Nhà em có một giàn giầu (trầu). Nhà anh có một hàng cau liên phòng. Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông. Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào. Ai đó trong số những cô gái “hái lộc” từ gánh trầu của một bà lão phía trước cổng chùa lại ngẫu hứng ngâm nga mấy câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính. Bà lão đã nặng tai, không hiểu có nghe thấy gì không, chỉ thấy bà cười móm mém hồn hậu và tỏa sáng niềm vui, bàn tay run run liên tục cầm lên những nhánh trầu xanh nõn đưa hết người này, kẻ kia, đến độ có lúc bà quên khuấy nhận lấy tiền.
Trước cổng Bồ Đề thiền viện, hay trước nhiều cổng chùa lớn trong thành phố, Tết năm nào cũng vậy, đêm giao thừa người đi lễ Phật xong lũ lượt kéo ra trước cổng chùa hái lộc đầu năm. Những gánh trầu lá xanh non mởn bày ra dọc theo hai bên đường vào chùa. Người bán ở trong thành phố cũng có và ở các vùng quê xa gánh trầu về bán cũng có. Gọi là hái lộc nhưng thật chất là mua lộc. Ngày Tết nhứt chẳng mấy ai nề hà gì giá cả, vả lại năm ba ngàn để được vài nhánh trầu tươi xanh, cái lộc đầu của một năm mới thì khách mua cũng phải mở lòng ra đôi chút. Có người hào phóng còn đưa cả tờ hai chục ngàn, năm chục ngàn mới cứng mà không nhận tiền thối lại, lại càng vui vẻ xởi lởi chúc mừng nhau, mong cuộc hạnh ngộ năm mới sẽ mang tới nhiều may mắn cho tất cả.
Ăn trầu phải mở trầu ra. Vôi hồng, vôi trắng cũng ba bốn đường. Em têm trầu cánh phượng, chàng thương. Chứ còn... nhược bằng quấy quá.... thì cũng chung đường nợ duyên. Ở chỗ khuất trước cổng chùa, đôi lúc bà lão cao hứng vừa ca hò khoan vừa cầm lấy trầu đưa cho khách. Khác với những gánh trầu chen nhau đặt ngay trước lối vào ra cổng chùa, bà lão chọn cho mình một chỗ ngồi cách quãng, hơi khuất. Có thể là vì tuổi già, bà không muốn đua chen, cũng có thể bà lão thích một chỗ ngồi như thế, một chỗ ngồi mà khách muốn “hái lộc” từ gánh trầu của bà thì phải bỏ qua năm, mười gánh trầu khác để đi (hoặc chạy) tới, giống như những đứa con chạy về với mẹ. Mà lũ trẻ con theo ba mẹ dạo chơi xuân trong khuôn viên chùa thì lúc nào cũng chạy, chúng ùa tới vây quanh gánh trầu của bà lão, còn kéo theo cả ba mẹ, anh chị của mình đòi cho bằng được “hái lộc” của bà. Tôi không tin bà lão cất tiếng hò khoan như là cách “tiếp thị” hàng hóa, mà nhìn bọn trẻ chung quanh bà cười nói í ới, khiến bà lão vui thực lòng. Gương mặt, ánh mắt, nụ cười phúc hậu của bà nói với tôi điều đó. Cả việc bà có vẻ ơ thờ với tiền bạc nữa. Nhiều người mua phải nhắc nhở, phải gọi bà đến mấy lần: “Cho con gởi tiền”, bà mới sực nhớ ra và cầm lấy tiền, rồi móm mém cái nụ cười ấm áp tỏa sáng ấy, bà nói lời cảm ơn!
Thực lòng chưa phải lúc tôi tham gia trò chơi hái lộc, mà là vì bà lão hát hò khoan với một chất giọng truyền cảm lạ lùng. Âm không lớn mà nồng nàn, thanh không cao mà vời vợi xa vắng. Bà hát một cách tùy hứng, như bài ca chực chờ từ đâu trong lồng ngực bị dồn nén đến hồi vút ra ngoài bay bổng hồn nhiên giữa đất trời. Chẳng một sự lựa chọn nào cả. Hát như thế là vì yêu, vì say mà hát. Kiểu như bàn tay mẹ chạm vào sợi tao nôi là: “Ầu... ơ... ” bật lên, hoặc là chạm vào cồn bãi dâu xanh là vang vọng khúc hò khoan: Giả đò mang giỏ hái dâu. Ghé vô thăm bạn nhức đầu khá chưa. Chưa khá, băng đồng chi sá. Bẻ một nồi lá đem xông. Phải chi nên đạo vợ chồng. Đổ mồ hôi em quạt, ngọn gió lồng em che... Khoan hợi... hò khoan!
