Giọt mật âm của Hương thiên

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nếu những bài thơ viết về danh thắng chùa Hương được gọi là Hương thi, những họa phẩm về quần thể thắng cảnh này là Mặc Hương, những bức ảnh về Tùng lâm trác tích là Ảnh Hương thì các nhạc phẩm về thắng tích Hương sơn này phải được gọi là Nhạc Hương.

Hương nhạc của Cù Lệ Duyên chính là giọt mật âm của Hương thiên vậy.

Ẩn thức nhạc Phật

Con đường và cung nhạc mà chị đã trải qua bắt đầu hành trình từ lúc chị mới 7 tuổi khi còn là con bé bị bố bắt ngồi vào bàn piano mỗi tối. Cái mầm nhạc được gieo vào tâm hồn chị qua những buổi tập đàn như thế. Những nốt nhạc đầu đời do tự mình khởi lên và từ đó vang âm vào tiềm thức, cho dù ý thức của đứa trẻ lúc đó là muốn đi chơi cùng lũ bạn ngoài kia. Rồi những điệu nhạc mỗi ngày dần thấm vào trong những nghĩ suy, xúc cảm và lớn dần cùng chị theo những phát triển thể chất.

10 tuổi (năm 1975), chị học sơ cấp và trung cấp piano tại Nhạc viện Hà Nội - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Rồi tốt nghiệp đại học, cao học và nghiên cứu sinh - lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky. 33 tuổi, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học cũng tại Nhạc viện Tchaikovsky. 45 tuổi, chị được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư.

Chư tôn đức lãnh đạo Ban Văn hóa Trung ương và các nghệ sĩ Phật tử trong chương trình biểu diễn nghệ thuật Phật giáo chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII

Chư tôn đức lãnh đạo Ban Văn hóa Trung ương và các nghệ sĩ Phật tử trong chương trình biểu diễn nghệ thuật Phật giáo chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII

Tiếp xúc với âm nhạc từ sớm nhưng đến với nhạc Phật thì có lẽ là muộn. Có nhân rồi nhưng chưa hội đủ duyên thì cũng chưa thể tạo quả được. Chuyên môn của chị là giảng dạy về Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy bao nhiêu năm nhưng thực sự bước chân vào con đường sáng tác thì chỉ từ khi có hạnh ngộ Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương. Và khi đã sáng tác rồi thì chỉ chuyên nhạc Phật mà thôi. Bởi cái ẩn thức Phật tính trong chị khi được tiếp thêm sức mạnh bởi năng lượng truyền thừa trong những lời thuyết pháp của thầy Minh Hiền đã bật mầm thức dậy bằng hình thức bản năng âm nhạc.

Khi đi lễ hội chùa Hương như bao du khách thập phương, gặp Thượng tọa, được thầy tặng cho đĩa nhạc Hương sơn ca chính là cái duyên của chị với nhạc Phật. Để rồi sau đó chị “chiếm sóng” toàn bộ Hương sơn ca vol 2, vol 3, vol 4 với hơn 30 ca khúc. Các nhạc phẩm do Cù Lệ Duyên sáng tác nói về vẻ đẹp mật mỹ của chùa Hương, về công đức chư Tăng bao đời dựng xây, bồi đắp lên Tùng lâm Hương tích này.

Vậy là cái mầm nhạc ngày xưa giờ đã thành hình, bật chồi và kết trái trong Phật uyển nhạc Việt (chữ của thầy Thích Minh Hiền khi đề từ lời phi lộ cho đĩa nhạc Hương sơn ca vol 2). Con đường âm nhạc của chị từ những dấu chân đầu tiên như thế, rồi cứ đi mà thành cung đường vậy. Tự chị đã khai phá, mở ra con đường nhạc Phật trong tâm mình như thế. Để rồi đến khi có thêm được Tiếng chuông trên đảo Trường Sa (phổ thơ Thích Minh Hiền) và Việt Nam Phật tâm ca đã làm thành bộ Hương khúc với 52 nhạc phẩm cho đến nay.

Giai điệu và ca từ của các bài hát nhạc Phật của chị có thể tìm thấy trên Facebook, Zalo, YouTube. Nhưng cái chất nhạc, nét nhạc khái quát của toàn bộ các ca khúc đó là gì, gọi tên nó một cách rành mạch, cô đọng và súc tích trong mấy từ mà có thể bao trùm được hết thảy thì chưa thấy trên không gian mạng. Với những cây đa cây đề trong làng nhạc, có thể dễ dàng gọi thành tên cá tính âm nhạc của mỗi người, giả như, chất nhạc của Phó Đức Phương là phiêu ly, Trần Tiến thì lãng tử, An Thuyên là hạt phù sa mang hình nốt nhạc… Với Cù Lệ Duyên, chất nhạc của chị là gì, tôi đang đi tìm tên gọi cho những bản nhạc Phật mà chị đã mặc khải trong tâm tưởng mình.

