Gia đình Phật tử: Chúng ta đang đứng đâu?

GN - Sau loạt bài Tôi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử trên trang Tuổi trẻ - báo Giác Ngộ, một huynh trưởng đang sinh hoạt và làm việc tại TP.HCM đã gửi bài chia sẻ về tòa soạn, xin giới thiệu đến quý bạn đọc.

Điểm lại những dấu son

Đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, giữa cao trào của cuộc vận động Chấn hưng Phật giáo đang trở nên cực kỳ sôi nổi trên toàn quốc, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, rồi Ban Đồng ấu Phật giáo lần lượt ra đời với công đầu của cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, để làm nơi nương tựa cho hàng thanh thiếu nhi Phật tử đang chới với giữa biến động thời cuộc. Từ những hạt mầm đầu tiên, năm 1944, Gia đình Phật Hóa Phổ ra đời tại Huế dựa trên sự hiệp nhất ba đoàn thể: Thanh niên Phật học Đức Dục, Hướng đạo Phật tử và Đồng ấu Phật giáo.

5k3.jpg


Trại huấn luyện huynh trưởng Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang
do Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT TP.HCM tổ chức tháng 7-2019 - Ảnh: N.Danh

Năm 1951, Đại hội Thống nhất Phật giáo ba miền tổ chức tại chùa Từ Đàm - Huế, danh xưng Gia đình Phật tử (GĐPT) Việt Nam lần đầu tiên vang lên hòa cùng khúc hoan ca “Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay…” Kể từ đây, GĐPT bước đi những bước chân vững chắc, với một cơ cấu tổ chức và phương thức sinh hoạt cụ thể hơn trước khi tiến tới tổ chức lần đầu Đại hội Huynh trưởng toàn quốc năm 1953.

Điểm qua những dấu mốc sơ khởi, ta có thể thấy, việc GĐPT ra đời là một phần của vận động Chấn hưng Phật giáo mà mục đích không gì khác hơn là đưa Phật giáo Việt Nam thoát ra khỏi cơn mê ngủ trong khi cuộc Âu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong xã hội đương thời. Cần nói thêm, thập niên 1930 cũng là thời điểm nền giáo dục mới ra đời và phát triển ở nước ta, từ bỏ nền cựu học với kinh điển sáo mòn theo kiểu phương Đông và đi theo lối tân học mới mẻ của phương Tây. Giáo dục mới đã góp phần đưa lối học và hành của phương Tây vào Việt Nam, để từ tiền đề đó, Hướng đạo Việt Nam, tổ chức sinh hoạt thanh thiếu nhi kiểu mới ra đời. Chính lối sinh hoạt hướng đạo là cảm hứng để các bậc tiền bối áp dụng trong việc xây dựng nên phần hoạt động thanh niên trong GĐPT.

Như vậy, có thể khẳng định, GĐPT Việt Nam ra đời là hình mẫu tiến bộ, một trong số những biểu trưng cho tính đổi mới của Phật giáo Việt Nam hiện đại. GĐPT không ra đời nhằm mục đích tạo nên những Phật tử trẻ chỉ biết “tụng kinh, gõ mõ thật giỏi để đi cầu siêu, cầu an hay cầm tràng phan đi đưa đám ma”. GĐPT ra đời là để hòa cùng ý hướng của đạo pháp, đất nước và thời đại, gầy dựng nên nguồn sinh lực và hình tướng mới để bước ra khỏi cảnh huống đau thương của dân tộc, mê man của Phật giáo nước nhà.

Nhưng ý hướng đó cũng phi thực tế nếu chỉ nằm trên chót lưỡi. Biết như vậy, lớp người khai sáng chưa bao giờ thôi dấn thân, hành động để làm cho GĐPT lớn lên. Tôi từng rất xúc động khi đọc lại những bài viết đầy ưu tư về việc phải luôn “refresh” tổ chức thanh thiếu nhi non trẻ của Hòa thượng Thích Minh Châu cùng quý anh chị tiền bối Võ Đình Cường, Hoàng Thị Kim Cúc,… trên tạp chí Viên Âm số 109-110; chúng tôi rưng rưng theo bước chân người anh cả Võ Đình Cường với hồi ký Đây Gia đình… mà chất chứa trong đó là không khí một thuở dấn thân, xây dựng; hay lời thống thiết của anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ trên tạp chí Liên Hoa về việc tìm cho ra một nền tảng lý thuyết, nhìn trực diện vào cái sai, cái yếu nhằm vượt qua những mầm mống rạn nứt, chông chênh của GĐPT vào thập niên 60 của thế kỷ trước,…

Bao trùm tất cả những điều kể trên là gì ngoài tinh thần luôn luôn tự vấn, luôn luôn đổi mới và thích nghi không ngừng với những biến chuyển xã hội của GĐPT? Vậy để nói với quý huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT Việt Nam về truyền thống suốt mấy mươi năm qua của tổ chức, có thể nói được điều gì khác hơn ngoài tinh thần luôn biết nhìn lại và tự làm mới mình?

