Gieo trồng & tưới tẩm hạt giống Bồ-đề

GN Xuân - Gieo trồng và tưới tẩm hạt giống Bồ-đề, lúc mới vào đạo, tôi nghĩ việc đó đơn giản và chắc là kết quả gặt hái được còn xa; nhưng trái lại, theo kinh nghiệm của tôi, đó là việc làm vô cùng quan trọng và rất cần thiết có khi mang đến sự lợi lạc tức thì, hay thời gian dài ngắn tùy duyên trên bước đường người đệ tử Phật nỗ lực vượt qua năm trăm do-tuần đường hiểm để đến Bảo sở.

BTN_0078.JPG

Ảnh: Yên Hà

Thật vậy, ở tuổi ấu thơ, tôi đã được mẹ dạy tụng kinh hàng ngày, nhưng dĩ nhiên với đứa con nít, lúc đó tôi đọc kinh chỉ vì làm theo lời mẹ, chứ không phải tự nguyện và đọc thì đọc, chẳng hiểu nghĩa lý của kinh gì cả. Nhưng không ngờ, việc đọc kinh một cách vô thức đã gieo vào tâm trí tôi những hạt giống Bồ-đề mà sau hai mươi năm, mầm Bồ-đề này đã mang đến những tác dụng phi thường, đã giúp tôi và cả gia đình thoát khỏi khủng hoảng. Mầm Bồ-đề gieo trồng từ thuở ấu thơ nay gặp nghịch duyên bỗng thúc giục tôi tìm đọc kinh Phật và gặp được vị Tôn sư giáo dưỡng giới thân huệ mạng, từ đó tìm được suối nguồn an lạc cho mình và gia đình, dù bên ngoài thất điên bát đảo.

Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, những hạt mầm Bồ-đề an nhiên trỗi dậy mãnh liệt, vươn những cánh tay ấm áp dắt dẫn tôi vào ngôi nhà Pháp Hoa. Từng ngày, từng ngày, tôi công quả với niềm an lạc vô biên. Câu kinh tiếng kệ cùng đạo tràng, hay được trầm mình trong pháp âm vi diệu của Tôn sư trên vạn nẻo đường, cùng những việc thiện nguyện theo chân Tôn sư đến những vùng xa, tất cả đã gieo trồng thêm những hạt giống Bồ-đề bé bỏng trong tâm thức tôi cũng như tưới tẩm các mầm Bồ-đề có từ trước trong kho A-lại-da được lớn mạnh hơn, vững chãi  hơn. Thật vui khi hình dung ra sự hiện diện của nhiều hạt giống Bồ-đề lớn nhỏ trong kho tư lương, nhưng cũng thật ngán sợ khi nhận thấy trong cái nhà kho A-lại-da của mình có quá nhiều những anh xấu ác, bất thiện, phiền não đang chồng chất đè lên các chú Bồ-đề ít ỏi, lại bé nhỏ, yếu ớt. Một cuộc thử thách đầy cam go, không cân sức chút nào.

Quả thật, theo Duy thức học, trong năm mươi mốt tâm sở thì đạo quân xấu ác chiếm hơn phân nửa, có đến 26 tên được gọi là sáu căn bản phiền não dụ cho các gian thần và 20 tùy phiền não tâm sở dụ cho các quan lại tham ô. Trong khi thiện tâm sở chỉ có 11 người dụ như các vị công thần. Đâu phải chúng ta mới hiện hữu trong kiếp này, mà kiếp trước và nhiều kiếp trước, hay đúng hơn là từ vô thủy kiếp, thì thử nghĩ những hạt giống xấu ác đã chất chứa trong sáu đường sanh tử chắc chắn là đầy ắp chật nghẹt cái kho A-lại-da rồi. Và cả một khối vạn tỷ tấn hạt giống xấu ác đó hẳn đã đè bẹp các hạt giống thiện lành đến nghẹt thở. Biết như vậy thì hiểu được tại sao Đức Phật dạy rằng phải trải qua thời gian dài lâu đến ba a-tăng-kỳ kiếp tiến tu Bồ-tát hạnh mới thành tựu quả vị Toàn giác.

