GS Trịnh Xuân Thuận giao lưu tại Đại học Bách khoa

GNO - Quay trở về Việt Nam cùng vợ, sau nhiều năm sinh sống và công tác tại Mỹ, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã dành nhiều buổi trò chuyện thân mật và chân thành đến với độc giả khắp cả nước, những người đã dõi theo các công trình khoa học thông qua nhiều tác phẩm của ông và cả những bạn trẻ đang mang niềm say mê nghiên cứu khoa học.

giaohao1.jpg


GS Trịnh Xuân Thuận trò chuyện với SV và bạn trẻ tại ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Như Danh

Tối qua, 12-7, sau khi có cuộc trò chuyện về khoa học tại Trung tâm Văn hóa Pháp IDECAF với sự chào đón của các học giả, nhà nghiên cứu Sài thành, thì sáng nay, 13-7, cũng trong không khí nồng nhiệt và hân hoan của hàng trăm bạn học sinh - sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cùng nhiều đơn vị khác, GS Trịnh Xuân Thuận có buổi giao lưu với chủ đề “Con đường đến vũ trụ”.

Trải dài suốt cuộc trò chuyện lần này, ông dành nhiều thời gian để tiếp xúc và truyền đạt những kinh nghiệm thực tế từ quá trình học tập, khảo cứu của đời mình cho đến nay. Bên cạnh đó là những chia sẻ, động viên và thổi lửa vào niềm đam mê khoa học của các bạn trẻ trước nhiều khó khăn trong môi trường khoa học tại Việt Nam. Qua đây, ông cũng định hướng và vạch rõ con đường để thực hiện ước mơ, không chỉ ở lĩnh vực khoa học mà ở bấy kỳ lĩnh vực nào khác. Điều cần nhất là “phải có ý chí, nghị lực” - GS Thuận nhấn mạnh.

Nhắc tới GS Trịnh Xuân Thuận có thể điểm qua 6 đầu sách nổi tiếng được NXB Trẻ xuất bản và tái bản tại Việt Nam như: Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Những con đường của ánh sáng, Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về thuở ban đầu, Khát vọng tới cái vô hạn. Xuyên suốt các tác phẩm của mình, ông đặc biệt quan tâm đến việc làm sao truyền tải thông điệp khoa học những tưởng là khô khan, đến được với bạn đọc, để không chỉ người làm khoa học mà người bình thường cũng có thể hiểu được.

Cầm trên tay “công trình nghiên cứu” đó của Giáo sư, bạn đọc dễ dàng tiếp cận bởi những ngôn từ của văn học, mỹ thuật và âm nhạc, một sản phẩm tinh thần đầy tính nghệ thuật của một nhà khoa học trong lĩnh vực Vật lý thiên văn.

Không chỉ dừng lại là một nhà khoa học, điều khiến ông tâm đắc để vững bước hơn trên con đường khảo cứu thiên văn của mình, là sự gặp gỡ của ông với Phật giáo, một tôn giáo theo ông là có sự gắn kết với khoa học thông qua 3 nét tương đồng: “Sự phụ thuộc lẫn nhau, Tính không và Vô thường”. Qua đó, ông khẳng định vai trò Phật tử trong ông tác động nhiều như thế nào vào các công trình nghiên cứu khoa học, cũng như những tác phẩm sách của mình.

giaohao2.JPG


GS Trịnh Xuân Thuận hoan hỷ ký sách tặng bạn đọc sau buổi giao lưu

Kết thúc buổi giao lưu, trước nhiều câu hỏi thắc mắc của độc giả về quan điểm Phật giáo dưới góc nhìn của nhà Vật lý thiên văn, GS Trịnh Xuân Thuận chia sẻ: “Phật giáo có từ hơn 2.500 trước, còn khoa học thì xuất hiện và phát triển sau. Khoa học là yếu tố cần cho sự vận động và phát triển của sự sống, nhưng chưa là yếu tố đủ. Yếu tố đủ ở đây là tinh thần, là ý thức. Phật giáo chỉ rõ cho chúng ta điều đó. Vì vậy, khoa học không nằm ngoài Phật giáo”.

>> Xem thêm: GS Trịnh Xuân Thuận: “Sự gặp gỡ giữa hai tư tưởng - Khoa học và Phật giáo" || GS Trịnh Xuân Thuận trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ ||

Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.