Giữ gìn truyền thống Tết

Giữ gìn truyền thống Tết
Giác Ngộ - Người ta nói đến triết lý sống của người Việt qua hình ảnh bánh chưng, bánh dầy. Đó là hình ảnh con người sống trong sự kết nối giữa trời và đất, giữa thời gian và không gian, giữa tinh thần và vật chất.

Không biết bao nhiêu giấy mực đã viết về Tết.

Người ta viết về những cảm nhận Tết qua mùi vị của bánh chưng, bánh tét; qua nhân cách của Lang Liêu; qua trái dưa hấu với câu chuyện về An Tiêm; qua tiếng pháo, mùi pháo trong không gian vào lúc giữa đêm; qua sự thể nghiệm việc giữ gìn ý nghĩ, lời nói, hành động được ông bà ta gọi là "kiêng" trong ngày Mồng Một Tết; qua sự sống dậy của không gian, thời gian, của tâm hồn trong giờ phút giao thừa…

Người ta nói đến triết lý sống của người Việt qua hình ảnh bánh chưng, bánh dầy. Đó là hình ảnh con người sống trong sự kết nối giữa trời và đất, giữa thời gian và không gian, giữa tinh thần và vật chất. Hình ảnh những con người định cư của nền văn minh nông nghiệp sống bằng cả tấm lòng và thể xác trong sự giao tiếp từng ngày từng giờ với sự tưới tẩm của trời, với sự sinh nở của đất, cảm nhận được tình thương từ thiên nhiên, trời và đất, để biết rằng nền tảng của sự sống là tình thương và sự kết nối.

Trời thì làm ra bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất thì theo vòng thời gian của trời mà đổi thay theo sinh, dừng, đổi, mất. Con người sống ngay chỗ của đất và trời gặp nhau đó. Và để sống trọn vẹn với trời, đất, người, và an vui trong sự thay đổi không ngừng đó, con người phải cần cù, tự lập và biết đủ trong lòng tin nhân quả qua hình ảnh An Tiêm.

Người ta cũng thấy rằng ngay trung tâm của sự biến dịch đó có thể tìm thấy sự nghỉ ngơi và mở rộng của tâm hồn. Không ít người cảm nhận sự tĩnh lặng bao la và linh thiêng của giờ phút giao thừa, cũng là lúc con người trở về với chính mình để chuẩn bị cho một "ngày kiêng". Với người Việt, Mồng Một Tết là ngày giữ gìn, thận trọng. Trong ngày này, mọi người giữ gìn tâm ý, nuôi lòng an vui, tránh hành động đập đổ phá hoại, tránh nói lời độc ác thô lậu, không quét rác ra khỏi nhà (phải chăng để giữ sạch môi trường chung trong ngày vui chung?). (Và với việc thực hành những "điều kiêng" như đã nói, phải chăng ngày Mồng Một Tết là "ngày tu," "ngày chánh niệm" của mọi người và mọi gia đình Việt?).

Tất cả những thứ đó là những điều trong nhiều điều làm nên ý nghĩa của Tết. Nhưng có lẽ còn nhiều thứ nữa đã tích lũy trong tiềm thức dân tộc qua nhiều ngàn năm để làm nên tinh thần và cách sống của người Việt thể hiện qua ngày Tết.

Đã trên 20 năm tôi sống xa quê hương. Cũng có nghĩa là trên 20 năm tôi không được ăn một cái Tết đúng nghĩa, một cái Tết trọn vẹn trên quê hương.

Thời gian sau này, dù Tết của những người xa quê cũng có đủ bánh chưng, bánh tét, hội Tết, lễ chùa, nhưng vẫn còn thiếu nhiều thứ so với Tết ở quê nhà. Duy có một điều mà những người ở quê nhà không thể có, đó là tình cảm hướng về quê hương. Có một chút hạnh phúc nào đó khi hướng về quê hương xa tít trong giờ phút giao thừa. Có lẽ đó là cái hạnh phúc biết rằng mình cũng đang có một quê hương. Và nhiều khi ở ngay trên quê hương, chúng ta lại không nhớ là mình đang có một quê hương.

Để có cái nhìn rõ hơn về ý nghĩa và tinh thần của ngày Tết, chúng ta cũng nên tìm hiểu về một ngày lễ lớn của phương Tây là lễ Noel.

