Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 23 đến ngày 28-4-2015 (ngày 5 đến ngày 10-3-Ất Mùi) với nhiều hoạt động phong phú, kéo dài từ trung tâm TP.Việt Trì lên tới Khu di tích lịch sử Đền Hùng...
Tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ tế giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ |
Từ lâu, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày giỗ trọng của cả dân tộc, in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người con đất Việt. Truyền thống thờ Vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình người Việt, được xem như một tín ngưỡng sâu sắc có từ lâu đời. Hàng loạt di chỉ khảo cổ học được phát hiện và khai quật với nhiều di vật vừa đa dạng, phong phú, vừa rất lớn về số lượng, đã minh chứng cho một thời kỳ lịch sử của thời đại Hùng Vương từ mấy ngàn năm về trước.
Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương
Ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Chủ tịch Hội sử học Phú Thọ nhận định, việc chọn đất đóng đô đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của các vua Hùng. Đây là một nơi đắc địa, nằm giữa sông Hồng và sông Lô chảy qua, tạo nên một vùng đất màu mỡ, rất thuận lợi cho việc canh tác; đồng thời như những con hào thiên nhiên che chắn, bảo vệ. Xa xa nhìn về hướng đông có dãy núi Tam Đảo án ngữ tựa như Thanh Long; phía Tây có ngọn núi Ba Vì cao ngất tựa như Bạch Hổ, ở vào thế "sơn chầu, thủy tụ", vùng đất địa linh.
Chính vì vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên như vậy, nên Việt Trì đã trở thành địa bàn cư trú tập trung của người Việt cổ và là nơi các vua Hùng chọn làm trung tâm chính trị của nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Thời Hùng Vương chỉ tồn tại qua 18 đời, đến đời Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán. Thục Phán lên ngôi xưng là An Dương Vương, đổi tên nước thành Âu Lạc và dời đô về Cổ Loa. Để tri ân những người đã có công dựng nước, An Dương Vương đã lập miếu thờ các vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, nơi các vua Hùng thường lên đây làm lễ tế trời đất. Tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, An Dương Vương còn dựng cột đá thề, nguyện bảo vệ giang sơn mà các vua Hùng trao lại và đời đời hương khói tổ tiên. Về sau, nhân dân ta cảm kích công lao trời biển của các vua Hùng, nên đã lập các đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh để tỏ lòng tôn kính các bậc tiền nhân có công dựng nước.
"Ngày nay, khu di tích lịch sử Đền Hùng được Nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại", ông Khôi cho biết.
Cứ mỗi mùa Giỗ Quốc Tổ, hàng triệu du khách thập phương lại trở về Khu di tích Đền Hùng, để chiêm bái những điểm di tích linh thiêng. Điểm dừng chân đầu tiên của du khách trong hành trình là đền mẫu Âu Cơ - nơi thờ Mẹ Âu Cơ, được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.
Ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính Nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc.
Du khách hành hương về giỗ tổ Hùng Vương |
Rời Đền mẫu Âu Cơ du khách đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Hùng thuộc xã Hy Cương (TP.Việt Trì) gồm 4 điểm tham quan chính là đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim, đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, bảo tàng Hùng Vương và đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh.
Khu vực núi Hùng là nơi thờ thần núi và thờ các Vua Hùng gồm: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng và ngôi chùa có tên gọi Thiên Quang thiền tự xây dựng để thờ Phật theo phái Đại thừa. Điểm đến cuối cùng là làng cổ Hùng Lô, đình cổ Hùng Lô - quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu trên vùng đất Tổ, niên đại trên 300 năm.
Nhiều hoạt động phong phú
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng BTC Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 cho biết: “Năm nay là năm lẻ cho nên Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì cùng với sự tham gia của 5 tỉnh: Sơn La, Phú Yên, Đắc Nông, Tiền Giang và Bạc Liêu.
Cùng với ý nghĩa tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay còn khẳng định những nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên quê hương Đất Tổ, tôn vinh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản hát Xoan Phú Thọ đang đề nghị ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp”.
