NSGN - Có đến 14 bình đựng xá-lợi Phật được tìm thấy ở bang Andhra Pradesh, và có hơn 140 địa điểm được xác định gắn liền với Phật giáo ở tiểu bang này, mà chúng có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ III đến thế kỷ XIV Tây lịch.
Di tích Thotlakonda
Trong số này có ba di tích được xem là quan trọng, đó là Nagarjunakonda (Đồi Long Thọ), tháp Amarāvatī, và Thotlakonda. Trong một bài viết trước (Nguyệt san Giác Ngộ số 209) chúng tôi đã giới thiệu về Nagarjunakonda. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu hai di tích còn lại là tháp Amarāvatī và Thotlakonda.
Tháp Amarāvatī
Tháp Amarāvatī (Amarāvathī) tọa lạc tại ngôi làng Amaravathi, thuộc quận Guntur, cách thành phố Guntur khoảng 30km. Ngôi đại tháp này có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ III tr.TL và thế kỷ III TL. Ngôi tháp là một phần của quần thể di tích tại đây, bên cạnh các tịnh xá và điện thờ cùng những công trình khác. Trong nhiều thế kỷ, đây là một trung tâm Phật giáo quan trọng. Nơi một bản chữ khắc được phát hiện tại đây, ngôi tháp này trong quá khứ có tên gọi là Mahāchaitya (điện thờ lớn).
Khu quần thể chùa-tháp này nằm gần một ngôi mộ bằng đá cực kỳ ấn tượng. Một đoạn chữ khắc được viết bằng dạng chữ vào thời Ashoka được phát hiện tại đây đưa các nhà khoa học đi đến kết luận rằng quần thể này có thể được kiến tạo vào thời vua Ashoka, và được phát triển thêm trong những thế kỷ về sau. Huyền Trang khi viếng Amarāvatī vào năm 640 đã có mô tả về nơi này, và ngài cũng ở lại đây một thời gian để nghiên cứu về A-tỳ-đàm.
Ngôi đại tháp Amarāvatī hiện tại có đường kính 50 mét, và chiều cao trong quá khứ được ước tính khoảng 27 mét. Ban đầu ngôi tháp có cấu trúc đơn giản, với các thanh xà bằng đá vôi và những chạm khắc đơn giản, nhưng về sau nó được những vị vua thuộc triều đại Sātavāhana nâng cấp và trở thành một công trình kiến trúc quy mô. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) được cho cũng có những nỗ lực đáng kể trong việc phát triển kiến trúc của tháp Amarāvatī.
Trong quá khứ, phần chính của tháp Amarāvatī là một mái vòm lớn. Mái vòm này được làm bằng đá vôi màu xanh nhạt và có thể được sơn màu sáng. Phần trên của mái vòm có thể được trang trí bằng những vòng hoa được làm bằng vữa. Mặc dù không còn vòng hoa nào còn lại ở Amarāvatī, nhưng người ta cho rằng trước đây chúng có mặt bởi vì trên những phù điêu đá có tạc hình ngôi bảo tháp thì trên vòm tháp có những tràng hoa như vậy. Những mảnh vỡ của những tràng hoa bằng vữa cũng được phát hiện tại những ngôi tháp khác ở trong vùng.
Có chứng cứ cho thấy rằng tháp Amarāvatī là một trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng kéo dài cho đến năm 1344 TL. Một bản chữ khắc vào thế kỷ XIV ở Sri Lanka có đề cập đến việc trùng tu ngôi tháp này, và đây có lẽ là thông tin cuối cùng về ngôi tháp sau khi nó bị lãng quên. Vào năm 1797, khi một quan chức người Anh tên là Colin Mackenzie viếng thăm nơi này thì toàn bộ ngôi tháp đã đổ sụp và tất cả những tác phẩm điêu khắc đều bị hư hỏng.
Mackenzie quay lại Amarāvatī vào năm 1816 và thấy rằng những mảnh điêu khắc đã bị vứt đi hoặc được sử dụng lại trong những công trình xây dựng địa phương. Mackenzie bắt đầu vẽ và ghi chép về những tác phẩm điêu khắc còn lại tại địa danh này. Ông cũng gửi một số tác phẩm điêu khắc đến Viện bảo tàng ở Calcutta.