Theo tập quán ở đây, hàng năm chúng tôi cũng gặp gỡ bạn bè, tặng quà cho các con, các cháu và nhận quà từ họ trong dịp lễ Noel. Dĩ nhiên, các lễ hội truyền thống của mỗi nền văn hóa đều đem đến sự vui vẻ, nghỉ ngơi, đáp ứng nhu cầu của xã hội mang nền văn hóa đó.

Nói cho đúng, Noel không phải là ngày lễ tôn giáo mà là một ngày lễ quần chúng. Và theo nhiều nhà nghiên cứu, và cả trong sự hiểu biết của nhiều người phương Tây, Noel thật sự không phải là ngày sinh của Jesus. Như chúng ta được biết, lễ Noel có nguồn gốc từ lễ Saturnalia, một lễ thờ phụng Mặt trời của người La Mã xưa, được uốn nắn dần dần cho thích hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi thời đại. Và trong xã hội tiêu dùng ngày nay, nó trở thành một dịp vui chơi, xả stress qua việc mua sắm, biếu tặng, hội họp ăn uống, và đặc biệt đó là ngày vui của trẻ con vì được tặng quà.

Vì không phải là ngày lễ tôn giáo như đã nói ở trên, Noel được phổ biến rất rộng rãi ở phương Tây. Như vào năm 1990, khi Hội đồng giáo dục thành phố Solon tiểu bang Ohio không cho trưng bày hình ảnh và các biểu tượng về lễ Noel trong các trường học, sự việc được đưa lên tòa án tiểu bang phân xử. Kết luận của tòa án là ngày Noel không phải là ngày lễ tôn giáo do đó các học sinh được phép trang trí hình ảnh, biểu tượng của ngày lễ trong trường.

Hình ảnh ông già Noel mặc áo đỏ và tục lệ để vớ gần lò sưởi đợi ông già Noel, tức Santa Claus, cho quà được xây dựng trong thế kỷ thứ XIX qua tiểu thuyết của Washington Irving, đến một bài thơ của bác sĩ Clement Moore, rồi các hình hoạt họa của Thomas Nast cho tuần báo Harper’s Weekly và sau cùng là hình quảng cáo của Haddon Sundblom cho hãng nước ngọt Coca Cola, với một ông Santa Claus sống ở Bắc cực cùng những người lùn giữ danh sách tất cả những trẻ em tốt và xấu trên thế giới. Ngày Noel đúng ra là ngày lễ của trẻ em.

Về nguồn gốc tên Santa Claus thì theo Langer’s Encyclopedia of World History, "Santa" là tên chỉ chung cho Nimrod, một vị thần của vùng Tiểu Á, cũng là vị thần lửa chui xuống từ ống khói. (David C.Pack - The True Origin of Christmas).

Lý do người phương Tây quyết bảo tồn những biểu tượng về Noel vì họ muốn truyền thống Noel giữ mối liên hệ gia đình vốn rất lỏng lẻo của họ. Theo David C. Pack, có một vị cha đạo ở New Jersey giảng trong lớp giáo lý Chủ nhật rằng Santa là một huyền thoại, ngay sau đó ông phải đối diện với sự phẫn nộ từ những phụ huynh và cấp trên của ông. Họ bảo rằng ông "đã giết chết Santa!" ông đã "phá đổ truyền thống gia đình!" ông "đã cướp đoạt thẩm quyền gia đình," v.v… (David C. Pack - The True Origin of Christmas).

Thường lễ Noel xảy ra trước Tết khoảng từ một đến hai tháng. Do đó, người Việt ở nước ngoài, và ngay cả người Việt trong nước với những cuộc vui Noel rầm rộ như được chứng kiến, có thể nhìn thấy sự khác biệt của hai lễ hội.

Khuynh hướng tự nhiên của con người là đi tìm hạnh phúc và tránh né khổ đau. Và Noel cũng như Tết có thể nói là những dịp để con người đi tìm hạnh phúc, trốn tránh khổ đau. Và muốn hiểu ý nghĩa và tinh thần của Noel và Tết, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa và tinh thần tìm đến niềm vui, hạnh phúc trong Noel và Tết.

