Tu viện nhìn từ xa
Thái tử Abtai Sain Khan, ông nội của Zanabazar (một vị lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng ở Đông Mông Cổ), đã ra lệnh cho xây dựng tu viện này vào năm 1585 sau khi ông gặp Đức Dalai Lama thứ ba và khi Phật giáo Tây Tạng được tuyên bố là quốc giáo ở Mông Cổ.
Đầu tiên, tu viện này bao gồm ba ngôi chùa mang kiến trúc Trung Hoa, được xây dựng bằng gạch và đá. Chúng xếp thành hàng ngang và quay mặt về hướng Đông.
Tu viện này bị hư hại nặng do chiến tranh vào những năm 1680 và được tái thiết lại vào thế kỷ XVIII, và vào năm 1872 đã có đến 62 ngôi chùa được xây dựng ở bên trong. Sau đó, những ngôi chùa và nhà ở khác được xây thêm xung quanh những ngôi chùa chính cũng như bên ngoài vòng thành, mà đầu thế kỷ XX, ước tính đã có hơn 700. Và quần thể tu viện này, vào thời kỳ hoàng kim của nó, có đến 1.500 Tăng sĩ cư trú.
Một góc tu viện Erdene Zuu
Tu viện Erdene Zuu trải qua những thời kỳ thăng trầm, và thời kỳ đen tối nhất của nó là vào năm 1937, khi Mông Cổ chịu sự kiểm soát của Xô Viết và dưới sự lãnh đạo của Khorloogiin Choibalsan. Ngoại trừ ba ngôi chùa cùng dãy tường thành ở bên ngoài, còn lại tất cả những ngôi chùa ở Erdene Zuu bị phá hủy và các Tăng sĩ (số lượng chưa được biết đến) bị sát hại hay bị đày đến những trại giam ở Siberia.
Chùa chiền ở Mông Cổ bị phá hủy trong giai đoạn này ước tính lên đến hàng trăm ngôi và trên mười ngàn Tăng sĩ bị sát hại. Tuy nhiên, một số lượng lớn các bức tượng cũng như những vật thể khác ở tu viện Erdene Zuu đã thoát khỏi bàn tay phá hoại nhờ vào sự giúp đỡ của quần chúng địa phương và những người lính có lương tâm. Những vật thể này được chôn ở những ngọn núi kế cận hay được cất giấu ở những nhà dân trong vùng.
Tu viện này vẫn còn đóng cửa mãi đến năm 1965, khi nó được tái mở cửa như một viện bảo tàng, mà không phải như một nơi thờ phụng. Chỉ sau khi chế độ cộng sản ở Mông Cổ sụp đổ vào năm 1990, việc tự do tôn giáo mới được phục hồi và tu viện mới sinh hoạt trở lại. Ngày nay, Erdene Zuu được nhiều người Mông Cổ xem là tu viện quan trọng nhất ở quốc gia này.
Ngoài những ngôi chùa còn sót lại ở trong quần thể, kiến trúc gây chú ý khác ở đây là bức tường thành dài khoảng 400 mét với bốn cổng lớn được xây dựng vào năm 1743. Bức tường thành được xây dựng để bảo vệ những ngôi chùa bên trong và để chống lại những tấn công của người Züüngar.
Qua thời gian, bức tường thành bị hư hỏng và vào đầu thế kỷ XIX, nó được xây lại bằng gạch và được bổ sung thêm 108 ngôi tháp. Những ngôi tháp này không giống nhau và mỗi ngôi mang tên của một vị thí chủ. Nhưng vào lần trùng tu vào năm 1990, chúng được tái thiết lại và mang kiến trúc giống nhau.
Bên ngoài tường thành có một ngôi chùa có tên là Laviran, mà nó nổi bật cả ở trong màu sắc và kích cỡ so với những chùa tháp ở khu vực tu viện Erdene Zuu. Ngôi chùa có màu vàng và trắng, khác với những công trình tôn giáo khác ở Mông Cổ thường thấy ngày nay là màu đỏ và màu xanh. Bên trong chùa Laviran, ta có thể nhìn thấy một bộ sưu tập về những di vật độc đáo tồn tại qua hàng thế kỷ.
Uy nghi
Một vật thể gây tò mò khác tại tu viện Erdene Zuu là tảng đá Kharkhorin nổi tiếng. Tảng đá này được cho có khả năng đặc biệt là ngăn chặn những suy nghĩ nhục dục. Truyền thuyết cho rằng một vị Tăng sĩ phạm giới dâm đã bị nhận lấy hình phạt nặng nề là bị thiến, và tu viện đã cho làm tảng đá này để nhắc nhở những Tăng sĩ khác về những trách nhiệm và bổn phận của họ. Tảng đá này được đặt trên một ngọn đồi bên ngoài tường thành của tu viện.
Ở tu viện Erdene Zuu, ta có thể thấy những tranh vẽ, đồ trang trí và vật thể thiêu thùa có niên đại từ thế kỷ XV - XVII. Cũng có một thư viện lưu trữ những chữ viết hiếm và những ấn bản in bằng khuôn gỗ. Ở đây cũng lưu giữ những tác phẩm của nhà điêu khắc và họa sĩ Zanabazar vào thế kỷ XVII. Ông là một người chuyên vẽ tranh minh họa kinh điển Phật giáo. Vào thời của ông, có một sự nở rộ về nghệ thuật và văn hóa ở Mông Cổ.
Ngắm tu viện giữa thảo nguyên Mông Cổ