Vào năm 1845, Sir Walter Elliot bắt đầu tiến hành khai quật địa danh này và thu thập được một số tác phẩm điêu khắc. Công việc khai quật cũng được Robert Sewell thực hiện. Nhóm khảo cổ của Sewell ghi chép và phác thảo khá kỹ về địa danh này và có một tường trình được viết sau đó về công việc khai quật.
Vào cuối thế kỷ XIX, hầu hết những tác phẩm điêu khắc chính của Amarāvatī đều bị đưa đi khỏi di tích này và được chuyển đến các viện bảo tàng. Hầu hết những tác phẩm điêu khắc hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng ở Chennai và tại chính Amarāvatī. Nhiều tác phẩm cũng được đưa đến Viện bảo tàng Anh (British Museum). Có đến 120 tác phẩm điêu khắc và bản chữ khắc được lưu giữ tại bảo tàng này. Bộ sưu tập Amarāvatī ở Viện bảo tàng Anh cũng còn được gọi là Elliot Marbles, do những tác phẩm này có liên hệ đến Sir Walter Elliot trong những năm thập niên 40 thế kỷ XIX.
Nhiều nhà khảo cổ học đã tiếp tục khai quật tại Amarāvatī vào thế kỷ XX. Mặc dù hầu hết những công trình điêu khắc chính đã bị đưa đi khỏi di tích, nhiều phần quan trọng vẫn còn.
Những sử gia nghệ thuật xem nghệ thuật Amarāvatī là một trong ba trường phái nghệ thuật lớn của nghệ thuật Ấn Độ cổ đại, hai trường phái khác là Gandhara và Mathura. Trường phái nghệ thuật này bắt đầu vào thế kỷ III tr.TL. Một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo ở Amarāvatī cho thấy chịu ảnh hưởng nghệ thuật Hy Lạp-La Mã mà đó là kết quả của sự tiếp xúc qua việc giao thương và bang giao giữa Nam Ấn và những người La Mã cổ đại. Trường phái nghệ thuật Amarāvatī giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Ấn Độ. Bắt đầu vào thế kỷ thứ III tr.TL, trường phái này ghi lại dấu ấn sâu đậm qua những tác phẩm điêu khắc tại tháp Amarāvatī.
Ở nghệ thuật Amarāvatī thời kỳ đầu, Đức Phật được mô tả bằng những biểu tượng, đặc biệt là chữ vạn (swastika). Biểu tượng này được tạc trên tòa ngồi được đặt dưới cội bồ-đề. Biểu tượng này cũng được tìm thấy trên các trụ đá. Ở giai đoạn về sau, trường phái Amarāvatī mô tả Đức Phật trong hình thức con người. Trường phái Amarāvatī có sự ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật điêu khắc ở Nam Ấn. Những tác phẩm điêu khắc được phát hiện tại Jaggayyapeta, Nagarjunakonda, Goli và Amarāvatī là những bằng chứng. Trường phái nghệ thuật Amarāvatī cũng có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật ở Sri Lanka và Đông Nam Á khi những tác phẩm điêu khắc ở đây được mang đến những quốc gia đó.
Chủ đề miêu tả trong những tác phẩm điêu khắc bao gồm con người, thú vật, cây cối, hoa lá... Những câu chuyện liên quan đến cuộc đời của Đức Phật cũng được miêu tả ở đây. Bên cạnh đó, những câu chuyện tiền thân (Jātaka) cũng là những chủ đề của điêu khắc. So với những tác phẩm điêu khắc tại những di tích ở Trung Ấn như Sanchi và Bharhut, những cảnh được khắc chạm tại Amarāvatī nhìn ít rối hơn và các nhân vật được miêu tả tự nhiên và thanh nhã hơn. Các tượng người thường thanh mảnh, khuôn mặt bầu với những đường nét rõ ràng, tinh tế.
