Hải Dương: Tưởng niệm Tổ sư Thông Giác Thủy Nguyệt

GNO - Hôm qua, 11-4 (5-3-Bính Thân), tổ đình Thánh Quang (Nhẫm Dương) ở xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 312 năm ngày Thánh tổ Quốc sư Thông Giác Thủy Nguyệt - Đệ nhất Tổ sư thiền phái Tào Động Việt Nam viên tịch (6-3 âm lịch, năm 1704).
a htuan 1.jpg
Quang cảnh lễ tưởng niệm Thánh tổ Quốc sư Thông Giác Thủy Nguyệt
HT.Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS PG tỉnh Hải Dương; TT.Thích Thọ Lạc, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư, Trưởng Sơn môn Tào Động Việt Nam; TT.Thích Thanh Giác, Phó ban Thường trực BTS PG TP.Hải Phòng cùng đông đảo chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh Hải Dương tham dự. Tham dự lễ còn có ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam. Về phía tỉnh Hải Dương có bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó ban Tôn giáo tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Hồng Hà, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương; ông Nguyễn Đức Việt, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương; ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương cùng đại diện lãnh đạo huyện Kinh Môn; lãnh đạo xã Duy Tân cùng hàng nghìn bà con Phật tử về tham dự.
a htuan 2.jpg
Chư tôn đức tham dự lễ giỗ

Chùa Nhẫm Dương - tên chữ là Thánh Quang, dân gian quen gọi là chùa Nhẫm, nằm lọt thỏm trong khu hang động núi đá vôi Nhẫm Dương. Điều kỳ lạ là dường như tất cả các dãy núi đá trùng trùng điệp điệp vây quanh chùa đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương - nơi chùa Thánh Quang tọa lạc.  Chùa được xây dựng từ thời Trần (1225-1400), là nơi khai sinh ra Thiền phái Tào Động ở nước ta. Thiền phái Tào Động là một trong 5 tông phái đã nối tiếp cùng phát huy từ Thiền Tào Khê của Lục Tổ Tuệ Năng (638-713), Trung Hoa - nơi 5 tông phái này (Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn), thì 3 tông Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn là theo hệ của Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư (?-740), một trong hai vị cao đệ của Lục Tổ Tuệ Năng, đã đắc pháp từ Lục Tổ (vị kia là Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng, 677-744). Tào Động tông chú trọng đến phương pháp mặc chiếu thiền, tọa thiền; Lâm Tế tông chủ trương phương pháp khán thoại thiền.Chùa Nhẫm Dương có khoảng gần 30 hang động lớn nhỏ bao quanh tạo thành một cảnh Phật toàn bích. Nổi bật nhất là tại động (hang) Thánh Hóa, nơi Sư Tổ Thuỷ Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hóa thạch của 27 loài động vật như: voi, tê giác, hổ, báo, nhím, lợn rừng, đười ươi (pôngô)... có niên đại cách ngày nay 3-5 vạn năm cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Địa tầng văn hóa ở đây dày tới 4m vẫn đang chờ giới khảo cổ học đánh thức, khám phá. Đây vừa là ngôi chùa duy nhất chứa một kho khảo cổ đầy bí ẩn của người Việt thời tiền sử, cũng là ngôi cổ tự hiếm hoi ở Hải Dương được bao bọc bởi một hệ thống núi đá và hang động thiên nhiên cực kỳ độc đáo.lịch sử.

a htuan 3.jpg
Đại diện chính quyền, quan khách tham dự

a htuan 4.jpg
TT.Thích Thọ Lạc cung tuyên tiểu sử ngài Thủy Nguyệt

Phát biểu tại buổi lễ, TT.Thích Thọ Lạc cho biết tiểu sử của Thánh tổ quốc sư Thông Giác Thủy Nguyệt. Theo tiểu sử, Thiền Tào Động được Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1636-1704) truyền sang Việt Nam giữa thế kỷ thứ 17. Năm 1664, nhân duyên đưa đẩy, Sư tổ Thủy Nguyệt và hai đệ tử quyết chí hành hương sang phương Bắc “tầm sư học đạo” cùng với hai đệ tử sang Trung Quốc, đến Hồ Châu học đạo với Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo và ở đó ba năm sau mới về.Sư tổ Thủy Nguyệt không chỉ khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, mà trụ trì chùa Hạ Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ Tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn… Hòa thượng Thủy Nguyệt còn là Tổ khai sáng chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở phố Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội...Cố Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử cho rằng: Hòa thượng Thủy Nguyệt là Tổ đời thứ 36 của Bắc tông Tào Động và là Đệ nhất Tổ của Nam tông Tào Động. Hòa thượng Thủy Nguyệt, Pháp danh Thông Giác Đạo Nam thiền sư, sinh năm Đinh Sửu đời vua Lê Thần Tông (1637). Kỳ bí nhất trong chốn hang động ở chùa Nhẫm Dương là hiện tượng chỗ Sư tổ Thủy Nguyệt thiền định (kiết-già) nhập cõi Niết-bàn phía trên đầu vẫn lưu giữ một vệt lõm sâu đúng bằng đầu người và phía dưới là một vết lõm giống như bàn chân người. Theo truyền ngôn, khi Sư tổ Thủy Nguyệt đắc đạo Kim Cương đã thúc đầu, đạp chân vào núi đá nhằm lưu lại thánh tích ở cõi Ta-bà, nên động có tên gọi Thánh Hóa.Ngoài dấu tích kỳ lạ về nơi Sư tổ Thủy Nguyệt viên tịch, câu chuyện Sư tổ “hóa thánh” cũng mang đầy màu sắc huyền hoặc. Theo cố Đại lão HT.Thích Trí Hải (1906-1979), một bậc cao tăng, long trượng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX thì vào năm Giáp Thân niên hiệu Chính Hòa thứ 20, đời Lê Huy Tông (1704), Hòa thượng Thủy Nguyệt bước sang tuổi 68, cho gọi các đệ tử đến và dặn rằng: “Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm, nếu 7 ngày không thấy về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy”.  Các đệ tử, tứ chúng đợi đúng 7 ngày mà không thấy Hòa thượng nhập thất bèn chia nhau nương theo mùi thơm lên núi vào hang vạch cỏ tìm kiếm và phát hiện thấy ngài như đang thiền định trên một tảng đá trong hang núi. Tới nơi thấy thân thể vẫn còn nóng ấm, mềm mại, sắc diện hồng hào như đang còn sống, nhưng hơi thở đã tắt lịm và cơ thể  tỏa ra hương thơm ngào ngạt mùi trầm bạch đàn. Hôm đó là ngày 6-3-Giáp Thân.
a htuan 5.jpg
HT.Thích Quảng Tùng ban đạo từ

a htuan 7.jpg
Toàn cảnh buổi lễ

a htuan 6.jpg
Nghi thức thả bóng bay cầu nguyện hòa bình

Trước đó, ĐĐ.Thích Tâm Hoan - trụ trì chùa Hòa Nhai - Sơn môn Tào Động Việt Nam đã có buổi pháp thoại ngắn về cuộc đời và sự nghiệp của Thánh tổ quốc sư Thông Giác Thủy Nguyệt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.