Chư tôn đức cùng quý vị đại biểu lễ Phật tại chùa Non
Chứng minh buổi lễ có HT. Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Khuông Việt, TT. Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch HĐTS; Chư tôn đức Ủy viên HĐTS, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; TT. Thích Thanh Duệ, TT. Thích Thanh Đạt, ĐĐ. Thích Thanh Quyết, ĐĐ. Thích Minh Tiến - Phó Văn phòng I TƯGH, Phó Văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Về phía đại biểu ông Hà Văn Núi – Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Lê Ngọc Hoàn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Hoàng Văn Nghiên - Nguyên Chủ tịch UBNDTP Hà Nội cùng các tiến sĩ học giả, trí thức và các giảng sư trường Đại học tại Hà Nội.
HT. Thích Thanh Tứ phát biểu khai mạc
ĐĐ Thích Thanh Quyết thông qua báo cáo đề dẫn Hội thảo. Quốc sư Khuông Việt, thế danh Ngô Chân Lưu, dòng dõi Ngô Vương sinh năm 933, viên tịch ngày 15 tháng 02 năm Tân Hợi (1011) Ngài là Tăng thống Quốc sư, là cố vấn chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc của hai triều đại Đinh Lê. Những năm tuổi già, Ngài về quê hương vùng đất Phù Linh Sóc Sơn dựng chùa, mở trường dạy học….
Nội dung của Hội thảo nói rõ Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ X một thế kỷ vĩ đại có những giá trị văn hoá, lịch sử của nghìn năm hào hùng khẳng định Dân tộc độc lập - Quốc gia thống nhất - Văn minh Đại Việt. Tìm hiểu những giá trị làm nên thế kỷ X, nhân dân ta đã lật đổ ách đô hộ của ngoại bang, xây dựng nền móng vững chắc cho một quốc giga dân tộc thống nhất độc lập vững mạnh, tạo tiền đề trực tiếp cho sự phát triển của nền văn minh Đại Việt, nền Văn hoá Thăng Long huy hoàng ở thế kỷ sau này.
Hội thảo gồm 3 vấn đề chính: Kinh tế xã hội, lịch sử, văn hoá, tư tưởng; những đóng góp của Quốc Sư Khuông Việt và các Thiền sư thế hệ Ngài (và Phật giáo nói chung); Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ X...v.v..
Tại cuộc hội thảo các bài tham luận được trình bày:
PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng - Đại học quốc gia Hà Nội với tham luận “Khuông Việt Đại sư (933-1011) vai trò của ông trong thời kỳ đầu quốc gia tự chủ".
TT Thích Thanh Nhiễu với tham luận “Những đóng góp của Thiền sư Khuông Việt cho Phật giáo Việt Nam".
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Viện Nghiên cứu Tôn giáo với tham luận “Đại sư Khuông Việt và Phật giáo quyền năng”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - Viện văn học với tham luận “Về giấc mơ của Đại sư Khuông Việt và một mô tip nhân vật độc đáo”
GS Nguyễn Hải Kế - Đại học Quốc gia Hà Nội với tham luận “Sáng mãi ngọn lửa thiêng Khuông Việt của Đại sư Ngô Chân Lưu (933 -1011)".
PGS,TS Đỗ Thị Hoà Hới - Đại học Quốc gia Hà Nội với bài tham luận “Tư tưởng khoan dung của Ngô Chân Lưu nhìn từ thế kỷ XXI".
Thạc sỹ Phạm Văn Ánh - Viện Văn học với tham luận “Ngôn ngữ và cách lập ý trong bài từ (Nguyễn Lang Quy) của Khuông Việt Đại sư”.
PGS. TS Trần Ngọc Vương với tham luận "Những suy nghĩ vai trò của vị Quốc sư tạo dựng diện mạo của Phật giáo thế kỷ thứ X".
GS. TS Bằng Thanh với tham luận "Cơ sở nhân văn của sự hình thành tôn giáo"
Kết thúc Cư sĩ Quảng Tuệ - Lương Gia Tĩnh - Uỷ viên HĐTS, Thư ký toà soạn tạp chí Khuông Việt báo cáo tổng kết buổi hội thảo. Các bài tham luận đề được đánh giá cao, tập trung toạ đàm về thời đại, thân thế, sự nghiệp của Quốc sư Khuông Việt và các vấn đề lịch sử của thế kỷ X. Đây cũng là một hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực tiến tới Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.