GNO - Cô Chodron - cư dân Lhasa đã có mặt trong danh sách chờ cho một bộ kinh in bằng mộc bản từ tu viện địa phương của mình trong 1 năm qua, và cô sẽ cần phải chờ thêm 2 năm nữa trước khi nhận được bản kinh tuyệt đẹp này.
Kinh điển là những văn bản được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo. Kinh văn truyền thống, được in bằng tay trên giấy với các khối gỗ được chạm khắc, đặc biệt được đánh giá cao về khả năng chống lại sự phai mờ.
Trước đây kinh mộc bản chỉ dành cho những người giàu có và quý tộc nhưng ngày nay nhu cầu về các bộ kinh được chế tác thủ công một cách sinh động đã tăng vọt.
Công việc sửa kinh mộc bản được tiến hành tại
tu viện Meru trong tháng 8 qua - Ảnh: Jigme Dorje/Xinhua
Thợ thủ công lành nghề trong việc tạo tác các bộ kinh khắc gỗ tốn nhiều thời gian đang đấu tranh để giữ vững truyền thống với sự hỗ trợ của chính phủ cho việc đào tạo nhiều thợ in hơn và xây dựng thêm các nhà xưởng.
"Sự ưa chuộng của người dân đối với bản in khắc gỗ một phần nằm ở thực tế kinh mộc bản có thể kéo dài hơn 500 năm, trong khi bản in offset sẽ mờ dần sau 100 đến 200 năm", Nyima, phó giám đốc Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc chi nhánh Tây Tạng cho biết.
Chodron đã đặt hàng bản kinh từ nhà in 400 tuổi của tu viện Meru, nhà sản xuất kinh khắc gỗ lớn nhất ở Tây Tạng. Nhưng nhà sản xuất chỉ có thể phát hành khoảng 700 bộ kinh mỗi năm, trong đó có 600 bản kinh Bát-nhã, một tác phẩm đặc biệt với khoảng 100.000 dòng.
Tây Tạng có khoảng 60 nhà in kinh truyền thống, đang cố gắng để cung cấp cho hơn 46.000 Tăng Ni tại hơn 1.700 ngôi chùa, cũng như vô số Phật tử khác ở Tây Tạng. Cũng nằm trong danh sách chờ của tu viện Meru là các quốc gia và cá nhân nước ngoài.
Hoa Kỳ và Pháp đã đặt thỉnh một số kinh cho các thư viện.
Để giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, chính quyền Lhasa đã phân bổ 1,3 ha đất cho một chi nhánh mới của nhà in thuộc tu viện Meru.
Hiệp hội Phật giáo Tây Tạng sẽ đầu tư hàng triệu nhân dân tệ cần thiết để xây dựng chi nhánh mới, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2020. Nhà chức trách có kế hoạch đào tạo nhiều người làm việc tại chi nhánh để rút ngắn thời gian chờ đợi.
Trong khi Tây Tạng ngày càng trở nên sung túc hơn thì càng có nhiều người có đủ khả năng thỉnh một bộ kinh khắc gỗ với giá 20.000 nhân dân tệ (3.200 USD).
Văn Công Hưng (Theo Tân Hoa)