâm trạng này được giáo sư khai ngộ, tôi rất thấm thía. Vào khoảng thập niên 60, Nhật Bản có TV, giáo sư giảng rằng tâm con người ví như cái TV có lớn có nhỏ khác nhau và tần số cũng khác. Lúc đó, TV Nhật chỉ có ba tần số. Màn hình TV lớn nhỏ rộng hẹp tiêu biểu cho người đời có phước báu nhiều ít khác nhau. TV chỉ có một tần số tiêu biểu cho người tu theo hạnh Thanh văn, mở TV ra là họ bắt thẳng vô đài, tức thấy Phật liền, không thấy gì khác; còn đóng TV là chúng sinh. Nhưng người tu giả, mở hay đóng TV cũng thấy chúng sinh, thì tu muôn kiếp cũng không thành Phật. Đóng TV, thấy tối đen là vô minh; nhưng mở TV thấy ánh sáng Phật, nên người tu thích sống nội tâm, ví như TV chỉ có một đài thôi. Còn có hai, ba đài tiêu biểu cho người hành Bồ tát đạo khác với Thanh văn. Tu Thanh văn ví như có một tần số, mở ra là có Niết bàn; nhưng tu Bồ tát đạo, mở tần số này thì thấy thế giới Cực lạc của Phật Di Đà, mở tần số khác thấy thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư, hoặc mở tần số khác nữa, thấy Phật Đa Bảo. Có nhiều tần số, hay có nhân duyên căn lành của chúng ta gieo trồng từ đời trước nên đời này mới kết nối được với chư Phật, chư Bồ tát. Có nhân duyên với vị Phật hay vị Bồ tát nào thì thấy vị đó; không có nhân duyên thì dù có mở ra cũng không thấy được. Hoặc mở TV nhưng hình ảnh mờ không thấy rõ vì TV bị nhiễu sóng; thấy Phật không rõ là tâm chúng ta  bị loạn động, chưa thanh tịnh. Cũng như trong đại dương có những đợt sóng ngầm, tâm thức chúng ta cũng có những nghiệp sóng ngầm khởi lên làm chúng ta không thấy được Phật. Nhận thức yếu nghĩa này, tôi luôn để tượng Phật trên bàn viết trước mặt mình. Khi tập trung mà không thấy được Phật, thì phải nhìn vào tượng Phật, để tâm vào tượng Phật để thấy Phật. Còn đi ra ngoài, làm sao ôm tượng Phật theo, cho nên trước kia tôi đeo tượng Phật để khi đợt sóng ngầm trong tâm mình nổi dậy, có thể cầm tượng Phật lên nhìn. Có thầy nói rằng tôi là thầy tu mà còn đeo tượng Phật. Đeo tượng Phật cốt để trấn tâm, không phải để trang sức. Đặc biệt tôi thích tượng Quan Âm vì tôi sanh trong thời kỳ chiến tranh đầy nguy hiểm, nên luôn hướng tâm về vị Bồ tát này mà được an lành.

Hinh-Quan-The-Am-Bo-Tat-2_jpg.jpg

Khi tâm ta hoàn toàn thanh tịnh, Bồ tát Quan Âm, hay cảnh Tây phương hiện rõ; nhưng tâm mình bị những đợt sóng ngầm là tham sân si nổi dậy thì cảnh Cực lạc liền biến mất, Quan Âm cũng không còn. Trên bước đường tu, ai cũng còn trạng thái này. Ngồi yên, vụt nhớ việc nào ác, hay nhớ người nào xử sự tệ với ta thì ta phát giận liền người đó, hoặc nhớ đến những cơ hội tốt mình lỡ bỏ qua thì liền cảm thấy tiếc nuối, v.v… Tất cả những sự kiện xảy ra trong cuộc sống chúng ta đều được lưu giữ đầy đủ trong lòng mình và nó có thể nổi dậy bất cứ lúc nào, khi đó hình ảnh Phật bị nhòe đi, giống như TV bị nhiễu sóng. Nếu biết khắc phục, lắng nghiệp thì hình ảnh Phật sẽ từ từ hiện rõ trở lại. Vì vậy, do chúng ta điều chỉnh TV mà hình ảnh rõ màu đẹp, người tu cũng điều chỉnh tâm mình cho thanh tịnh để thấy thế giới Phật rõ hơn, nghe âm thanh Phật rõ hơn. Và người điều chỉnh được tâm thanh tịnh đến mức độ cao nhất là Đức Quan Âm mà Tâm kinh diễn tả là ngài hành thâm Bát nhã Ba la mật đa. Cho nên đối với Bồ tát Quan Âm, âm thanh của tất cả chúng sinh và ánh sáng của thế giới chúng sinh đều hiện rõ nét, vì Ngài đã chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Đó chính là pháp quan trọng nhất trong đạo Phật. Chúng ta nhìn tất cả mọi thứ ở khắp mọi nơi đều bị vướng mắc trong ngũ uẩn, tức kẹt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc. Trong khi chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì không vướng mắc gì cả, tất cả những gì do mắt thấy tai nghe, do cảm thọ, do tưởng tượng, nói chung do sự tác động của Thức uẩn, đều biến mất trong tâm thức, không có một niệm nào khởi lên gọi là tâm Không. Còn nhớ quá khứ, suy tính tương lai, thấy đối tượng buồn vui, là tâm thức còn khởi động. Nhưng chiếu kiến ngũ uẩn giai không là tất cả mọi việc trước mắt biến mất; nói cách khác, tuy có, nhưng coi như không, gọi là quán Không, hay vào cửa Không. Còn việc có mà chúng ta nói không là sai; Bồ tát Quan Âm không phải như thế, vì Ngài thấy thật tướng Không.