Để cây không bị thoái hóa

Vừa qua, trong kỳ Trại huấn luyện huynh trưởng, tôi không khỏi giật mình khi được nghe một vị tôn túc cảm thán rằng: “Sinh hoạt của GĐPT hiện tại với mấy mươi năm trước mà tôi từng được thấy chẳng khác đi là bao nhiêu…!”. Giật mình bởi đó dường như là thực trạng dễ nhận thấy. Vẫn những trò chơi đó, những câu hát đó, những bài học đó, so với chương trình sinh hoạt của mấy mươi năm trước mà chúng tôi đọc được trong các tài liệu GĐPT đã ố màu thời gian. Mấy mươi năm, chúng ta không khác đi bao nhiêu, trong khi thời đại đã khác đi quá nhiều, biến đổi từng giờ phút. Nếu không nói sinh hoạt của GĐPT là lạc hậu thì có thể nói là gì? Nếu vì giữ cứng cái gọi là “truyền thống”, nề nếp hay nguyên tắc khô cứng theo một nghĩa xa lạ với tinh thần của GĐPT, thì liệu tổ chức của chúng ta có còn đúng với ý nghĩa ban đầu mà các vị tiền bối đã thực hiện, mong mỏi và gửi gắm?

Lấy một ví dụ đơn giản thế này, các anh chị huynh trưởng, người mang trách nhiệm dẫn đường, có thể từng nghe qua những thuật ngữ chỉ thế hệ như 6X, 7X, 8X, nhưng các anh chị có biết gì về những khái niệm như thế hệ X, thế hệ Y (Millenials) và nhất là thế hệ Z (Z Generation)? Nhất là Z Generation: những đoàn sinh thanh thiếu của quý anh chị là một phần của thế hệ đó; trong khi giới nghiên cứu, giáo dục trên thế giới đang rất quan tâm tìm hiểu về thế hệ khác biệt này, anh chị có hiểu các em đang nghĩ gì, cần gì hay nhận thức thế nào về thế giới xung quanh không? Chúng ta phải hiểu và rất cần hiểu, bởi các em chính là lực lượng “kế thừa chúng ta trong mai hậu” .

Tất nhiên, chúng tôi không phủ nhận những cố gắng của nhiều anh chị huynh trưởng đã và đang thực hiện bằng tâm sức của mình để làm cho GĐPT trở nên thích hợp với thời đại, tươi trẻ và năng động hơn. Quý anh chị hiểu rằng nếu cứ bám cứng lấy cái cũ, đoàn sinh thanh thiếu nhi sẽ rời bỏ chúng ta. Ở ngoài kia, các em đâu thiếu những lựa chọn. Rất nhiều phong trào thanh thiếu nhi, các chương trình sinh hoạt được tổ chức ngày càng phong phú, hấp dẫn và hợp thời. Nếu chúng ta không chịu rời bỏ cái vỏ ốc của mình, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Rất nhiều quý anh chị huynh trưởng trẻ thấy được điều đó và cố gắng để thay đổi. Nhưng một, một vài cánh én làm sao có thể làm nên mùa xuân? Tôi thiết nghĩ, đây chính là lúc tất cả chúng ta, huynh trưởng và cả đoàn sinh, phải ngồi lại với nhau để nhìn nhận những yếu kém, nghe và cất lên tiếng nói của mình để tìm ra đường hướng thay đổi thích hợp, tự làm mới để phục hồi sinh khí cần phải có trong GĐPT, một tổ chức đào luyện thanh thiếu nhi ích đời, lợi đạo theo tinh thần Phật giáo. Làm được như vậy, cũng là chúng ta đã tiếp nối được truyền thống sinh động của lớp người đi trước.

Và sau chót, tôi xin được dẫn lời của Thiền sư Nhất Hạnh đã từng gửi gắm tới quý huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT Việt Nam trong cuốn sách Đạo Phật của tuổi trẻ, để tóm lại những trình bày vụng về của mình nhưng cũng là để nêu lại một “cảnh sách” của bậc Tăng-già với tất cả chúng ta:

Khi một cái cây đã già cỗi thì chúng ta phải biết phương pháp làm cho cái cây đó mạnh mẽ trở lại. Một cái cây có thể có nhiều gốc rễ và nếu chất liệu dinh dưỡng trong lòng đất không đầy đủ thì chúng ta phải làm sao để tăng cường, để bồi dưỡng chất liệu dinh dưỡng đó? Nếu một vài cái rễ dưới đất mà tìm ra được một vùng đất mới có nhiều chất dinh dưỡng thì chính những cái rễ đó sẽ đi xa để mang dinh dưỡng về cho toàn cây và sẽ đem lại sinh lực mới cho cây. Cây là tượng trưng cho một thực tại sinh động, luôn luôn chuyển biến và lớn lên. Khi cái cây ngừng lớn là bắt đầu thoái hóa. Vì vậy ta phải làm mọi cách có thể để cho cái cây Gia đình Phật tử tiếp tục lớn mạnh, đừng để cho nó bị thoái hóa.

Cảm ơn Giác Ngộ!

Tôi xin hoan nghênh cũng như tri ân báo Giác Ngộ đã tạo nên một diễn đàn có tính chất mở để các giới trong lẫn ngoài tổ chức thanh thiếu nhi này có cơ hội được nói lên tiếng nói của mình. Đây là việc làm rất kịp thời và kịp lúc, bởi hơn bao giờ hết, Gia đình Phật tử nói riêng và Đạo pháp nói chung đang được đặt trước một khúc quanh với những nan đề mới mà ta cần thành thật và nghiêm túc nhìn nhận, luận bàn để đi tìm một hướng đi thích hợp giữa thời đại đổi thay chóng vánh.


Tâm Kiên Định


_______

* Trang Tuổi trẻ trân trọng đón nhận thêm các góp ý để phát triển tổ chức Gia đình Phật tử về chất và lượng trong thời đại ngày nay. Kính mời quý anh chị huynh trưởng, bạn đọc quan tâm gửi bài về: onlinegiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.