GN - Giới đàn là sự kiện quan trọng và thiêng liêng trong sinh hoạt của Phật giáo. Đây là hoạt động Tăng đoàn đặc thù, được tổ chức để truyền trao giới pháp cho người xuất gia, với nhiều quy định hết sức chặt chẽ trong Luật tạng.
Một người xuất gia dù theo truyền thống, hệ phái nào, sau thời gian tập sự và được hướng dẫn các oai nghi - những ứng xử theo quy củ thiền môn, học tập những nội dung thiết yếu về kinh, luật và luận, được thầy bổn sư chấp thuận giới thiệu dự tuyển thọ giới khi có các giới đàn hoặc đại giới đàn được tổ chức.
Giới tử cần cầu giới pháp - Ảnh: Bảo Toàn
Thọ giới là một cột mốc quan trọng trong đời sống của người xuất gia, khác với sự thăng tiến về địa vị xã hội của người thế tục, người xuất gia lấy việc thọ giới làm cột mốc trong lộ trình hướng thượng, giải thoát và an lạc cho tự thân, Tăng đoàn và cho môi trường sống.
Chánh kiến, tịnh giới và oai nghi là ba yếu tố làm nên nhân cách của người xuất gia, người tu sĩ Phật giáo. Như cái kiềng ba chân mới đứng vững, người tu sĩ Phật giáo một cách đúng nghĩa không thể thiếu một trong ba yếu tố trên.
Cần có nhận thức đúng về Phật pháp, phát tâm thọ giới và giữ giới đã thọ, có những ứng xử phù hợp với người xuất gia trong mọi hoàn cảnh, sống giản dị, tri túc và không dính mắc vào các tiện ích giữa đời. Khi ý thức và nỗ lực sống như vậy, chắc chắn sự an lạc sẽ có mặt, như khi ngọn đèn được thắp lên thì bóng tối tự biến đi.
Với ý nghĩa đó, trong lịch sử Phật giáo, giới đàn luôn được duy trì một cách liên tục, lúc nào giới đàn còn được tổ chức, giới tử còn phát tâm cầu thọ giới để tu tập, còn có các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni giữ gìn giới đã thọ thì lúc đó Phật pháp còn hiện hữu.
Trong bối cảnh mới của đất nước sau ngày hòa bình và thống nhất, tại Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức ở chùa Quán Sứ (Hà Nội, năm 1981), vấn đề người xuất gia thừa kế Phật pháp cũng đã được chính Đức Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận đặt ra trước lời thỉnh cầu suy tôn ngài vào ngôi vị Đệ nhất Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Hai năm sau khi Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh thành lập, năm 1984 Thành hội Phật giáo đã tổ chức thành tựu Đại giới đàn tôn hiệu Trí Thủ. Từ đó đến nay, đều đặn vài năm một lần, Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo thành phố đã tổ chức được 11 kỳ Đại giới đàn, truyền giới cho hàng ngàn giới tử xuất gia không chỉ tu học tại thành phố mà còn từ nhiều tỉnh thành khác đến cầu thọ giới pháp.
Gần đây, Phật giáo thành phố cũng đi đầu trong việc tôn trọng tính biệt truyền của hệ phái, đặc biệt đối với sinh hoạt truyền giới, như tinh thần Hiến chương của Giáo hội đã khẳng định tại lời nói đầu: …“tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp”, trong đó truyền giới là một nét truyền thống được xem là quan trọng và đặc thù.
Và trong Đại giới đàn Trí Đức sắp tới đây, sau những nghi thức hành chánh tập trung thể hiện sự thống nhất về tổ chức, giới tử được trở về 8 giới trường được phân bố theo giới phẩm và hệ phái để được đăng đàn truyền giới.
Thích Tâm Hải