Chú tiểu hồn nhiên - Ảnh minh họa của Đăng Huy
Tổ ấm yêu thương của chú là nơi mà ngày ngày chú có thể thả hồn, cho gió thổi qua từng kẽ tay, gió mang theo hơi thở của biển. Hoàng hôn nơi ấy có cái gì khó tả, nó chỉ là âm vang của từng đợt sóng gọi bờ rì rào. Rời xa nơi ấy đến với Nguyên Thiều, chú như đến với một thế giới khác, ít hẳn đi những tiếng nói cười, không ồn ào, không nhộn nhịp, mà chỉ là những tiếng chuông vang lên đều đặn ngày hai lần. Chính nơi đây chú đã tìm thấy vị Bồ-tát hiện đời, ai cũng như ai, đầu không tóc áo không màu, ít nói, hay cười và tất cả đều giống nhau và đều giống “Phật”.
Ngày chú được thầy cắt bỏ mái tóc xanh, chỉ còn lại lọn tóc cỏn con, mặc bộ vạt hò nâu sồng dài quá gối, thì trông chú có vẻ dễ thương hơn nhiều, cũng có dáng vẻ thanh cao, giải thoát như thầy, như Phật. Không biết là do hấp thụ tình thương, tấm lòng từ bi của Phật, của quý thầy hay sao mà khi cạo tóc để chỏm thì gương mặt của chú tiểu nào cũng trở nên xán lạn, nụ cười càng tươi, tỏa lên một vẻ rất thiên thần. Chính nét mặt đó, nụ cười đó đã chinh phục được tâm hồn của bao thi sĩ, nhạc sĩ để họ viết lên những áng văn, những bản nhạc:
Tôi yêu chú tiểu ngây thơ,
Hỏi vì sao chú lại ở chùa...
Thầy của chú là một nhà sư, nhà sư già. Ngày chú còn vô tư “rong ruổi” trên đồng làng thì tóc thầy đã ngả màu. Thầy lặng lẽ như con đò chưa một lần cập bến, sợ khách qua sông lại lỡ chuyến đò lặng nhìn con nước bạc, chẳng biết chảy về đâu. Với bao nhiêu gánh nặng đè vai, bao nhiêu lo âu, suy nghĩ, tóc thầy trở nên chóng bạc. Kẻ tu hành ai dại gì mà gánh lo âu, vậy mà thầy vẫn gồng thân già lên chở nặng những yêu thương, nhỏ giọt hạnh phúc để nuôi dưỡng hạt giống Bồ-đề nhỏ bé của các chú. Chú nhỏ bé trước thầy vĩ đại quá!
Ngày còn bé chú đã xa gia đình, chú thiếu tình cha, mẹ, anh chị… nhưng ở đây thầy đã cho chú tất cả. Thầy xuýt xoa mỗi lần chú vấp ngã và cũng là người dạy chú tự đứng lên; từ thầy, chú học được tính tự lập, tự lập khi còn bé. Cần ngọt ngào thì ngọt ngào, cần nghiêm túc thì xin sẵn sàng.
Tình thầy ấm áp như vầng dương, như bồi đắp giữa bến bờ xa thẳm, như cây đại thụ che chở cho chú qua cơn giông bão của cuộc đời. Nhưng hiếm khi thầy thổ lộ ra bên ngoài mà biểu lộ bằng âm thầm, lặng lẽ. Có lẽ vì thế mà chú cho rằng thầy thờ ơ, vô cảm quá.
Vì chú còn quá nhỏ, vì sự non nớt, những suy nghĩ thiếu chín chắn và sự hiếu động quá mức của tuổi trẻ làm thầy phải lao tâm khổ sở, và những trận đòn là không thể tránh khỏi. Mỗi lần “ăn đòn” là chú phải chắp tay hứa: “Bạch thầy! Con sẽ không lười”. Giờ đây chú đã lớn, chú có thể đi trên chính đôi chân của mình, chú không còn là chú tiểu nhỏ ngày nào, cứ mãi núp bóng yêu thương của thầy. Thế nhưng dù chú có lớn thế nào đi nữa, có già nua theo năm tháng thì trong mắt thầy chú vẫn cần được thầy chở che, chăm sóc.
Thời gian theo quy luật cứ trôi đi. Tóc thầy ngày càng bạc trắng vì sương gió của cuộc đời. Chú sợ ngày nào đó sẽ mất đi hình bóng một vị Phật trong đời. Nhưng chú đủ lớn để hiểu tất cả sẽ không vượt thoát ngoài quy luật của vô thường. Rồi cũng sẽ đến lúc thầy đi theo Phật về phương Tây xa lắm, nơi mà thầy vẫn hay dạy chú.
Nếu thầy cứ mãi bên chú thì chẳng bao giờ chú hiểu ra được những giây phút được bên nhau là cơ hội để yêu thương và chia sẻ, bởi lẽ một mai mất nhau rồi có hối tiếc cũng chẳng được gì. Nếu cuộc đời này cứ mãi êm trôi, phẳng lặng như mặt nước hồ thu thì chắc chẳng bao giờ chú trưởng thành...
Nhuận Sơn (thichnhuanson.1996@...)
Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.