Theo đó, mùa lễ hội đền Hùng năm nay, bên cạnh phần nghi lễ, có rất nhiều hoạt động bên lề được tổ chức. Đó là, giải thể thao quần chúng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi (2015).
Tham gia giải năm nay có đoàn vận động viên (VĐV) của 13 huyện, thị, thành; các ngành, đơn vị: Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh..., thi đấu 4 môn thể thao là bóng chuyền nam, bắn nỏ nam, nữ, vật dân tộc nam và cờ tướng nam (dành cho các VĐV trong và ngoài tỉnh).
Tại Quảng trường Hùng Vương, TP.Việt Trì, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công thương tổ chức khai mạc Hội chợ Hùng Vương năm 2015. Đây là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, năng lực sản xuất kinh doanh, sản phẩm và thương hiệu có thế mạnh của mình; đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư, ký kết các hợp đồng thương mại và bán các sản phẩm cho người tiêu dùng.
Hội chợ năm nay có quy mô trên 350 gian hàng của gần 180 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Các mặt hàng tại hội chợ khá phong phú và đa dạng như hàng thủ công mỹ nghệ; sản phẩm làng nghề; hàng tiêu dùng và đồ gia dụng; nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, trang trí nội ngoại thất, điện, điện tử; hàng may mặc, thời trang; nông lâm thủy sản; thực phẩm chế biến; sản phẩm cơ khí, máy móc phục vụ nông nghiệp và cơ giới hóa nông thôn...
Tối 23-4 (mùng 5-3-Ất Mùi), tại Bảo tàng Hùng Vương (TP.Việt Trì), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đắk Nông hướng về đất Tổ”.
Được biết, để đảm bảo an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội, Công an tỉnh đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm túc trực làm nhiệm vụ. Công an tỉnh cũng đã xây dựng các phương án, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các loại tội phạm cũng như tà đạo trái phép hoạt động.
Công an tỉnh đã hoàn thành xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phương án phân luồng từ xa, đảm bảo duy trì trật tự an toàn, chống ùn tắc, tai nạn giao thông các tuyến đường giao thông trong khu vực Khu di tích lịch sử đền Hùng, TP.Việt Trì, các khu vực lân cận. Công an tỉnh đã triển khai lắp đặt hoàn thiện hệ thống camera giám sát an ninh tại khu vực đền Hùng, TP.Việt Trì và các điểm quan trọng phục vụ công tác bảo vệ...
"Âm vang nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương" Tối 25-4-2015 (mùng 7-3-Ất Mùi), tại Quảng trường Hùng Vương, Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 đã tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Âm vang nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương".
Chương trình gồm 3 phần với trên 200 nghệ sĩ tham gia, trong đó có nhiều nghệ nhân dân gian và nhân dân của tỉnh Phú Thọ trình diễn những tiết mục đặc sắc, ca ngợi công đức của Vua Hùng, đồng thời ca ngợi tinh thần đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Chương I với tựa đề "Linh thiêng một cõi Tiên Rồng" thể hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn bền bỉ được trao truyền cho các thế hệ, hun đúc tâm hồn, ý chí của cả dân tộc, tạo nên sức mạnh, khẳng định sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Chương II với tựa đề "Câu hát quê tôi" thể hiện sự hội tụ của giá trị văn hoá trên mảnh đất thiêng từ nhiều đời nay, đặc biệt là di sản hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Chương 3 với tựa đề "Cung đàn Đất Việt" thể hiện Phú Thọ là chiếc nôi văn hoá cội nguồn của dân tộc. Chương trình nghệ thuật "Âm vang nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương" để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân đất Việt; chuyển tải được nội dung, ý nghĩa nhằm giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa dân gian độc đáo của Đất Tổ Hùng Vương, nơi sản sinh ra di sản văn hóa phi vật thể “hát xoan” và “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các giá trị văn hóa phi vật thể thời kỳ Hùng Vương. Ngay sau chương trình nghệ thuật là màn trình diễn pháo hoa tầm cao đặc sắc phục vụ nhân dân và du khách. |
Chu Minh Khôi