Gói lạnh

GN - Chị tôi ở miền Trung gọi vào hỏi: “Ở trỏng có nóng lắm không em?”. Tôi trả lời: “Dạ! không... Đà Lạt mát mẻ lắm chị ạ!” - “Vậy thì gởi cho chị một ít lạnh đi!” Rồi chị cười giòn tan. Tôi vẫn cứ ngây thơ: “Làm sao gởi được hở chị?” - “Thì gói lại, gởi về!”. Đơn giản là “gói lại” mà tôi thì hình dung ra cảnh cả nhà cầm quạt mo phe phẩy mà thương.

nang-nong.jpg
Ảnh minh họa từ internet

Chị tôi kể hết sông cạn đến rừng cháy, nào là nhiệt độ 39-40 độ C. Trời đang quơ chiếc đũa cả rang con người trong cái chảo... miền Trung! Nghĩa là chị tôi thèm một chút lạnh để xua tan “cái nóng nung người nóng nóng ghê”. Thèm những cơn mưa ướt sũng để vùng “đất cày lên sỏi đá” có bát cơm nuôi đàn con bé dại. Thèm một chút xanh mướt núi đồi để hy vọng cho tương lai các con. Còn tôi thì ngược lại, tôi đang thèm quê mà hoàn cảnh hiện tại không cho phép. Đáng sợ hơn là nắng cháy lại đồng nghĩa với khao khát. Dù nghèo đói bao nhiêu vẫn cứ muốn về. Dù nơi đất cày lên sỏi đá vẫn đẹp hơn bất cứ nơi nào!

Thế rồi vài hôm sau chị tôi xuất hiện với cả “bầu đoàn thê tử”. Chúng tôi vui mừng hưởng không khí đoàn tụ mà lâu rồi ai cũng lần lữa vì đủ mọi thứ hoàn cảnh trên đời. Mẹ tôi gạt nước mắt, buông một câu thở... mừng: “May, có nắng hạn chị em bay mới có hồi gặp mặt!”. Thằng con tôi reo lên: “Bà nội có câu nói hay nhất tuần”. Cả nhà cười chan nước mắt. Mủi lòng. Trong bụng ai cũng thầm hiểu câu nói tưởng bâng quơ mà thật chí lý. Bởi có câu ngạn ngữ rằng: “Ngọc ba năm không giũa thành sỏi đá, bà con ba năm không thăm hỏi thành người dưng”.

Biết là biết vậy, nhưng thời buổi này “gạo châu củi quế” ít có thì giờ quây quần bên nhau hỏi han cảnh “tối lửa tắt đèn”. “May” có dịp này chị em tôi mới ngồi hâm nóng lại tình cảm ruột thịt. Tôi có dịp gỡ rối chút hiểu lầm với người anh rể có cơ địa bất ổn. Mẹ tôi mới có dịp thấu hiểu nàng dâu. Thằng con tôi mới có dịp nghe chuyện cổ tích... hiện đại do bà nội kể. Tất cả là những cái may. Nhưng có cái may nào được trọn vẹn đâu. Nhìn thấy cảnh cà-phê nhà tôi không có nước tưới, tiền thuê công đắt đỏ, lại bị ve sầu cắn rễ, cà-phê mất giá, mẹ tôi lại đau lòng. Thấu cái cảnh vợ tôi chạy chợ sớm hôm, vai gầy gánh sương khuya chợ đêm Đà Lạt (chợ Âm phủ) chị tôi lại chậc lưỡi. Mấy đứa cháu thấy con tôi đóng tiền học thêm 3-4 triệu đồng đều lắc đầu than “mắc quá”!

Nghĩa là không có cảnh nào giống cảnh nào. Đã vậy, bụng bảo dạ chẳng đành, cả đại gia đình chúng tôi lại chuẩn bị kéo nhau về thành phố Hồ Chí Minh để thăm luôn thằng em út đang tất bật vì thời tiết đã đành, nhưng cái nóng cơm áo gạo tiền còn “nóng” hơn. Thế là cả gia đình lại chen chúc cả “trong Nam ngoài Bắc”. Nóng mà vui! Đứa em út tôi mừng quá nói rằng cả gia đình lâu lắm mới được sum họp như thế này, em thấy mát mẻ trong lòng. Tôi mới vỡ lẽ ra từ “gói” của chị tôi sao mà đúng quá: “GÓI LẠNH”! Gói lạnh hay gói lòng chị ơi!

Thế mới biết lâu nay chúng ta xa cách nhau là “thiệt hại”. Xã hội thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng vì hạn hán, vì mất điện. Gia đình chúng ta “thiệt hại” hàng ngàn tỷ “tế bào tình cảm” cho những cách ngăn. Nhà nước, Quốc hội họp đã đề xuất rót hàng ngàn tỷ đồng để chống hạn, cứu cây trồng vật nuôi v.v... liệu có đến kịp, đem chia sẻ, đem cảm thông xuống đến tay nhân dân? Trong khi đó có dấu hiệu học phí tăng gấp đôi, giá xăng, giá điện sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Ngẫm trong tiếng Việt chữ “lý” luôn đi đôi với chữ “tình”. Cũng như đất luôn đi đôi với nước. Đất chúng ta đang thiếu nước. “Cây thiếu nước cây sống với ai?”. Đêm, gã say rượu nào đó hát vu vơ mà sao cảm thấy hay quá chừng, thấy thấm thía hơn bao giờ hết…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.