Gọi chiều nước lên…

NSGN - Tập thơ mỏng tanh mà nặng trĩu với tôi. Tôi đọc mà nghe lòng mình rưng rứt. Toàn tập thơ có thể nói chỉ là một bài duy nhất từ đầu đến cuối - như một bản trường ca chưa viết xong - mà cũng có thể coi là một tập hợp của nhiều bài thơ rải rác mang một cái tên chung: Xa xứ.

21.jpg

Ta vẫn về, rất thầm lặng thiết tha...

Một tập thơ lạ, không như những tập thơ khác của Thư Ấn Quán: vuông vức, cứ mỗi trang thơ lại có một trang tranh tương ứng.

Ừ nhỉ, cuối năm nơi đất lạ
Mưa mênh mông và sông mênh mông
Ừ nhỉ, hình như lòng rướm lệ
Như một người không có quê hương. (tr.16)

Cuối năm, ấy là lúc lòng chợt như dừng lại. Không khí sánh đặc hơn với cái buốt lạnh chiều đông. Và chỉ cần dừng lại, người ta đã thấy khác đi - trên con đường bươn chải, miệt mài, mù tăm… của bao ngày tháng nơi đất lạ quê người.

Dừng lại thì nghe được mưa ngoài trời và mưa trong lòng.

Anh nói hình như, hình như thôi, mà tôi tin lòng anh rướm lệ thật rồi. Rướm lệ bởi vì trời tháng Chạp rồi. Đó là lúc người ta trở về. Về đâu? Đi về sao chẳng về đi/ Ruộng hoang vườm rậm còn chi không về (Đào Tiềm)… Nhưng, về đó là về cho kẻ có quê hương. Còn anh, như một người không có quê hương. Ở đây đất lạ quê người/ Mấy mươi năm cũng một đời xứ xa (tr.50).

Thì về đâu? Chẳng về đâu cả. Về với lòng mình thôi.

Anh như muốn hét to lên một tiếng. Một tiếng dài cho lạnh tới sao khuê. “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Không Lộ thiền sư) vậy.

Bây giờ trời đất thênh thang
Tôi lên trên núi trên ngàn để vui
Dưới kia, mệt quá cuộc đời
Xa kia, xa quá, vợi vời Việt Nam… (tr.52)

Dưới kia, mệt quá cuộc đời… Xa kia, xa quá, vợi vời Việt Nam.

Chỉ cần mấy giờ bay, chỉ cần một cái “cân đẩu vân” là đến, thế mà xa quá, xa như từ cõi lòng này đến cõi lòng kia, từ bờ bến này đến bờ bến nọ, khi ta chưa có trong tay con thuyền Bát nhã, khi ta chưa đọc câu thần chú: Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté

Anh viết vợi vời không phải vì anh “kẹt vần” đâu mà tôi nghĩ anh đã không còn cách nào khác. Vợi vời rõ ràng không phải vời vợi. Vời vợi dẫu xa muôn trùng mà không cách biệt. Vợi vời thì hết. Không phải là chuyện cách núi ngăn sông nữa rồi.

Hình như có lúc anh chẳng cần thơ nữa. Anh nói: “Có một ngày giữa tiểu bang mông mênh, chúng tôi đã bàng hoàng dừng xe, thổn thức” (tr.22). Thổn thức? Phải. Tôi nghĩ anh đang chạy xe với tốc độ cao trên xa lộ, mắt lại cận thị nặng, vậy mà, cũng đã kịp nhận ra:

“Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc
Chuối mẹ chuối con, trời hỡi quê nhà!” (tr.22)

Vâng, chỉ là một bụi chuối xúm xít mẹ con. Chỉ thế thôi. Nhưng trong anh là cả một quê nhà vằng vặc. Tôi biết anh chẳng quên Trần Minh khố chuối, cũng chẳng quên Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…

Hai tiếng “trời hỡi” mới “cải lương” làm sao! Nhưng nó đã làm tôi muốn rơi nước mắt! Cải lương thật tuyệt vời!

Rồi anh “lý giải” cho cái sự trời hỡi đó của mình:

Ở đâu cũng vẫn đất trời
Cũng rừng cô tịch cũng đồi tà dương
Cũng ngày nắng cũng đêm sương
Cũng qua cũng lại phố phường người dưng
Cũng trên trời một vầng trăng
Cũng sông vẫn chảy hai dòng ngược xuôi
Nhưng lòng sao lại không nguôi
Nghe như bìm bịp gọi chiều nước lên… (tr.46)

Lạ lùng là ở chỗ đó. Bìm bịp gọi chiều nước lên nó khác biết bao nhiêu tiếng rùng rùng chuyển động của những con tàu cơ khí với rầm rập bước chân người lạc lõng giữa đám đông, với…, với…

image004.jpg

Tôi có sống ở Boston mấy tháng mà thấy trăng Boston sao khác trăng mình. Trăng to quá, bự quá, sừng sững quá, lộ liễu quá, tênh hênh quá. Khác với trăng nằm sóng soải trên cành liễu, khác với bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm của quê nhà. Cho nên “nghe như” tiếng bìm bịp kêu chiều kia đã làm cho anh khóc được: Chiều chiều lại nhớ chiều chiều… 

Ngăn kéo cũ đã lâu rồi không mở
Tấm hình tôi lem luốc nhìn không ra
Tôi đứng giữa những nỗi buồn lịch sử
Lẫn ngông cuồng của tuổi trẻ hôm qua… (tr.56)

Bạn chúng tôi, Lữ Kiều, nói: “lịch sử chọn chúng ta chứ chúng ta không chọn lịch sử”.