Có thể nói, Noel là phản ảnh của nền văn hóa hướng ngoại phương Tây. Trong lễ Noel, người ta tìm đến những cuộc vui náo nhiệt. Và khuynh hướng đó đã có từ ngàn xưa, chỉ sửa đổi và trau chuốt lại cho thích hợp với trình độ văn hóa, điều kiện chính trị của mỗi thời đại. Trái lại, Tết thể hiện tinh thần của nền văn hóa hướng nội phương Đông, diễn ra trong một bầu không khí tĩnh lặng, trang nghiêm và thâm trầm, với sự cung kính, mở lòng trong giờ giao thừa, giữ gìn ý nghĩ, hành động và lời nói trong suốt ngày Mồng Một, ba lần mỗi ngày cúng giỗ để nhớ ơn tiền nhân, cúng đình, lễ chùa, thăm viếng cha mẹ, thân nhân, thầy, bạn…

Viết đến đây, tôi chợt có ý nghĩ phải chăng việc giữ gìn ba nghiệp trong ngày Mồng Một Tết có liên quan đến nền văn hóa Luy Lâu mà Tết đã trải qua và được ảnh hưởng?

Về lịch sử của ngày lễ Noel, theo Lawrence Kelemen, một giáo sư, học giả uy tín, một giáo sĩ Do Thái giáo, tác giả của nhiều cuốn sách giá trị, thì ngày Noel có nguồn gốc từ lễ Saturnalia của người La Mã, một cuộc lễ kéo dài từ ngày 17 đến 25 tháng 12. Trong lễ này, mỗi cộng đồng La Mã chọn một người rồi cho ăn uống no say và hưởng mọi thú vui vật chất. Đến ngày 25 tháng 12, họ thiêu sống người này để tế thần, cho là đã trừ khử những thế lực đen tối. Trong thời gian lễ là những cuộc rượu chè, ca hát với thân thể trần truồng kéo nhau đi đến từng nhà, hiếp dâm và những việc lạm dụng tình dục khác được cho phép; cũng trong lễ này, người ta làm những chiếc bánh biscuit hình người mà ngày nay vẫn còn thấy trong một số tiệm bánh ở Anh và hầu hết các tiệm bánh ở Đức vào mùa Noel. Đến thế kỷ thứ IV, Giáo hội Thiên Chúa chấp nhận lễ Saturnalia với hy vọng tranh thủ được số đông người ngoài đạo đến với họ. Những nhà lãnh đạo đạo Thiên Chúa thành công trong việc cải đạo số đông những người này bằng cách hứa để những người mới theo đạo được tiếp tục giữ lễ này. Vấn đề là không có điều gì liên quan giữa lễ Saturnalia và đạo Thiên Chúa. Do đó, những người lãnh đạo đạo Thiên Chúa gán ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Jesus. Và theo Stephen Nissenbaum, giáo sư sử học của Trường Đại học Massachussetts ở Amherst, để bảo đảm đám đông tuân theo việc kỷ niệm ngày sinh của Chúa vào ngày này, Giáo hội ngấm ngầm cho phép ngày lễ được tổ chức ít nhiều theo cách đã có từ trước. Và những lễ sinh nhật đầu tiên của Chúa được cử hành với rượu, tình dục, ca hát trần truồng trên các đường phố. (The Real Story of Christmas).

Ta thấy, từ một nguồn gốc và lịch sử không mấy trong sáng(*), Noel được người phương Tây tách ra khỏi lịch sử và ý nghĩa tôn giáo, đặt vào nó một ý nghĩa lành mạnh là tinh thần chia sẻ và sự quan tâm đến trẻ con để đáp ứng được nhu cầu xã hội, tạo sự chấp nhận rộng rãi, để Noel trở thành một lễ hội quần chúng có ích cho đời sống thiết thực của họ.

Do đó sẽ lấy làm tiếc khi ngày Tết của chúng ta bị làm cho mất ý nghĩa trong sáng vốn có tự ngàn xưa. Trong một xã hội có chiều hướng hướng ngoại như ngày nay, tinh thần Tết lại càng cần được giữ gìn và phát huy. Dĩ nhiên giữ gìn không phải là khư khư bám lấy tất cả, nhưng giữ những cái cần giữ, thay đổi những cái cần thay đổi, để cho ý nghĩa và tinh thần của truyền thống Tết ngày càng sáng đẹp và gần gũi với đời sống. Thật là lãng nhách khi khư khư giữ lấy chỉ bộ áo dài khăn đóng gọi đó là tinh thần dân tộc.

