GN - Giáo hội Phật giáo Việt
Chúng ta hy vọng từ những điều chỉnh cơ bản này, ngôi nhà Phật giáo Việt Nam
sẽ ngày càng phát triển bền vững
Thành tựu Phật sự quan trọng và to lớn dưới sự kêu gọi, thực hiện và chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 31 năm qua và 5 năm của nhiệm kỳ VI (2007-2012) không ai có thể phủ nhận, đã đặt nền tảng vững vàng cho những bước phát triển tiếp theo, trong tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, với truyền thống “Hộ quốc an dân” mà chúng ta thừa kế từ lịch sử hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012-2017) diễn ra trong bối cảnh phát triển mới của đất nước. Có thể nói, trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, về nhận thức tôn giáo, Đảng lãnh đạo có nhiều thay đổi căn bản. Với tinh thần khuyến khích “tôn giáo xã hội”, Nhà nước đã tạo các cơ sở pháp lý để tôn giáo dấn thân đóng góp vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện và truyền thông.
Trong xu hướng cởi mở đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hội nhập với cộng đồng Phật giáo thế giới, nhanh chóng tiếp thu kinh nghiệm, tích cực giao lưu, thực hiện điều phối thành công các sự kiện quốc tế ở đất nước bạn cũng như trên lãnh thổ Việt Nam, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Tăng Ni, Phật tử năm châu, về Phật giáo Việt Nam phong phú trong truyền thống, di sản và nguồn nhân lực dồi dào; về một đất nước Việt Nam thân thiện, phát triển, tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân.
Phật giáo là tôn giáo lâu đời của dân tộc, có số lượng tín đồ nhiều nhất trong các tôn giáo tại nước ta. Với truyền thống hai ngàn năm gắn bó mật thiết với đất nước, với chính sách cởi mở tích cực về tôn giáo của Nhà nước, với kinh nghiệm và tiềm lực dồi dào, chúng ta hoàn toàn tin tưởng những bước phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới, từ những chương trình hoạt động được bàn thảo và quyết định từ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII.
Trong bối cảnh của một thế giới mới, đặc biệt là những thay đổi sâu sắc từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin toàn cầu, nhiều vận hội, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác hoằng dương Chánh pháp. Giáo hội chắc chắn cũng cần có những điều chỉnh trong nhân sự chuyên trách, tăng cường nhân sự trẻ có đạo hạnh và chuyên môn mang tính thời đại vào Hội đồng Trị sự, các ban, ngành, viện Trung ương để có thể hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trong nhiệm kỳ tới. Do đó, ở Đại hội kỳ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ đề “Kế thừa, Ổn định, Phát triển”, sẽ thông qua văn bản tu chỉnh Hiến chương - văn kiện quan trọng nhất của Giáo hội - chính thức ra mắt Ban Truyền thông TƯGH, toàn thể đại biểu sẽ suy tôn bổ sung thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự gồm 199 ủy viên chính thức, 52 ủy viên dự khuyết và một Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có đủ đức độ, năng lực để kham nhận trách nhiệm trước thời duyên.
Chúng ta hy vọng từ những điều chỉnh cơ bản này, ngôi nhà Phật giáo Việt Nam sẽ ngày càng phát triển bền vững, Đạo pháp sẽ ngày càng xương minh, mối tâm giao Phật giáo và dân tộc ngày thêm gắn kết, tô bồi dấu ấn thời đại cho truyền thống Hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.