a) Giờ sinh hoạt chung (Asembly Morning): Ở hầu hết các trường tại Ấn Độ, trong chương trình học có ‘giờ sinh hoạt chung’. Ở đây, tôi chỉ nói về ‘giờ sinh hoạt chung’ ở trường tiểu học. Thời gian cho giờ sinh hoạt này thường là nửa tiếng, đầu mỗi buổi sáng trước khi vào lớp học. Cả thầy cô và học sinh toàn trường đều phải tham dự đông đủ tại hội trường chính. Người dân Ấn Độ hầu hết đều theo Ấn giáo giáo nên họ có nghi lễ tôn giáo ngắn gọn trước khi vào sinh hoạt. Tiếp theo là thời gian tĩnh tâm 5 phút, đứng yên lặng hít thở đều trong chánh niệm. Tiếp theo đó là mục đọc báo. Mỗi ngày một học sinh, luân phiên nhau đọc một bài báo có nội dung về giáo dục đạo đức, thường là những bài về gương tốt của bạn bè cùng lứa tuổi (có một thầy hoặc cô phụ trách việc chọn bài để đọc). Sau đó, các em thảo luận về nội dung bài báo ấy, có một thầy hoặc cô (luân phiên nhau) điều khiển chương trình này. Các thầy cô giáo chủ nhiệm các lớp có thể tham dự tự nguyện, nhưng không bắt buộc. Sau khi kết thúc tiết sinh hoạt, các em về lớp chuẩn bị cho tiết học đầu tiên.
Các em rất năng động và chủ động tham gia chương trình này. Thầy cô hoàn toàn không làm thay, không đạo diễn theo kiểu “thành tích” mà ta thường thấy ở các tiết dự giờ ở trường học Việt Nam.
b) Truyện tranh về “Kinh bổn sanh” (Jātaka), truyện về chư Đại đệ tử Đức Phật và các vua hộ trì Phật pháp: Một điều đáng ngạc nhiên là hầu hết các thư viện trường tiểu học ở Ấn Độ có bộ sưu tập các truyện tranh trích ra từ các câu chuyện trong kinh Bổn sanh, truyện kể về chư Đại đệ tử Đức Phật và truyện về các triều đại vua, trong đó có các vua hộ trì Phật pháp. Nhà xuất bản India Book House đã khéo chuyển hầu hết các câu chuyện trong số 547 câu chuyện về tiền thân Đức Phật (Jātaka) (tập thứ 10 của kinh Tiểu bộ) thành thể truyện tranh với các hình minh họa sinh động, vô cùng lôi cuốn tuổi trẻ. Mỗi tập là một hoặc hai câu chuyện ngắn trong đó các nhân vật là động vật (tiền thân của Đức Phật), chứa đựng ý nghĩa giáo dục nhân văn, xã hội rất cao. Mỗi câu chuyện là một bài pháp sống động về nhân quả nghiệp báo, về lòng từ, về công lý, trí tuệ thể hiện trong cách giải quyết vấn đề hợp lý mà ở lời nói đầu một số tập, người biên tập dùng các thuật ngữ Phật giáo như chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp… để giới thiệu sơ lược nội dung tập sách. Ngoài các “câu chuyện tiền thân”, một số vua hộ trì Phật pháp như A Dục, Bình Sa Vương, vua A Xà Thế và các Đại đệ tử Đức Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Vô Não… cũng được viết dưới dạng truyện tranh. Như vậy, cùng với các loại truyện tranh khác, “Jātaka Tales” được trẻ em Ấn Độ ưa thích chẳng khác nào truyện “Cô tiên xanh” hay “Nữ thần Ai Cập” ở Việt Nam, thậm chí còn hơn thế nữa.
c) Các khóa thiền minh sát Vipassana dành cho trẻ em: Ở Ấn Độ, thiền quán niệm hơi thở và cảm thọ theo truyền thống Vipassana do ngài Goenka sáng lập và chủ trương được phổ biến rộng rãi trong xã hội như nhà tù, trường học, một số các cơ quan nhà nước bên cạnh các trung tâm thiền cố định tổ chức liên tục các khóa tu. Với trẻ em, các khóa thực hành thiền này là quán sát, chú tâm và ý thức vào hơi thở. Có khi Ban giám hiệu trường đăng ký với trung tâm thiền gần trường và bố trí để các em đến thực hành tại trung tâm, cũng có trường chọn cách tổ chức ngay tại trường học và mời các chuyên gia từ trung tâm thiền về hướng dẫn. Với trẻ em cấp 1, 2 thì mỗi khóa thực hành kéo dài 2 ngày là phổ biến nhất. Cũng có những khóa thực hành thiền dành cho trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật nữa.
Một số nghiên cứu tiến hành với trẻ em thực hành thiền cho kết quả rằng, sau những khóa thực hành thiền thế này, các em tiến bộ vượt bậc các kỹ năng như chú ý tốt hơn, làm chủ cảm xúc tốt hơn, cảm nhận bản thân và cuộc sống nhanh nhạy và chính xác hơn và kết quả học tập tốt hơn so với lúc em chưa tham gia khóa thực hành thiền. Như vậy, thiền chú tâm hơi thở này hỗ trợ tích cực cho quá trình giáo dục, trong đó có giáo dục đạo đức.
Thay lời kết: vài điều trăn trở
Tôi không có ý định “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, không dám so sánh gì giữa giáo dục tiểu học Ấn Độ với giáo dục ở Việt Nam khi đưa ra một số hoạt động mang tính giáo dục đạo đức ở các trường tiểu học Ấn Độ mà tôi có dịp tiếp xúc. Tất nhiên, mỗi một địa phương có những điều kiện nhất định và giáo dục cần phù hợp với những điều kiện thực tế ấy. Tuy nhiên, tôi không khỏi chạnh lòng, nghĩ tại sao Ấn Độ không có chủ trương truyền bá Phật giáo vẫn biết sử dụng nguồn tư liệu Phật giáo để giáo dục đạo đức cho trẻ em, còn mình có ngọc chỉ để buộc chéo áo rồi chịu nghèo hèn của một cùng tử? Điều trăn trở tôi muốn gởi gắm vào đây là từ những gì tôi vừa trình bày. Chúng ta, những người cùng chia sẻ trách nhiệm giáo dục đạo đức cho xã hội, có một định hướng gì đó để đạo Phật đi vào cuộc đời một cách thiết thực hơn bên cạnh những điều chúng ta đã và đang phát huy.
Ngoài các pháp hội Phật tử trực tiếp nghe pháp, còn có kinh, sách, băng cassette, CD, video… thế là chúng ta có khá nhiều món ăn tinh thần cho người trưởng thành, dù rằng người lớn tự biết tìm cho mình những món ăn ấy tùy vào điều kiện thực tế của mỗi người. Nhìn lại, chúng ta chưa cung cấp nhiều món ăn như thế cho trẻ em. Thiết nghĩ rằng giáo dục đạo đức cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của chúng ta, những người trên địa hạt tôn giáo. Chúng ta chưa đặt trọng tâm đúng mức vào vấn đề này hay có những khó khăn khách quan nào đó, vẫn còn là vấn đề trăn trở của nhiều người.
Bình luận