Gói yêu thương trong chiếc thẻ cơm chay

GN - “Nếu thấy còn các thẻ cơm và hủ tíu trên móc, các bạn hãy gọi cơm trên móc hoặc hủ tíu trên móc, bạn không cần phải trả tiền. Bình thường 16 ngàn một phần. Đây là tấm lòng của tiệm chay Hương Sen 2 và các mạnh thường quân trợ duyên cho người muốn ăn chay mà còn khó khăn, chưa đủ tiền chi trả”.

Lời giới thiệu này đã trở nên quen thuộc với những ai là khách, mạnh thường quân của quán chay Hương Sen 2 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và những cụ già, em bé bán vé số có hoàn cảnh khó khăn sống trên địa bàn.

Quen thuộc là bởi vì, đây không chỉ là địa chỉ đỏ nhận cơm miễn phí hàng ngày của những mảnh đời khó nhọc mà còn là nơi bắc nhịp cầu, kết nối mạnh mẽ giữa mạnh thường quân và người nghèo khó.

com tren moc.1.JPG


Những chiếc thẻ yêu thương được anh Luân móc trên tủ kính
- ở một góc mà mọi người dễ dàng nhìn thấy - Ảnh: H.Ý

Chia sẻ dài lâu và kết nối an vui

Mô hình từ thiện “Cơm và hủ tíu trên móc” tại quán Hương Sen 2 đã ra đời gần 5 tháng, do anh Phạm Văn Luân, chủ quán chay Hương Sen 2 và người bạn của anh thực hiện. Ở đây, mỗi một chiếc thẻ được móc trên tủ kính là tượng trưng cho một suất ăn. Một chiếc thẻ được tháo xuống có nghĩa là một suất ăn đã được cho đi - cũng đồng nghĩa với việc một người có hoàn cảnh khó khăn đã được no bụng.  

“Cơm và hủ tíu trên móc” ra đời từ ý tưởng “Ly cà-phê trên tường” bên nước Ý. “Bên đó có những quán cà-phê khi khách vào gọi một ly cà-phê và một ly cà-phê ở trên tường, chủ quán sẽ mang ra một ly cà-phê và dán một mảnh giấy ghi hàng chữ “Một ly cà-phê” lên trên tường. Khách dùng xong sẽ trả 2 ly cà-phê. Rồi khi có một vị khách nghèo khó nào đó vào quán, họ nhìn thấy những mảnh giấy được dán trên tường và gọi “một ly cà-phê trên tường”. Chủ quán sẽ mang ra một ly cà-phê cho khách và gỡ mảnh giấy trên tường xuống cho vào thùng rác, còn khách không phải trả tiền ly cà-phê trên tường này”, anh Luân cho biết.

Một phần cơm ở quán Hương Sen 2 có giá 16 ngàn, bạn của anh Luân sẽ hùn 10 ngàn và 6 ngàn còn lại anh Luân sẽ bỏ ra. Khách, mạnh thường quân tới quán ăn, nếu muốn trợ duyên cho người còn khó khăn thì chỉ cần bỏ ra 10 ngàn cho một dĩa cơm trên móc hoặc một tô hủ tíu trên móc, anh Luân sẽ ủng hộ 6 ngàn còn lại. “Người nghèo khó mỗi khi đến dùng cơm sẽ an tâm vì đã có người trả tiền rồi. Chương trình này sẽ tồn tại song hành cùng quán, chỉ cần quán còn bán là chương trình còn thực hiện”, anh Luân bộc bạch.

Sự tử tế đến từ người cho và người nhận

Với những người đến ăn cơm không cần trả tiền ở quán Hương Sen 2, anh Luân là người gần gũi và nói chuyện từ tốn, người ăn cơm trả tiền và không trả tiền anh đều đối đãi tử tế như nhau. Thế nên, mọi người hầu như rất thích dùng cơm tại quán anh. Vì “mỗi lần thấy tui đến là nó cười vui vẻ, rồi kêu chị của nó xúc cho một phần cơm, không đợi tui phải lên tiếng. Nhờ vậy mà khi nhận cơm ăn tụi tui không có cảm giác tự ái. Cơm chay ở đây nấu rất ngon, nhiều món, được bới nhiều cơm. Ăn cơm ở đây, tụi tui rất no bụng, không sợ đói giữa cữ”, bác Hai bán vé số kể.

Bất kể lúc nào, sáng sớm vừa dọn hàng hay chiều tối, anh Luân cũng nói cười vui vẻ, tử tế trao từng phần cơm đến người khó. Anh không ngại chuyện “khách quen” của mình mở hàng vào sáng sớm. Anh quan niệm, “người ta có đói mới tìm đến mình, sao mình để người ta ra về bụng trống trơn được. Tặng cơm cho người ta, mình cần tử tế mà trao chứ không làm qua loa được”.