PGS.TS Cù Lệ Duyên cùng các nghệ sĩ Phật tử nhận Bằng tuyên dương công đức của Trung ương Giáo hội

PGS.TS Cù Lệ Duyên cùng các nghệ sĩ Phật tử nhận Bằng tuyên dương công đức của Trung ương Giáo hội

Cánh sen ngàn bên dòng Yến vĩ

Khi thưởng lãm một họa phẩm, tôi đã từng được nghe một họa sĩ nào đó nói đại ý rằng “Nét đẹp nhìn thấy bên ngoài, nét cuốn hút nhìn thấy bên trong và nét si mê chỉ nhìn thấy qua đồng điệu”. Với âm nhạc, có thể phiên sang thành, cái nghe thấy bên ngoài (bản nhạc vật lý với các ký xướng âm và những con chữ lời ca) chỉ là xác nhạc, cái nghe thấy bên trong là sự rung động chạm vào cảm xúc và cái đắm mê chỉ nghe thấy qua sự đồng âm tương bích.

Nhạc của Cù Lệ Duyên không phải là dấu mốc trên chặng đường vận động của âm nhạc Việt, bởi không thấy ở đó sự tìm tòi cách tân hay những thể nghiệm mới mẻ trong sự tương tác của đương đại và dòng chảy âm nhạc. Nhạc của Cù Lệ Duyên đẹp và trong, nhưng chưa thể là thiền khúc, bởi giai điệu chưa đượm hương vị thiền và ca từ chị sáng tác (không phải phổ thơ) chưa đạt tới phong vị thiền. Nên nhạc của Cù Lệ Duyên càng không thể chạm tới mật khúc, khúc nhạc huyễn ảo của thần thức trùng hằng giữa ngàn luân, nhạc mà không nhạc, không nhạc mà vang ngân lộng lẫy nhạc tính, vọng và phiêu khắp cõi thần linh. Vậy nét nhạc của Cù Lệ Duyên là gì, chất nhạc của Cù Lệ Duyên là gì?

Có lẽ mỗi bản nhạc của Cù Lệ Duyên là một hạt tràng, bật hiện những đường vân của tâm cảm khi chúng được ngân lên. Xâu chuỗi những hạt tràng đó sẽ kết thành một chuỗi vòng tràng hạt, đẹp vân vi. Hoặc tập hợp các ca khúc của Cù Lệ Duyên lại, sẽ được giọt mật âm của Hương thiên, ngưng đọng trong cánh sen giữa trời, non, nước Hương sơn.

Từ Hương mộc miên, cho đến Cung đàn Hương sơn, rồi khi là Mẹ Quán Âm, lúc là Hương sơn ca,Hương Sơn ngày về, rồi Chiều Hương sơn, hoặc là Tháng ba Hương sơn, Ai về Hương tích, và Hào khí Hương thiên… những nét phiêu sắc của Nam thiên đệ nhất động cô đọng vào từng nốt nhạc ngọt ngào của Lệ Duyên thành giọt mật âm. Giọt mật âm đó có sánh đặc với thời luân không? Có đượm thấm vào đời sống nhiều áp lực và vội vã không? Hay sẽ tan biến vào hư thinh sau những biến thiên của trùng hằng? Cho dù các nhạc phẩm có bay theo cánh Oanh ngàn thì mỗi nốt nhạc cũng đã kịp hóa thân thành một lời niệm Tịnh độ rồi.

Quy y Tam bảo khi đi lễ chùa, được Thầy đặt cho pháp danh là Diệu Thiện. Nhạc Phật trong Cù Lệ Duyên là cái bản thức bấy lâu chưa được khơi mạch. Khi ngọn gió của Phật uyển âm nhạc chạm tới thì năng lượng của cái bản thức ấy mới được tuôn trào. Một loạt các Hương khúc được ra đời từ đó, có những thời điểm, chỉ trong một tuần lễ chị đã sáng tác được liền 10 bài hát.

Đêm Khánh đản. Lung linh hoa đăng trên dòng Yến vĩ. Lung linh nến trên sân Thiên Trù, lấp lóa đèn flash smartphone trên tay những Phật tử. Sân khấu là khoảng trước nhà gác chuông Thiên Trù. Tôi nhớ lễ ra mắt DVD Hương sơn ca vol 3 đã diễn ra trong một không gian mặc huyền như thế. Đó cũng chính là điểm nhấn của lễ hội chùa Hương năm ấy, mùa xuân Quý Tỵ 2013. Sau bao ngày vất vả, ê-kíp dựng đĩa nhạc, bằng tấm lòng hướng Phật đã hoàn thành DVD này để dâng lên chư Bồ-tát nhân ngày Vía của Ngài. Và giọt mật âm đã bay lên giữa trời Hương thiên như thế…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.