QuanAm_bluesky.jpg

Ví dụ mọi người trong đạo tràng này hiện diện trước mặt tôi là có, không phải không; nhưng tôi biết rằng trước kia và sau này, quý vị đều không có ở đây, nên không thật. Ý này được Bồ tát Long Thọ dạy rằng quán Không, quán giả và quán trung. Đầu tiên, tu theo Quan Âm, quán Không để rời bỏ tâm chấp trước. Mọi việc, mọi người có hay không có, chúng ta cũng không quan tâm đến để được giải thoát. Vì chúng ta coi mọi vật không cần thiết, nên bỏ. Bỏ vật bên ngoài cho đến bỏ vật trong tâm và thậm chí sắc uẩn này cũng không cần. Như vậy, chúng ta bỏ tâm chấp trước, không phải bỏ vật; hiểu bỏ vật là sai. Và bỏ tâm chấp trước rồi, sự vật vẫn là sự vật, thì Phật dạy rằng sự vật thế nào, chúng ta nói đúng như vậy; không phải có mà nói không. Có nói có, không nói không; nhưng sự vật này không thực tồn tại mãi. Trước 6g sáng, ở giảng đường này trống không và sau 6g chiều, quý vị về hết thì ở đây cũng trống không. Hoặc xa hơn, trước khi sinh ra, chúng ta không có mặt trên cuộc đời này, là không và sau khi chúng ta từ giã cuộc đời thì cũng không, là tất cánh Không. Ta có mặt trên cuộc đời là sự hiện hữu giả tạm; vì thân vật chất này thay đổi theo từng sát na, không đứng yên và kế đến là sự thay đổi về tâm, tâm lý chúng ta cũng luôn biến dạng. Nhờ quán sát đúng đắn như vậy, chúng ta không cố chấp vào thân tâm, không cố chấp vào sự vật và mọi người bên ngoài; cho nên vượt được tất cả nỗi khổ trong lòng chúng ta, gọi là khổ tâm. Những việc không đáng khổ cũng tưởng tượng ra để khổ, đó là cái khổ lớn nhất của phàm phu. Còn thân vật chất có khổ, nhưng nếu chúng ta không màng đến thì cũng chẳng thấy khổ. Khi còn có sự kết hợp của thân ngũ uẩn và thân tứ đại thì gọi là còn sống; nhưng nếu thân vật chất này chết rồi thì có còn khổ vui hay không. Quán sâu lý Không, đạt được “Hành thâm Bát nhã” như Đức Quan Âm, nên vượt được tất cả khổ vui của thế nhân.

phomon1.jpg

Chúng ta chưa vượt được tất cả khổ vui, vinh nhục, tình ái của trần gian này mà cứu đời là tự chuốc lấy tai họa cho mình. Dù cuộc đời như thế nào, tâm của hành giả vẫn như như bất động, là độ nhứt thiết khổ ách. Nhận ra yếu nghĩa này, phải độ mình giải thoát mới nghĩ đến độ người. Bồ tát Quan Âm là hành giả kiểu mẫu thể hiện cốt tủy của pháp này. Ngài đạt được trí Bát nhã cao tột, phiền não không còn, mới phát đại bi tâm, tức từ chơn như tâm là đỉnh cao nhất của trí tuệ mà phát tâm vào đời cứu độ chúng sinh. Việc làm của Đức Quan Âm nhắc nhở chúng ta làm đạo, thương người nhưng phải có trí tuệ chỉ đạo. Còn không phát được từ tâm chơn như hay trí Bát nhã, chúng ta dễ bị ma quái mê hoặc. Nó thấy ta thương người nên nó giả dạng làm người để dụ dỗ và ta làm theo nó là bị lệ thuộc chặt chẽ vào quỹ đạo của ma, khó thoát ra được. Ví dụ ta muốn phóng sanh thì họ đem lồng chim đến xúi mình mua thả. Nghe nói phóng sanh có phước, ta dặn họ bắt giùm bao nhiêu con chim, bao nhiêu ký cá để thả. Đó là hành Bồ tát đạo không có trí Bát nhã. Có trí Bát nhã thấy người đáng cứu, chúng ta cứu, không bị nó mê hoặc hay lợi dụng. Thấy người bắt cá ăn thịt, chúng ta mua thả nó và biết thả ra sông nó sống được.

Làm việc bằng tâm đại bi được phát khởi từ tâm chơn như, hay trí Bát nhã, mới có kết quả tốt đẹp. Với trí Bát nhã chỉ đạo, Đức Quan Âm khi  hiện thân làm tiểu vương, khi hiện thân Bà la môn, hoặc hiện thân phụ nữ mà cứu được người. Nhờ trí Bát nhã soi sáng, Ngài biết rõ tới đâu cần mang hình tướng gì để cứu giúp chúng sinh, ngài liền có thân hình tương ưng nên cứu được. Thử nghĩ xem đến nước mà họ chỉ tin theo ngoại đạo nào đó, chắc chắn mang hình thức tu sĩ Phật giáo chẳng những không được tiếp đón, có khi còn bị mất mạng.

Tóm lại, áp dụng lời Phật dạy, chúng ta niệm danh hiệu Bồ tát Quan Âm, đồng thời thể hiện Chánh pháp trong cuộc sống của chính mình thì hành đạo ở nơi nào, sống ở chỗ nào, cũng được Đức Quan Âm gia hộ, thoát được khổ nạn và mang lại an vui, lợi ích cho nhiều người giống như Bồ tát Quan Âm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.