Bốn mươi năm trước, những ngày ở Nha Trang, tôi lang thang cùng anh trên bãi biển đầy những cơn sóng thịnh nộ giữa những ngày tháng bão bùng… Rồi ở Sài Gòn, có lần tôi đèo anh bằng chiếc xe lọc cọc của mình đến tòa soạn Bách Khoa, nơi anh hò hẹn, nhưng nàng không đến. Anh ủ rũ quay về. Chiếc xe nặng trịch. Trong trí nhớ tôi, Trần Hoài Thư là một chàng thư sinh nho nhã, vầng trán rộng quá khổ, đôi mắt hun hút sau tròng kính cận, những ngón tay lòng thòng, dáng đi lỏng khỏng… Anh là một kẻ “nòi tình”, dễ nước mắt, dễ giận hờn, dễ đắng cay…

Bốn mươi năm không gặp lại. Anh vẫn nhắc tôi món bánh cuốn nóng ở cạnh nhà mình mà hôm đó anh và tôi ra ngồi bên lò lửa từ rất sớm, để tiễn anh đi, không, tiễn anh về. Về nơi gió cát. “Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao”. Không cầm lòng được, hôm đó tôi đã viết cho bạn:

Ta cũng muốn ngâm tràn câu tống biệt
Đưa người đi tiếng sóng ở trong lòng
Nhưng khói thuốc đã cay sè đôi mắt
Có ai còn thổi sáo trên sông
Trời buổi sáng mù sương lớp lớp
Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời
Và khí phách thôi một thời trẻ dại
Ta nói gì cho bớt chút chia ly?
Đưa người ta nâng ly cà phê nhỏ
Rồi quan san rồi bụi đỏ người đi
Rồi khói súng người tập tành nỗi chết
Ta trở về hiu hắt đường khuya…

(ĐN)

Bây giờ đọc Xa xứ của Trần Hoài Thư:

Hẹn với lòng tháng Chạp sẽ về quê
Mà hơn ba mươi năm vẫn chưa về cố xứ
Khi hứa hẹn cứ nghĩ mình trẻ quá
Giờ thì già, ngựa đã nản chân bon. (tr.76)

Tôi nghĩ không phải đợi tới bây giờ ngựa mới nản chân bon đâu. Lâu lắm rồi, bốn mươi năm về trước rồi, Trần Hoài Thư như lứa chúng tôi đã thấy rõ “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang”(*) rồi! Nhưng hãy đọc tiếp:

Tôi lạc lối, em biết không
Tôi đang quờ quạng giữa vùng mù sương
Cũng vì cái ngạnh cái ương...  (tr.44)

Tôi băn khoăn khi ghi lại những dòng này. Nghĩ trong lòng không biết có nên. 

Thơ, tấc lòng ngàn năm - thốn tâm thiên cổ - là vậy. Không “hư cấu” được với thơ đâu, Thư ơi! 

Đêm quá khuya, đêm không chịu trôi mau
Mắt đã mỏi mà sao tròng chẳng khép. (tr.38)

Còn nói gì thêm được nữa?

Rồi những bức tranh, như đã nói, cứ một trang thơ lại có một trang tranh tương ứng. Những bức tranh đắm đuối quê nhà: khi thì đồi núi cao nguyên trùng trùng điệp điệp của Thân Trọng Minh, khi thì những con thuyền phơi mình nhớ sóng của Thanh Hằng, rồi cầu tre lắt lẻo, rồi bụi chuối sau hè... Và những mượt mà, thảng thốt, trầm tư, u uất... của Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi, Tống Phước Cường, Lệ Liễu... Tranh không còn là tranh nữa mà đã thành thơ trong Xa xứ. Tôi bàng hoàng với bức tranh của Trần Quý Thoại ở trang 55: một con nai vàng, phải, một con nai vàng - và ngơ ngác, dĩ nhiên -  nhưng không phải “đạp trên lá vàng khô” mà đạp trên lưng một con người cúi gục, với cái đầu to quá khổ mà chiếc cổ nhỏ bé không sao giữ nổi! Rồi ở trang 61, một lần nữa tôi ray rứt với những giọt nước mắt của khuôn mặt đàn bà mộng du, từng mảng rời đóng hộp, và những làn mây trôi trên cao. Cũng tranh Trần Quý Thoại. Hình như Thoại vẽ được những gì Trần Hoài Thư không viết được nên lời.

Vỏ tôi đó nhưng hồn tôi trôi dạt
Em ở quê nhà có hiểu lòng tôi? (tr.60)

***

Em có hỏi tại sao ta chưa về cố xứ

Ta trả lời: Ta về chứ đêm qua

Ta vẫn về, rất thầm lặng thiết tha. (tr.78)

Ai sao không biết, tôi thì tôi tin. Tôi tin Trần Hoài Thư vẫn về đêm đêm, về thầm lặng, thiết tha... Thậm chí không cần phải dặn: Thấy hiu hiu gió thì hay chị về! (Nguyễn Du).

Nhưng, gió bấc đã hiu hiu rồi đó, Thư ơi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.