Rõ ràng một cuộc đọ sức giữa thiện và ác không cân bằng chứ còn gì. Thế nhưng, may mắn thay, kỳ diệu thay, những hạt mầm Bồ-đề một khi đã gieo trồng thì đến khi gặp duyên, sẽ vươn lên mạnh mẽ, thúc đẩy người con Phật có được chánh niệm, tỉnh giác và sống tốt đẹp. Còn nếu suy xét theo thế gian, sẽ nghĩ rằng những tên giặc phiền não đông đảo như vậy dư sức đè chết những chú hạt giống Bồ-đề ít ỏi. Nhưng không, hạt giống Bồ-đề không chết, vẫn mãi xanh tươi đầy nhựa sống để đến khi hội đủ duyên, được sự tác động nào đó, chẳng hạn như gặp được vị chân tu, nghe được lời dạy của vị cao đức, hoặc chỉ nhìn thấy tôn dung của các vị tu hành giải thoát, hay đọc được một lời khai thị, thậm chí gặp phải nghịch cảnh cũng giúp hành giả tỉnh ngộ, không bị khổ đau gặm nhấm và bước xa hơn vào thế giới trầm mặc, an lạc. Đó chính là kinh nghiệm mà tôi muốn được chia sẻ với các thiện hữu tri thức.

Năm xưa, Hòa thượng Tôn sư đã dạy chúng tôi Quy Sơn cảnh sách.  Lớp học chưa đến mười người, ấm cúng tình thầy trò. Với tấm lòng từ bi, ngài giảng cho chúng tôi từng câu, từng chữ, từng ý nghĩa. Chẳng bao lâu, học xong cả quyển, ngài bảo chúng tôi thi, bốc thăm trúng đoạn nào thì phải đọc thuộc lòng đoạn đó và giải nghĩa. Rõ ràng như có sự sắp đặt vô hình nào đó, khiến tôi đã bắt trúng đề thi chỉ một câu thôi, đó là câu: “Đản tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân”. Dĩ nhiên tôi giải thích được nghĩa câu đó, nhưng lúc bấy giờ, tôi chỉ hiểu được ý nghĩa của Tổ Quy Sơn dạy trên văn tự, còn phần áp dụng yếu nghĩa vào cuộc sống của mình thì còn khoảng cách  lớn lắm.

Tuy nhiên, mầu nhiệm thay, hạt giống Bồ-đề khi đã được gieo vào tâm mình thì không bao giờ mất, hơn ba mươi năm sau, câu Tổ dạy: “Đản tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân” đã bộc phát trong tâm thức tôi một cách tự động, giúp tôi bình tâm trở lại. Vâng, Quy Sơn cảnh sách văn của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu đã ra đời từ hơn ngàn năm, nhưng vẫn còn được truyền tụng, vì nội dung rất sâu sắc. Trong đó có một câu ngài  dạy mà tôi tâm đắc: “Đản tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân”, nghĩa là tâm không đắm nhiễm nơi vật thì vật cũng không làm trở ngại được người. Thực tế về phần vật chất, khi tuổi già, sức yếu, không thể không nhờ người khác giúp; nhưng về đời sống nội tâm thì người đệ tử Phật chỉ nương tựa vào Phật, vào Bồ-tát, Hiền Thánh Tăng, vào giáo pháp, vào lời giảng dạy cao quý của các Ngài.  Không vướng mắc với tình cảm vui buồn thương ghét thì nó chỉ là gió thoảng mây bay. Suốt cả ngày và mấy ngày sau, lời dạy của Tổ Quy Sơn “Đản tình bất phụ vật…” vẫn luôn văng vẳng trong tôi.

Lòng thấy bình yên lạ, xuân nhẹ bước bên mình. Mong rằng nhiều hạt mầm Bồ-đề được chăm chút, tưới tẩm, sẽ tạo thành mùa xuân nho nhỏ trong cuộc sống này, dù chỉ là xuân sanh diệt ở cõi hồng trần cũng ít nhiều dẹp tan được những cơn bão lòng, để rồi một ngày không xa, tâm trí lắng yên như vào Thiền định, bấy giờ Đức Phật Di Đà và Thánh chúng phóng quang tiếp độ. Vườn xuân vĩnh hằng bất tử của thế giới Cực Lạc ngời sáng mở ra chào đón hành giả hữu duyên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.