Nhưng rồi không chỉ là giọng ca của bà lão khiến tôi “cuồng tín” hát hò theo lầm thầm, mà là một câu chuyện khác. - “Lộc thì phải hái cả nhành dài thế này, chứ bình thường hái lá trầu đếm thành từng xấp mới bán cháu ạ!”. Vừa đưa cho tôi mấy nhánh trầu, bà lão vừa nói tiếp: -“Nói vậy chứ bây giờ chẳng có cô, có chị nào ăn trầu cả, may ra còn nhờ vào bán lộc giao thừa ngày Tết và mấy mùa cưới xin. Người hái lộc đầu năm giờ cũng gọn ơ, chẳng ai dạo xuân mà trèo lên cây hái lộc, họ chỉ cần bỏ tiền ra mua là xong. Quen đường, mấy năm nay từ trong quê bà gánh trầu ra xin ở lại chùa, tới giờ giao thừa gánh ra trước cổng ngồi bán. Cốt là nhớ mà đi, vui mà đi, chứ già như bà ăn uống có bao năm nữa mà buôn với bán... ”. Chẳng bao lâu, gánh trầu bà lão hết nhẵn. Và cũng bằng ngần ấy thời gian “chẳng bao lâu” ấy, tôi chắp nhặt câu chuyện bà lão kể với mình như thêm... một cái lộc đầu xuân đầy những bất ngờ.
Cô gái làng Yên lấy chồng về làng Gia Cốc vào thời đánh Tây ngày xưa. Ngày về nhà chồng, chỉ mang theo đôi mủng và hai mươi đồng bạc (thời đó còn gọi là bạc trâu xanh, bạc Đông Dương) của cha mẹ cho làm vốn. Nối nghiệp mẹ, chợ mai chợ chiều ngày hai buổi bà gánh trầu cau ra chợ bán buôn.
Gánh lộc lên chùa - Ảnh minh họa
Ngày xưa, không những người già mới ăn trầu, mà những cô gái cũng đều răng đen môi thắm, ăn trầu cũng là biết cách làm đẹp, làm mặn mòi thêm cái duyên con gái. Mọi lễ lạt đều phải có “miếng trầu là đầu câu chuyện”, đến những cụ ông cũng miệng mồm đỏ quạch cau trầu chứ không riêng gì các bà, các cô. Trầu thì nhiều thứ: trầu hương, trầu dầu, trầu sẻ, trầu nguồn... Những người buôn bán lớn chở hàng ghe nọ thuyền kia trầu vàng góp bến sông Bung. Chờ cau Đại Mỹ thuyền cùng về xuôi. Cô gái làng Yên thuộc vào hàng “buôn thúng bán mẹt”, vẻn vẹn mươi đồng vốn ấy xoay vòng ngày hai buổi chợ, trĩu nặng đời sống một gia đình ngày mỗi đông đúc dần ra.
Thời kháng chiến chín năm, chồng hy sinh ngoài mặt trận, một gánh trầu buôn bán nhỏ nhoi ấy phải nuôi cha mẹ chồng già yếu và các con thơ. Thế rồi các con lớn lên, đứa lấy chồng, đứa cưới vợ sinh con đẻ cháu bầy đàn.
Lại chiến tranh và mấy lần thiên tai, cô gái làng Yên bây giờ đã thành thiếu phụ, vẫn một gánh trầu chạy chợ nuôi đến thế hệ thứ ba cho cha chú bọn trẻ lên đường theo kháng chiến. Mà nào chỉ nuôi ông bà, con cái, cháu chắt không đâu, bà còn nuôi nhiều thứ lắm, và đến ngày Tết, ngày Trung thu bà còn cho được cái bánh, cái kẹo cho lũ trẻ con nghèo hàng xóm. Có đâu như bây giờ, chính phủ bỏ ra tỷ nọ tỷ kia, như cái nhà máy gì đó to đùng ở quê bà, mà toàn là những người ăn học tiến sĩ, kỹ sư nữa kia đấy, nhưng lại dựng nhà máy lên để đấy thành đống sắt rỉ, vốn liếng hết sạch sành sanh, đến nỗi chẳng được như bà mua cho lũ trẻ hàng xóm cái bánh cây kẹo ăn Tết.
Kể tới đây bà lão lại độ lượng cười thành tiếng: - “Coi bộ làm ăn lớn không ra chi thì về theo bà già này buôn trầu còn có ích cho đời hơn. Thôi, bà về quê ăn Tết kẻo cháu chắt ở nhà nó chờ”.
Bà lão xếp hai chiếc mủng vào một đầu gióng, quảy trên vai, lom khom bước ra khỏi con đường dẫn vào chùa. Tôi cầm mấy nhánh trầu lững thững bước theo sau như một đứa trẻ lũn cũn theo mẹ, lầm thầm cầu mong giao thừa năm đến bà lão lại tiếp tục gánh lộc lên chùa! Bà bước lên chiếc ô-tô buýt khởi hành vào buổi sáng đầu năm về quê, xe chạy vù qua rồi mà câu hò khoan như lẫn vào ngọn gió xuân loanh quanh nồng nàn làn hơi ấm bên tôi: Sông biển cạn lòng không cạn. Núi lở non mòn tình bạn không quên. Đương còn đi xuống, đi lên. Chứ... ơn bạn bằng biển ta đền bằng... non!