Đừng chê ai hết

GN - 1. Ngó thấy lỗi người thật dễ, nhìn lỗi mình mới khó. Câu này nghe quen quen nhưng ta cứ... quên quên hoài, nên ta cứ hoài nói lỗi, chê bai hết người này tới người nọ, hết tổ chức này tới đất nước kia.

Chê là một tập khí dễ vận hành hơn khen, thừa nhận những giá trị của người khó hơn là tìm ra lỗi (dù nhỏ nhất, khó thấy nhất). Tất nhiên, nếu chúng ta hành xử theo tập khí này thì chắc chắn ta cũng sẽ bị đối lại như thế, trong trường hợp tương tự hoặc một trường hợp khác.

Làm người vì thế cứ phải... đấu đá nhau, để rồi lấy đi hạnh phúc của mình, của người mà cứ nghĩ như thế mới đem tới hạnh phúc hoặc bảo vệ những thành quả mà mình đang có.

suyt.jpg


Thực tập không nói lời chê bai - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Hôm qua, hôm kia gì đó, tôi đọc được đoạn ngắn trên Facebook của đồng đạo, câu chuyện kể rằng, có người hỏi vị thiền sư, làm hại người khác có tội không? Thiền sư trả lời: không.

Người đó thắc mắc quá, hỏi, làm hại người khác mà không tội, kỳ vậy? Thiền sư đáp, tội phước trong Phật giáo - trong đôi mắt của người học Phật không phải là quyền năng ban tặng hay trừng trị, vì tội phước được quy về chỗ nhân quả. Anh hại người thì anh gieo nhân xấu, anh sẽ chịu quả xấu theo tiến trình nhân quả của riêng anh, không ai có quyền bắt anh phải chịu hay không ai có quyền xóa nhân đó cho anh cả, nên trả lời không có tội là vì vậy.

2. Bạn tôi hồi tối nhắn tin, nói, tớ nghĩ kỹ rồi, điều tuyệt vời nhứt của một con người là mình nhận ra được cái sai, cái dở của bản thân để sửa chứ không phải mình sẽ làm cho mọi người thấy mình tốt đẹp như thế nào.

Câu ấy thật hay nếu mình đọc cho kỹ. Thực ra, mỗi ngày và mỗi người chúng ta đang diễn vai tốt đẹp cho mọi người thấy hơn là chỉnh sửa từ bên trong. Quan trọng là nhận ra những điểm chưa tốt của mình để mình thực sự tốt lên dù cho họ có nhận ra hay không. Diễn cho người ta hiểu mình tốt là ta đang cố tốt, biểu hiện (khoe) cái tốt cho người ta thấy mà không dám nói cái chưa tốt để sám hối là ta đang chạy theo tiếng khen, không dám đối mặt với sự thật cái dở còn đó trong mình - thì ngay đó ta đã không tốt rồi.

Cái đó là giả vờ có đạo đức, một kiểu bị kẹt mà hầu như ai cũng mắc phải, trong đó có người viết những dòng này. Tôi vẫn còn tham, vẫn còn sân, còn si mê dữ lắm. Nói thế để biết mình còn dở, như đứa em của tôi nói với tôi hồi chiều này: thiệt sự em vẫn còn háo sắc lắm!

Đó là một lời bộc bạch chân thành, một sự giãi bày để người kia hiểu được mình và thương mình, có cơ hội sẽ giúp mình, nâng đỡ mình.

3. Thật thà mà nói, tôi là người còn nhiều tham-sân-si, còn dính mắc đủ thứ trên trời dưới đất, còn buông lung, còn nghĩ, làm những điều mà nếu có một máy quay ghi lại hết tất cả thì... chắc kỳ cục lắm. Tôi đang cố gắng để sửa dần, bỏ bớt, để xin được làm người hiền.

Thầy dặn, đừng có chê ai hết nghe. Chê người khác là đem cái xấu bỏ vô tàng thức của mình, đem năng lượng không hay về tưới tẩm hạt giống tương tự trong ta. Điều này rất đúng, nói theo kiểu dân gian là “nói trước bước không khỏi”, nghĩa là ta sẽ vấp lại cái ta đã chê, đã nói người khác.

Họa tùng khẩu xuất còn ở chính nghĩa này - cái nghĩa ta sẽ rơi vào tình huống khóc dở khi ta mở miệng ra là lên mặt chê trách đủ thứ chuyện, với tất cả mọi người... Nhớ thế để tịnh ý, tịnh khẩu thì nhìn đâu cũng sẽ tịnh hết, cũng thấy được cái dễ thương của đất trời, cây cỏ và muôn loại. Được vậy thì ta sẽ kết thiện duyên, trở thành thân bằng quyến thuộc của số đông, ngược lại thì thành chống báng, thành oán thù.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.