GN - Tôi đến nhà chị Hương Khả rất nhiều lần, nhưng chưa khi nào nghĩ là cô bé Hồng Giang, cháu nội của chị đi xuất gia. Bẵng đi một thời gian tôi không đến nhà chị, nay ghé nhà thăm, được chị báo tin Hồng Giang đã thế phát xuất gia.
Hồng Giang có khuôn mặt rất phúc hậu và thông minh. Cô bé rất ngoan và chăm chỉ, với lứa tuổi mười bốn, mười lăm thường hay đua đòi chưng diện thời trang này nọ, nhưng cô bé thì không, ăn mặc rất giản dị và kín đáo nết na. Không biết phải dùng ngôn từ gì để diễn tả một cô bé hiếu thảo với ông bà bố mẹ, một học sinh lớp 8, học giỏi, hạnh kiểm tốt.
Quý sư cô làm lễ thế phát cho Hồng Giang - tiểu Thọ Nhiên - Ảnh: Gia đình cung cấp
Tuy hơi bất ngờ nhưng có thể lý giải được trường hợp này theo cách nghĩ của riêng tôi. Ông bà nội (tức anh chị Hương Khả) là cặp vợ chồng Phật tử gạo cội “biên chế” của đạo tràng Pháp Hoa này. Anh Khả thì đánh mõ, chị đánh chuông kiêm luôn chức vụ trưởng bếp, cánh tay phải của Sư cô Thánh Viên, trụ trì tịnh thất Viên Quang.
Còn anh Tốp, bố của Hồng Giang, thay chị Hương (mẹ của anh Tốp) đánh chuông mỗi khi chị Hương bận điều khiển sau bếp ăn. Mẹ của Hồng Giang cũng là một Phật tử thuộc đạo tràng này.
Cô bé Hồng Giang được nuôi dưỡng trong một gia đình như thế thì hỏi sao cô bé không nở nụ mầm đạo hạnh được.
Chị Hương kể rằng, cô bé Hồng Giang chỉ được ông bà nội Khả Hương dắt đi chùa thỉnh thoảng thôi, chủ yếu để cho cháu tập trung vào việc học tập là chính. Trong mùa an cư kiết hạ năm này, vì gặp dịp cô bé nghỉ hè, ông bà nội cho Hồng Giang đi chùa, được đi kinh hành, tụng kinh, quá đường, ăn cơm chánh niệm và cái duyên tu đã đến với Hồng Giang.
Chị Hương hơi ngạc nhiên khi Hồng Giang nói lên nguyện vọng xuất gia, trong lòng chị rất buồn thương nếu để cháu thoát ly đi tu, nhưng mặt khác chị cũng rất muốn để cháu đi; hai cái buồn thương đi và ở đã giằng xé chị Hương nhiều đêm trước khi quyết định đồng ý để cho đứa cháu gái bé bỏng rất quý của mình cát ái ly gia “tam y nhất bát”, nguyện sống đời tu sĩ xa nhà.
Chị rơi nước mắt nhiều đêm, nhưng không dám để lộ ra cho Hồng Giang thấy khi cháu hỏi: “Cháu đi xuất gia bà nội có buồn không?”. Chị Hương cố diễn một vẻ mặt thật tươi để làm an lòng cháu: “Bà nội vui lắm! Bà chỉ sợ Hồng Giang nhớ nhà, lên ở vài hôm lại muốn về…”.
Cô bé Hồng Giang hồn nhiên ôm bà nội rồi nói khẽ vào tai bà: “Cháu không nhớ nhà đâu, bà nội đừng lo!”.
Sau lễ Vu lan 2012, cô bé Hồng Giang được ông bà nội, ba mẹ làm một buổi lễ ở nhà, kính báo với tổ tiên, và toàn thể gia đình cho cháu được lên ở chùa thử thách ba tháng làm công quả.
Sau ba tháng thử thách, cô bé Hồng Giang đã được chính thức làm lễ thế phát. Hồng Giang đã có một cái tên đạo mới là Thọ Nhiên. Tiểu Thọ Nhiên đã lạy sống ông bà nội, bố mẹ; trước sự chứng kiến của đạo tràng khoảng 50 người.
Sư cô đã ghi nhận lời thề trong bản tác bạch của tiểu Thọ Nhiên đầy xúc động và thành kính. Hình ảnh tiểu Thọ Nhiên thật là dõng mãnh khi sư phụ, người thầy, người cha mới trong gia đình đạo, cầm cái kéo, đọc một lời thế phát thì cắt một lọn tóc; nhìn suối tóc mây dài khoảng tám tấc, đen bóng, đã được cắt đi trong ảnh, tôi thấy tim mình nhói lên một âm điệu xúc động yêu thương vô vàn. Một giờ thế phát linh thiêng và mầu nhiệm biết bao!
Phật tử Tâm Thi - Trương Văn Phong, là bạn tu với ông bà nội Hương Khả, dù đã chuyển vô TP.HCM, nhưng vẫn dõi theo câu chuyện của tiểu Thọ Nhiên. Khi xem toàn bộ hình ảnh buổi lễ thế phát này, anh Phong đã xúc động viết một mạch hai bài thơ xuất phát từ đáy sâu cảm xúc chân thật của mình. Xin được trích đăng một bài:
Cảm ơn em trong giờ thế phát
Đã cho tôi khoảnh khắc diệu kỳ
Tôi quán niệm đếm từng hơi thở
Thấy em về giữa buổi tinh khôi
Mắt thanh thoát đèn trời rực sáng
Môi mỉm cười hoa nở mùa xuân
Bờ mi mẹ ái ân trần thế
Giọt nào buồn gởi lại sợi thương...
Hơn hai tháng sau ngày thế phát, tiểu Thọ Nhiên đã bắt đầu thấm tương chao kinh kệ. Tiểu đang học lớp 9, con đường tu tập còn rất dài ở phía trước. Tôi cầu mong cho tiểu Thọ Nhiên sẽ vượt qua được chướng ngại để về bến giác đúng như ý nguyện của tiểu.
Lê Đàn