Có 160 bảng chữ khắc được phát hiện tại Amarāvatī và 108 trong đó đề cập đến việc cúng tiến kiến thiết công trình này. Nhiều trong số những bản chữ khắc này có niên đại thế kỷ II và III TL, và 11 bản thậm chí có niên đại sớm hơn. Tăng và Ni chiếm đa số trong những người hiến cúng. Thuật ngữ được sử dụng để chỉ cho Tăng Ni là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni, nhưng thỉnh thoảng cũng có một số thuật ngữ khác được sử dụng như “người xuất gia” (pavajita) hay khất sĩ nam (samaṇa), khất sĩ nữ (samaṇika). Sau những người xuất gia là những nữ nhân và những nhóm thương nhân. Thuật ngữ “gia chủ” (gahapati) được sử dụng để chỉ cho những thí chủ tại gia. Điều này cho thấy rằng Amarāvatī trong quá khứ là một trung tâm Phật giáo có tiếng tăm, và điều đó khiến nhiều Tăng Ni góp phần hiến cúng kiến tạo những công trình ở đây. Một bản chữ khắc ở đây có niên đại thế kỷ II TL đề cập đến việc cúng dường cho phái “Cetiya” (Caitika: Chế Đa Sơn bộ); và điều này cho thấy rằng vào thế kỷ II TL, tháp Amarāvatī có thể do phái Caitiya quản lý.
Theo những nguồn tài liệu truyền thống của Phật giáo Kim Cương thừa, Đức Phật đã từng thuyết giảng tại Dharanikota (Dhanyakatakam, gần Amarāvatī) và cũng thực hiện nghi lễ “Kalachakra” (Kim cương thời luận) tại đây. Taranatha, một Tăng sĩ người Tây Tạng, viết trong cuốn Lịch sử Phật giáo của ông rằng: “Vào ngày trăng tròn tháng Chaitra vào năm tiếp theo sau khi chứng ngộ, tại đại tháp Dhanyakataka, Đức Phật đã phóng ra mandala Kalachakra”. Miêu tả này hẳn chỉ được chấp nhận trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng mà khó được những truyền thống Phật giáo khác cũng như các sử gia chấp nhận. Tuy nhiên miêu tả này cho thấy rằng Dhanyakatakam là một nơi rất có ý nghĩa đối với Kim Cương thừa, nơi hình thành nên giáo thuyết đặc biệt quan trọng của Phật giáo Mật tông là “Kim cương thời luận”. Có lẽ vì lý do này mà vào năm 2006, ngài Dalai Lama đã tiến hành xây dựng một viện Kalachakra ở vùng này.
Tháp Amarāvatī trong quá khứ là ngôi tháp cổ lớn nhất ở Andhra. Tuy nhiên, do vì việc khai quật bừa bãi và việc di chuyển những tác phẩm điêu khắc ra khỏi địa danh này từ thế kỷ XVIII, hiện những gì còn lại tại di tích này là nền móng của một ngôi tháp bằng gạch, con đường kinh hành xung quanh và một vài trụ cột của rào chắn. Tuy vậy, Amarāvatī vẫn là một nơi cần viếng thăm khi đến Andhra Pradesh.
Thotlakonda
Thotlakonda là di tích Phật giáo khá nổi tiếng ở Ấn Độ, nhưng lại tương đối ít được biết đến đối với Phật tử các nước khác. Di tích này tọa lạc trên một ngọn đồi gần ngôi làng Mangamaripeta thuộc thành phố Bheemunipatnam (cũng gọi Bheemli), cách Visakhapatnam - thành phố lớn nhất của bang Andhra Pradesh, 16km. Thotlakonda từng là một trung tâm Phật giáo quan trọng ở Nam Ấn từ thế kỷ II tr.TL đến thế kỷ II TL. Từ sau thế kỷ III, Thotlakonda bắt đầu rơi vào thời kỳ suy tàn và bị lãng quên mãi cho đến cuối thế kỷ XX, khi nó tình cờ được hải quân Ấn Độ phát hiện trong một lần cơ quan này khảo sát từ trên không để tìm nơi đặt căn cứ hải quân.
Tên gọi Thotlakonda phát xuất từ sự có mặt của một số bể nước bằng đá tại đây mà chư Tăng trước đây đã kiến tạo để lưu trữ nước cho việc sinh hoạt của họ. Trong tiếng Telugu - một ngôn ngữ của người bản địa Dravidian ở Nam Ấn, “thotla” có nghĩa là “bể” (nước) và “konda” có nghĩa là “ngọn đồi” (đá). Nghĩa đen của từ Thotlakonda do đó là “ngọn đồi có những chiếc bể nước bằng đá”. Trung tâm này hình thành và phát triển vào thời kỳ Phật giáo bộ phái, khi tín ngưỡng thờ tháp phổ biến và tín ngưỡng thờ tượng Phật chưa có mặt.