Như chúng ta biết, truyền thống Tết đã được thử thách qua hàng ngàn năm và chứng tỏ thích hợp với bản chất tâm hồn và trí tuệ của dân tộc Việt, là một gia tài quý báu nhất trong việc xây dựng nhân cách cá nhân, vẻ đẹp tập thể, tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh của dân tộc.

Về việc xây dựng nhân cách cá nhân, truyền thống Tết có thể cho những bài học sau đây đối với trẻ em:

Giúp trẻ em cảm thấy rằng trong thế giới luôn luôn đổi thay, biến dịch này, cũng có những thứ ổn định, những giá trị không đổi thay. Những ngày Tết trở về mỗi năm với những giá trị không thay đổi làm cho trẻ em cảm nhận được sự vững chãi của đời sống, cảm thấy đời sống có chỗ để đặt niềm tin và sự nương tựa.

Vào những ngày Tết, trẻ em được tặng quà, khen thưởng về những việc làm tốt đẹp trong năm, được giúp mẹ một tay lau lá gói bánh, dọn dẹp, phụ cha một tay trong việc cắm một bình hoa, lau chiếc bàn thờ… cảm thấy sự hữu dụng của mình, đồng thời cũng dần dần nhận ra vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình.

Những "kiêng cữ" trong ngày Mồng Một Tết cũng dạy cho trẻ em biết tự kiềm chế, tập tánh nhẫn nại, biết tôn trọng và tự trọng, dần dần nhận ra giá trị của một đời sống biết kiểm soát, là những khả năng rất hữu ích khi các em lớn lên bước chân vào xã hội, tạo dựng một xã hội năng động mà không bạo động.

Sau mỗi dịp Tết, mỗi đứa trẻ sẽ cảm thấy mình lớn hơn, có nhiều trách nhiệm hơn, giảm dần tính quy hướng vào bản thân, hòa nhập vào tập thể, gắn bó với những thành viên khác trong gia đình nhiều hơn.

Ngoài ra, Tết là dịp để trẻ em được trao truyền từ người lớn và xã hội những giá trị văn hóa truyền thống.

Đối với người trưởng thành, Tết cũng là một bài học vô tận. Chúng ta được học với Tết từ tuổi thơ với những bài học về tình thương, về mối quan hệ gia đình, về sự tự chủ. Rồi chúng ta học về nét đẹp của sự đôn hậu, tính cần cù và nhớ ơn trong những câu chuyện bánh chưng, bánh dầy, dưa hấu. Lớn lên, Tết dạy cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống, vị trí của mỗi người chúng ta trong cộng đồng, trong lịch sử, trong vũ trụ, cũng như trau giồi cho chúng ta đời sống tâm linh.

Tết mang trong nó nhân sinh quan, vũ trụ quan, triết lý về đời sống, về đạo đức của người Việt. Tết dạy cho chúng ta cách sống và cư xử từ những sự việc thường tình nhỏ nhặt nhất trong đời sống hàng ngày đến đời sống tâm linh; từ sự kết nối trong gia đình, xã hội đến sự kết nối với trời đất; từ sự giữ gìn thân, miệng, ý trong ngày Mồng Một, đến sự quay về với cõi tâm trong lễ nghi cúng kiếng, trong giờ phút giao thừa, trong đời sống chánh niệm và xa hơn nữa.

Tóm lại, Tết là một bài học cho cả trẻ con cũng như người lớn. Một bài học được lặp lại mỗi năm nhưng lúc nào cũng mới, một bài học không bao giờ học hết.

Chúng ta cũng biết rằng, Tết phát triển từ thời các vua Hùng với nền văn minh nông nghiệp, được trau giồi qua nền văn hóa trí thức và tâm linh Luy Lâu, vượt qua bao khó khăn, được mài dũa và tồn tại đến ngày hôm nay, Tết là một kho tàng văn hóa lớn của dân tộc. Tôi thường thầm cảm ơn cha ông đã tạo ra cái Tết và thầm cảm ơn lịch sử đã giữ gìn cái Tết cho đến ngày nay.

Vì vậy, chúng ta hãy tìm mọi cách để phát huy cái đẹp của Tết, nơi cá nhân, gia đình, xã hội và đất nước. Ý nghĩa của Tết, như chúng ta thấy qua sự phân tích và so sánh, có một vẻ đẹp rạng rỡ, một giá trị cao vượt, hơn hoặc bằng chứ không thua kém một lễ hội văn hóa nào khác trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.