Hiền lành, chất phác, quan tâm từng chút đến cảm nhận của từng người nhận cơm nên mọi người rất có cảm tình với anh. Một “khách quen” nhận cơm thường xuyên ở quán anh Luân cho biết: “Mấy phần cơm chay ăn không phải trả tiền ở quán thằng Luân đỡ cho thân nghèo này dữ lắm. Ngày hai cữ tôi đều ăn ở đây. Tôi ăn cơm từ thiện mà ngon, ấm áp như ăn cơm với gia đình vậy đó. Lâu lâu tui có cho thằng Luân tờ vé số mà ép lắm, năn nỉ, nói nhận cho tui vui nó mới chịu nhận. Đi bán mệt mỏi, chỉ cần bước đến quán là thấy niềm vui xuất hiện liền vì người với người sống với nhau rất tình cảm”.

Hỏi anh, vì sao dành nhiều tình cảm cho người khó khăn như vậy? Lặng người đi phút chốc, ngước ánh mắt nhìn lên phía trần nhà, anh chậm rãi cho biết: “Ngày xưa tôi bước chân vào đời rất sớm, cũng mưu sinh bằng nghề bán vé số nên hiểu được nỗi vất vả. Có những ngày bán ế, bị giật vé, mất hết vé số và mất hết tiền. Chính cô bác, những người lao động chân tay vất vả và những người cùng nghề đã đỡ đầu vốn, nói vào một tiếng để đại lý vé số cho lấy vé chịu, bán hết rồi gửi tiền. Cảnh đói là triền miên, lúc đói mà tôi được cho hộp cơm là quý, mừng lắm. Vì lẽ đó mà bây giờ, khi làm chủ quán chay, tôi muốn chia sẻ với người nghèo bữa cơm; để ít ra có nghèo mấy thì họ cũng không phải chịu cảnh đói hàng ngày”.

Đã từng trải qua nhiều khó nhọc trên bước đường mưu sinh, chính vì vậy mà anh hiểu, “nhận từ ai đó bữa no, ai mà không ái ngại”. Vậy nên, “khi tặng cơm, từ người lớn tuổi đến đứa trẻ nhỏ, tôi tâm niệm phải làm thế nào để người cho an vui mà người nhận cũng ấm lòng, nhận trong niềm hạnh phúc. Cách tốt nhất là mình phải tử tế, phải xem họ là người thân của mình, mình thương họ thiệt lòng thì khoảng cách sẽ không còn, mặc cảm không xuất hiện. Có vậy bữa cơm của người cho và người nhận mới tròn đầy an vui được”, anh bộc bạch.

Bước chân ra về khi buổi gặp gỡ kết thúc, trên đường về tôi chợt nhớ đến thằng bé bán vé số mà tôi hỏi thăm khi tìm đường đến quán Hương Sen 2. Khi tôi hỏi, “bé ơi, em biết ở đây có quán chay nào tặng cơm từ thiện không”, nhanh như sóc, em hồn nhiên trả lời: “Có quán của chú Luân đó cô. Quán Hương Sen 2, ở 623 Cách Mạng Tháng Tám. Cô đến đó ăn đi”.

Hỏi em, ông chủ quán có hiền không, em bảo: “Cô đừng lo, chú Luân hiền queo hà. Ai nghèo tới đó cũng được ăn cơm. Tụi con đến đó ăn hoài hà cô. Ngày nào không có tiền là tụi con kéo đến đó ăn cơm. Ngày nào có tiền thì ăn bên ngoài, để cơm từ thiện cho người nghèo hơn mình ăn”.

Tôi nhận ra, những bữa cơm “đặc biệt” đến từ những chiếc thẻ nơi đây không chỉ đơn thuần là trao và nhận của những người tặng và được tặng; không chỉ đơn thuần cơm vào bụng sẽ hết đói mà sâu sắc hơn chính là sự tử tế hiện diện trong mỗi con người khi bước chân đến quán chay này. Sự tử tế không chỉ đến từ người cho mà tử tế còn đến từ người nhận - đó là những đứa trẻ, ông già, bà lão bán vé số nghèo vật chất nhưng ý thức thì luôn sâu sắc.

Nhân rộng lòng tử tế, còn là những giá trị vô giá, những hiệu ứng tích cực đến từ phía sau những bữa cơm thiện lành.

Với người nghèo, cơm lúc nào cũng còn

Người viết hỏi anh, khi những chiếc thẻ không còn móc trên tủ kính, có nghĩa là người nghèo sẽ không còn được nhận cơm miễn phí nữa?

com tren moc.2.JPG
Anh Luân tận tay múc từng hộp cơm trao cho những mảnh đời khó nhọc - Ảnh: H.Ý

Nhoẻn miệng cười thật tươi, anh bảo: “Không có chuyện “hết cơm”. Dù thẻ không còn móc trên tủ thì người khó khăn vẫn được ăn cơm như bình thường. Mỗi lần tôi móc 20 chiếc thẻ lên tủ kính. 20 chiếc thẻ mà hết là 20 chiếc khác lại được lấy ra. Ở đây, chiếc thẻ có ý nghĩa tượng trưng, là cầu nối để những tấm lòng hảo tâm có thể đồng hành cùng mình chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời khó nhọc. Bên cạnh đó, mỗi chiếc thẻ lấy xuống sẽ giúp mình dễ tổng kết xem một tháng mình đã tặng bao nhiêu suất cơm. Nó có ý nghĩa như vậy, chứ không phải hết thẻ móc trên tủ kính là hết cơm. Với người nghèo khó, lúc nào cơm ở quán Hương Sen 2 cũng còn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.