Trong quá khứ, Thotlakonda đóng chức năng như một trung tâm học thuật quan trọng của Phật giáo ở Đông Ấn. Chư Tăng của các nước như Trung Quốc, Miến Điện, Sri Lanka… được cho đã từng thăm viếng và ở lại tu học ở nơi này. Do vị trí tọa lạc gần một bờ biển trọng yếu trong việc giao thương, nó cũng là căn cứ cho việc truyền bá Phật giáo ra các nước bằng đường biển theo các phái đoàn truyền giáo hoặc kết hợp với các đoàn thương nhân.
Nói đến Thotlakonda, gợi nhắc ta nhớ đến Kalinga, một địa danh đóng vai trò quan yếu trong việc truyền bá Phật giáo đến Sri Lanka, Miến Điện và những nơi khác. Sự thực, Thotlakonda là một trong số những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng ở Kalinga vào thời kỳ đầu. Lãnh thổ của vương quốc Kalinga xưa hiện nay là phần lớn bang Odisha và khu vực phía Bắc của bang Andhra Pradesh.
Kalinga có sự nối kết đặc biệt với vị hoàng đế vĩ đại Ấn Độ, Ashoka (A Dục). Cuộc chiến Kalinga xảy ra vào năm 261 tr.TL mà nó khiến cho hàng vạn người thiệt mạng đã trở thành một sự kiện đặc biệt trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Cũng chính sau cuộc chiến này, vua Ashoka, từ một người được gọi là Chandasoka (Ashoka tàn bạo) đã trở thành Dhammasoka (Ashoka nhân từ/ Ashoka sống theo pháp) sau khi ông quy y theo Phật giáo. Và cũng nhờ vào sự bảo trợ của ông sau khi quy y, Phật giáo đã được truyền bá khắp cõi Ấn Độ và đến một số nước khác.
Nhưng mối liên hệ giữa Phật giáo và Kalinga đã bắt đầu vào thời Đức Phật. Theo Anguttara Nikaya, hai vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật, Tapusa và Bhallika, là những thương nhân buôn mật ong xuất thân từ xứ Ukkala (trong quá khứ Kalinga cũng còn có tên là Odra và Ukkala). Trên đường đến Madhyadesa với 500 cỗ xe bò, họ đã gặp Đức Phật tại Bodhgaya và đã cúng dường cho Ngài một ít bánh gạo với mật ong. Đức Phật sau đó ban cho họ tám sợi tóc của Ngài, và số tóc này được họ tôn trí trong một ngôi tháp ở quê nhà của mình ở Ukkala. Ngôi tháp này về sau được gọi là Kesa Stupa (kesa có nghĩa là tóc). Khai quật gần đây tại Tarapur ở quận Jajpur đã phát hiện ra ngôi tháp Kesa. Ngôi tháp này cũng được cho biết được xây dựng với sự phát tâm của Tỳ-kheo Tapusa. Hai trụ cột được phát hiện tại di tích này có khắc dòng chữ ‘Kesa Thupa’ và ‘Bheku Tapusa Danam’. Theo truyền thuyết, Đức Phật được nói đã đến nơi này theo lời mời của Tapusa và Bhallika.
Nhưng theo truyền thống Miến Điện, hai anh em thương nhân Taphussa và Bhallika đến từ Afghanistan (một phần của xứ Bactria/Đại Hạ xưa) và sau khi nhận được số tóc trên họ đã mang về quê hương của họ xây tháp phụng thờ; về sau số tóc này (không rõ vì lý do gì) được đưa đến Miến Điện và hiện được tôn trí tại tháp Shwedagon ở Yangon. Còn theo những biên niên sử của Sri Lanka, hai anh em thương nhân Thapassu và Bhallika, trong khi trên đường đến Rājagaha (Rajgir, Vương-xá), đã gặp Đức Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng (Budhagaya). Họ cúng dường thực phẩm lên Đức Phật và sau đó quy y trở thành đệ tử của Ngài. Theo lời thỉnh cầu của họ, Đức Phật trao cho họ tám sợi tóc của Ngài. Họ sau đó đến Thiriyaya (miền Đông bắc Sri Lanka), và tại đây, một số tóc mà họ mang theo được tôn trí ở trong một ngôi tháp trên một ngọn đồi mà hiện nay được gọi là Girihandu Seya. Đây được xem là ngôi tháp đầu tiên ở Sri Lanka.
Trong những câu chuyện Jātaka, Dantapura được đề cập là kinh đô của vương quốc Kalinga. Từ Dantapura, xá-lợi răng Phật đã được mang đến Sri Lanka. Truyền thống này đã hình thành nên một mối liên hệ đặc biệt giữa Kalinga và Sri Lanka. Ngài Huyền Trang khi viếng Kalinga vào năm 639, cho biết rằng có hơn 100 tu viện Phật giáo ở Trung Kalinga (ngày nay bao gồm các quận Jajpur, Kendrapara và Cuttack của bang Odisha). Ngài Huyền Trang đã không đến Thotlakonda, vì vào thế kỷ thứ VII, di tích này đã suy tàn và rơi vào lãng quên.
Việc khai quật Thotlakonda được thực hiện vào những năm 1988-1992. Một số bảo tháp (stupa), điện thờ (chaitya) và nơi ở dành cho chư Tăng (vihara: tịnh xá) được phát hiện trong đợt khai quật này. Ngoài ra, nhiều bể chứa nước bằng đá có hình dạng như những giếng nước cũng được tìm thấy ở đây. Trong số 12 bể chứa nước, có bốn bể nằm bên trong quần thể và số còn lại nằm ở bên ngoài, tuy nhiên cách không quá xa quần thể này. Một số học giả cho rằng những Tăng sĩ sống ở Thotlakonda rất am tường về thuốc và việc trị bệnh. Những tinh dầu được chiết xuất từ thảo mộc còn vương lại trên đất được phát hiện trên ngọn đồi này đã khiến các học giả đi đến kết luận đó. Và một số trong những bể đá này có thể là nơi các thầy sử dụng trong việc pha chế thuốc.
Ngoài những chùa tháp và bể nước, việc khai quật ở đây cũng phát hiện những đồng tiền bạc La Mã, điều này cho thấy rằng vào thời đó những đoàn thương buôn nước ngoài đã đến đây. Ngoài ra, những đồ vật trang trí bằng đất nung, những bức phù điêu bằng đá tạc hình bảo tháp, bàn chân Phật cũng được phát hiện. Việc khai quật cũng phát hiện một số bản khắc chữ bằng tiếng Brahmi. Không có tôn tượng Phật nào được phát hiện tại đây. Đức Phật vào thời kỳ này chưa được thể hiện bằng hình nhân, mà chính yếu được tượng trưng qua các biểu tượng, chẳng hạn như bàn chân Phật.
Những nghiên cứu cho thấy rằng, không giống như một số quần thể tu viện khác ở Nam Ấn, việc kiến tạo quần thể này không có sự đóng góp của giới vua chúa, mà sự hỗ trợ chính yếu đến từ các thương nhân và những tín đồ địa phương. Từ lúc hình thành cho đến khi suy tàn, trung tâm Phật giáo này đã tồn tại 400 năm. Như vậy so với những trung tâm Phật giáo khác ở Ấn Độ, tuổi thọ của nó không thực sự quá dài. Các sử gia cho rằng nguyên nhân đưa đến sự suy tàn của trung tâm này là do sự trỗi dậy của Ấn giáo ở đây và sự suy tàn của thương mại đường biển.
Thotlakonda hiện do Hội Khảo cổ học Ấn Độ quản lý. Tuy nhiên, cũng như nhiều di tích Phật giáo khác ở Ấn Độ, quần thể này hình như không được quan tâm nhiều. Những kiến trúc được phát hiện trông có vẻ không được bảo quản tốt và đang ở trong tình trạng xuống cấp. Bên cạnh, cảnh quan ở đây dường như cũng thiếu sự chăm sóc của con người. Nhưng dù trong tình trạng như vậy, những gì được nhìn thấy ở đây vẫn thật sự gây ấn tượng. Những nền móng tịnh xá, bảo tháp, giếng nước bằng đá… dù nằm lặng lẽ trên ngọn đồi trơ trọi và đang bị thời gian bào mòn dần, vẫn là những thứ thật đáng để chiêm bái nếu ta có dịp đến Andhra Pradesh.
Nguyễn Đăng